Hướng dẫn cơ bản về bệnh thoái hóa khớp: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Thoái hóa khớp là một trong những bệnh lý gây tàn tật hàng đầu và là dạng viêm khớp phổ biến nhất.
Ảnh hưởng đến hơn 32.5 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ, thoái hóa khớp là một trong những bệnh lý gây tàn tật hàng đầu và là dạng viêm khớp phổ biến nhất. Căn bệnh ảnh hưởng đến các khớp, gây bào mòn, rách, viêm và đau.
Loại viêm khớp này ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào, bao gồm xương, sụn, dây chằng và màng hoạt dịch-lớp mô lót của khớp. Sụn là một mô cứng nhưng trơn đóng vai trò lớp đệm cho khớp, giúp khớp chuyển động ít chịu ma sát.
Các khớp thường thoái hóa là bàn tay, đầu gối, háng và cột sống.
Khi khớp háng và cột sống bị thoái hóa sẽ hình thành gai xương, đĩa đệm hẹp lại. Ở đầu gối, sụn bị thoái hóa, khiến các xương cọ xát vào nhau.
Những dấu hiệu sớm và triệu chứng của thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp có các triệu chứng đặc trưng giúp phân biệt với các loại viêm khớp khác. Các triệu chứng không xuất hiện đột ngột; nhưng tiến triển theo thời gian, có thể bao gồm:
- Đau xảy ra khi cử động khớp.
- Cứng khớp xảy ra sau một thời gian không hoạt động.
- Đau hoặc khó chịu khi chạm vào khớp.
- Không linh hoạt hoặc mất toàn bộ tầm vận động của khớp.
- Cảm giác khớp kêu răng rắc khi vận động.
- Gai xương, hình thành các xương thừa.
- Sưng quanh khớp.
- Phát ra tiếng kêu lạo xạo khi khớp vận động.
- Yếu cơ xung quanh khớp.
- Biến dạng, khiến khớp như bị bung ra.
Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí khớp bị ảnh hưởng.
Đau là triệu chứng phổ biến ở tất cả các khớp bị ảnh hưởng. Trong thoái hóa khớp háng, cơn đau có thể lan xuống háng, mông hoặc bên trong đầu gối hoặc đùi. Đau ở bàn chân thường xảy ra ở vị trí ngón chân cái.
Các triệu chứng xuất hiện từ từ có thể khiến việc chẩn đoán bị trì hoãn. Những dấu hiệu sớm bao gồm đau nhức ở khớp, đặc biệt là vào cuối ngày hoặc ban đêm, cứng khớp và xuất hiện các âm thanh lạo xạo, thường ở đầu gối.
Có những giai đoạn thoái hóa khớp nào?
Thoái hóa khớp tiến triển trong bốn giai đoạn. Cuối cùng, các giai đoạn đều dẫn đến quá phát xương để ổn định khớp.
- Giai đoạn 0 là giai đoạn tiền thoái hóa khớp. Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm vì thoái hóa khớp là bệnh lý thoái hóa chậm. Mọi người không có triệu chứng trong giai đoạn này.
- Giai đoạn 1 là khi sụn bị phá vỡ, bắt đầu bằng việc sản xuất quá nhiều enzyme, dẫn đến sự phá vỡ chất nền sụn. Có thể nhìn thấy các gai xương nhỏ trên phim X-quang trong giai đoạn này. Cơn đau ở mức tối thiểu, kèm theo một chút cứng khớp.
- Giai đoạn 2 là khi sụn khớp bắt đầu mòn và bóc tách. Mảnh sụn tách rời bong vào dịch khớp và khớp bị tổn thương về mặt cấu trúc. Ở giai đoạn này, hoạt động thường xuyên có thể gây đau. Khe khớp bắt đầu thu hẹp lại.
- Giai đoạn 3 bắt đầu bằng phản ứng viêm kinh niên ở màng hoạt dịch. Các tế bào miễn dịch của màng hoạt dịch phóng thích nhiều protein gây viêm tấn công trực tiếp vào sụn. Tình trạng viêm ở thời điểm này là kinh niên, cùng với cảm giác đau và cứng khớp liên tục. Gai xương lớn cũng xuất hiện ngày một nhiều.
Những nguyên nhân nào gây thoái hóa khớp?
