Câu chuyện chưa kể đằng sau thảm họa Siêu Bão năm 1900 tại Texas
Cơn bão Galveston và một sai lầm tai hại đã dẫn đến những cái chết thương tâm trong thảm họa thiên nhiên lớn nhất nước Mỹ
“Câu chuyện đầy đủ sẽ không bao giờ được kể, bởi vì không thể làm như vậy.” Đó là dòng thông báo được gửi đến văn phòng hãng tin Associated Press tại Chicago từ người quản lý của tờ Galveston News vào ngày 12/09/1900, bốn ngày sau khi một cơn bão thảm khốc đã gây thiệt hại nhiều nhân mạng, làm tan hoang và tàn phá hòn đảo chắn cát giàu có nằm cách bờ biển Texas khoảng 2 dặm. Được biết đến với tên gọi “Cơn bão lớn Galveston” hay là “Siêu bão của năm 1900”, sự kiện này đã được lịch sử ghi nhận là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất tại Hoa Kỳ.
“Một bản tóm tắt về tình trạng tại Galveston là điều mà trí óc con người không thể tưởng tượng nổi,” nhà quản lý tin tức địa phương R.G. Lowe đã viết. “Nói ngắn gọn, thiệt hại về tài sản khoản đâu đó 15,000,000 đến 20,000,000 đô la. Thiệt hại về nhân mạng là không thể tính đếm. Sự cứu trợ phải được thực hiện ngay lập tức.”
Dự báo trước Cơn bão
Nhà khí tượng học Isaac Cline và gia đình trẻ của ông đã di chuyển đến Galveston vào tháng 03/1889, nơi mà ông được Trung tâm thời tiết quốc gia Hoa Kỳ giao nhiệm vụ thành lập một trạm khí tượng mới và điều hành khu vực Texas. Cline không phải là người mới vào nghề, ông đã là một nhà dự báo thời tiết tài ba và tạo dựng được danh tiếng đáng nể ở khá nhiều vùng của đất nước, gồm có Abilene, Texas, nơi mà ông đã gặp và kết hôn với người vợ Cora May Ballew vào năm 1887. Họ gặp nhau ở nhà thờ Baptist nơi bà là người chơi organ và là cháu gái của mục sư. Cộng đồng đã chào đón Cline và gia đình ông, gia đình dần trở nên đông đúc hơn với ba cô con gái và người em trai Joseph của Cline. Họ đều là thành viên của Nhà thờ First Baptist Church và Cline dạy học ở Trường Chúa Nhật.
Vào thời điểm Cline chuyển đến Galveston, hòn đảo đã được xem là một trong những thành phố quan trọng và phát triển nhất Texas. Nơi đây không chỉ là một trung tâm thương mại phồn thịnh mà còn là điểm nghỉ mát nổi tiếng và tự hào với dân số khoảng 40,000 người. Dọc theo bờ vịnh, Galveston nắm giữ tiềm năng trở thành một trong những thành phố lớn nhất và thịnh vượng nhất thường được nhắc đến với tên gọi “New York của miền Nam.”
Vào năm 1882, trước thời điểm thực hiện nhiệm vụ tại Galveston, Cline đã tham gia huấn luyện tại bộ phận thời tiết thuộc Lực lượng Tín hiệu Quân đội tại Fort Myers, Virginia. Sau đó ông được điều động đến Little Rock, Arkansas nơi mà ông có nhiệm vụ là một trợ lý quan sát thời tiết. Bị ấn tượng bởi kỹ năng sắp xếp công việc và đạo đức nghề nghiệp của Cline, cấp trên đã giao cho ông phụ trách Cục thời tiết Galveston.
Tác giả Erik Larson đã viết trong cuốn “Cơn bão của Isaac” như sau “Vào tháng 11/1893, hai năm sau khi Isaac đến Galveston để thành lập bộ phận tại Texas của Cục thời tiết Hoa Kỳ, một thanh tra chính phủ đã viết rằng “Tôi cho rằng không một ai trong Quân đội tại Bộ phận Thời tiết làm nhiều công việc thực sự hơn anh ấy…Anh ấy có một mức độ chú tâm đáng kể trong công việc và rất tự hào về việc biến trạm khí tượng của mình trở thành một trong những trạm tốt nhất và quan trọng nhất đất nước, như bây giờ.”
