Thành tâm hướng Phật, được bảo hộ biến nguy thành an
Con người có niềm tin vào Phật, đồng thời chiếu theo pháp lý của Phật để làm việc, tuân thủ đạo đức nhân luân, cách xa điều ác, nhất định sẽ nhận được sự bảo hộ của Thần Phật.
Khi Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp, từng có đệ tử hỏi ông “như thế nào là Phật”. Thích Ca Mâu Ni trả lời rằng: “Phật thấy quá khứ thế gian, như là thấy tương lai, cũng thấy thế gian hiện tại, hết thảy bắt đầu đi vào diệt vong. Nơi sáng tỏ đã hiểu, chỗ nên tu đã tu, nên đoạn tuyệt đã đoạn tuyệt, vì vậy được gọi tên là Phật”.
“Phật” trong kinh Phật vào thời kỳ đầu ở Ấn Độ chủ yếu là chỉ Thích Ca Mâu Ni, về sau một chữ “Phật” dùng phổ biến để tôn xưng hết thảy Giác Giả tu hành viên mãn. Mà con người tràn đầy chính tính đối với Phật, đồng thời chiếu theo pháp lý của Phật để làm việc, tuân thủ đạo đức nhân luân, cách xa điều ác, nhất định sẽ nhận được sự bảo hộ của Thần Phật. Trong mấy nghìn năm lịch sử, những câu chuyện như thế cũng không ít.
Tể tướng triều Đường tín Phật tránh được tai nạn
Vào cuối thời nhà Tùy đầu thời nhà Đường có người tên Sầm Văn Bổn, người vùng Giang Lăng. Phụ thân của ông là Sầm Chi Tượng khi làm quan cuối thời nhà Tùy bị người khác mưu hại. Năm Sầm Văn Bổn gần 14 tuổi, ông đến sở nha kêu oan cho cha, lời lẽ mạnh mẽ khẩn thiết, đòi được công khai biện luận. Sau đó, cha của ông bị tù oan được rửa sạch tội, còn Sầm Văn Bổn nhờ đó mà trở nên nổi tiếng.
Sầm Văn Bổn từ nhỏ đã tín Phật. Có một lần ông đi thuyền ở Ngô Giang, thuyền đi đến giữa sông thì đột nhiên chìm nghỉm, người trên thuyền đều bị chết đuối hết. Sầm Văn Bổn cũng bị rơi vào trong nước, trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, ông nghe thấy bên tai có tiếng nói nói rằng: “Chỉ cần niệm Phật, nhất định sẽ không chết”. Thế là, ông liên tục niệm ba lần, thân thể lập tức theo lớp sóng vọt ra, đồng thời được sóng nước đẩy tới bờ phía bắc, may mắn thoát khỏi tai nạn.
Về sau, Sầm Văn Bổn thiết đãi cơm chay ở Giang Lăng, có không ít tăng nhân đến đây. Có một vị khách tăng rời đi cuối cùng, khi chuẩn bị đi, vị khách tăng này nói với Sầm Văn Bổn rằng: “Thiên hạ bắt đầu đại loạn, nhưng mà anh sẽ may mắn tránh được tai họa. Đợi đến khi thái bình thịnh thế, anh sẽ có được phú quý”. Sau này lời của vị tăng nhân ấy quả nhiên ứng nghiệm.
Vị tăng nhân nói thiên hạ đại loạn là chỉ quần hùng tranh đoạt thiên hạ vào cuối thời nhà Tùy, Sầm Văn Bổn quả thực không bị quá nhiều ảnh hưởng. Khi đó, Tiêu Tiển xưng đế ở kinh Châu. Sầm Văn Bổn làm Trung Thư Thị Lang bên cạnh Tiêu Tiển, phụ trách khởi thảo các yết thị thông cáo. Đầu thời nhà Đường, sau khi quân nhà Đường bình định Kinh Châu, Sầm Văn Bổn khuyên tướng nhà Đường là Lý Hiếu Cung cấm các tướng sĩ trắng trợn cướp bóc, nhằm ổn định lòng người. Lý Hiếu Cung rất tán thành, bởi vậy bên trong thành Giang Lăng ngay ngắn trật tự, quân đội đối với bách tính không xâm phạm dù là vật nhỏ nhất. Các châu huyện ở phương Nam nghe tin, đều ngóng đợi quy thuận Đại Đường.
Năm thứ nhất thời Trinh Quán Đường Thái Tông, Sầm Văn Bổn được phong làm Bí Thư Lang, chuyển đến Trung Thư Xá Nhân, quản lý các mệnh lệnh và tài liệu cơ yếu, rồi chuyển sang làm Trung Thư Thị Lang. Ông tham gia viết sách “Chu thư”, được phong làm người khai quốc huyện Giang Lăng. Ông cũng nhiều lần chuyển làm Trung Thư Lệnh, tương đương với chức Tể tướng. Đây quả nhiên là thân phận phú quý. Khi Đường Thái Tông nói đến Sầm Văn Bổn, thì khen ngợi ông là “vô cùng trung cẩn, là người ta thân thiết tin cậy”.
