Hướng dẫn cơ bản về bệnh viêm khớp: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và giải pháp tự nhiên
Viêm khớp đang là một trong những căn bệnh phổ biến nhất thời nay, gây suy giảm chất lượng cuộc sống của rất nhiều người trên toàn thế giới, không chỉ là những người lớn tuổi. Bệnh thường liên quan đến tình trạng viêm, sưng, thoái hóa một hoặc nhiều khớp và gây đau khi cử động. Bài viết này cung cấp những thông tin cơ bản và hữu ích về các triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và giải pháp tự nhiên của bệnh viêm khớp.
Giải phẫu khớp
Các mô mềm đệm lót các khớp và ngăn cản ma sát giữa các xương. Sụn khớp là một mô liên kết giúp khớp không bị đau hoặc ma sát khi chuyển động.
Một số khớp được bôi trơn bằng lớp chất lỏng gọi là màng hoạt dịch trong khi những khớp khác được trợ giúp bởi gân (nối cơ với xương) và dây chằng (nối xương với xương). Các loại viêm khớp khác nhau ảnh hưởng đến các phần khác nhau của khớp.
Các loại viêm khớp phổ biến
Có hơn 100 loại bệnh viêm khớp, bao gồm:
1. Viêm xương khớp
Viêm xương khớp là sự thoái hóa khớp, một dạng viêm khớp do áp lực ở khớp gây phá hủy sụn khớp. Đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất, thường gặp ở bàn tay, hông và đầu gối.
Trong bệnh viêm xương khớp, khớp sẽ thay đổi và trở nên suy yếu theo thời gian. Dạng viêm khớp này có thể gây sưng đau, cứng khớp, dẫn đến giảm chức năng, khuyết tật cũng như ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của một người.
2. Viêm khớp dạng thấp
Loại viêm khớp phổ biến thứ hai là viêm khớp dạng thấp, một bệnh lý tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tấn công màng hoạt dịch khớp. Sự tấn công này dẫn đến viêm khớp, thường gặp nhất là ở bàn tay, đầu gối và mắt cá chân, thường đối xứng ở 2 bên. Trong một số ít trường hợp, viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây ra các vấn đề về mắt, tim và phổi.
Bệnh gout
Loại viêm khớp này do sự hình thành các tinh thể acid uric trong khớp. Gout gây viêm và sưng một khớp tại một thời điểm. Khớp bị ảnh hưởng phổ biến nhất là ngón chân cái. Tình trạng này ngày càng trở nên xấu hơn.
Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp còn được gọi là viêm khớp cột sống, thường xảy ra ở vùng thắt lưng, nhưng cũng có thể ở đầu gối, mắt cá chân và hông. Viêm khớp cột sống có thể gây ra dính các đốt sống, khiến cột sống cứng và không linh hoạt. Những bệnh nhân viêm khớp cũng có thể bị bệnh về mắt gọi là viêm màng bồ đào, vẩy nến, hoặc viêm ruột.
Viêm khớp vị thành niên
Còn gọi là viêm khớp vô căn ở trẻ vị thành niên, căn bệnh này ảnh hưởng đến trẻ em dưới 16 tuổi bằng cách tấn công các mô xung quanh khớp. Dạng viêm khớp vị thành niên phổ biến nhất là viêm khớp vô căn ở tuổi vị thành niên, một bệnh lý kinh niên ảnh hưởng đến khoảng 300,000 trẻ em dưới 18 tuổi. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân viêm khớp vị thành niên sẽ xuất hiện triệu chứng dai dẳng 10 năm sau khi được chẩn đoán.
Viêm khớp vẩy nến
Viêm khớp vẩy nến gây ra tình trạng da đỏ, có vảy, viêm và đau ở những bệnh nhân vẩy nến. Trung bình có tới 30% bệnh nhân vẩy nến sẽ bị viêm khớp vẩy nến. Triệu chứng của viêm khớp vảy nến tương tự như viêm khớp dạng thấp nhưng có xu hướng ít ảnh hưởng đến khớp hơn.
Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của bệnh viêm khớp
Một số triệu chứng có ở mọi loại viêm khớp, trong khi một số triệu chứng đặc hiệu cho một số loại nhất định. Các triệu chứng viêm khớp thường gặp là:
- Sưng.
- Nóng.
- Đỏ.
- Đau.
- Ấn đau.