Cư dân tại Galveston rất vui mừng vì có được một chuyên gia thời tiết giày dạn tại đây, vì trước đây các cơn bão quét qua hòn đảo đã gây ra lũ lụt, thiệt hại và đôi khi tổn thất về nhân mạng. Các câu hỏi luôn ngấm ngầm hiện hữu. Có cần làm gì thêm để bảo vệ hòn đảo và thành phố này không? Có cần xây một cái đê chắn sóng ngoài bãi biển để cản sóng và thủy triều không? Có nên xây dựng một bức tường chắn sóng cao? Hòn đảo chỉ cao hơn mực nước biển 2,4m.
Năm 1891, chín năm trước cơn siêu bão, sau khi một cơn bão nguy hiểm khác gây ra lũ lụt, một tờ báo địa phương đã hỏi ý kiến của Cline về khả năng một cơn bão chết người tấn công hòn đảo. Thành phố có nên chi một khoảng tiền đáng kể để xây dựng một bức tường chắn sóng cao dọc theo bãi biển vùng Vịnh? Câu trả lời của ông, được in trên tờ báo xuất bản ngày 15/07/1891, là Galveston tuyệt đối an toàn. Trong lá thư gửi đến tòa soạn, Cline đã giải thích với cộng đồng: hoàn toàn rõ ràng thành phố sẽ hầu như không cảm nhận được tác động của cơn bão nếu nó có đẩy sóng cao ở vùng Vịnh lên đảo. Nước sẽ chảy qua thành phố, chảy vào vịnh và vào đất liền. Ông cũng tin rằng bờ Vịnh rất cạn và nó sẽ chia cắt bất kỳ đợt sóng nào. Cline tuyên bố rằng nỗi lo lắng về cơn bão là “một sự ảo tưởng vô lý.. Nhà chức trách của thành phố và cộng đồng nơi đây rất hài lòng về ý kiến của nhà khí tượng học danh giá. Không một khoản tiền nào được dành ra để bảo vệ hòn đảo khỏi các cơn bão nghiêm trọng.
Khởi đầu của Cơn bão
Vào ngày 27/08/1900, một con tàu chở hàng đi về phía đông Quần đảo Winward tại Tây Ấn đã báo cáo về một cơn bão nhiệt đới. Đây là cơn bão yếu, chưa hoàn toàn được hình thành và được phát hiện đang di chuyển đến Biển Caribe. Sau khi tiến vào vùng đông bắc Caribe ngày 30/08, nó đã đổ vào đất liền Cộng hòa Dominica vào ngày 02/09 dưới dạng một cơn bão nhiệt đới yếu. Vào ngày tiếp theo, cơn bão bắt đầu mạnh hơn và đi qua Puerto Rico với sức gió 43 dặm một giờ. Cuba là điểm đến tiếp theo, và thành phố Santiago đã ghi nhận lượng mưa 12.58 inches trong vòng 24 tiếng. Ngày 06/09, cơn bão nhiệt đới đổ bộ vào vùng Vịnh Mexico và mạnh lên thành cơn bão lớn.
Vào ngày 07/09, Cline lo lắng giơ cao những lá cờ cảnh báo bão trên đỉnh của tòa nhà Cục Thời tiết Galveston. Điều này không nên xảy ra; nhưng ông đã thấy nước biển đang dâng lên cả về cường độ lẫn tần số. Ông biết rằng điều nguy hiểm sắp xảy ra. Cline đã viết trong hồi ký như sau:
“Vào sáng sớm ngày 08/09, tôi đã buộc con ngựa của mình vào xe hai bánh mà tôi dùng để đi săn, tôi đi dọc bờ biển từ đầu này đến đầu kia của thị trấn. Tôi cảnh báo mọi người về mối nguy hiểm vô cùng khủng khiếp đang đe dọa họ, và báo cho khoảng 6,000 người đang nghỉ mát dọc bờ biển phải về nhà ngay lập tức. Tôi cảnh báo các cư dân sống trong 3 khu nhà ở bãi biển di chuyển đến các khu vực cao hơn của thành phố.”
