Vị Tổng thống bí mật của Hoa Kỳ
Phu nhân Edith Wilson, vợ của Tổng thống Woodrow Wilson(*) đã lặng lẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành Tòa Bạch Ốc khi ông đang lâm bệnh.
Vào một ngày tháng 09/1919, trên chuyến tàu công du của tổng thống đến California có tên là “Mayflower,” đệ nhất phu nhân Edith Bolling Galt Wilson cảm thấy như đang bị mắc kẹt trong những cảm xúc của mình. Bà trung thành với sứ mệnh mà tổng thống giao phó, đó là vận động người dân cho đề xuất “Liên đoàn các quốc gia sau Đệ nhất Thế chiến.” Mặt khác, sức khỏe của người chồng tổng thống của bà đang suy giảm đáng kể và bà đang rất lo lắng cho an nguy của ông.
Tấm lòng trung trinh – một đặc điểm trong tính cách mạnh mẽ của bà Wilson được bộc lộ qua suốt những năm tháng chung sống cùng gia đình, gồm cả việc bà cẩn thận chăm sóc bà ngoại đau yếu mỗi ngày. Sức mạnh ấy lại trải qua thử thách lần nữa khi người chồng đầu tiên của bà, ngài Norman Galt, đột ngột qua đời vào tháng 01/1908 ở tuổi 40, để lại toàn bộ công việc kinh doanh và nợ nần cho vợ. Gia tộc Galt là chủ sở hữu của công ty trang sức Galt & Bro. Họ được xem là một trong những gia đình giàu có và nổi tiếng bậc nhất ở Hoa Thịnh Đốn lúc bấy giờ.
Người góa phụ trẻ đột nhiên trở thành trụ cột trong công việc kinh doanh của gia đình, vào thời đại mà phụ nữ thậm chí còn không có quyền bầu cử. Bà phải đối diện với một quyết định quan trọng, tiếp tục công việc kinh doanh một mình, gặp gỡ đối tác hay là đóng cửa doanh nghiệp, nơi đã từng phục vụ những vị khách đặc biệt nổi tiếng như: tổng thống Abraham Lincoln, chính khách Jefferson Davis và nhà phát minh Alexander Graham Bell.
Và như thường lệ, góa phụ Galt, đệ nhất phu nhân tương lai chấp nhận nhìn thẳng vào nghịch cảnh trước mắt và quyết định đối mặt khó khăn với một nhóm nhỏ những người bạn đồng hành đáng tin cậy. Sau nhiều đêm thức trắng, bà quyết định vẫn tin tưởng vào nhân viên trong doanh nghiệp, và chuyển giao quyền quản lý cho một nam nhân viên đã trung thành với gia tộc Galt suốt hai thế hệ.
Đem lại hòa bình cho thế giới
Tuy sức khỏe và khả năng chịu đựng của tổng thống Wilson đã giảm sút rõ rệt trong nhiệm kỳ thứ hai, nhưng chính trị gia và cựu nhà giáo 63 tuổi vẫn quyết định bắt đầu chuyến công du tới miền Tây. Ông tự giao cho mình vai trò cố gắng đàm phán hòa bình thế giới sau Thế Chiến. Ngài tổng thống và đệ nhất phu nhân, người luôn sát cánh bên ông đã trải qua 6 tháng mệt mỏi ở Paris để đàm phán “Hòa ước Versailles” cho chiến thắng của khối đồng minh. (*)
Ngài Tổng thống có được sự hậu thuẫn rất lớn từ người vợ thứ hai, đồng thời ông cũng khiến bà trở nên tự tin trên mọi khía cạnh cương vị của mình, như họ cùng nhau đọc các công văn từ khắp nơi trên thế giới gửi đến. Bà Wilson viết trong cuốn hồi ký của mình rằng, tổng thống sẽ làm rõ từng vấn đề cho bà và chỉ ra cách thức mà ông dự định thực hiện. Bà không chỉ là người bạn tâm giao của ông mà còn đảm nhận trách nhiệm giải mã những thư tín tuyệt mật giúp ông.
Ban đầu, bà Wilson cùng thư ký riêng của tổng thống, ông Joseph Tumulty và bác sĩ Cary Grayson đều không ủng hộ chuyến công du Tây phương để vận động sự ủng hộ cho “Đề xuất Liên đoàn các quốc gia,” vốn đang vấp phải sự phản đối từ Thượng Viện. Tuy nhiên, ngay cả khi còn là Hiệu trưởng của trường Đại học Princeton, trước khi trở thành một chính trị gia, ngài Wilson đã là một người vô cùng kiên định với những ý kiến của bản thân. Khi ông cho rằng ý tưởng của mình là tốt nhất, ông sẽ thực hiện chúng bằng bất cứ giá nào. Ở trường đại học, ông quan tâm đến sinh viên, chính quyền và các giá trị truyền thống. Ông không thích thỏa hiệp và sẵn sàng bỏ qua thành tích chung nếu ý tưởng của ông không được tuân thủ đến từng chi tiết. Tất nhiên, ông sẽ không đồng ý hủy chuyến công du và buổi diễn thuyết, thay vào đó, ông cố gắng vượt qua sự phản đối của Thượng viện đối với kế hoạch đàm phán hòa bình thế giới.