- Cứng khớp
Viêm khớp dạng thấp có những triệu chứng phổ biến giống với các loại viêm khớp khác, nhưng cũng có thể bao gồm các triệu chứng khác:
- Các triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tuần.
- Cứng khớp buổi sáng.
- Triệu chứng xuất hiện ở nhiều khớp.
- Mệt mỏi.
- Sốt nhẹ.
Viêm cột sống dính khớp thường gây cứng và đau ở vùng thắt lưng theo đợt. Cơn đau thường nặng hơn khi nghỉ ngơi, như vào lúc nửa đêm hoặc sau khi ngồi lâu.
Trẻ đi khập khiễng vào buổi sáng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp vị thành niên. Trẻ em có thể xuất hiện các đợt bùng phát triệu chứng cố định hoặc nhiều trẻ có thể không bao giờ gặp lại các triệu chứng này sau khi bùng phát.
Viêm khớp vẩy nến cũng có thể có các triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp. Loại viêm khớp này thường gặp ở ngón tay, ngón chân và có thể dẫn đến biến dạng khớp. Các triệu chứng của bệnh vẩy nến có thể phát triển trước hoặc sau khi bị viêm khớp.
Nguyên nhân viêm khớp
Nói chung, viêm khớp tiến triển theo các bước sau:
- Viêm khớp (bao gồm do hoạt động quá mức, phản ứng miễn dịch và tinh thể acid uric).
- Tổn thương khớp.
- Cứng khớp.
- Rối loạn phát triển khớp (phát triển bất thường quá mức, bào mòn, v.v.).
Tùy thuộc loại viêm khớp mà có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn
1. Viêm xương khớp
Viêm xương khớp có thể được gây ra bởi sự bào mòn mặt khớp. Sự bào mòn làm phá hủy sụn khớp, gây đau, khó chịu và giảm tầm vận động.
2. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, trong đó cơ thể tự tấn công bản thân mình khi xác định các phần của khớp là vật lạ.
3. Bệnh gout
Nguyên nhân gây bệnh gout là do tăng acid uric máu, một tình trạng liên quan đến nồng độ acid uric cao trong cơ thể. Trong quá trình ăn uống, purin [sinh ra] tự nhiên trong cơ thể và trong nhiều loại thực phẩm sẽ bị phân hủy. Khi có quá nhiều acid uric, các tinh thể acid uric sẽ tích tụ trong các khớp, dịch và mô của cơ thể, gây viêm đau. Tăng acid uric máu không phải lúc nào cũng dẫn đến bệnh gout.
Viêm cột sống dính khớp
Nguyên nhân của viêm cột sống dính khớp vẫn chưa được biết rõ, mặc dù các nhà nghiên cứu tin rằng di truyền và môi trường có vai trò nhất định. Đặc biệt, gene HLA-B27 được biết là có nguy cơ nhưng không chắc chắn sẽ gây ra dạng viêm khớp này.
1. Viêm khớp vị thành niên
Nguyên nhân chính xác gây viêm khớp ở trẻ em vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù bệnh viêm khớp ở trẻ vị thành niên không phải do di truyền nhưng các nhà khoa học tin rằng có liên quan đến yếu tố di truyền. Tuy nhiên, việc trẻ em trong cùng một gia đình bị viêm khớp vị thành niên là điều bất thường. Có thể một yếu tố môi trường, chẳng hạn như virus, có thể gây ra loại viêm khớp này.
2. Viêm khớp vẩy nến
Các nhà nghiên cứu không biết nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp vẩy nến, nhưng có khả năng là sự kết hợp giữa gene, yếu tố môi trường và hệ miễn dịch tự thân đã góp phần vào sự phát triển bệnh.
Ai có nguy cơ bị viêm khớp
Các yếu tố khiến bạn có nhiều nguy cơ bị bệnh viêm khớp như sau:
- Hoạt động thể thao: Một số môn thể thao và hoạt động thể chất có thể gây áp lực cho khớp lặp đi lặp lại.
- Bệnh tự miễn: Hệ miễn dịch của cơ thể tấn công các thành phần của khớp.
- Nhiễm virus: Virus có thể gây viêm khớp.
- Tuổi: Viêm khớp phổ biến hơn ở người lớn tuổi.
- Hút thuốc: Những người hút thuốc có hàm lượng protein gây viêm cao hơn.
- Giới tính: Phụ nữ có khả năng bị viêm khớp cao hơn, trong khi nam giới có khả năng bị bệnh gout cao hơn.
