Những khó khăn chồng chất khi anh em nhà Wright tạo ra chiếc máy bay đầu tiên
Hai anh em ông Wilbur và Orville Wright đã trở thành những người thợ cần mẫn để sáng tạo ra chiếc máy bay đầu tiên như thế nào.
Đứng gần những đụn cát ở thị trấn Kitty Hawk, tiểu bang North Carolina, ông Wilbur Wright lấy ra một đồng xu từ túi áo khoác của mình. Đó là một ngày nắng đẹp và ấm áp, ngày 04/12/1903. Sau bốn năm thử nghiệm với các loại tàu lượn và những cỗ máy biết bay, cuối cùng ngày này cũng đã đến. Việc tung đồng xu với người em của mình là ông Orville, để quyết định xem ai sẽ là người đầu tiên điều khiển một chiếc máy bay nặng hơn không khí, một chiếc máy bay có động cơ, nổi tiếng với tên gọi Wright Flyer.
Lần thử nghiệm có thể được thực hiện sớm hơn một ngày, tuy nhiên vì họ đã hứa với cha mình, ông Milton Wright, một giáo sĩ Tin Lành, rằng họ sẽ không bay vào ngày Chủ Nhật. Họ cũng hứa với ông rằng cả hai sẽ không bay cùng nhau. Vào lúc 1 giờ trưa, những hiệu chỉnh cuối cùng đã hoàn tất, và hai anh em đứng cạnh nhau để cùng cầu nguyện. Đồng xu đã được tung lên, và ông Wilbur, người anh trai, đã leo vào buồng lái.
Chiếc Flyer, đã được kéo lên đỉnh của ngọn đồi Kill Devil, bắt đầu cất cánh khởi hành lăn xuống trên đoạn đường ray để phóng dài khoảng 18 mét được xây dựng bằng bốn đoạn ray 2×4 dài 4,5 mét từ đầu đến cuối. Chiếc máy bay lăn xuống đường ray trên một chiếc xe đẩy bánh nhỏ mà hai anh em họ gọi là “xe tải”. Họ gọi đường ray phóng của mình là “Đường Sắt Grand Junction”. Ông Orville giữ chiếc cánh bên phải cho đến khoảng mét thứ 9 của đường ray. Và tại đoạn ray 10 mét, chiếc Flyer bắt đầu nâng lên. Không may thay, chiếc tàu bay đã leo lên dốc quá đứng và bị khựng khi ông Wilbur lùi lại nhanh chóng, và chiếc tàu bay đã bị va chạm ở cánh bên phải. Chuyến bay kéo dài chỉ có 3,5 giây và khoảng đường bay đo được cực nhỏ chỉ 18 inch – thậm chỉ không đủ để đếm. Ông Wilbur không bị thương, và cả hai anh em dành vài ngày sau đó để sửa chữa lại chiếc máy bay.
Đồ chơi, Gia đình, và Cảm hứng ban đầu
Những người tiên phong trong lĩnh vực hàng không như ông Wilbur và Orville Wright không hề có bất kỳ dự định nào về việc làm nên lịch sử hoặc tìm kiếm sự nổi tiếng; nói đúng hơn, danh tiếng đã tìm đến họ. Họ đã không bắt đầu bằng một mục tiêu cao cả nhưng lại tự tạo cơ sở cho chính mình bằng những dự án thú vị. Nếu như chúng không hấp dẫn, họ đã không kiên trì mày mò. Cả hai anh em đều yêu thích một món đồ chơi nhỏ mà cha họ đã tặng khi cả hai còn thơ bé, chính điều này đã truyền cảm hứng cho họ yêu thích việc bay lượn. Đó là một thiết bị bay nhỏ bé bằng dây thun được gọi là Máy Bay Trực Thăng của Pénaud, thiết kế bởi một nhà tiên phong trong lĩnh vực hàng không là kỹ sư Alphonse Pénaud. Hai anh em họ đã dành thời gian để tạo ra một số bản sao chép với các kích cỡ khác nhau của món đồ chơi này.
