Tinh thần kiên trì của cựu Tổng thống Hoa Kỳ John Adams
Khi Hoa Kỳ đang trong quá trình trở thành một quốc gia độc lập non trẻ, Ngài John Adams đã không ngừng nỗ lực củng cố các mối quan hệ tài chính tại Âu Châu.
Sự kiên trì của ngài John Adams đã góp phần giúp nước Mỹ có được một khoản vay và một hiệp ước thương mại với Hà Lan. Bất chấp nhiều khó khăn thách thức, ngài Adams vẫn không ngừng thúc đẩy bản thân về phía trước, và kết quả là mối quan hệ ngoại giao cấp quốc gia Hà Lan – Hoa Kỳ đã chính thức được công nhận.
Được biết đến là người thẳng thắn, thiếu kiên nhẫn, và khó tính, ngài John Adams, vị tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ, thường được mọi người cho là không có đặc điểm tính cách của một nhà ngoại giao. Ông thường nóng nảy, và đôi khi có thể bạo phát cảm xúc.
Bất chấp những thiếu sót đó, ông vẫn đạt được thành tựu lớn với tư cách là một nhà ngoại giao ở Âu Châu vào thời điểm vô cùng quan trọng của nước Mỹ. Ông xứng đáng với những lời khen ngợi và tôn vinh nhờ các nguyên tắc căn bản của bản thân mình. Đó là đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, và tin tưởng kiên định (với tất cả trái tim, tâm hồn, khối óc, và sức mạnh) vào lý tưởng lập quốc của Hoa Kỳ.
Vào tháng 09/1780, Quốc hội Hoa Kỳ chỉ định ngài Adams làm Đặc mệnh toàn quyền của Các tỉnh Hà Lan Thống nhất (Cộng hòa Hà Lan) để đàm phán một khoản vay lớn và một hiệp ước thương mại.
Trong giai đoạn quan trọng đó, phần lớn các thuộc địa trong 13 Thuộc địa đã phá sản. Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ kéo dài nhiều năm, nhưng nước Mỹ không còn ngân sách để tiếp tục cuộc chiến. Bên cạnh việc cần một khoản cho vay nhanh chóng, các Thuộc địa còn rất cần một nguồn giao thương buôn bán với nước ngoài. Chiến tranh đã cắt đứt hoàn toàn nguồn giao thương truyền thống với Anh Quốc. Kể từ năm 1776 trở đi, những nền kinh tế trên khắp các thuộc địa đã thu hẹp một cách đáng kể.
Vậy tại sao Hà Lan lại được nhắm tới?
Khi đó, Amsterdam là trung tâm tiền tệ được quốc tế công nhận của toàn Âu Châu, cũng là nơi giao thương buôn bán của Bắc Âu. Nhà ngoại giao William Henry Trescot đã đề cập đến trong cuốn “Ngoại giao trong cuộc Cách mạng: Một nghiên cứu lịch sử” (năm 1852) rằng: “Nền thương nghiệp lớn, vốn tài chính khổng lồ, và đặc trưng ngành ngân hàng của Hà Lan khiến việc liên minh với Hà Lan quan trọng đối với Hoa Kỳ hơn việc liên minh với bất kỳ nước Âu Châu nào sau Pháp. ”
Những chướng ngại vật khó lay chuyển
Khi đến Hà Lan, ông quyết định lưu lại tại Amsterdam để có thể gặp gỡ và trao đổi với các nhà băng. Tuy nhiên, ông sớm phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông mang theo mình những lá thư giới thiệu từ Chủ tịch Quốc hội Hoa Kỳ, Samuel Huntington, gửi đến Quốc hội Hà Lan (cơ quan đại diện cho các tỉnh thống nhất của Hà Lan) và Phó Vương (lãnh chúa của tỉnh). Các lá thư không được chấp nhận vì Hoa Kỳ không có sự công nhận ngoại giao từ nước Cộng hòa Hà Lan. Chiểu theo luật, Hoa Kỳ vẫn được coi là một nhóm các thuộc địa bất mãn của Anh Quốc.
Để vay được một khoản tiền từ Hà Lan, chưa nói đến một hiệp ước thương mại, thì quốc gia mới thành lập {Hoa Kỳ} trước tiên phải được công nhận ngoại giao là một quốc gia độc lập. Cơ hội để có được sự công nhận đó là khá mong manh.
