Những điều bạn cần biết về chứng rong kinh
Rong kinh là một thuật ngữ y khoa dùng để chỉ tình trạng chảy máu kinh nguyệt kéo dài một cách bất thường. Đôi khi, tình trạng này có thể nghiêm trọng đến mức người bệnh cần truyền máu hoặc thậm chí phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Nguyên nhân của chứng rong kinh rất đa dạng, có thể liên quan đến nội tiết tố (như mất cân bằng estrogen và progesterone), hoặc do các tổn thương thực thể bên trong tử cung như u xơ tử cung lành tính. Ung thư tử cung hoặc các tế bào tiền ung thư cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu dữ dội. Ngoài ra, các vấn đề về y khoa khác, chẳng hạn như các bệnh về tuyến giáp, thận hoặc gan, rối loạn đông máu, cũng có thể là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng bệnh.
Nói cách khác, để xác định nguyên nhân và tìm ra cách khắc phục của chứng rong kinh, chúng ta cần thực hiện kiểm tra y tế một cách đầy đủ.
T.L. là một bà mẹ hai con 42 tuổi có tiền sử hành kinh kéo dài. Có lúc, việc ra máu quá nhiều đã khiến cô bị thiếu máu và trở nên kiệt sức. Cô đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề của mình, nhưng không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào có ý nghĩa.
T.L. đã gặp một số bác sĩ trong vài năm qua và thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Các lựa chọn phương pháp điều trị rong kinh phụ thuộc vào việc liệu người phụ nữ có đang ở trong độ tuổi sinh sản, và mong muốn của họ là gì. T.L. có một số u xơ tử cung nhỏ, nhưng không phải là nguyên nhân gây chảy máu dữ dội. Khả năng gây chảy máu của u xơ là tùy thuộc vào vị trí của khối u. Mức hemoglobin của cô là 8.6 g/dL thấp hơn giới hạn bình thường (12 – 15 g/dL) nhưng cô không cần truyền máu.
Thuốc tránh thai dạng uống chứa estrogen và progesterone không có tác dụng đối với T.L. Trong nhiều trường hợp, loại thuốc này là cách đơn giản để khắc phục tình trạng chảy máu dữ dội. Hình ảnh siêu âm cũng cho thấy T.L. bị lạc nội mạc trong cơ tử cung (adenomyosis). Về cơ bản, đây là một chứng lạc nội mạc của thành tử cung, xảy ra khi các niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Điều này có thể gây ra cơn đau dữ dội và hành kinh kéo dài. Trong trường hợp của T.L., tình trạng này diễn ra đồng thời với bệnh lạc nội mạc trong cơ tử cung, một dạng phát triển các mô tử cung bất thường khác.
Do bị lạc nội mạc trong cơ tử cung, nên T.L. không cần thực hiện can thiệp phá hủy nội mạc tử cung bằng cách sử dụng nhiệt năng để ngăn chảy máu kinh nguyệt.
Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, người phụ nữ sẽ có kinh nguyệt hàng tháng. Một chu kỳ bình thường kéo dài từ 24 – 36 ngày, trung bình là 28 ngày. Hiện tượng rụng trứng diễn ra vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ 28 ngày, giúp điều hòa quá trình hành kinh. Thời gian hành kinh thường từ 5 – 7 ngày. Lượng máu chảy ra nhiều hay ít là tùy thuộc cảm nhận chủ quan của từng người. Và khi một phụ nữ cảm thấy ra máu quá nhiều, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra công thức máu của cô ấy, giống như đã làm với T.L.
Mỗi người sẽ có nhận định khác nhau về việc ra máu quá nhiều. Nhưng một cách đơn giản để phát hiện tình trạng này là khi một phụ nữ phải thay băng vệ sinh hoặc miếng lót của mình trong vòng chưa đầy hai giờ, hoặc có các cục máu đông chiếm một phần tư lượng máu chảy ra.
Như đã nêu ở trên, nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt rất đa dạng. Nếu bạn cảm thấy hành kinh kéo dài và quá nhiều, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc y tá để được giúp đỡ. Họ sẽ tiến hành kiểm tra và các phương pháp điều trị phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn bao nhiêu tuổi và kế hoạch hóa gia đình của bạn là gì.
