Chuyến di cư gia súc dài nhất trong lịch sử của ông Nelson Story, từ tiểu bang Texas đến tận tiểu bang Montana
Vào năm 1866, ông Nelson Story đã cấp tốc dẫn dắt cả một đàn bò sừng dài Texas* vượt qua Đường mòn Bozeman*, vừa kịp tránh thoát một cuộc tấn công của những bộ lạc người Mỹ bản địa.
Thời nay, nếu bạn đến thăm thành phố Virginia ở tiểu bang Montana, bạn có thể tìm thấy một ngôi làng vẫn giữ được dáng vẻ của mình từ tận tháng 05/1863 xa xôi cho đến nay. Đó là thời điểm mà một mỏ vàng sa khoáng* được tìm thấy ở Alder Gulch, một con suối phía sau thị trấn. Những người thợ mỏ trở về từ những khu vực khai thác vàng ở thị trấn Bannack, tiểu bang Montana, tình cờ bắt gặp được vàng ở đây, mặc dù đã cam kết để giữ kín điều này cho riêng mình, tuy nhiên một số thông tin đã rò rỉ ra bên ngoài. Trong vòng chỉ ba tháng sau đó, có khoảng hơn 10 ngàn người đã tụ tập đến sinh sống ở trên khắp hơn 22 cây số dọc theo của con suối.
Một trong số những người này là ông Nelson Story. Sinh ra ở tiểu bang Ohio vào năm 1838, ông là con trai út của ông Ira Story, một người Scotland, và vợ là bà Hanna, một người phụ nữ Anh quốc. Lớn lên, ông Nelson đã phụ giúp cha làm các công việc đồng áng. Sau đó ông học tại trường Đại Học Ohio, tuy nhiên ông đã không tốt nghiệp đại học vì sự qua đời của cha ông.
Theo lời kể từ người cháu trai của ông là Malcom Story, được một sinh viên tại Đại Học tiểu bang Montana vào năm 1967 phỏng vấn và ghi lại và đã được giới thiệu trong một bài báo của tờ Bozeman Chronicle vào năm 2011. Vào năm 1857, lúc đó Nelson 20 tuổi đã tự mình làm lụng nuôi sống bản thân. Ông Nelson đã dạy tại trường Ohio trong một thời gian ngắn, sau đó đi tìm các cơ hội khác ở miền Tây: trước tiên là ở tiểu bang Illinois, sau đó đến tiểu bang Nebraska, rồi tiểu bang Kansas. Vào năm 1859, ông đã tìm được một công việc vận chuyển hàng hóa. Ông cũng lặn lội mò tìm vàng ở khu mỏ gần thành phố Helena, tiểu bang Montana trong cùng năm đó, tuy nhiên may mắn đã không mỉm cười với ông. Vì vậy ông quay trở về tiểu bang Kansas để tiếp tục công việc lái xe và buôn bán hàng hóa trong các thị trấn.
Năm 1862, một công việc vận chuyển gỗ xây nhà đã đưa ông đến với tiểu bang Missouri, nơi mà ông đã gặp bà Ellen Trent khi mới 18 tuổi. Họ đã kết hôn ở tiểu bang Kansas và vào mùa xuân năm 1863, họ lên đường đến thị trấn Bannack cùng với một đội 14 con la và bò chất đầy hàng hóa chở đến cho một cửa hàng chuyên phục vụ “mỏ và thợ mỏ.” Tuy nhiên khi họ đến nơi vào tháng sáu, họ phát hiện ra rằng những người thợ mỏ đều đã chuyển đến suối Alder Gulch. Vì vậy đôi vợ chồng cũng đã lên đường tiến về thành phố Virginia, tại đó họ đã dựng lên một cửa hàng: nơi mà bà Ellen nướng bánh mì và bánh ngọt để bán cho những người thợ mỏ với giá mỗi cái là 5 USD trả bằng bụi vàng; còn ông Nelson điều hành cửa hàng, sắp xếp việc vận tải bằng bầy la của mình, và tiếp tục khai thác tại một số khu vực của dòng suối Alder Gulch mà ông cảm giác là chưa hoàn toàn khai thác trọn vẹn.