- Béo phì: Cân nặng lớn hơn có thể gây áp lực quá mức cho khớp.
- Chấn thương khớp: Chấn thương có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm khớp hiện có.
- Chủng tộc: Một số dân tộc Á Châu có tỷ lệ bị bệnh viêm xương khớp thấp hơn.
- Bệnh viêm ruột: 15 đến 20% bệnh nhân bị bệnh Crohn và 10% người bị viêm loét đại tràng sẽ bị viêm khớp (đặc biệt là viêm cột sống dính khớp).
- Kiểu gene kháng nguyên bạch cầu người (HLA) loại 2: Những gene này dễ gây ra viêm khớp hơn hoặc làm trầm trọng thêm bệnh hiện có.
- Tiền sử gia đình: Một số loại viêm khớp có thể di truyền theo gia đình.
Chẩn đoán viêm khớp
Chẩn đoán viêm khớp bắt đầu bằng khám thực thể. Trong quá trình khám, chuyên gia chăm sóc y tế sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh và ảnh hưởng của cơn đau khớp đến cuộc sống. Đồng thời đánh giá tầm vận động, mức độ sưng, đau khớp.
Ngoài bệnh sử và khám thực thể, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để chẩn đoán xác định viêm khớp hoặc loại viêm khớp.
Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm hoặc MRI có thể xác định:
- Gãy xương.
- Trật khớp.
- Phá hủy sụn.
- Tổn thương cơ.
- Tổn thương gân.
- Tổn thương dây chằng.
- Viêm mô mềm.
Xét nghiệm máu thường không chẩn đoán được bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, xét nghiệm này có thể giúp xác định loại viêm khớp, như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout và viêm khớp vẩy nến.
Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán bệnh gout bằng cách phát hiện acid uric trong máu. Các xét nghiệm khác xác định tình trạng viêm có thể chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có thể chẩn đoán bệnh viêm khớp vẩy nến bằng xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR), xác định tốc độ lắng tụ hồng cầu ở đáy ống nghiệm. Hồng cầu kết tụ lại với nhau càng nhanh thì tình trạng viêm càng trầm trọng.
Xét nghiệm di truyền đôi khi cũng có thể giúp xác định loại viêm khớp.
Biến chứng của viêm khớp
Viêm khớp có nhiều biến chứng, trong đó một số biến chứng chỉ xuất hiện ở một số loại viêm khớp.
1. Viêm khớp dạng thấp
Các biến chứng của viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Các vấn đề về mắt, như khô, đau, viêm, đỏ, nhạy cảm với ánh sáng và suy giảm thị lực.
- Khô miệng và viêm nướu hoặc nhiễm trùng.
- Khó thở do xơ phổi và viêm.
- Viêm mạch dẫn đến tổn thương dây thần kinh, da và các cơ quan.
- Thiếu máu.
- Viêm tim.
- Tăng cân do hạn chế tập thể dục thường xuyên.
2. Viêm cột sống dính khớp
Các biến chứng của viêm cột sống dính khớp bao gồm:
- Sưng đau và cứng ở các khớp khác như xương sườn, vai, đầu gối và bàn chân.
- Khó thở nếu xương sườn bị viêm.
- Viêm mắt.
- Mệt mỏi.
- Chán ăn.
- Sút cân.
- Đau bụng.
- Phân lỏng.
- Bệnh vẩy nến.
3. Viêm khớp vị thành niên
Viêm khớp vị thành niên có thể tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng và phát triển xương. Các khớp có thể phát triển không đều, dẫn đến một chi dài hơn hoặc ngắn hơn bên kia. Trẻ em cũng có thể bị viêm mắt dẫn đến đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp hoặc mù lòa nếu không được điều trị.
4. Viêm khớp vẩy nến
Các biến chứng của viêm khớp vẩy nến bao gồm những biến chứng do hạn chế tập thể dục và cơ thể sử dụng sắt không hiệu quả:
- Bệnh tiểu đường.
- Tăng huyết áp.
- Tăng cholesterol.
- Béo phì.
- Mệt mỏi.
- Thiếu máu.
Các phương pháp điều trị viêm khớp
Không có cách chữa trị viêm khớp. Thuốc và các liệu pháp khác có thể giảm thiểu các triệu chứng và biến chứng của viêm khớp. Trong trường hợp xấu nhất, chuyên gia chăm sóc y tế có thể đề nghị phẫu thuật.