Đáp lại lời khuyên ngăn từ vòng tròn nội bộ chống lại chuyến đi, tổng thống Wilson cho biết nhiệm vụ của ông là phải đi và giải thích cho người dân hiểu về hậu quả của việc từ chối đề xuất hòa bình. Ông hy vọng bản thân có thể thuyết phục một bộ phận công chúng có hiểu biết buộc Thượng Viện chấp nhận kế hoạch công du của ông. Ông có niềm tin mạnh mẽ rằng, đó là hy vọng duy nhất cho hòa bình thế giới và là cách duy nhất để tránh một cuộc chiến tranh khác nổ ra. Phu nhân Wilson đã không có phản ứng gì và cũng không thể ngăn cản được chồng mình. Với lòng tận tâm, ngưỡng mộ dành cho chồng, bà đã đồng hành cùng ông trong suốt chuyến đi này.
Sức khỏe của Tổng thống có một bước ngoặt
Tổng thống Wilson bắt đầu cảm thấy đau đầu tột độ trong chuyến đi, ông thở khó khăn hơn và đôi lúc như bị nghẹt thở. Ông cố gắng chợp mắt trên chiếc ghế được kê thêm gối. Những người ủng hộ ông bắt đầu lo sợ viễn cảnh họ có thể mất tổng thống bất cứ lúc nào. Một buổi sáng sớm, ở gần thành phố Wichita, tiểu bang Kansas, bác sĩ Grayson đã gọi cho đội ngũ của tổng thống và báo tạm dừng buổi thuyết trình. Bởi vì ngài Tổng thống đột ngột khó thở, lên cơn co giật và bắt đầu nôn. Phu nhân Wilson biết rằng, họ đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng, đêm đó cũng là đêm dài nhất và đau khổ nhất trong cuộc đời bà.
Ngày hôm sau, thư ký Tumulty thông báo với giới truyền thông rằng, Tổng thống Wilson bị một cơn đột quỵ thần kinh nặng. Các lệnh được ban bố khẩn cấp để dọn đường ray và đoàn tàu Mayflower tăng tốc quay trở lại Hoa Thịnh Đốn.
Bác sĩ Grayson và phu nhân Wilson đã làm việc trong bầu không khí bí mật và riêng tư để tạo nên một lá chắn cho tổng thống. Bà biết rằng sau đêm nay cuộc sống sẽ không thể trở về như trước. Có điều gì đó tan vỡ trong bà và bà quyết định từ giây phút đó trở đi sẽ không bao giờ tiết lộ bệnh tình của chồng mình cho công chúng biết. Bởi vì bà không muốn ông biết được tình trạng sức khỏe của bản thân như thế nào. Bà đã tự mình quyết định như nhiều lần trong quá khứ, bà sẽ người tiếp tục hành trình.
Bác sĩ nói rằng tổng thống cần có khoảng thời gian nghỉ ngơi dài để chữa trị bệnh, sau đó ông mới có thể tiếp tục lãnh đạo quốc gia. Bác sĩ Grayson quyết tâm giữ tổng thống ở lại Tòa Bạch Ốc, và đệ nhất phu nhân sẽ phụ trách hoàn toàn việc chăm sóc chồng mình. Bà bắt đầu sàng lọc những vị khách tới thăm và thư tín, tự mình trả lời các vấn đáp khi bà không muốn làm phiền chồng đang nghỉ ngơi. Thậm chí, bà nói với một mật vụ của chính phủ Anh rằng, bà sẽ trực tiếp nhận những tin tức quan trọng thay tổng thống và không cho phép một cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn ông.
Sáng sớm ngày 02/10/1919, chỉ vài tuần sau khi trở lại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Wilson bị đột quỵ. Các bác sĩ đổ về Tòa Bạch Ốc nhưng không một thông tin nào lọt ra ngoài. Ông Ike Hoover, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc nói rằng, đây là khởi đầu cho sự lừa dối đối với người dân Mỹ. Ông đã ở bên ngoài phòng ngủ của tổng thống sau khi bác sĩ Grayson khám cho ngài ấy xong, và kêu lên: “Chúa ơi, tổng thống bị liệt.”
Bác sĩ đã biến Tòa Bạch Ốc thành bệnh viện và hạn chế các thông tin để bảo vệ tình trạng sức khỏe nghiêm trọng của Tổng thống.