Trong suốt thời gian năm 1864 và 1865, cửa hàng bánh ngọt của bà Ellen và khu vực khai thác vàng của ông Story tất cả đều được hai vợ chồng ông mua đứt. Ông Story đã mở những khu mỏ mới vào năm 1865, thuê 50 người làm việc ngày đêm. Bằng nhiều nguồn khác nhau, những mỏ vàng này đã kiếm được khoảng đâu đó 30,000 đến 50,000 USD cho đôi vợ chồng này vào năm 1866.
Theo lời kể từ gia đình, ông Story đã đổi vàng lấy 40,000 USD tiền mặt. Ông gửi 30,000 USD vào ngân hàng, đem 10,000 USD may giấu kín vào bên trong chiếc áo khoác, và bắt đầu chuyến mạo hiểm tiếp theo. Theo một nguồn thông tin khác thì ông Story đã giấu kho tàng của mình vào một chiếc hộp thiếc và quay trở về miền Đông, để bà Ellen lại với vợ chồng một nhà truyền giáo. Nói cách khác, mục tiêu của ông Story là kiếm thêm nhiều tiền nữa: Ông dự định kiếm tiền bằng nhu cầu về thịt bò bít tết của những người thợ mỏ – đó chỉ là món hời nhỏ – sau đó là đưa nguyên một đàn bò sừng dài Texas đến tận tiểu bang Montana.
Di chuyển đàn gia súc
Với chiếc áo khoác giấu đầy tiền của mình, ông Story và hai người bạn từ ngôi làng Leavenworth, tiểu bang Kansas đã thuê thêm 21 người chăn dắt khác ở gần thành phố Fort Worth, tiểu bang Texas, để giúp ông lùa đàn bò sừng dài gần 3,000 con, theo lời kể của Thiếu Tá John Catlin, người đã tham gia chuyến chăn dắt ở tiểu bang Wyoming và đã trả lời trong cuộc phỏng vấn năm 1912. Di chuyển đàn gia súc thì không có gì là mới: Trong suốt những năm 50, người Texas đã dắt những đàn gia súc nhỏ đến các khu mỏ khai thác vàng ở tiểu bang California, tới các pháo đài và những khu bảo tồn người Thổ Dân Bản Địa ở miền Tây Nam.
Chuyến đi của ông Story bắt đầu vào mùa xuân năm 1866. Ông đã băng qua dòng Sông Đỏ (Red River) của tiểu bang Texas để tiến vào tiểu bang Oklahoma và xuôi theo dòng sông Neosho để đến biên giới tiểu bang Kansas. Những nông dân của vùng miền Đông Kansas không muốn cho đàn gia súc Texas giẫm đạp qua các cánh đồng và phát tán các bệnh dịch gia súc. Cảnh sát trưởng của Quận Greenwood đã bắt giam ông Story, phạt ông 75 USD, và yêu cầu ông phải đem đàn gia súc của mình ra khỏi quận, trích từ tờ báo The Burlington Patriot.
Ông Story đã chuyển hướng đàn gia súc sang phía Tây, tuy nhiên cuối cùng ông lại trôi về tới tận thị trấn Leavenworth. Tại đó, vào ngày 04/07, ông đã mua thêm 15 chiếc xe thồ hàng, 150 con bò, nhiều loại hàng hóa khác nhau cho cửa hàng của ông ở thành phố Virginia, cùng với 30 khẩu súng trường Remington cho đội người của mình. Các tờ báo ở Leavenworth đăng vô số bài về “các cuộc nổi dậy của người Mỹ bản địa” ở miền Bắc. Những khẩu súng trường này sẽ chứng minh được tầm quan trọng của nó: Không giống như loại súng phải nạp đạn mỗi lần bắn, loại súng nạp hậu có một hộp cấp đạn, cho phép bắn từ 5 đến 7 lần mới cần phải nạp, từ đó đem đến hỏa lực siêu việt hơn.
Vào ngày 10/07, đàn gia súc của ông Story đã băng qua tiểu bang Nebraska và xuôi theo dòng Sông South Platte đến thị trấn Julesburg, tiểu bang Colorado, nơi đây có một tuyến đường mòn mới về phương Bắc sẽ đưa họ đến tận tiểu bang Montana. Tại Pháo đài Laramie, các sĩ quan quân đội đã cố gắng nói với ông Story về những chuyện vẫn đang diễn ra. Người Mỹ bản địa đang tìm cơ hội báo thù.
