Hướng dẫn cơ bản về bệnh trầm cảm: 4 triệu chứng chính, phương pháp điều trị, và các liệu pháp tự nhiên
Những người bị trầm cảm đôi khi được mô tả là “suy nghĩ quá mức”, “đa cảm”, hoặc “khả năng chịu đựng căng thẳng kém”. Ngay cả trong thời hiện đại khi kiến thức về trầm cảm đang ngày càng phổ biến, thì vẫn có một số định kiến hoặc cách nghĩ rập khuôn về trầm cảm. Mặt khác, khi ai đó nói, “Gần đây, tôi cảm thấy chán nản”, “Tôi không thấy hứng thú với bất kỳ điều gì”, “Mỗi ngày tôi đều cảm thấy rất mệt mỏi”, v.v., thì có thể họ thực sự cảm thấy chán nản, nhưng không nhất định là bị trầm cảm.
Trầm cảm dường như đã trở thành một rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng đến hơn 264 triệu người trên thế giới, và phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Vậy những triệu chứng và nguyên nhân của trầm cảm là gì? Làm thế nào để điều trị và kiểm soát trầm cảm? Bài viết này sẽ giải thích cho bạn hiểu những câu hỏi này bằng các hình ảnh minh họa.
Trầm cảm không chỉ đơn thuần là cảm giác thất vọng
Có nhiều triệu chứng liên quan đến trầm cảm. Những triệu chứng của trầm cảm có thể liên quan đến tâm lý, thể chất, và lối sống, v.v., gồm 4 loại.
1. Triệu chứng cảm xúc
Cảm xúc tiêu cực: tâm trạng chán nản kéo dài; không thể cảm thấy hạnh phúc; cáu kỉnh, sợ hãi, lo lắng quá mức, và hồi hộp
Cảm giác vô ích: cảm thấy thua kém người khác; mất động lực để làm mọi việc; bất lực và tuyệt vọng, không thể hình dung về sự phát triển tích cực trong tương lai; cảm thấy không chắc chắn về việc tiếp tục sống, và thậm chí có những ý nghĩ tự tử
2. Triệu chứng hành vi
Mất hứng thú: mất hứng thú trong nhiều hoạt động hàng ngày; giảm các hoạt động xã hội; thường thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng
Thiếu chăm sóc bản thân: Những người trước đây luôn gọn gàng, chỉn chu, hoặc quan tâm đến ngoại hình có thể trở nên cẩu thả và không quan tâm đến hình ảnh của bản thân và vệ sinh cá nhân.
Thực hiện các hành vi nguy cơ cao: uống rượu quá mức, sử dụng ma túy, hoặc tăng sử dụng các thuốc kê toa nhằm giảm bớt các triệu chứng của trầm cảm.
3. Triệu chứng nhận thức
Suy giảm nhận thức: Khó tập trung; giảm khả năng chịu đựng và trí nhớ; suy nghĩ và nói chậm; những việc từng được xem là dễ dàng thì bây giờ khó thực hiện
4. Triệu chứng sinh lý
Các vấn đề về giấc ngủ: mất ngủ, trằn trọc suốt đêm, thức dậy sớm, hoặc hội chứng ngủ nhiều (buồn ngủ quá mức)
Những thay đổi trên cơ thể: đau đầu, đau thân mình; thay đổi về cảm giác thèm ăn và cân nặng; bệnh nhân có thể bị giảm cân bất ngờ do không cảm thấy đói, hoặc tăng cân do ăn quá nhiều
Những nguyên nhân của trầm cảm là gì?
Một người có thể bị trầm cảm vì nhiều lý do. Ví dụ, một số người có thể có tiền sử gia đình làm tăng khả năng bị trầm cảm. Những khó khăn trong cuộc sống và các biến cố căng thẳng lớn cũng có thể dẫn đến trầm cảm. Những nguyên nhân phổ biến của trầm cảm bao gồm:
1. Di truyền
Trầm cảm có thể được giải thích một phần là do gene. Trong các nghiên cứu di truyền, nếu một người trong một cặp sinh đôi cùng trứng bị trầm cảm, thì người kia có 70% khả năng bị trầm cảm. Ngoài ra, tiền sử gia đình bị trầm cảm hoặc các rối loạn tâm trạng khác cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh của một người.
2. Yếu tố sinh lý
Nguyên nhân của trầm cảm có thể liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh, như dopamine và serotonin ở trong não.
Nghiên cứu hiện tại cho thấy hệ thống dopamine có thể bị suy yếu ở những bệnh nhân bị trầm cảm. Dopamine, là chất điều chỉnh hệ thống khen thưởng của bộ não, giúp duy trì cảm giác tràn đầy năng lượng và động lực. Điều này có thể giải thích cho các triệu chứng mà người bị trầm cảm trải qua như thiếu hứng thú và mất động lực.