1. Thuốc
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm khớp là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và các loại thuốc chống viêm khác. Acetaminophen cũng có thể giúp giảm đau. Chất nhờn (Viscosupplementation) là một loại thuốc chích có thể được sử dụng để bôi trơn khớp.
Các loại thuốc khác điều trị các bệnh viêm khớp cụ thể, gồm:
- Colchicine: Thuốc nhằm ngăn chặn các cơn gout cấp nhưng có thể có tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ ít trầm trọng như buồn nôn và nôn, những tác dụng phụ trầm trọng hơn như chảy máu bất thường và giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
- Corticosteroid: Đây là những thuốc chống viêm tác dụng nhanh. Do tác dụng phụ, không nên dùng corticosteroid kéo dài nhưng có thể sử dụng trong nhiều tháng. Một số tác dụng phụ bao gồm tăng đột ngột đường máu, tăng huyết áp và thay đổi tâm trạng. Corticosteroid được sử dụng cho bệnh gout, viêm cột sống dính khớp và viêm khớp vị thành niên. Một số corticosteroid bao gồm cortisone, prednisone và methylprednisolone.
- Thuốc sinh học: Những loại thuốc này được sử dụng cho bệnh viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, viêm khớp vị thành niên và viêm cột sống dính khớp. Thuốc sinh học là các phân tử lớn được tạo ra trong các tế bào sống có tác dụng ngăn chặn hoặc giảm viêm. Những loại thuốc này làm suy giảm hệ miễn dịch nên tăng nguy cơ nhiễm trùng. Các thuốc sinh học phổ biến bao gồm adalimumab, rituximab, anakinra và abatacept.
- Thuốc ức chế Janus kinase (JAK): Thuốc ức chế JAK là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs), không phải thuốc sinh học được sử dụng để điều trị viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến và viêm khớp dạng thấp. Những loại thuốc này chỉ có dạng thuốc viên. Có ba chất ức chế JAK: tofacitinib, baricitinib và upadacitinib. Thuốc ức chế Janus kinase làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): là thuốc chống viêm được sử dụng cho bệnh viêm khớp vị thành niên và các loại viêm khớp khác. Tất cả DMARDs đều có nguy cơ nhiễm trùng. Thuốc ức chế sinh học và JAK đều thuộc nhóm thuốc này.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Ban đầu được sử dụng để ngăn ngừa đào thải nội tạng khi cấy ghép, hiện nay thuốc ức chế miễn dịch được dùng cho các bệnh tự miễn như viêm khớp vẩy nến và viêm khớp dạng thấp. Thuốc ức chế miễn dịch bao gồm DMARDs cũng có cùng nguy cơ như nhau. Methotrexate có thể điều trị viêm khớp vẩy nến nặng và viêm khớp dạng thấp dai dẳng.
Nên thảo luận về các loại thuốc và tác dụng phụ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế trước khi dùng bất kỳ loại nào.
2. Phẫu thuật
Những trường hợp nặng có thể cần đến phẫu thuật với hai lựa chọn: sửa chữa và thay khớp. Nếu bị viêm cột sống dính khớp nặng, một lựa chọn phẫu thuật là cắt cung sau đốt sống, giúp giảm áp lực lên dây thần kinh. Hoặc có thể phải phẫu thuật làm thẳng cột sống hoặc kết hợp xương. Các loại phẫu thuật khác có thể bao gồm thay khớp háng, mắt cá chân, vai và đầu gối do tổn thương khớp.
3. Các liệu pháp khác
Ngoài thuốc và phẫu thuật, các liệu pháp khác có thể giải quyết các triệu chứng hoặc biến chứng của viêm khớp, bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Các bài tập có hướng dẫn giúp cải thiện chức năng cơ và khớp.
- Hoạt động trị liệu: Những liệu pháp can thiệp này giúp tìm ra những cách dễ dàng hơn để tiếp tục thực hiện các hoạt động hàng ngày và khuyến khích sự tự chủ.
- Tập thể dục: cải thiện khả năng vận động và tư thế để kiểm soát cơn đau và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Chườm nóng hoặc lạnh có thể làm giảm đau khớp. Nhiệt nóng có thể bôi trơn khớp, trong khi lạnh làm giảm viêm.
- Điều trị bằng tia cực tím: Điều trị bằng ánh sáng, tia cực tím A (UVA), tia cực tím B (UVB) hoặc psoralen cộng với UVA (PUVA), có thể làm giảm tình trạng viêm trong bệnh viêm khớp vẩy nến và viêm khớp dạng thấp.