Trong cuốn hồi ký của mình, phu nhân Wilson viết rằng, chồng bà bị đột quỵ và liệt nửa người bên trái, một bên tay và chân của ông không thể cử động được. Tuy nhiên, “Tạ ơn Chúa,” bà nói “bộ não vẫn rõ ràng và không bị tổn thương.” Bà yêu cầu các bác sĩ phải thẳng thắn với bà. Và họ nói rằng, không có hy vọng hồi phục trừ khi tổng thống tách ra khỏi mọi vấn đề công việc để yên tâm chữa trị. Đệ nhất phu nhân hỏi lại rằng, làm sao để giữ mọi việc diễn ra bình thường với tổng thống khi đó là một phần tất yếu trong công việc của ông. Bà không biết làm cách nào mới có thể bảo vệ chồng mình.
‘Công việc quản lý’ của Phu nhân Wilson
Bác sĩ Francis X. Dercum, một chuyên gia tư vấn thần kinh hàng đầu đặt niềm tin vào bà Wilson, rằng bà có thể giải quyết thử thách này. Ông gợi ý rằng, mọi việc sẽ được chuyển đến để bà để xử lý. Bà sẽ quyết định tầm quan trọng của mỗi vấn đề, tham khảo ý kiến của những người đứng đầu từng bộ phận và giải quyết những công việc trong khả năng mà không làm phiền tới tổng thống. Nhưng phu nhân Wilson cảm thấy mức độ nghiêm trọng hiện tại và nghĩ rằng, tốt hơn hết là tổng thống Wilson từ chức và để phó tổng thống Thomas R. Marshall đảm nhận thay vị trí. Nhưng bác sĩ không đồng ý, bởi vì việc từ chức sẽ có ảnh hưởng xấu đến đất nước và cả chồng bà. Bác sĩ Dercum nhắc nhở đệ nhất phu nhân rằng chồng bà hoàn toàn tin tưởng bà.
Bà biết rõ các vấn đề cộng đồng, cũng từng nghiên cứu về lịch sử và chính trị. Dưới sự thúc giục của bác sĩ, phu nhân Wilson bắt đầu điều mà bà gọi là “công việc quản lý” thay cho chồng mình. Bà tuyên bố rằng mình chưa từng tự ý đưa ra bất kỳ quyết định nào, dù những người chỉ trích luôn cáo buộc bà là người nắm quyền. Các cuộc gọi phản đối và khẩn cầu đổ dồn đến văn phòng của Phó tổng thống Marshall nhưng đều không được hồi đáp, vì ông và tổng thống chưa bao giờ theo sát nhau trong công việc. Phó tổng thống Marshall tin rằng văn phòng của ông không có nhiều ý nghĩa về mặt chính trị. Ông viết trong cuốn tự truyện của mình rằng, ông “không có tầm quan trọng đối với chính quyền ngoài nghĩa vụ phải trung thành với nó” và “chọn điều mà tôi nghĩ là tốt hơn: thừa nhận ảnh hưởng không đáng kể của văn phòng này”..
Phó tổng thống Marshall cũng viết rằng, thật không hề dễ dàng trong khoảng thời gian tổng thống Wilson lâm trọng bệnh. “Như một trò đùa vào mỗi buổi sáng, khi phó tổng thống chỉ có duy nhất nhiệm vụ rung chuông Tòa Bạch Ốc và hỏi xem tình trạng sức khỏe của tổng thống như thế nào… Tôi chưa bao giờ muốn vị trí của ông ấy.”
Và vì vậy, đệ nhất phu nhân Edith Bolling Galt Wilson vẫn tiếp tục “công việc quản lý” của mình. Bộ phận Lưu trữ của Tòa Bạch Ốc ghi lại rằng, sau khi tổng thống Wilson bị đột quỵ nặng, phu nhân đã chuẩn bị mọi vấn đề của chính phủ, điều hành Cơ quan Hành pháp trong suốt thời gian còn lại của nhiệm kỳ thứ hai của ngài Wilson. Mãi đến tháng 02/1967, quốc hội mới phê chuẩn Tu chính án thứ 25 để giải quyết tình trạng thương tật và kế vị của tổng thống. Trong đó, mục 3 yêu cầu phó tổng thống đảm nhận quyền hạn của tổng thống.
Nếu quy định này được đưa ra trước năm 1967, nước Mỹ sẽ không bao giờ có một tổng thống bí mật.
Bài báo này ban đầu được đăng trên tạp chí Essence của Mỹ.
Chú thích của dịch giả:
Thomas Woodrow Wilson (28/12/1856–03/02/1924), là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 28. Là một người mộ đạo Giáo hội Trưởng Lão và là nhà trí thức hàng đầu của Thời kỳ tiến bộ, ông đã làm chủ tịch của Đại học Princeton và sau đó là một thống đốc cải tổ của tiểu bang New Jersey năm 1910.
Jefferson Finis Davis (3/ 6/1808 – 6/12/1889) là chính khách Hoa Kỳ với cương vị tổng thống của chính phủ Liên minh miền Nam trong thời kỳ Nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865).
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times