Phòng ngừa và điều trị bệnh Gout
Cùng với tìm hiểu cách Trung y tiếp cận phương pháp điều trị bệnh Gout.
Bệnh Gout là một bệnh viêm khớp phổ biến thường gây đau, sưng và viêm dữ dội ở các khớp như ngón chân cái, cổ tay, và đầu gối. Ước tính có khoảng 9.2 triệu người Hoa Kỳ bị bệnh Gout, phổ biến hơn ở nam giới và người lớn tuổi.
Bệnh Gout là do acid uric tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Acid uric là một chất tự nhiên được sản sinh trong cơ thể và bài tiết qua thận. Khi cơ thể không thể bài tiết đủ lượng acid uric một cách hiệu quả, acid uric có thể tích tụ trong máu và hình thành tinh thể, cuối cùng gây ra các cơn Gout tấn công quanh khớp.
Nguyên nhân có thể gây tích tụ acid uric
Acid uric chủ yếu có nguồn gốc từ sự phân hủy purine, từ thực phẩm và/hoặc do cơ thể tổng hợp. Sự tích tụ acid uric có thể do những nguyên nhân sau:
- Yếu tố di truyền: Một số người có thể có yếu tố di truyền khiến họ dễ sản sinh quá nhiều acid uric hoặc bài tiết acid uric kém hiệu quả, do đó làm tăng nguy cơ bị bệnh Gout.
- Cách ăn uống: Ăn quá nhiều thực phẩm chứa purine như thịt, hải sản, v.v…, có thể dẫn đến tăng sản sinh và tích tụ acid uric trong cơ thể.
- Béo phì: Béo phì cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị bệnh Gout vì béo phì ảnh hưởng đến quá trình bài tiết acid uric của cơ thể.
- Bệnh mạn tính: Một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường và bệnh thận có thể ảnh hưởng đến quá trình bài tiết acid uric và do đó làm tăng nguy cơ tích tụ acid uric.
Các nghiên cứu đã xác nhận rằng mối quan hệ hai chiều giữa huyết áp cao (tự báo cáo) và bệnh Gout. Kết quả nghiên cứu này cho thấy so với những người có huyết áp bình thường, bệnh nhân cao huyết áp có nguy cơ bị bệnh Gout tăng 88%. Mặt khác, những bệnh nhân Gout có nguy cơ bị cao huyết áp tăng 18% so với những người không bị Gout.
Cách phòng ngừa bệnh Gout
Các cơn Gout gây đau đớn dữ dội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Để ngăn ngừa các cơn Gout tấn công, hãy cải thiện và quản lý lối sống cũng như cách ăn uống. Dưới đây là một số lời khuyên để phòng ngừa bệnh Gout:
- Điều chỉnh cách ăn uống: Kiểm soát việc ăn các thực phẩm có hàm lượng purine cao như thịt, nội tạng, hải sản, cùng nhiều loại khác. Tăng lượng thức ăn có hàm lượng purine thấp như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, v.v… Ngoài ra, cần tránh alcohol, đặc biệt là bia và rượu mạnh, vì alcohol có thể đẩy nhanh quá trình sản sinh và tích lũy acid uric.
- Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý và tránh béo phì có thể giúp giảm nguy cơ bị Gout. Một nghiên cứu được công bố trên Arthritis Research & Therapy (Tập san Nghiên Cứu và Trị Liệu Viêm Khớp) vào năm 2021 cho thấy tăng cân là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến sự phát triển của bệnh Gout, đặc biệt là tăng cân ở tuổi trưởng thành. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng những phát hiện này cho thấy việc duy trì cân nặng lành mạnh và giảm cân trong suốt tuổi trưởng thành là rất quan trọng để phòng ngừa và điều trị bệnh Gout.
- Uống nhiều nước hơn: Uống đủ nước giúp tăng bài tiết acid uric và ngăn ngừa sự tích tụ acid uric trong cơ thể. Nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan đáng kể giữa lượng nước uống ít hơn và tình trạng tăng acid uric máu. Sau khi điều chỉnh độ tuổi, giới tính, tình trạng cao huyết áp và các yếu tố khác, người ta thấy rằng những người uống nhiều nước hơn có nguy cơ tăng acid uric máu thấp hơn 58%.
- Tập thể dục vừa phải: Tập thể dục vừa phải giúp kiểm soát cân nặng và cải thiện quá trình trao đổi chất, giúp phòng ngừa bệnh Gout.
- Dùng thuốc phù hợp: Các bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân dùng các loại thuốc cụ thể, chẳng hạn như thuốc hạ acid uric, để giúp giảm nồng độ acid uric và ngăn ngừa các cơn Gout.
- Tránh căng thẳng và chấn thương: Tránh tạo áp lực hoặc chấn thương lên khớp quá mức để ngăn ngừa các cơn Gout.
Vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự khởi phát của bệnh Gout nên việc phòng ngừa bệnh là một quá trình toàn diện đòi hỏi sự tích hợp của nhiều phương pháp khác nhau và điều chỉnh lối sống. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh Gout hoặc đang có các triệu chứng, tốt nhất bạn nên xây dựng kế hoạch phòng ngừa cho riêng mình.
Trung y điều trị bệnh Gout như thế nào?
Điều trị bệnh Gout bằng Trung y luôn bắt đầu từ thể trạng tổng thể của bệnh nhân và nguyên nhân gây ra bệnh Gout, thường bao gồm thuốc thảo dược Trung Hoa, điều chỉnh cách ăn uống, châm cứu, xoa bóp, và các phương pháp khác.
Trung y tin rằng vạn vật hay hiện tượng trong tự nhiên đều có hai đặc tính đối lập là “âm” và “dương.” Ví dụ như có đất và trời, lạnh và nóng. Những năng lượng âm và dương này đối lập nhau nhưng lại phụ thuộc lẫn nhau và không thể tồn tại nếu không có cái kia. Khi âm và dương trong cơ thể cân bằng thì con người sẽ khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, mọi việc sẽ được phối hợp nhịp nhàng và ổn định. Nếu không, sẽ xảy ra nhiều vấn đề trong cơ thể.
Về mặt đó, các bác sĩ Trung y sẽ chuẩn bị các loại thuốc sắc thảo dược Trung Hoa dựa trên đặc điểm và triệu chứng thể chất của bệnh nhân để điều chỉnh cân bằng âm dương của cơ thể, thanh nhiệt và thải độc, kích hoạt lưu thông máu, loại bỏ ứ máu và acid, lợi tiểu.
Ngoài ra, theo Trung y, nhiều bệnh tật cũng có thể do các tác động của môi trường gây ra, bao gồm gió, lạnh, nóng, khô, ẩm, và lửa.
Trong các cơn Gout cấp tính, có thể sử dụng các bài thuốc thanh nhiệt như Sài Hồ Thanh Can thang. Các triệu chứng nhiệt ẩm nặng có thể được điều trị bằng các loại thuốc điều trị bệnh Gout thông thường như Công thức Thống Phong hoàn.
Một số bác sĩ Trung y khuyên bệnh nhân nên thử các phương pháp điều chỉnh tâm trí và cơ thể như khí công và Pháp Luân Công. Những phương pháp này có thể giúp cân bằng cơ thể, tinh thần và nâng cao sức khỏe.
Cần lưu ý rằng việc điều trị bệnh Gout bằng Trung y cần có kế hoạch điều trị dựa trên thể trạng và triệu chứng của từng người. Nếu cần, có thể cân nhắc kết hợp giữa Trung y và Tây y để điều trị bệnh Gout.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times