- Phản hồi sinh học: Rèn luyện cách bộ não trải qua nỗi đau và căng thẳng.
Ảnh hưởng của tinh thần đến bệnh viêm khớp
Sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến cách một người trải qua các triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm khớp.
Lo lắng và trầm cảm là những tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất mà những người bệnh viêm khớp gặp phải. Sức khỏe tâm thần có thể tác động đến các triệu chứng và ngược lại. Trầm cảm và lo lắng khiến cơ thể rơi vào trạng thái viêm và có thể làm giảm ngưỡng chịu đau của một người, trong khi cơn đau gia tăng có thể làm tăng trầm cảm và lo lắng.
Những người bệnh trầm cảm và lo âu cũng ít tuân theo kế hoạch điều trị. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh lý khác.
Chú tâm vào khoảnh khắc hiện tại (mindfulness) có thể giúp kiểm soát các triệu chứng sức khỏe tâm thần do viêm khớp như lo lắng, trầm cảm và căng thẳng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng liệu pháp này cũng có thể giúp kiểm soát cơn đau.
Căng thẳng có thể làm tăng các cơn bùng phát và các triệu chứng viêm khớp. Quản lý căng thẳng đòi hỏi phải học cách giảm thiểu các tác nhân gây căng thẳng, chấp nhận những gì không thể thay đổi và vượt qua tác hại của căng thẳng. Học các cơ chế ứng phó như điều chỉnh cách suy nghĩ có thể giúp kiểm soát căng thẳng, giảm các cơn bùng phát và các triệu chứng.
Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với bệnh viêm khớp
Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp nhưng một số phương pháp tự nhiên có thể giúp kiểm soát bệnh.
Nhiều liệu pháp thả lỏng, chăm sóc cơ thể và tâm trí như yoga, thái cực quyền, thiền, châm cứu, xoa bóp và hít thở sâu, giúp giảm đau và căng thẳng liên quan đến viêm khớp.
Một nghiên cứu cho thấy thái cực quyền có những lợi ích tương tự như vật lý trị liệu cho bệnh viêm xương khớp đầu gối. Một nghiên cứu khác cho thấy yoga có thể làm giảm các triệu chứng viêm khớp gối.
Nếu viêm khớp gối trầm trọng đến mức cần phải phẫu thuật nhưng người bệnh không thể thực hiện thì châm cứu có thể là một lựa chọn. Một phân tích gộp cho thấy châm cứu có thể giúp giảm đau ngắn hạn đối với chứng đau đầu gối kinh niên do viêm xương khớp.
Những người bệnh viêm khớp cũng có thể được hưởng lợi từ liệu pháp xoa bóp.
1. Chất bổ sung
Các chất bổ sung từ thảo dược và thực phẩm đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong việc giảm thiểu các triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, dữ liệu không ủng hộ đầy đủ cho hầu hết các tuyên bố này và cần nghiên cứu thêm.
Các chất bổ sung có thể giúp chữa bệnh viêm khớp bao gồm:
- Glucosamine với chondroitin sulfate: Những chất này có thể làm giảm đau viêm xương khớp gối với ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, không dùng glucosamine nếu dị ứng với giáp xác. Glucosamine cũng có thể làm tăng đường máu, vì vậy hãy lưu ý điều này nếu bạn bị tiểu đường. Không dùng glucosamine khi đang dùng thuốc chống đông hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu vì chondroitin có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc này.
- Trầm hương (Boswellia serrata): có đặc tính chống viêm, giảm đau và chống viêm khớp. Một tổng quan hệ thống và phân tích gộp cho thấy chiết xuất trầm hương giúp cải thiện cơn đau, cứng khớp và chức năng khớp sau một tháng sử dụng. Một nghiên cứu khác cho thấy trầm hương giúp tăng chức năng cơ học mà không có tác dụng phụ trầm trọng.
- Curcumin: Hợp chất có hoạt tính sinh học trong củ nghệ, tác dụng chống viêm và chống oxy hóa bằng cách ức chế sản xuất các chất trung gian gây viêm. Một nghiên cứu cho thấy curcumin an toàn và ít tác dụng phụ hơn NSAID diclofenac. Curcumin cũng được chứng minh là làm giảm đau đầu gối với tác dụng phụ tối thiểu.