Có hai nguyên nhân gây thoái hóa khớp: nguyên phát và thứ phát.
1. Nguyên phát
Thoái hóa khớp nguyên phát phổ biến hơn cả, là tình trạng sụn ở khớp bị thoái hóa mà không có lý do rõ ràng. Nguyên nhân thường là do tuổi tác và sụn khớp bị rách, mài mòn trong thời gian dài.
Cơ thể người khỏe mạnh sản sinh ra cả hai loại enzyme thoái hóa và enzyme tổng hợp để duy trì thể tích sụn.
Ở những người bị thoái hóa khớp, các enzyme thoái hóa được sản sinh ra quá nhiều lấn át enzyme tổng hợp, dẫn đến xu hướng thoái hóa sụn khớp.
Sự thoái hóa của sụn khởi đầu một loạt các sự kiện thoái hóa khớp. Các đầu tận của xương bắt đầu dày lên và cứng, hình thành các gai xương khiến khớp cử động khó khăn. Các mảnh xương và sụn có thể bị bong ra, dẫn đến sự phát triển của các nang xương.
Thoái hóa khớp thường tiến triển chậm. Tuy nhiên, một số sự kiện nhất định có thể đẩy nhanh quá trình này. Một yếu tố góp phần làm bệnh thoái hóa khớp diễn tiến nhanh hơn là các bất thường xương khớp.
2. Thứ phát
Thoái hóa khớp thứ phát là do một bệnh lý khác gây nên. Biến dạng, nhiễm trùng, chấn thương hoặc bệnh khác có thể dẫn đến thoái hóa sụn khớp.
Vì thoái hóa khớp thứ phát là do yếu tố môi trường nên đôi khi có thể giải quyết được. Có thể thay đổi nghề nghiệp, sức mạnh cơ bắp, cân nặng và cách ăn uống. Các yếu tố khác cần được can thiệp chuyên sâu hơn, bao gồm mất cân bằng hormone giới tính, giảm mật độ xương và chấn thương khớp trước đó. Tất cả những điều này đều có thể dẫn đến lệch trục.
Lệch trục là khi xương hoặc khớp không thẳng hàng. Cơ bắp trợ giúp khớp qua việc giúp khớp luôn thẳng hàng. Khi các cơ yếu không còn trợ giúp khớp được nữa, có thể dẫn đến lệch trục, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp. Gần đây đã có bằng chứng cho thấy việc điều chỉnh sự lệch trục có thể đảo ngược một số tổn thương sụn khớp.
Ai có nguy cơ bị thoái hóa khớp?
Một số yếu tố khiến bạn có nguy cơ bị thoái hóa khớp. Những yếu tố bạn không thể thay đổi bao gồm:
- Tuổi tác: Nguy cơ bị bệnh thoái hóa khớp tăng theo tuổi tác. Hơn 50% số người từ 65 tuổi trở lên bị thoái hóa khớp.
- Giới tính: Phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp hơn, dù chưa rõ nguyên nhân.
- Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình cũng dễ bị thoái hóa khớp.
- Di truyền: Các tình trạng như hội chứng Ehlers-Danlos có thể góp phần gây ra thoái hóa khớp. Bệnh lý này làm cho mô liên kết yếu đi, ảnh hưởng đến khớp. Hội chứng Ehlers-Danlos không thể chữa trị được.
- Biến dạng xương: Những người sinh ra có dị tật xương có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn.
- Một số bệnh chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa như bệnh nhiễm sắc tố sắt (quá nhiều chất sắt trong cơ thể) có thể làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp.
- Chủng tộc: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), một số chủng người Á Châu có ít nguy cơ hơn những chủng tộc khác.
Các yếu tố có thể thay đổi bao gồm:
- Béo phì: Béo phì góp phần khiến bệnh thoái hóa khớp tiến triển, do tăng thêm gánh nặng lên khớp, gây viêm.
- Chấn thương khớp: Chấn thương khi chơi thể thao hoặc bất kỳ chấn thương khớp nào khác, bất kể vết thương xảy ra cách đây bao lâu, đều có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh thoái hóa khớp.
- Nghề nghiệp và/hoặc căng thẳng lặp đi lặp lại: Căng thẳng lặp đi lặp lại ở khớp hoặc cử động lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh thoái hóa khớp.