Hiệp ước bị phá vỡ
Năm 1851, Hoa Kỳ đã giao chiến với tám dân tộc ở các vùng đồng bằng phía Bắc – là Lakota (Sioux), Cheyenne, Arapaho, Crow, Assiniboine, Mandan, Hidatsa và Arikara – trong hiệp ước Pháo Đài Laramie. Hiệp ước thừa nhận rằng vùng đất theo hiệp ước quy định là thuộc về các người Mỹ bản địa và được xác định ranh giới cho mỗi bộ lạc khác nhau. Ví dụ như, lãnh thổ của bộ lạc Lakota, được mở rộng ra từ thành phố North Platte cho đến Sông Cannonball (tiểu bang North Dakota) và theo phía Tây đến Sông Powder. Lãnh thổ của bộ lạc Cheyenne và Arapaho nằm tại phía Nam của thành phố North Platte ở tiểu bang Wyoming và tiểu bang Colorado. Hiệp ước này cũng quy định rằng, để đổi lấy số tiền 50,000 USD mỗi năm trong vòng 50 năm, các bộ lạc phải giữ hòa bình với nhau; cho phép đi lại một cách an toàn cho những người dân định cư trên con Đường Mòn Oregon, con đường chạy từ Đông sang Tây xuyên qua các tiểu bang Nebraska và Wyoming; và cho phép các pháo đài và đường xá được xây dựng trên lãnh thổ của họ.
Một cách tự nhiên, hiệp ước này đã bị phá hủy. Cơn sốt vàng ở Đỉnh Pike* đã đưa cả đám người di cư tiến vào lãnh thổ của Cheyenne vào năm 1858. Giữa năm 1864 và 1866, khoảng 3,500 người thợ đào vàng và người di cư đã đi theo Đường Mòn Bozeman, một tuyến đường tắt tách ra từ Đường Mòn Oregon vào năm 1863, để đi vào những vùng khai thác vàng ở Montana. Sự xáo trộn này đã làm thay đổi sự di cư của bầy trâu qua Sông Powder trong khu vực săn bắn tốt nhất của những người Mỹ bản địa. Năm 1864, những quân nhân tình nguyện Denver của Đại tá John Chivington đã tàn sát cả ngôi làng Cheyenne yên bình của tù trưởng Black Kettle* trên vùng Sand Creek. Và vào tháng 06/1866, tiếp theo sau cuộc viễn chinh năm 1865 để trừng phạt những người Mỹ bản địa vì các cuộc báo thù của họ, Đại tá Henry Carrington đã dẫn lực lượng bộ binh thứ 18 tiến vào Pháo Đài Laramie theo mệnh lệnh để xây dựng thêm ba pháo đài nữa – Reno, Phil Kearny, và C.F. Smith – dọc theo Đường Mòn Bozeman để bảo vệ những người định cư trong vùng Montana.
Những tòa pháo đài mới này đã làm người Mỹ bản địa nổi giận. Các bộ lạc Lakota, Cheyenne và Arapaho đã tụ tập lại bên dòng Sông Tongue, dự định đánh đuổi người da trắng ra khỏi lãnh thổ của họ. Họ tập trung vào việc tấn công binh lính và những du khách đến đường mòn và cướp bóc những đàn gia súc của các pháo đài, hy vọng sẽ thu hút một lực lượng lớn hơn vào một cuộc đột kích đã được bố trí tốt của họ.