- Eremostachys laciniata: Một loại thuốc sắc cổ truyền, bao gồm rễ và hoa của loại thảo mộc Iran, giúp làm giảm các tình trạng viêm như viêm khớp. Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đơn cho thấy rằng bôi thuốc mỡ E. laciniata 5% làm giảm đau đáng kể sau hai tuần.
- Hoa cúc: Hoa cúc thường được sử dụng để điều trị đau khớp. So với các loại thuốc và giả dược khác, dầu hoa cúc làm giảm đáng kể nhu cầu sử dụng acetaminophen và không có tác dụng phụ.
- Gừng: Gừng nổi tiếng với khả năng giảm viêm. Một nghiên cứu trong đó những người tham gia nhận được hai viên gừng 500mg/ngày trong 12 tuần cho thấy mức độ đau được cải thiện và sự hài lòng của bệnh nhân tăng lên mà không có tác dụng phụ nào khác, so với phương pháp điều trị do các chuyên gia chỉnh hình chỉ định.
- Calcium: Việc bổ sung đủ calcium đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân viêm khớp đang được điều trị bằng corticosteroid.
- Vitamin D: Vitamin D có thể giúp giảm nguy cơ viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Những người bổ sung thiếu vitamin D cũng có khả năng bị viêm xương khớp nặng hơn gấp ba lần so với những người bổ sung đầy đủ.
2. Dinh dưỡng
Thực phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể. Ăn đúng loại thực phẩm cũng có thể giảm bớt gánh nặng để sống chung với bệnh viêm khớp.
Ăn nhiều thực phẩm nguyên chất và tránh thực phẩm chế biến sẵn có thể giúp giảm viêm và đau khớp.
Một số loại thực phẩm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm khớp:
- Cá là nguồn cung cấp acid béo omega-3 tốt, có thể giúp giảm viêm. Dầu cá có thể giúp giảm sưng và cứng khớp buổi sáng.
- Các loại hạt cũng có tác dụng chống viêm vì hàm lượng chất béo không bão hòa đơn.
- Các loại trái cây như dâu tây, quả mâm xôi, quả việt quất và quả mâm xôi đen có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa. Vitamin C và K trong trái cây giúp chống viêm. Vitamin K có trong bông cải xanh, rau bina, rau diếp, cải xoăn và bắp cải.
- Dầu ô liu cũng chứa chất béo lành mạnh và oleocanthal. Oleocanthal có đặc tính tương tự như NSAID.
- Đậu chứa các hợp chất chống viêm, chất dinh dưỡng thực vật và chất xơ.
- Ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh nhờ hàm lượng chất xơ gây no.
Một số người cho rằng tránh các loại cây họ Cà như khoai tây, cà tím, cà chua và ớt có thể làm giảm các triệu chứng viêm khớp. Tuy nhiên, không có đủ dữ liệu để ủng hộ những tuyên bố này.
Mặc dù thịt và hải sản từ động vật ăn có chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng những người bị bệnh gout có thể tránh tiêu thụ do có thể làm tăng nồng độ acid uric. Những người bị bệnh gout cần ăn ít purine để giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh. Những thực phẩm cần tránh bao gồm:
- Đồ uống có đường.
- Siro bắp có hàm lượng fructose cao.
- Rượu bia.
- Thịt và nội tạng thú rừng.
- Gà tây.
- Một số hải sản (cá trích, trai, sò điệp, cá ngừ, cá hồi, cá tuyết, cá tuyết chấm đen).
- Men nở.
- Thịt đỏ.
Phòng ngừa viêm khớp
Thay đổi các hành vi dưới đây có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm khớp:
- Bỏ thuốc lá nếu đang dùng.
- Tránh các bài tập cường độ mạnh.
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
- Giảm thiểu nguy cơ chấn thương khớp như gãy xương và trật khớp.
Các bài tập trong hoạt động hàng ngày có thể giảm thiểu mức độ cứng và dễ dàng cử động khớp. Các bài tập cường độ trung bình và giãn cơ vừa phải có thể làm giảm đau khớp và cải thiện sự cân bằng.
Tập thể dục nhịp điệu làm tăng nhịp tim cũng rất cần thiết. Những hoạt động như vậy có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm cân, giảm căng thẳng cho khớp.
Điều quan trọng cần nhớ là hạn chế các bài tập đe dọa đến khớp. Một số điều cần nhớ khi bạn tập thể dục bao gồm:
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times