Đầu tiên, cần khai thác đầy đủ tiền sử chu kỳ kinh nguyệt của bạn (có đều hay không, tần suất bao nhiêu), loại thuốc đang dùng, tình trạng bệnh lý hiện mắc, và ảnh hưởng của bệnh lên cuộc sống của bạn (ví dụ cần xin nghỉ việc hoặc không thể đến trường). Tất cả những điều này cần được khai thác kỹ càng. Việc kiểm tra công thức máu, bao gồm cả nồng độ sắt, là nhanh chóng và dễ dàng. Nếu phát hiện tình trạng thiếu máu, bạn nên tiến hành các xét nghiệm bổ sung, đặc biệt nếu bạn đang ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc 20 tuổi. Ví dụ như kiểm tra các rối loạn chảy máu cơ bản, bao gồm bệnh Von Willebrand (VWD) hoặc các rối loạn đông máu khác. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC, VWD là một trong những rối loạn chảy máu phổ biến nhất ở phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng đến 1% dân số Hoa Kỳ. Và tôi cũng đã chẩn đoán khá nhiều về chứng rối loạn đông máu trong 37 năm hành nghề của mình.
T.L. đã phàn nàn về vấn đề ra máu quá nhiều. Tuy nhiên, cô không phàn nàn về việc ra máu giữa các chu kỳ kinh nguyệt, điều mà cũng có thể là một vấn đề nghiêm trọng. (Vấn đề này sẽ được thảo luận trong một bài báo khác.)
T.L cũng đã thử dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như Motrin, đôi khi có thể giúp giảm đau và cầm máu gây ra bởi chứng lạc nội mạc trong cơ tử cung. Tôi không thấy nhiều lợi ích từ việc sử dụng NSAID với những trường hợp như T.L., và cô ấy cũng thấy vậy.
Giờ thì, bạn nên bắt đầu làm việc với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và tìm ra những câu trả lời thích hợp cho tình trạng của mình. Miễn là không có các rối loạn đông máu hoặc các bệnh về tuyến giáp, gan hoặc thận, những lựa chọn điều trị cho tình trạng rong kinh là khá nhiều và đa dạng.
Một phương pháp điều trị đơn giản cho những phụ nữ trẻ là dùng thuốc tránh thai đường uống (loại chứa cả estrogen và progesterone). Điều này có thể mang lại những hiệu quả đáng kinh ngạc, mặc dù một số phụ nữ có thể muốn tránh các tác dụng phụ tiềm ẩn khi dùng lâu dài. Thuốc tránh thai chỉ chứa progesterone cũng có thể có hiệu quả.
Với những phụ nữ lớn tuổi, vì họ đã có gia đình và con cái, phương pháp phá hủy nội mạc tử cung có thể có đem lại hiệu quả tốt.
Với những phụ nữ bị u xơ tử cung, việc điều trị phụ thuộc vào vị trí khối u. Một số u xơ là vô hại, trong khi một số khác có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng. Cần phải loại bỏ nếu khối u xâm nhập vào niêm mạc tử cung, và trong một số trường hợp, cắt bỏ toàn bộ tử cung là cách duy nhất để điều trị bệnh. Mỗi người phụ nữ sẽ có một tình trạng khác nhau và cần những phương pháp điều trị cụ thể. Không có giải pháp chung cho tất cả các trường hợp.
T.L. được bắt đầu điều trị với acid tranexamic (TXA). TXA hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phá hủy các cục máu đông, từ đó làm dừng việc chảy máu. T.L. cần uống hai viên TXA tám giờ một lần ngay khi bắt đầu có kinh, sau đó tiếp tục trong năm ngày. Khi sử dụng phương pháp này, TXA có thể giảm khoảng 50% lượng máu kinh. TXA có hiệu quả rất tốt với T.L. và mức hemoglobin cuối cùng của cô ấy là 12.2 g/dL. Cô ấy sẽ sử dụng TXA trong vài năm tới, và sau đó chúng tôi sẽ đánh giá lại việc sử dụng thuốc này.
Nhiều bác sĩ sử dụng TXA trong trường hợp khẩn cấp để cầm máu cho phụ nữ bị băng huyết sau sinh và đã cứu nhiều phụ nữ khỏi việc cắt bỏ tử cung cấp cứu.
Bên cạnh đó, các loại thuốc mới hơn, chẳng hạn như Oriahnn và Myfembree, có thể được sử dụng để làm giảm chảy máu ở những phụ nữ bị u xơ tử cung.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times