Đội chăn gia súc của ông Story đụng độ những người Mỹ bản địa lần đầu tiên là vào đầu tháng Mười, cách khoản 16 cây số về phía Nam của Pháo đài Reno. Trong suốt những cuộc tấn công rải rác, một số pháo đài đã bị dẫm nát nhưng sau đó cũng đã phục hồi lại. Cuộc tấn công này, theo lời ông Catlin, đã bị ngăn chặn bởi những khẩu súng tự nạp đạn của đội cao bồi. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra sau đó chỉ vài ngày. Một người cao bồi đã bị sát hại, và ông Story được cho là đã buộc chặt hai khẩu súng lục ổ xoay, cỡ nòng 36 của Hải Quân vào hai tay mình, cưỡi trên lưng ngựa không cần đóng yên để bảo vệ đàn gia súc. Hai người cao bồi đã cùng với ông đuổi theo những người Mỹ bản địa, tuy nhiên cả ba người đã nhanh chóng nhận ra rằng họ đang bị dẫn vào một cái bẫy, và lập tức quay trở lại vị trí cắm trại. Về gần nơi hạ trại, ông Story thấy một trong những người của mình gần như đã bị bao vây bởi những người Mỹ bản địa, ông đã triệu tập những cao bồi của mình lại để giúp đỡ. Cả đội đã lên đường đuổi theo người Mỹ bản địa, vừa đánh vừa đuổi suốt 24 cây số, cuối cùng quay trở về rất muộn cùng với hầu hết đàn gia súc của họ.
Vào ngày 07/10, Đại tá Carrington đã lệnh cho đàn gia súc của ông Story phải dừng lại tại vị trí cách ba dặm về phía Nam của Pháo Đài Phil Kearny vừa mới hoàn thành được một phần. Ông Carrington cũng báo cho ông Story rằng không nên tiếp tục tiến về phía Bắc bởi vì phải cần một đội quân ít nhất 50 người thì mới có thể đảm bảo an toàn, và lúc này ông lại không có đủ quân lính để hộ tống họ. Trong hai tuần tiếp theo, ông Story và cả đội người của mình “chỉ ngồi chơi xơi nước,” ông Catlin nói. Vào một đêm nọ, một người chăn gia súc đã bị sát hại với vô số mũi tên găm vào người, trông như “một chiếc bàn chải bị lật ngửa”.
Ông Story tin rằng Quân đội sẽ thu mua đàn gia súc của mình với giá rất rẻ – bởi vì hầu hết gia súc của họ đã bị hạ gục gần hết trong các cuộc đột kích của người Mỹ bản địa – nên cần phải quyết định ngay. Ông muốn tiếp tục lên đường. Vì vậy ông đã quyết định cho mọi người biểu quyết: Tất cả mọi người ngoại trừ một chàng cao bồi (George Dow) đều đồng ý tiếp tục lên đường. Vào ngày 21/10 họ đã lùa bầy gia súc ra ngoài sau khi trời vừa chập tối. Đại tá Carrington vô cùng tức giận. Ông ta đã bắt chàng cao bồi Dow lại, tuy nhiên lại điều động thêm 15 binh lính để tăng sức mạnh cho đội người chăn gia súc. Hai ngày sau, ông đã thả anh Dow ra để tiếp tục tham gia vào chuyến đi.
Thành công
Ông Story lùa đàn gia súc của mình di chuyển vào ban đêm và nghỉ ngơi vào ban ngày. Ông đã bị tấn công thêm hai lần nữa tuy nhiên cũng đều thành công chống trả và đánh đuổi được người Mỹ bản địa. Ông Story đã tiến vào lãnh thổ tiểu bang Montana vào khoản tháng Mười Hai và băng qua dòng Sông Yellowstone để vào Thung Lũng Gallatin, cuối cùng đã hoàn thành điều mà ông tin rằng chính là chuyến đi chăn gia súc dài nhất trong lịch sử.
Vào ngày 9/12, một số con gia súc của ông Story và những chuyến xe thồ đã tới thành phố Virginia, nơi mà giá thịt bò đã tăng lên gấp 10 lần so với chi phí mà ông Story đã bỏ ra.
Quay trở lại với Pháo đài Phil Kearny, vào ngày 21/`12, những người Mỹ bản địa đã giăng ra một cái bẫy lớn. Họ đã tấn công một chuyến tàu vận chuyển gỗ với 90 binh lính cách pháo đài 5 dặm. Đại tá Carrington đã đưa một đội viện binh, dẫn đầu bởi Đại úy William J. Fetterman đi giải cứu đồng đội. Lo sợ bị mắc bẫy, những mệnh lệnh rất rõ ràng của Đại tá Carrington là nghiêm cấm Fetterman truy đuổi người Mỹ bản địa nếu vượt ngoài phạm vi của vùng Sườn Nui Lodge Trail. Tuy nhiên Đại úy Fetterman đã phớt lờ mệnh lệnh này, truy đuổi theo 10 người thổ dân chim mồi, được dẫn đầu bởi thủ lĩnh Crazy Horse của bộ lạc Oglala Lakota, chạy rất xa ra khỏi đoàn toàn chở hàng. Vượt qua khỏi khu vực sườn núi, tất cả 81 người của Đại úy Fetterman đều đã bị hạ gục.