- Mặc dù thoái hóa khớp phổ biến nhất ở người lớn tuổi, nhưng những người trẻ tuổi bị rách dây chằng chéo trước hoặc sụn chêm cũng dễ bị thoái hóa khớp hơn.
Chẩn đoán thoái hóa khớp như thế nào?
Chẩn đoán thoái hóa khớp bắt đầu bằng việc tự đánh giá và theo dõi triệu chứng.
Việc tự đánh giá cũng dễ dàng như viết nhật ký về cảm giác tự thân, quan sát cách hoạt động của các khớp cũng như thời điểm những triệu chứng xảy ra và thời gian kéo dài. Chia sẻ nhật ký với chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể giúp bạn nhận được phương pháp điều trị cá nhân hóa và giải quyết sớm các triệu chứng.
Đau khớp là một trong những triệu chứng phổ biến nhất khiến mọi người phải đến gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bạn có thể mong đợi nhà cung cấp dịch vụ xem xét tiền sử triệu chứng và thực hiện thăm khám lâm sàng. Nhà cung cấp dịch vụ có thể yêu cầu các xét nghiệm tùy thuộc vào tiền sử và thăm khám lâm sàng để giúp chẩn đoán. Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Chụp X-quang, có thể cho thấy những thay đổi trong xương do thoái hóa khớp hoặc tổn thương khớp khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) để cung cấp cái nhìn rõ hơn về sụn khớp và các mô khác.
- Hút dịch khớp để xác định các nguyên nhân khác gây đau khớp, như nhiễm trùng hoặc bệnh gout.
- Xét nghiệm máu loại trừ các nguyên nhân khác gây ra những triệu chứng.
Sau khi gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, bạn có thể gặp các chuyên gia khác tùy thuộc vào sự tiến triển của bệnh và kế hoạch điều trị phù hợp.
Các biến chứng của thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp có nhiều biến chứng, bao gồm:
- Lo âu và trầm cảm.
- Rối loạn giấc ngủ do đau.
- Khó tập thể dục, có thể ảnh hưởng đến cân nặng và sức khỏe.
Các biến chứng khác của thoái hóa khớp phát sinh vì những lý do khác nhau, như tác dụng phụ của thuốc và giảm khả năng vận động. Những biến chứng này bao gồm:
- Thừa cân và béo phì.
- Bệnh tiểu đường.
- Bệnh tim.
- Cholesterol cao.
- Huyết áp cao.
- Ngã.
- Gãy xương.
- Chóng mặt do thuốc điều trị thoái hóa khớp.
- Sự cô lập xã hội, dẫn đến chất lượng cuộc sống kém đi.
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp là gì?
Mặc dù tốc độ tiến triển của thoái hóa khớp có thể chậm lại nhưng những tổn thương trước đó thì không thể đảo ngược. Tại thời điểm này, việc quản lý các triệu chứng trở thành trọng tâm.
Khi học được cách phản ứng của cơ thể với bệnh thoái hóa khớp, bạn sẽ khám phá ra những cách giúp giải quyết các triệu chứng của bệnh. Giáo dục bản thân là bước đầu tiên để hiểu về bệnh thoái hóa khớp và cách kiểm soát các triệu chứng.
Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng có thể giới thiệu bạn đến các chuyên gia để lập kế hoạch điều trị cho bạn. Những chuyên gia này bao gồm:
- Các bác sĩ chuyên khoa thấp khớp tập trung vào điều trị viêm khớp và các tình trạng khác liên quan đến viêm khớp.
- Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn đạt được mục tiêu về dinh dưỡng và cân nặng.
- Các nhà giáo dục điều dưỡng có thể trả lời các câu hỏi về thay đổi lối sống hoặc cách kiểm soát các triệu chứng.
- Các nhà vật lý trị liệu trợ giúp cải thiện chức năng khớp và có thể dạy bạn cách tập thể dục, cho phép bạn tiếp tục trị liệu tại nhà.
- Chuyên gia liệu pháp lao động dạy bạn cách di chuyển khớp một cách chính xác để bảo vệ khớp và giảm thiểu đau đớn.
- Bác sĩ chuyên khoa tâm thần có thể là chuyên gia về thể chất, y học và phục hồi chức năng, giúp giám sát các chương trình tập thể dục.