Ông Wilbur, sinh năm 1867, và ông Orville, sinh năm 1871, là hai trong số bảy người con của bà Susan và ông Milton Wright. Ông Reuchlin và ông Lorin là hai người anh lớn hơn, và bà Katherine là con út trong gia đình. Cặp sinh đôi Otis và Ida đã mất từ khi còn bé. Cha mẹ của họ khuyến khích phát triển trí tò mò và thúc giục họ đọc bất cứ thứ gì họ muốn từ hai tòa thư viện khổng lồ trong nhà. Là một giám mục thuộc Giáo hội bảo thủ của Các Anh Em Thống Nhất trong Kitô giáo, ông Milton có một thư viện rộng lớn về các quyển sách chủ đề tôn giáo. Tòa thư viện còn lại được chất kín những cuốn sách sách với các thể loại đa dạng từ văn học, thơ ca cho đến các chủ đề về khoa học và toán học. Mẹ của họ, bà Susan, đã đi học đại học, đó là một điều hoàn toàn không bình thường đối với các phụ nữ trẻ ở thế kỷ 19th. Những cậu con trai có lẽ đã được thừa hưởng đam mê mày mò với các dự án từ mẹ của họ, người có một năng khiếu sâu rộng về cơ khí ngay từ khi còn là một đứa bé gái và dành nhiều thời gian ở cùng với cha mình tại cửa hàng xe ngựa của ông. Bà đã học về các loại công cụ và cách sử dụng chúng. Là một người vợ và một người mẹ, bà đã tự thiết kế và chế tạo các dụng cụ đơn giản cho riêng mình cũng như các món đồ chơi yêu thích cho bọn trẻ, gồm cả những chiếc xe trượt tuyết.
Khởi nghiệp
Trong hai người, thì ông Orville là người kiên quyết hơn và khéo léo hơn trong việc tìm ra những cái mới lạ so với người anh chăm học của mình. Ông Wilbur, thường được bạn bè và người nhà gọi là Will, được miêu tả là sáng dạ và xuất sắc trong việc học tập. Ông là một vận động viên khỏe mạnh, rắn chắc và hướng ngoại cho đến khi một chấn thương ở mặt lúc chơi khúc côn cầu đã khiến ông phải rút lui và trở nên trầm cảm ở cái tuổi 18. Trước khi xảy ra tai nạn, ông Wilbur muốn theo đuổi việc học tập tại Đại Học Yale. Ông đã hoàn thành hầu hết các yêu cầu tốt nghiệp của trường trung học Richmond (tiểu bang Indiana), tuy nhiên việc cả gia đình đột ngột chuyển đến Dayton, tiểu bang Ohio, đã khiến ông không thể hoàn thành các khóa học để tốt nghiệp. Ông Orville có nhiều sở thích khác nhau, như là làm các bản mộc in cho các tờ báo, dựng một nhà in, và vận hành một doanh nghiệp báo chí. Cả hai người đều không ai có được một tấm bằng học thuật chính thức cả.
Ông Wilbur đã viết về người em của mình như sau:
“Từ khi chúng tôi còn là trẻ con, em trai Orville và tôi đã sinh hoạt, chơi đùa và làm việc cùng với nhau, và thực sự là chúng tôi cùng suy nghĩ giống nhau. Chúng tôi thường gộp chung tất cả các đồ chơi của mình, chia sẻ về các suy nghĩ và nguyện vọng của nhau, như vậy, gần như tất cả mọi thứ mà chúng tôi đã hoàn thành trong cuộc đời mình đều là từ kết quả của những trao đổi, gợi ý và thảo luận giữa hai chúng tôi.”
Cả hai anh em đều không kết hôn và không có con cái, tuy nhiên họ rất say mê và thích chơi đùa với các cháu trai và gái của mình.
Ông Orville đã tuyển dụng anh trai mình vào vị trí biên tập cho tờ báo của ông, tờ “West Side News,” và họ đã mở một doanh nghiệp in ấn là Wright & Wright Job Printer, ngay tại quê nhà ở Dayton vào năm 1889. Tuy nhiên, ngay sau đó, sở thích của họ đã quay sang cơn sốt xe đạp đang lan rộng trên khắp đất nước. Trong vòng ba năm, hai anh em đã mua nhiều chiếc xe đạp, giao phó hoạt động hàng ngày của xưởng in lại cho các nhân viên đáng tin tưởng, và mở thêm một công ty về xe đạp là Wright Cycle Company. Họ không chỉ sửa và cho thuê xe đạp mà còn phát triển thương hiệu của riêng mình. Họ luôn luôn mày mò với các dự án, và rồi cửa hàng xe đạp này đã trở thành công xưởng cho những khát vọng về hàng không của họ. Khách hàng đến với cửa hàng chỉ với suy nghĩ về những chiếc xe đạp, mà không hề biết rằng ngay phía sau bức tường đó có cả một đường hầm gió* mà cuối cùng sẽ thay đổi cả thế giới.
