Âm nhạc – Thanh âm của sự chữa lành
Liệu pháp âm nhạc cung cấp [cho chúng ta] một phương cách chữa bệnh êm dịu mà hiệu quả và được hỗ trợ nghiên cứu.
Tôi yêu âm nhạc, đặc biệt là một số bản nhạc jazz êm tai xưa cũ. Ví dụ như những bản nhạc do nhạc sĩ Herbie Hancock hay tay trống Harvey Mason biểu diễn. Thực tế là, hai nhân vật đó đã giúp tôi kiên trì trải qua những khoảng thời gian học hành suốt đêm để chuẩn bị cho các kỳ thi trong trường y khoa. Tôi thậm chí còn có thể trực tiếp gặp mặt để cảm ơn họ nhiều năm sau đó.
Âm nhạc có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên chúng ta mà hầu hết mọi người không nhận ra.
Nhà triết học Aristotle cho rằng âm nhạc thực sự có thể bắt chước cảm xúc và tính cách của con người. Ông đã lấy ví dụ như sự hòa nhã, hạnh phúc, tức giận, buồn bã và can đảm. Thần Apollo là vị thần âm nhạc của người Hy Lạp, cũng là vị thần của ánh sáng mặt trời và sự chữa lành. Ở Hy Lạp cổ đại, âm nhạc được cho là có khả năng tác động đến suy nghĩ và hành động của con người. Ngày nay [chúng ta] cũng có thể nói như vậy.
Bệnh nhân G.T. đến gặp tôi với tiền sử bị bệnh trầm cảm mãn tính. Cô ấy 41 tuổi, đã dùng rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm, và đã đến gặp một số bác sĩ trị liệu. Cô muốn biết liệu việc tiếp tục sử dụng nội tiết tố (hormone) có giúp ích được gì không. Đừng nghĩ rằng cô ấy vẫn còn khoảng 10 năm nữa mới mãn kinh. Nội tiết tố không phải là vấn đề của cô ấy – hay giải pháp cho vấn đề đó.
Tình cờ, tôi đọc được thông tin về việc sử dụng liệu pháp âm nhạc để điều trị bệnh trầm cảm, cũng như nhiều bệnh khác. G.T. đã rất mong đợi được thử nghiệm [liệu pháp này]. Đợt trị liệu mất vài tháng, nhưng cô ấy đã tìm lại được sự thanh thản và cải thiện đáng kể chứng trầm cảm của mình từ liệu pháp âm nhạc. Đợt trị liệu đó đã thay đổi cuộc đời cô.
Nhà triết học Plato đã nhận xét rằng các nhạc cụ khác nhau có các tác động khác nhau lên cảm xúc. Ngày nay, điều này vẫn giữ nguyên ý nghĩa như thời đó.
Liệu pháp âm nhạc đã trải qua một chặng đường dài, và vẫn còn ẩn chứa nhiều điều mà chúng ta cần khám phá. Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã mở một cuộc hội thảo được gọi là sáng kiến “Sức khỏe Âm thanh” vào tháng 01/2017 để tìm hiểu thêm [về phương pháp trị liệu này].
“Các kết quả nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng vỏ não vùng thính giác là khu vực quan trọng giúp tiếp thụ nhiều đặc điểm âm thanh độc đáo của âm nhạc, chẳng hạn như cao độ, nhịp điệu, và cấu trúc hài hòa, mặc dù vẫn còn nhiều điều cần được nghiên cứu để [chúng ta có thể] hiểu được đầy đủ về những tương quan thần kinh của việc nghe nhạc và tiếp thụ âm nhạc,” các nhà nghiên cứu đã viết.
Điều này có nghĩa là âm nhạc có khả năng giúp con người điều chỉnh những trải nghiệm và đối diện [với những trải nghiệm đó] theo cách hiệu quả hơn nhiều. Liệu pháp âm nhạc hiện được sử dụng để giúp điều trị chứng đau mãn tính, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, bệnh Parkinson, đột quỵ, nghiện ngập, tự kỷ, sa sút trí tuệ, cùng nhiều chứng bệnh và tình trạng khác.
Nhạc sĩ Ray Charles từng nói: “Âm nhạc mang đầy quyền năng. Khi mọi người nghe nhạc, họ có thể bị tác động. Họ phản hồi [lại với những thanh âm đó].”
Âm nhạc có thể giúp chúng ta tăng cường trí nhớ hoặc “lấy lại tâm trạng.” Chúng ta nhảy theo điệu nhạc có tông cao vút, âm vang sâu, nhịp độ nhanh tại hộp đêm, nhưng lại nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, bình yên khi ở trong một cửa tiệm tạp hóa là có lý do [của nó].