Nước lũ bắt đầu dâng vào giữa buổi chiều, vào khoảng 8 giờ tối ngày 08/09, cơn bão đã bộc lộ sự cuồng nộ của nó.
Một vài câu chuyện
Ban đầu, rất ít người thấy được nguyên nhân vì sao phải lo ngại, chỉ vài người cố gắng sơ tán vào đất liền. Ba trong số những công dân danh giá nhất của thành phố là những người đầu tiên thiệt mạng. Ngài Stanley G. Spencer, Charles Kellner, và Richard Lord đang ngồi tại bàn trên tầng 1 của Ritter Saloon trong khu Strand khi mái nhà sụp xuống. Một người phục vụ đã được đưa đến bác sĩ nhưng không thành công. Sau đó người ta tìm thấy ông đã chết đuối trong dòng nước lũ đang dâng.
Toàn bộ câu chuyện sẽ không bao giờ được kể. Những con sóng cao 4.5m đánh vào gần như mọi tòa nhà trên hòn đảo từ phần móng của nó, cuốn hàng ngàn người vào dòng xoáy nước đầy những mảnh vụn. Sức mạnh của nước có thể nuôi dưỡng sự sống và mang tính sáng tạo, đồng thời sức mạnh của nước có thể đầy hủy diệt và chết chóc. Dòng nước lũ sâu ít nhất 3.6m, đã có những câu chuyện về người dân sống sót phải trôi dạt hàng giờ trên bất kỳ tấm ván hoặc đồ vật nào giữ họ nổi lên mặt nước. Con số tử vong chính xác không bao giờ được tổng hợp. Con số ước tính là khoảng 6,000 đến 12,000, với trung bình 8,000 người định cư trên vùng Galveston và hàng ngàn người nữa trên đất liền.
Đáng buồn thay, người vợ của Cline cùng đứa con chưa sinh ra đời của họ đã thiệt mạng trong cơn bão. Cline cùng ba người con gái và em trai của ông sống sót qua đêm kinh hoàng. Trong cuộc phỏng vấn với một phóng viên báo chí vài ngày sau thảm họa, Cline nói rằng khi ngôi nhà của họ sụp đổ và ông bị kẹp bởi những thanh gỗ rơi xuống dưới nước, ông không hề cảm thấy sợ hãi. Ông đã trả lời rằng “Lúc ấy tôi đã dâng hiến sinh mệnh của mình cho Đấng tạo ra tôi, tôi bắt đầu bị đuối nước,”. Ông vui mừng khôn xiết khi được đoàn tụ với ba cô con gái và em trai cách nơi mà ngôi nhà của họ từng đứng chưa đầy ba dãy phố. “Với một trái tim đau nhói, tôi nói với họ về điều bất hạnh của gia đình, và những đứa con yêu dấu dũng cảm đã nói rằng, ‘Papa đừng khóc, mama đã được về với Chúa rồi.’”
Lời khẩn cầu giúp đỡ khẩn cấp của Galveston đã được cả thế giới đáp lại. Những khoản viện trợ hào phóng ngay lập tức được gửi đến, và thành phố bắt đầu được tái thiết. Đê chắn sóng được khởi công xây dựng vào tháng 09/1902. Trong vòng 60 năm tiếp theo, con đê được mở rộng từ 5.3km lên thành 16km. Vào dịp kỷ niệm 61 năm của cơn bão chết chóc năm 1900, một cơn bão khác tên Carla đã đổ bộ vào Galveston. Trong khu vực được bao bọc bởi đê chắn sóng, không một ai thiệt mạng và không ngôi nhà nào bị phá hủy nữa.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times