Thứ nhất, Phó Vương William V, là một người vô cùng ái mộ và trung thành với Anh Quốc. Ông ta cũng là em họ của vua George III nước Anh. Thứ hai, vị Phó Vương này kiên trì trung lập trong cuộc chiến đang diễn ra giữa Anh và Mỹ, mặc dù Hà Lan đang bị Anh và Pháp gây áp lực phải chọn lấy một phe. Thứ ba, tính cách của người Hà Lan là luôn cẩn trọng và suy tư.
Không một điều nào trong số này là điềm báo tốt cho ngài Adams. Có lúc ông đã viết rằng: “Họ sẽ cẩn thận cân nhắc, cẩn thận cân nhắc và cẩn thận cân nhắc!”
Vị tổng thống tương lai cần phải biết rằng, tất cả các nhóm lợi ích trong xã hội Hà Lan vào thời điểm đó đều “đối kháng nhau một cách mạnh mẽ,” như cố nhà thơ và học giả J.W. Schulte Nordholt (1920–1995) đã miêu tả.
Trong lãnh vực chính trị có 3 nhóm: Phó Vương và những người ủng hộ ông (quân đội, Giáo hội hiện hành, và các tầng lớp thấp hơn); tầng lớp trung lưu mới nổi đang phát triển; và các Quan nhiếp chính địa phương.
Các Quan nhiếp chính là những thương gia có tư tưởng cộng hòa, kiểm soát các hội đồng thành phố, các tiểu bang, và cơ quan lập pháp của các tiểu bang, cũng như Quốc hội (của các tỉnh thống nhất). Những vị Quan nhiếp chính cấp tiến hơn tự gọi mình là Những nhà yêu nước Hà Lan. Trong bài luận “John Adams và nền Cộng hòa Hà Lan,” ông Nordholt cho rằng các Quan nhiếp chính đã tạo nên một “tầng lớp thượng lưu tư sản – quý tộc, đó là một ví dụ hoàn hảo về chế độ quyền lực tập trung.”
Ngài Adams biết rằng trong khi các Quan nhiếp chính mong muốn được tham gia vào nền giao thương thịnh vượng với Hoa Kỳ, thì số người phản đối việc đó trong các tiểu Bang và Quốc hội lại đủ nhiều để hủy bỏ một hiệp ước thương mại [mà Hoa Kỳ mong muốn]. Ngoài ra, vốn ngân hàng ở Hà Lan không tránh khỏi bị ràng buộc với vốn ngân hàng ở Anh. Trong tình thế đó, một khoản cho vay sẽ không đến nhanh chóng, chừng nào mà Hoa Kỳ và các tỉnh Thống nhất của Hà Lan đều đang có chiến tranh, mặc dù là hai cuộc chiến riêng rẽ, với Anh Quốc (cuộc chiến tranh Anh – Hà Lan lần thứ tư diễn ra trong những năm 1780-1784).
Một sự thay đổi trong chiến lược
Sau sự thất vọng này, ngài Adams đã thay đổi chiến lược. Ông chuyển đến Leiden, một thị trấn bên ngoài The Hague – nơi ở của Phó Vương và là trụ sở của Quốc hội Hà Lan. Ông đã ở đó vài tuần.
Trong những tháng tiếp theo, ngài Adams đã thực hiện nhiều chuyến đi lại giữa Amsterdam và The Hague. Với sự thiếu kiên nhẫn đặc trưng của mình, sự can đảm và khao khát thành công của người Mỹ, cũng như rất nhiều hy sinh cá nhân dựa trên những nguyên tắc của bản thân, ông bắt đầu cho người Hà Lan biết về Hoa Kỳ và thuyết phục những người ra quyết định của Hà Lan ủng hộ việc công nhận ngoại giao với đất nước Hoa Kỳ non trẻ của mình. Nói một cách ngắn gọn, ông đã khởi xướng chiến dịch tiếp thị của riêng mình.
Bước đầu tiên ông thực hiện là dành thời gian viết những thông điệp ngoại giao gửi đến Phó Vương và Quốc hội.