Âm nhạc là cách sử dụng sóng âm thanh để mang lại [cho chúng ta] trải nghiệm thú vị (tôi mong là vậy). Sóng âm thanh cũng được sử dụng trong y học, chẳng hạn như sóng siêu âm hoặc sóng âm tần số cao trong trị liệu để điều trị một số khối u nhất định.
Yehudi Menuhin, một nghệ sĩ vĩ cầm cổ điển và nhạc trưởng huyền thoại, đã mô tả âm nhạc là “một phương tiện giao tiếp quyền năng hơn nhiều so với lời nói, tức thì hơn, [và] hiệu quả hơn rất nhiều”.
Liệu pháp âm nhạc cũng có thể rất hữu ích với trẻ tự kỷ. Các nhà trị liệu phải tìm ra một trải nghiệm âm nhạc đánh đúng vào tâm lý của trẻ. Có một sự đối xứng giữa sóng não của chúng ta và sóng âm của âm nhạc. Liệu pháp âm nhạc dành cho trẻ tự kỷ [được coi là] thành công khi có bao gồm [những hiệu quả như] cải thiện hành vi xã hội, tăng khả năng chú ý, cải thiện giọng nói và kỹ năng giao tiếp, cũng như giảm lo lắng. Điều này được ghi trong một bản đánh giá có hệ thống, nghiên cứu về liệu pháp âm nhạc, “Âm nhạc – một giải pháp trị liệu cho bệnh tự kỷ,” được xuất bản trong tạp chí Therapeutic Recreation năm 2015.
Liệu pháp âm nhạc cũng đã được sử dụng như một phần của phương pháp tiếp cận tổng hợp trong việc điều trị chứng nghiện. Loại âm nhạc phù hợp có thể kích hoạt dopamine theo cách tương tự như một số loại ma túy bất hợp pháp [gây nên cho con người]. Điều này có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và cải thiện tâm trạng của một cá nhân.
Âm nhạc như một làn sóng âm thanh có thể giúp hệ thống thần kinh đối giao cảm trầm tĩnh, tăng thư giãn và giảm lo lắng. Một lưu ý thú vị là [bạn] cần phải ghi lại một “lịch sử âm nhạc” đầy đủ, vì một số bản nhạc có thể kích hoạt sự phản hồi của bộ nhớ. Điều đó gây phản tác dụng.
Một điều thú vị nữa của liệu pháp âm nhạc là phương pháp này được sử dụng trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh nhằm giảm thiểu những trải nghiệm đau đớn của [các] em bé sinh non, cũng như của cha mẹ và những người chăm sóc. Đây không phải là cách tiếp cận âm nhạc đơn giản, mà là liệu pháp âm nhạc được hiệu chỉnh và cá nhân hóa bằng cách sử dụng các mẫu âm thanh, cùng với các phản ứng sinh lý và thần kinh đã biết.
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Developmental Medicine and Child Neurology cho biết: “Liệu pháp âm nhạc có thể là một sự bổ sung hoặc một biện pháp thay thế đáng chú ý cho các phương pháp điều trị y tế khi xem xét những ảnh hưởng lâu dài của căng thẳng và đau đớn lặp đi lặp lại lên bộ não đang phát triển.”
Ngày nay, với vô số công nghệ có sẵn trong tầm tay, chúng ta có nhiều phương cách mới và hiệu quả để hưởng lợi từ liệu pháp âm nhạc. GOMO Music là một dịch vụ trực tuyến có khẩu hiệu hoàn chỉnh chính xác: “Cải thiện sức khỏe, tâm trạng, nỗi đau, và trí óc của bạn bằng âm thanh.” GOMO Music và các dịch vụ tương tự giúp mọi người ở khắp nơi có cơ hội tiếp cận với những lợi ích của liệu pháp âm nhạc một cách dễ dàng chỉ qua một ứng dụng.
Chúng ta có những sở thích âm nhạc khác nhau. Phần lớn những sở thích đó liên quan đến quá trình trưởng thành của chúng ta.
Tôi yêu nhạc jazz cổ điển và nhạc Klezmer (loại nhạc jazz dân gian của Đông Âu cũ). Các loại nhạc đó đã gắn bó với tôi trong quãng thời gian tôi lớn lên. Nhạc jazz khơi dậy trong tôi những ký ức từ thời thơ ấu.
Đừng cười. Tôi cũng thích Tom Jones, Muse, The Killers, Mumford & Sons, và Dean Martin khi tôi ở trong phòng phẫu thuật. Các loại nhạc này đặt tâm trí tôi vào trạng thái thích hợp và giữ cho sự căng thẳng trong phòng phẫu thuật ở mức tối thiểu. Âm nhạc đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và sức khỏe của chúng ta.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times