Serotonin khiến người ta cảm thấy hạnh phúc. Bộ não của những bệnh nhân bị trầm cảm có thể thiếu nhạy cảm với serotonin.
Ngoài các chất hóa học ở não, trạng thái cảm xúc và sự thay đổi tâm trạng trong lúc bị trầm cảm có liên quan đến những thay đổi ở những vùng não đặc biệt, như hạch hạnh nhân, hồi hãi mã. Trầm cảm cũng có liên quan đến sự mất cân bằng hormone, chẳng hạn như dư thừa bài tiết hormone căng thẳng – cortisol.
3. Các yếu tố môi trường xã hội
Môi trường sinh sống, từ gia đình đến xã hội, có thể tác động đáng kể đến trạng thái thể chất và tinh thần. Những trải nghiệm không may mắn thời thơ ấu, các biến cố căng thẳng trong cuộc sống, các vấn đề hôn nhân và gia đình, và các vấn đề tương tác cá nhân là một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ trầm cảm.
Một tuổi thơ không hạnh phúc có thể làm gia tăng khả năng bị trầm cảm sau này, ngoài ra còn ảnh hưởng đến cách mà mọi người phản ứng với căng thẳng và sợ hãi.
Các biến cố căng thẳng trong cuộc sống như sự qua đời của người thân, chia tay, thất nghiệp và các vấn đề tài chính, có thể gây ra trầm cảm. Những biến cố căng thẳng có thể gây ra cảm giác buồn bã, và các triệu chứng của trầm cảm thường xuất hiện sau thời gian buồn bã trầm trọng kéo dài. Bị bạo lực và bỏ mặc liên tục trong đời, hoặc áp bức trong xã hội cũng có liên quan đến sự khởi phát của trầm cảm.
4. Các yếu tố tâm lý
Một trong những yếu tố tâm lý liên quan đến trầm cảm là sự nhạy cảm [trong mô hình Big-Five]. Những người có sự nhạy cảm cao có xu hướng thể hiện các phản ứng cảm xúc tiêu cực đối với các biến cố căng thẳng hơn những người bình thường. Ngoài ra, sự thiếu tự tin, lòng tự trọng thấp, bi quan, tự phê bình, và chỉ trích bản thân quá mức có thể là những đặc điểm liên quan góp phần gây ra trầm cảm. Nói tóm lại, lối suy nghĩ tiêu cực là một yếu tố nguy cơ đáng kể của trầm cảm.
5. Tình trạng/ bệnh tật
Những bệnh tâm thần khác, như rối loạn lo âu và rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD), hoặc các căn bệnh thể chất kinh niên như ung thư và cơn đau kinh niên cũng có thể là những tác nhân khởi phát gây trầm cảm.
6. Ma túy và rượu
Một số người có thể tìm đến rượu và ma túy như một cách để đối phó với những thách thức trong cuộc sống, nhưng những hành vi này có thể khiến tâm trạng thậm chí kém hơn và tăng nguy cơ tiến triển trầm cảm.
3 cách để điều trị và kiểm soát trầm cảm
1. Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu chủ yếu điều trị bằng tư vấn. Đối với bệnh trầm cảm nhẹ, có thể chỉ cần dùng một phương pháp này; đối với trầm cảm nặng, có thể kết hợp với thuốc.
Tâm lý trị liệu có thể nhắm tới một bệnh nhân đơn lẻ, nhưng cũng có thể tiến hành với nhiều người tại cùng một thời điểm, như trong liệu pháp hôn nhân và gia đình, tâm lý trị liệu theo nhóm, v.v.
- Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân (IPT)
Liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân đã được chứng minh tính hiệu quả trên lâm sàng. Phương pháp điều trị này tin rằng các triệu chứng trầm cảm ảnh hưởng trầm trọng đến sự tương tác xã hội của bệnh nhân với các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, v.v. Giảm khả năng giải quyết các vấn đề trong quan hệ xã hội có thể dẫn đến lòng tự trọng thấp. Vì vậy, mục đích của liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân là giúp bệnh nhân cải thiện các mối quan hệ xã hội, tăng khả năng giao tiếp và tương tác với người khác, từ đó giảm bớt các triệu chứng căng thẳng.
- Liệu pháp hành vi nhận thức
Mục tiêu của liệu pháp hành vi nhận thức là thay đổi cách suy nghĩ tiêu cực. Thông thường, liệu pháp này bắt đầu bằng cách dạy bệnh nhân rằng những suy nghĩ tiêu cực có thể làm tâm trạng kém đi. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ghi lại những suy nghĩ tiêu cực hàng ngày và nhận thức được những suy nghĩ này ảnh hưởng đến cảm xúc của mình như thế nào. Sau đó, họ được huấn luyện để thay đổi những quan điểm và hành vi.