Chính thảm họa này đã kết thúc mọi nỗ lực của chính phủ nhằm phòng thủ tuyến Đường Mòn Bozeman. Năm 1868, thủ lãnh Red Cloud của bộ lạc Oglala Lakota đã ký một hiệp ước hòa bình để nhận lại chủ quyền của người Mỹ bản địa với khu vực Sông Powder – đó là lần duy nhất chính phủ Hoa Kỳ thỏa hiệp với mong muốn của người Mỹ bản địa. Những tòa pháo đài dọc theo Đường Mòn Bozeman đã bị cấm, và bị thiêu rụi.
Sau khi bán đàn gia súc của mình, ông Story đã trở thành công dân giàu có nhất của thành phố Virginia. Trong suốt 20 năm tiếp theo, ông đã xây dựng một trang trại quy mô 15,000 con gia súc trong Thung Lũng Paradise, gần thành phố Bozeman, là cội nguồn của ngành công nghiệp gia súc ở tiểu bang Montana.
Những di sản của ông Nelson Story
Ông Story đã sớm chuyển đến sống ở thành phố Bozeman và đầu tư vào những ngành nghề khác nhau – như nhà máy xay bột, ngân hàng, bất động sản – và trở thành ông chủ lớn nhất trong thành phố. Ngôi biệt thự ba tầng của ông thường bị hiểu lầm là tòa án. Ông quyên góp đất để xây dựng trường Đại Học Tiểu Bang Montana, và giúp cho thành phố Bozeman phát triển trước khi tham gia chính trị, trở thành thị trưởng của thành phố và sau đó trở thành trung tá thống đốc của tiểu bang Montana.
Tất nhiên ông Story không phải là một vị thánh. Ông đã bị tố cáo là mua bán gian lận trong khu bảo tồn của bộ tộc Crow với các giao dịch niên kim* ít trung thực. Ông được cho là khá nóng tính, và bị tố cáo là sử dụng súng lục và roi mây đối với những ai làm ông giận.
Có lẽ ông Catlin đã tổng hợp chính xác nhất về người đàn ông này “Ông Story luôn cưỡi ngựa một cách huy hoàng và nhanh như gió. Ông ấy thường nói “Nhanh nào con trai,” rồi cưỡi đi mất. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải đuổi theo ông, và chúng tôi sẽ theo ông cho dù có đến địa ngục…Có rất nhiều lần mà ông Nelson Story đã khiến tôi phải suy đoán. Những người người Mỹ bản địa hiểu biết rất rõ về ông. Đồng thời họ cũng e sợ ông. Vì họ biết rằng ông sẽ vượt qua tất cả mọi thứ để hoàn thành việc ông muốn làm.
Bài viết này đã được xuất bản chính thức trên tạp chí American Essence.
Chú thích của dịch giả:
* Bò sừng dài Texas là một giống bò được biết đến với cặp sừng dài nổi bật và có lịch sử phát triển lâu đời. Hiện nay đây là giống bò chuyên thịt. Với bản tính hiền hoà bẩm sinh và thông minh nên giống bò sừng dài Texas ngày càng được huấn luyện để trở thành bò cưỡi.
* Đường mòn Bozeman là một tuyến đường bộ ở miền Tây Hoa Kỳ, nối liền những khu vực đào vàng ở miền nam tiểu bang Montana với Đường mòn Oregon ở miền đông tiểu bang Wyoming.
*Đỉnh Pikes là đỉnh cao nhất trong Dãy phía nam của Dãy núi Rocky. Nằm trong Rừng Quốc gia Pike, cách trung tâm thành phố Colorado Springs, tiểu bang Colorado 12 dặm về phía Tây.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times