- Các chuyên gia chỉnh xương cân nhắc mối quan hệ giữa các cấu trúc của cơ thể. Trọng tâm chính để xem xét là cột sống.
- Các nhà tâm lý học có thể giúp giải quyết các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn.
- Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình chuyên điều trị phẫu thuật các bệnh về xương và khớp. Bạn có thể không gặp bác sĩ chuyên khoa này cho đến khi bệnh ở giai đoạn muộn.
Khi làm việc theo nhóm, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sẽ tổ chức kế hoạch điều trị cho bạn, kế hoạch này có thể bao gồm các liệu pháp khác nhau, có thể là điều trị không dùng thuốc, điều trị dùng thuốc và điều trị phẫu thuật.
1. Điều trị không dùng thuốc
Quản lý không dùng thuốc đối với các triệu chứng thoái hóa khớp bao gồm những liệu pháp sau:
- Lối sống: Những thay đổi này nên bao gồm kéo căng, ăn uống đủ dinh dưỡng, giảm cân nếu cần thiết và tập thể dục. Các bài tập nên bao gồm các bài tập tăng sức mạnh, tăng tầm vận động, aerobic, cardio và giữ thăng bằng.
- Vật lý trị liệu và nghề nghiệp: Các nhà trị liệu vật lý và nghề nghiệp có thể giúp bạn làm mạnh và bảo vệ khớp bằng cách dạy bạn những bài tập cụ thể để ổn định khớp nhằm giảm đau và hướng dẫn bạn vận động khớp đúng cách.
- Các thiết bị trợ giúp: có thể tăng sức mạnh cho khớp yếu qua giúp đỡ từ bên ngoài. Các thiết bị này cũng có thể trợ giúp khả năng di chuyển và tính ổn định khi đi bộ. Các thiết bị trợ giúp bao gồm nạng, gậy, nẹp đầu gối và miếng lót giày.
2. Điều trị dùng thuốc
Kiểm soát thoái hóa khớp bằng thuốc có thể chỉ đơn giản bằng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC). Khi thuốc OTC không hiệu quả, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể kê đơn các loại thuốc khác.
Thuốc OTC
Thuốc OTC có thể là thuốc giảm đau đường uống hoặc kem bôi, bao gồm các nhóm thuốc sau:
- Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau chứa acetaminophen.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID như ibuprofen và aspirin làm giảm đau và viêm.
- Thuốc kích ứng giảm đau: Các loại kem bôi như lidocain có tác dụng làm ấm, làm mát hoặc kích ứng nhẹ để giảm sự chú ý của người bệnh đến vùng đau.
Kem bôi đòi hỏi phải sử dụng thường xuyên mới có hiệu quả rõ rệt. Những loại kem này có thể có tác dụng phụ như ngứa, rát và phát ban. Bạn nên ngừng dùng thuốc và thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào.
Thuốc theo toa
Nếu thuốc OTC không hiệu quả, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể kê các loại thuốc theo toa sau:
- Corticosteroid, là thuốc chống viêm.
- Thuốc chống trầm cảm như duloxetine.
- Thuốc chống động kinh như pregabalin, hiện đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn để điều trị thoái hóa khớp. Cơ chế của thuốc có thể là do ảnh hưởng đến con đường gây đau trung tâm.
- Chích corticosteroid để điều trị viêm.
- Chích huyết tương chứa rất nhiều tiểu cầu (PRP). Liệu pháp này không được FDA chấp thuận và nghiên cứu về hiệu quả còn chưa thống nhất.
- Chích acid hyaluronic. Acid hyaluronic tồn tại tự nhiên trong cơ thể con người và giúp tế bào giữ được độ ẩm. Mặc dù chất này có thể giúp giảm đau cho những người bị thoái hóa khớp từ nhẹ đến trung bình, nhưng hiệu quả vẫn còn gây tranh cãi.
3. Điều trị phẫu thuật
Một số loại phẫu thuật có thể giúp điều trị thoái hóa khớp, đặc biệt trong những trường hợp nặng. Can thiệp phẫu thuật bao gồm:
- Thay khớp: Khi khớp bị tổn thương quá nhiều, cơn đau quá sức chịu đựng và cử động bị hạn chế; trong trường hợp này có thể thực hiện thay khớp. Việc thay khớp háng và khớp gối có tỷ lệ thành công là 90% và khớp giả có tuổi thọ khoảng 10 đến 15 năm. Vì tuổi thọ ngắn nên một số người có thể cần phải thay khớp nhiều lần.