Ví dụ, nếu một bệnh nhân nghĩ, “Tôi là người vô ích và không thể làm tốt bất kỳ điều gì,” thì sau đó nhà trị liệu sẽ giúp bệnh nhân tìm ra bằng chứng có thể bác bỏ những suy nghĩ này: Không làm tốt điều gì có thực sự là người vô ích? Hay đây chỉ là những việc mà bệnh nhân không giỏi? Nhà trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân đối mặt với những suy nghĩ tiêu cực quá mức và thảo luận với bệnh nhân về những chiến lược để làm giảm những suy nghĩ này.
- Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT)
Liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm nhằm mục đích ngăn ngừa trầm cảm tái phát. Bệnh nhân có thể tái phát khi quay lại nhìn mọi thứ với những suy nghĩ tiêu cực trong các đợt trầm cảm trước đây. Do đó, liệu pháp này dạy bệnh nhân nhận biết khi nào họ bắt đầu trở nên chán nản, và cố gắng điều chỉnh bằng cách “phân tâm”. Nói cách khác, liệu pháp này giúp bệnh nhân duy trì một khoảng cách nhất định đối với những suy nghĩ và cảm xúc của họ, và tự nói với bản thân rằng “những suy nghĩ của tôi không phải là sự thật” và “những suy nghĩ của tôi không định nghĩa được con người tôi”. Có thể sử dụng các phương pháp như thiền định trong quá trình này.
2. Vật lý trị liệu
- Thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp phổ biến nhất để điều trị trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm phổ biến bao gồm thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA), thuốc chống trầm cảm bốn vòng (TeCA), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine (NRI), v.v.
Tuy nhiên, dùng thuốc có thể không hiệu quả đối với tất cả mọi người, và giống như tất cả các loại thuốc khác, lợi ích cũng đi kèm với rủi ro.
- Liệu pháp sốc điện
Phương pháp này liên quan đến việc truyền một dòng điện qua não của bệnh nhân, gây ra sự phóng điện và những thay đổi sinh lý ở các tế bào não nhằm điều chỉnh chức năng não. Đây là phương pháp điều trị mạnh và gây tranh cãi, thường được dùng khi thuốc và các phương pháp điều trị khác thất bại.
- Phương pháp kích thích từ xuyên sọ (TMS)
Phương pháp này sử dụng hiệu ứng lặp đi lặp lại của từ trường mạnh để kích hoạt các vùng não và mạch thần kinh bị rối loạn điều hòa trong các đợt trầm cảm.
3. Liệu pháp tự nhiên
- Tập thể dục
Tập thể dục trong 30 phút, ba đến bốn lần trong tuần, có thể kích thích sản xuất endorphin – hormone cải thiện tâm trạng.
- Thay đổi hành vi
Tránh uống rượu và sử dụng ma túy có thể ngăn ngừa các triệu chứng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Học cách nói không và tránh bỏ cuộc khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Duy trì tốt việc chăm sóc bản thân, chẳng hạn như tuân theo một cách ăn uống lành mạnh hoặc tham gia vào các hoạt động thú vị.
- Liệu pháp ánh sáng
Tiếp xúc với ánh sáng trắng có thể giúp điều chỉnh cảm xúc và cải thiện trầm cảm. Liệu pháp này chủ yếu được dùng để điều trị các rối loạn cảm xúc theo mùa.
- Bữa ăn kiểu Địa Trung Hải
Bữa ăn kiểu Địa Trung Hải bao gồm nhiều nguồn ngũ cốc nguyên hạt và các thực phẩm dựa trên thực vật, dầu oliu, cũng như một lượng vừa phải cá, các sản phẩm từ sữa, rượu vang đỏ, v.v. Một nghiên cứu trên những thanh niên Tây Ban Nha cho thấy cách ăn kiểu Địa Trung Hải có thể làm giảm tỷ lệ trầm cảm. Bữa ăn kiểu Địa Trung Hải giàu vitamin B, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp dopamine, norepinephrine, và serotonin, giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và tâm trạng.
- Các thực phẩm bổ sung
Bệnh nhân bị trầm cảm có thể dùng các chất bổ sung, như S-Adenosyl-L-Methionine (SAMe), 5-Hydroxytryptophan (5-HTP), St. John’s wort, acid béo omega-3, và các loại vitamin chứa vitamin B hoặc vitamin D. Điều đáng chú ý là St. John’s wort được dùng làm thuốc chống trầm cảm ở Âu Châu, nhưng không được chấp thuận ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu về hiệu quả của chất này đã cho thấy các kết quả tích cực lẫn tiêu cực.
Thanh Ngọc và Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times