Trong thông điệp ngoại giao gửi tới Quốc hội Hà Lan của ông, theo các biên tập viên của dự án kỹ thuật số John Adams Papers được xuất bản bởi Hiệp hội Lịch sử Massachusetts thì: “Ngài Adams đã lập luận rằng nếu Hà Lan trì hoãn việc công nhận [ngoại giao với] Hoa Kỳ, thì Hà Lan có nguy cơ bị loại khỏi thị trường Mỹ quốc. Hơn nữa, sự thất bại của cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, do không có sự ủng hộ của người Hà Lan và những người Âu Châu khác, đã nuôi dưỡng bóng ma về một đế chế Anh Quốc hùng mạnh và tham lam hơn.”
Tuy vậy, ông lại phải đối mặt với “những bức tường gạch” như cũ. Phản hồi chính thức của Hà Lan là không có phản hồi.
Kết quả là ngài Adams sớm đổ bệnh. Ông là một người nghiện hút và nhai thuốc lá nặng, và là một người nghiện rượu vừa phải. Sau những căng thẳng kéo dài, cơ thể của ông bị rối loạn. Ông dễ trở nên trầm cảm, bị ợ chua, nhiễm trùng đường hô hấp, và có thể đã bị cường giáp. Sau này, ông viết về thời kỳ đó là: “Tôi đã gần trượt chân trên những ngọn núi tăm tối.”
Bất chấp bệnh tình của mình, ông vẫn thúc đẩy bản thân về phía trước.
Ông đến gặp chủ một tòa soạn báo ở Leiden tên là Jean Luzac. Đó là một người Pháp tị nạn và theo đạo Tin Lành, là người điều hành tờ báo Gazette de Leyde nổi tiếng của Pháp. Một người khác ở Leiden cũng giúp đỡ ông là nhà báo người Pháp có tên A.M. Cerisier, người đã xuất bản tờ báo Le Politique Hollandais của Pháp.
Các biên tập viên của dự án kỹ thuật số John Adams Papers tự hào rằng: “Với lòng nhiệt thành của một nhà truyền giáo, ngài Adams đã tìm cách nâng cao tầm hiểu biết của người Âu Châu về Hoa Kỳ và cuộc Cách mạng Hoa Kỳ thông qua những đóng góp thường xuyên cho … các tờ báo Le Politique Hollandais, Gazette d’Amsterdam, và Gazette de Leyde.”
Tình thế xoay chuyển sau trận chiến Yorktown
Chiến dịch quảng bá nước Mỹ thông qua tiếp cận báo chí của ông chắc chắn đã có những ảnh hưởng tích cực. Cùng lúc đó, tình thế đã thay đổi rất nhanh sau khi có tin người Anh đầu hàng tại Yorktown (vào ngày 18/10/1781). Cũng giống như cuộc đầu hàng của Anh tại Saratoga năm 1777 tác động lớn đến Pháp, cuộc đầu hàng của Anh tại Yorktown tác động lớn đến các tỉnh Thống nhất của Hà Lan. Những nhà yêu nước Hà Lan đã nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy sự công nhận ngoại giao với Hoa Kỳ, thông qua các tiểu Bang và cả Quốc hội.
Vào đầu năm 1782, Friesland là tiểu Bang đầu tiên công nhận ngoại giao với Hoa Kỳ. [Rất nhanh sau đó], các tiểu Bang khác cũng đã làm theo. Vào tháng 04/1782, Quốc hội Hà Lan chính thức công nhận mối quan hệ ngoại giao cấp quốc gia giữa Hà Lan và Hoa Kỳ. Hà Lan trở thành quốc gia thứ 2 làm như vậy (quốc gia đầu tiên là Pháp). Với tiến triển mới này, khoản vay và hiệp ước thương mại – mục đích ban đầu mà ngài Adams tới Hà Lan – đã sớm được thông qua.
Vào tháng 06/1782, với sự giúp đỡ của Ngài Joan van der Capellen tot den Pol, ngài Adams đã đàm phán một khoản vay 5 triệu đồng guilder Hà Lan (NLG).Đây là khoản vay đầu tiên trong rất nhiều các khoản vay trong hơn chục năm sau đó của Hoa Kỳ.
Vào tháng 10/1782, mười hai tháng sau Trận chiến mang tính quyết định ở Yorktown, Quốc hội Hà Lan đã ký Hiệp ước Thông thương và Hữu hảo Hà Lan – Hoa Kỳ. Nước Mỹ có một đối tác thương mại mới, và ngài John Adams đã vui vẻ trở về nhà.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times