- Nội soi khớp: Nội soi khớp bao gồm việc đưa camera qua vết mổ nhỏ để đánh giá tổn thương khớp. Việc sửa chữa cũng có thể được thực hiện theo cách này.
- Cắt xương: Trong phẫu thuật cắt xương, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt (các) xương và sắp xếp lại khớp. Phẫu thuật cắt phần xương gây hạn chế của đầu gối giúp điều chỉnh sự thẳng trục của khớp và giảm áp lực cho sụn bị tổn thương.
Cách suy nghĩ ảnh hưởng đến thoái hoá khớp như thế nào?
Sức khỏe tâm thần và những hệ quả theo sau có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của thoái hóa khớp và ngược lại, cũng có thể là một biến chứng của thoái hóa khớp.
Người bị thoái hóa khớp gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, dẫn đến cảm giác hụt hẫng, mất mát. Những cảm giác này có thể trở nên trầm trọng hơn. Khi trong trạng thái trầm cảm, mọi người có thể ngừng chăm sóc bản thân và cần đến sự giúp đỡ của người khác. Những người bị thoái hóa khớp phải nhận thức được tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại và nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết.
Trong một nghiên cứu nhỏ trên 94 người bị thoái hóa khớp, hơn một nửa (58.5%) có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những tình trạng này bao gồm:
- Rối loạn bản thể.
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Trầm cảm.
- Lo âu.
- Hiếu chiến.
- Ám ảnh.
- Rối loạn tâm thần hoang tưởng.
Theo nghiên cứu, bệnh lý tâm thần đi đôi với thoái hóa khớp có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn ở những người dưới 40 tuổi. Điều này có thể là do chẩn đoán xa lạ hơn trong nhóm tuổi đó, vì bệnh nhân không có nhiều thời gian để học cách kiểm soát tình trạng này. Cũng có thể chẩn đoán này chỉ gây tổn hại tinh thần nặng nề hơn cho những bệnh nhân trẻ tuổi.
Lo âu và trầm cảm là những biến chứng thường gặp của thoái hóa khớp. Những người bị tình trạng này có thể đau dữ dội hơn, phải đến bệnh viện nhiều hơn, uống nhiều thuốc hơn và có kết cục kém hơn, dẫn đến chất lượng cuộc sống thấp hơn.
Một quan điểm tích cực có thể làm tăng chất lượng cuộc sống của những người bị thoái hóa khớp. Thay vì tập trung vào khuyết tật của mình, những người tích cực tập trung vào điểm mạnh bản thân, giúp họ có cái nhìn chính xác hơn về bản thân và cách họ có thể trở thành thành viên tích cực trong cộng đồng.
Có những cách tiếp cận tự nhiên nào đối với bệnh thoái hóa khớp?
Một số liệu pháp thay thế và chất bổ sung có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị được nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn khuyến nghị. Hãy thảo luận với nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra quyết định.
1. Châm cứu
Châm cứu sử dụng những chiếc kim nhỏ châm vào vùng nhất định để giảm đau và các tình trạng khác. Một số nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể giúp giảm đau do thoái hóa khớp, đặc biệt là ở đầu gối. Cơ thể tác dụng vẫn chưa rõ ràng, nhưng một số nhà nghiên cứu tin rằng những chiếc kim có tác dụng tiết ra chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể.
2. Chất bổ sung
Một số chất bổ sung thảo dược và qua đường ăn uống có thể kiểm soát thoái hóa khớp. Chất bổ sung thảo dược không được kiểm soát. Hãy thảo luận về việc sử dụng chất bổ sung với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng. Các chất bổ sung được sử dụng để kiểm soát thoái hóa khớp bao gồm:
- Glucosamine với chondroitin sulfate: Chất bổ sung này có thể làm giảm đau do thoái hóa khớp gối với tác dụng phụ tối thiểu. Tuy nhiên, hãy tránh dùng nếu bạn bị dị ứng động vật có vỏ. Bệnh nhân tiểu đường nên biết rằng glucosamine cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Đừng dùng chất này nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống tiểu cầu, vì chondroitin có thể cản trở những điều này. Một bài viết trên tờ Australian Prescriber tuyên bố glucosamine có tác dụng tương tự như giả dược.