Bay lên bầu trời
Những đụn cát ở thị trấn Kitty Hawk đã được anh em nhà Wright lựa chọn để thử nghiệm những chiếc diều bay không người lái và những chiếc tàu lượn có người lái vì khả năng giảm thiểu lực tác động của các cú va chạm. Các cơn gió mạnh ở nhóm đảo Outer Banks ngoài khơi bờ biển tiểu bang North Carolina và sự riêng tư cũng là các nhân tố làm cho vị trí này càng trở nên lý tưởng hơn. Những chiếc diều và tàu bay là một sở thích mà ông Wilbur đã giới thiệu cho em trai Orville của mình. Các kỳ nghỉ lễ hàng năm của cửa hàng in ấn Dayton đều được dành để đến thị trấn Kitty Hawk. Người anh trai đã được truyền cảm hứng bởi các quyển sách trong thư viện của gia đình viết về công trình hàng không của Sir George Cayley, kỹ sư Alphonse Pénaud, và nhiều người khác nữa. Ông Wilbur đã viết một lá thư cho Học Viện Smithsonian* để hỏi về các ấn bản khác có chủ đề hàng không. Ông cũng đồng thời viết thư cho một nhà thử nghiệm hàng không là ông Octave Chanute, tác giả của quyển sách xuất bản năm 1894 “Progress in Flying Machines (Những tiến bộ về Máy Bay)”. Năm 1899, chiếc “diều” đầu tiên của anh em nhà Wright đã trở thành thí nghiệm hàng không đầu tiên của họ.
Rất nhiều cuộc thử nghiệm đã được tiến hành, những thất bại liên tiếp, lại điều chỉnh, và lại thử nghiệm cứ nối tiếp nhau như thế; sau mỗi kỳ nghỉ tại tiểu bang North Carolina, anh em nhà Wright lại quay về cửa hàng xe đạp ở Dayton, tiểu bang Ohio, và tiếp tục mày mò để giải quyết các thử thách về cơ khí và kỹ thuật vừa xuất hiện. Ông Orville sau này đã nhận xét rằng bất chấp các con muỗi “gặm nhắm chúng tôi xuyên qua cả các lớp đồ lót và vớ”, thì các kỳ nghỉ ở thị trấn Kitty Hawk và những cuộc thử nghiệm đó là một số trong thời điểm hạnh phúc nhất trong cuộc đời của hai anh em chúng tôi.
Ngày 17/12/1903, ba ngày sau chuyến bay thất bại 18-inch của ông Wilbur trên chiếc Wright Flyer, ông Orville đã leo vào buồng lái của chiếc tàu bay mới được sửa chữa. Thời tiết bắt đầu có gió và trở nên lạnh hơn. Chiếc đồng hồ của trạm dự báo thời tiết chính phủ ở gần đó chỉ tốc độ gió là 27 dặm mỗi giờ, điều này đã khiến hai anh em phải từ bỏ ngọn đồi Kill Devil và thiết lập một đường băng bằng phẳng. Vào lúc 10 giờ 35 phút sáng, ông Orville đã khởi động động cơ, cánh quạt bắt đầu xoay. Lúc này, ông Wilbur đã chạy dọc theo bên cạnh chiếc tàu bay. Sau một chuyến bay dài 12 giây, hai anh em bắt đầu đổi phiên cho nhau; vào buổi trưa, trên chuyến bay thứ tư và cũng là chuyến cuối cùng trong ngày hôm đó, ông Wilbur đã bay được một khoảng đường dài hơn 260 mét trong suốt 59 giây đồng hồ. Chuyến bay có thể điều khiển đầu tiên trên một cỗ máy có gắn động cơ và nặng hơn không khí đã được thực hiện.
Sau khi ăn trưa, hai anh em đã đi bộ đến trạm dự báo thời tiết của thị trấn Kitty Hawk và gửi điện tín báo cho gia đình về bốn chuyến bay thành công của họ và rằng họ sẽ quay về nhà đúng vào dịp Lễ Giáng Sinh.
Bài viết này đã được xuất bản chính thức trên tạp chí American Essence.
*Chú thích của dịch giả:
*Wright Flyer là chiếc máy bay thành công đầu tiên được thiết kế và xây dựng bởi anh em nhà Wright
*Đường hầm gió là các đường ống lớn có gió được thổi dọc theo đường ống. Đường hầm gió được sử dụng cho mục đích mô phỏng lại trạng thái của một vật thể bay trong không khí hoặc vật thể di chuyển trên mặt đất. Các nhà nghiên cứu thường sử dụng đường hầm gió để tìm hiểu thêm về cơ chế bay của máy bay.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times