Sầm Văn Bổn cũng bởi vì phụng dưỡng mẹ già mà vang danh hiếu thảo, ông nuôi dưỡng em trai và cháu trai rất thành thực ân nghĩa. Năm Trinh Quán thứ 9, ông đi theo Đường Thái Tông xuất chinh Liêu Đông, qua đời trên đường đi, hưởng thọ 51 tuổi. Sầm Văn Bổn được phong tặng Thị Trung, Đô đốc Quảng Châu, thụy hiệu Vi Hiến, bồi táng tại Chiêu Lăng (lăng mộ của Đường Thái Tông), đây là vinh diệu rất lớn.
Chuyên tâm niệm Phật, chứng bệnh quái ác được trừ bỏ
Giám sát Ngự sử Lư Văn Lệ triều Đường, người vùng Phạm Dương, lúc đầu ông làm Vân Dương Úy, tức là quan giám ngục ở Vân Dương. Một lần, ông phụng mệnh đến Kinh Châu xử lý án oan. Không ngờ rằng, khi ông vừa tới Giang Nam, thì thân nhiễm bệnh nặng, phần bụng sưng tấy lên giống như tảng đá, ăn uống nuốt rất khó nhọc, tìm thầy uống thuốc cũng không có hiệu quả gì.
Lư Văn Lệ thầm nghĩ đã hết hy vọng chữa trị, chắc hẳn là phải chết, vì thế chuyên tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Mấy ngày sau, trong giấc mộng ông phảng phất thấy một người đến trước mặt ông, tự nói là Quán Thế Âm Bồ Tát, còn nói với ông rằng: “Vì ngươi thành tâm niệm pháp hiệu của Bồ Tát, cho nên ta đặc biệt đến cứu ngươi. Bây giờ sẽ trừ đi bệnh tật trong bụng của ngươi”.
Tay Bồ Tát cầm một cành cây, đưa vào trong bụng ông, lấy ra hơn ba thăng (dụng cụ đong, 10 thăng bằng một đấu) uế vật, có mùi cực kỳ khó ngửi. Sau khi làm xong, Bồ Tát nói: “Bệnh của ngươi đã khỏi rồi”.
Lư Văn Lệ từ trong mộng bừng tỉnh dậy, cảm giác bụng rất nhẹ nhõm, cũng không còn bất kỳ cảm giác mệt mỏi nào nữa, lại còn có thể lập tức xuống giường, ăn uống được. Chứng bệnh khó chữa đã hoàn toàn bị trừ tận gốc.
Người phụ nữ bảo vệ kinh Phật may mắn thoát được nạn
Thời Võ Đức triều Đường, Đô Thủy sứ giả Tô Trường được thăng chức làm Thứ sử Ba Châu, ông mang theo cả nhà lên thuyền đi nhậm chức. Khi thuyền đi đến sông Gia Lăng thì gặp phải gió to, bị đắm chìm giữa lòng sông. Trên thuyền có hơn 60 người đều bị chết đuối, duy chỉ có một vị tiểu thiếp của Tô Trường may mắn tránh được tai nạn.
Thì ra vị tiểu thiếp này ngày thường tín Phật, thường niệm Kinh Phật. Khi thuyền chìm, nàng đội hộp chứa Kinh Phật lên đầu, thề cùng sống chết. Nàng bị cuốn trôi nổi theo dòng nước, chỉ chốc lát sau đã đến được bên bờ. Nàng lấy hộp đựng Kinh Phật từ trên đầu xuống, mở ra xem xét, kinh thư bên trong không bị hư hại chút nào. Từ đó nàng càng thêm kiên định tin vào Phật Pháp không chút hoài nghi.
Kính Phật tránh được sét đánh
Trương Lượng là Trưởng Lại của phủ Đô đốc U Châu. Ông luôn luôn tín Phật, kính Phật. Một hôm, ông đến chùa lễ Phật, trông thấy trên tượng Phật có bụi bẩn, bèn nghiêm túc lau chùi tượng Phật.
Một ngày sau, Trương Lượng đang ngồi ở phòng khách nhà mình, có hai tỳ nữ đứng ở hai bên, đột nhiên sấm vang chớp giật. Trương Lượng xưa nay rất sợ sấm sét bèn chuyên tâm niệm Phật, nhằm giảm bớt sợ hãi trong lòng. Qua một lúc sau, sét đánh xuống trên cây cột trước phòng khách, một tỳ nữ đi ra bên ngoài phòng xem xét thì bị sét đánh chết. Lúc này, một khối gỗ bay thẳng đánh trúng trán của Trương Lượng, nhưng ông không cảm thấy đau, còn khối gỗ vỡ ra rơi xuống đất, giống như bị người bẻ gãy vậy. Sau đó, Trương Lượng cẩn thận kiểm tra trán mình, mới phát hiện trước trán có một vết thương màu đỏ.
Hôm sau, Trương Lượng đến chùa lễ Phật. Ông phát hiện trên trán tượng Phật có một vết thương rất lớn, giống như là bị vật gì đó đập phải, mà đó đúng là nơi Trương Lượng bị đánh trúng. Trương Lượng và mọi người đều cảm thán không thôi. Đây có lẽ bởi vì Trương Lượng xưa nay tín Phật, kính Phật, cho nên Phật đã cản cho ông một nạn.
Từ những câu chuyện kể trên, chúng ta không khó để rút ra được kết luận rằng: Nếu có thể thành tâm hướng Phật, tín Phật, thì việc chuyển nguy thành an tuyệt đối không phải là chuyện nói đùa.
Tài liệu tham khảo: “Minh báo ký” của Đường Lâm triều Đường.
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