- Trầm hương (Boswellia serrata): Loại thực vật này có đặc tính chống viêm, giảm đau và chống viêm khớp. Một bài phân tích gộp cho thấy chiết xuất trầm hương giúp cải thiện cơn đau, cứng khớp và chức năng khớp sau một tháng sử dụng. Một nghiên cứu khác cho thấy trầm hương làm tăng chức năng vật lý mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Curcumin: Curcumin, hợp chất hoạt tính sinh học trong củ nghệ, có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa do ức chế sản xuất các chất trung gian gây viêm. Một nghiên cứu cho thấy chất này an toàn hơn và có ít tác dụng phụ hơn NSAID như diclofenac. Curcumin cũng được chứng minh là làm giảm đau gối với tác dụng phụ tối thiểu.
- Nha đam: Một tổng quan trên Tập san British Journal of Community Nursing (Cộng đồng Điều dưỡng Anh) cho thấy nha đam đường uống có thể điều trị hiệu quả chứng thoái hóa khớp nhờ tác dụng chống viêm. Nha đam cũng giúp ngăn ngừa kích ứng đường tiêu hóa do sử dụng NSAID.
- Dầu cá: Dầu cá chứa acid béo chống viêm có thể giảm thiểu tình trạng thoái hóa khớp.
- Vitamin D: Vitamin D nằm trong số các chất giúp xương và sụn khỏe mạnh.
- Vitamin K: Vitamin này trợ giúp sự hình thành xương. Thiếu vitamin K có liên quan đến thoái hóa khớp gối.
- Capsaicin bôi tại chỗ: Có nguồn gốc từ ớt, loại kem này có thể làm giảm đau do thoái hóa khớp. Hãy nhớ rửa tay sau khi bôi để không vô tình lây sang các vùng nhạy cảm.
3. Liệu pháp nhiệt và lạnh
Chườm nóng hoặc lạnh có thể giúp giảm viêm ở khớp và giảm đau. Nhiệt làm tăng lưu lượng máu đến khớp, cung cấp chất dinh dưỡng, đồng thời cải thiện khả năng chịu đau và cải thiện tính linh hoạt của khớp.
Liệu pháp chườm lạnh ảnh hưởng đến các dây thần kinh xung quanh khớp, tạm thời làm tê liệt, mang lại hiệu quả giảm đau, giảm viêm.
4. Trị liệu Tâm-Thân
Một số hình thức trị liệu khác liên quan đến việc dùng mối liên hệ tâm-thân để giúp giảm các triệu chứng thoái hóa khớp. Trị liệu có thể bao gồm các bài tập hoặc kỹ thuật giúp bạn bình tĩnh và thả lỏng, chẳng hạn như sau:
- Các nhóm giúp đỡ có thể cung cấp sự trợ giúp và giúp bạn sống chung với bệnh thoái hóa khớp.
- Hít thở sâu có thể giúp bạn bình tĩnh và giảm bớt căng thẳng.
- Thiền định liên quan đến kỹ thuật thở, có thể giúp tập trung và thư thái.
- Yoga có thể giúp bạn duy trì sự linh hoạt, sức mạnh và sự cân bằng.
- Thái cực quyền, một môn võ thuật nhẹ nhàng liên quan đến chuyển động chậm rãi, có thể giúp tăng sức mạnh cơ bắp và cải thiện tầm vận động.
- Liệu pháp âm nhạc có thể giúp giảm bớt lo âu và trầm cảm.
Làm thế nào để phòng ngừa thoái hóa khớp?
Thoái hóa khớp là kết quả của việc sử dụng khớp thường xuyên. Theo thời gian, các khớp sẽ bị mòn và viêm. Bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn sự hao mòn khi sử dụng khớp. Chúng ta phải sử dụng các khớp thường xuyên để duy trì sức khỏe của khớp và các bộ phận còn lại của cơ thể. Tuy nhiên, bạn có thể giảm gánh nặng lên khớp.
Cần nhận biết được bất kỳ yếu tố nguy cơ nào có thể sửa đổi được, và thực hiện các thay đổi sau:
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times