Tuyên truyền của ĐCSTQ: ‘Trung Quốc xây, Hoa Kỳ phá’
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng sự trợ giúp của Hoa Kỳ dành cho Israel và Ukraine để biện minh cho chính sách ngoại giao bẫy nợ của mình, miêu tả Trung Quốc là vị cứu tinh nhân từ của thế giới.
Đội quân trực tuyến Ngũ Mao (Wumao, hay đội quân 50 xu) của ĐCSTQ đang tích cực hoạt động, tận dụng sự trợ giúp của Hoa Kỳ cho Israel và Ukraine như cơ sở trong cuộc chiến tuyên truyền nhằm làm Hoa Kỳ mất uy tín và thuyết phục các quốc gia khác rằng Trung Quốc đang giúp đỡ thế giới trong khi Hoa Kỳ thì phá hủy. Họ đang đưa ra khẩu hiệu “Trung Quốc xây, Hoa Kỳ phá,” vốn xuất hiện khắp nơi trên các trang truyền thông thiên tả, truyền thông nhà nước ĐCSTQ và tờ Nam Hoa Tảo báo (South China Morning Post, SCMP). Để làm bằng chứng cho cái gọi là lòng nhân từ của ĐCSTQ, họ đề cập đến khoản đầu tư gần đây của Trung Quốc để xây dựng một dự án đường sắt tốc độ cao ở Lagos, Nigeria.
Một tài khoản Ngũ Mao đăng trên X, trước đây là Twitter, rằng “Trong cùng khoảng thời gian mà hai quốc gia lớn Nigeria và Trung Quốc hợp tác xây dựng thêm cơ sở hạ tầng nâng cao chất lượng cuộc sống con người, thì Hoa Kỳ đã gửi bom tới các cuộc chiến tranh ở châu Âu và Tây Á.”
Điểm đầu tiên mà bài viết này bỏ sót là Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho Nigeria. Hơn nữa, Hoa Kỳ cung cấp nhiều viện trợ ngoại quốc trên toàn cầu hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và Trung Quốc thậm chí còn không nằm trong top 20. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn là nhà tài trợ cá nhân lớn nhất cho Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù Dự án Tuyến đường sắt Lagos Red Line hiện đang là tin tức nổi bật trên báo chí và các phương tiện tuyên truyền của ĐCSTQ, nhưng thỏa thuận trị giá 2.5 tỷ USD cho việc xây dựng dự án này đã được ký kết vào năm 2016. Vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã ca ngợi đây là một hành động hào phóng của Bắc Kinh. Trên thực tế, Nigeria chưa được hưởng nhiều lợi ích do dự án chưa hoàn thành. Tập đoàn Xây dựng Kỹ thuật Dân dụng Trung Quốc (CCECC), một công ty nhà nước, chịu trách nhiệm xây dựng. Do đó, số tiền Nigeria vay đã được trả cho một công ty nhà nước Trung Quốc.
Nguồn tài chính phần lớn được cung cấp thông qua các ngân hàng phát triển Phi Châu, vì vậy không rõ làm thế nào mà ĐCSTQ lại đang tuyên bố rằng họ đã cung cấp viện trợ cho Nigeria. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là bên cho vay chính của Nigeria, với khoản nợ Trung Quốc của Nigeria hiện ở mức 5.16 tỷ USD. Các khoản vay này do các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc thực hiện, chủ yếu là Ngân hàng Xuất Nhập cảng Trung Quốc, và họ là bên thu lợi nhuận.
Ngoài dự án này, tổng thống Nigeria còn ký các thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD với Trung Quốc, với các điều khoản và điều kiện tài chính tương tự, liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng khác. Về căn bản, những thỏa thuận này thể hiện dòng doanh thu sẽ chảy sang Trung Quốc đồng thời làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của Nigeria, vốn đang tăng với tốc độ gấp sáu lần GDP của quốc gia này.
Ngân hàng Phát triển Phi Châu đã chỉ trích các khoản vay “không rõ ràng” liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, trong đó có các khoản vay của Trung Quốc, là gây bất lợi cho sự phát triển của Châu Phi. Các điều khoản chính xác của các khoản vay Trung Quốc, chẳng hạn như các khoản vay trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”), thường không công khai. Tại Nigeria và nhiều quốc gia khác, công chúng đã và đang phẫn nộ trước khoản nợ Trung Quốc ngày càng tăng và nguy cơ mất chủ quyền.
Ngoài ra, các khoản vay của Trung Quốc dành cho các quốc gia nghèo có xu hướng có lãi suất 2-3%, trong khi các khoản vay phát triển từ các tổ chức cho vay truyền thống như Câu lạc bộ Paris, IMF, Ngân hàng Thế giới, và các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu thường có lãi suất bằng 0.
Để đổi lấy các khoản vay và đầu tư, Trung Quốc thường có được những nhượng bộ về tài nguyên thiên nhiên từ các quốc gia như Nigeria. Một trong những ví dụ cụ thể về những nhượng bộ này là khả năng tiếp cận dầu mỏ và các nguồn tài nguyên có giá trị khác, vốn rất quan trọng đối với chiến lược kinh tế dài hạn của Trung Quốc. Do gánh nặng trả nợ tài chính, khoản nợ phát sinh từ các khoản vay từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nigeria, hạn chế khả năng đầu tư của nước này vào các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Lễ khánh thành dự án đường sắt Lagos Red Line được tổ chức vào tháng 03/2023, đánh dấu giai đoạn đầu tiên của dự án đi vào hoạt động. Cách tiếp cận theo từng giai đoạn này là đặc điểm chung của “viện trợ” và đầu tư của ĐCSTQ. Thông thường, những dự án này không thể tạo ra lợi ích kinh tế đáng kể cho đến khi được hoàn thành đầy đủ và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu hoàn thiện đầy đủ, các quốc gia thường xuyên bị buộc phải vay thêm vốn.
Một ví dụ về việc này là dự án Đường sắt khổ tiêu chuẩn Kenya (SGR). Ban đầu dự định kết nối Mombasa với Nairobi và cuối cùng mở rộng tới Uganda, dự án hiện dừng ở Naivasha, cách Hồ Victoria khoảng 74 dặm (118.4km). Việc kết nối không hoàn chỉnh này làm giảm đáng kể đóng góp kinh tế của dự án, vốn dự kiến sẽ giúp trả các khoản vay.
Việc Bắc Kinh chỉ trích Hoa Thịnh Đốn viện trợ Israel và Ukraine thật mỉa mai vì chính quyền Trung Quốc đang viện trợ phía bên kia, cung cấp đầu tư kinh tế và thương mại cho Iran, quốc gia hậu thuẫn cho các nhóm khủng bố như Hamas, Houthis và Hezbollah. Bắc Kinh cũng đang trợ giúp Nga về mặt kinh tế và cung cấp cho Nga công nghệ cũng như thiết bị lưỡng dụng và có thể là công nghệ quân sự để giúp Moscow xâm lược bất hợp pháp một quốc gia có chủ quyền.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times