Hoa Kỳ: Chính phủ thừa nhận việc sử dụng trường học để xóa bỏ văn hóa của người Mỹ bản địa
Xoá bỏ văn hoá, kéo trẻ em rời xa vòng tay cha mẹ, và coi thường các nhu cầu về mặt tình cảm của những đứa trẻ. Những chiến thuật này có thể không được đưa vào các các tiêu đề báo chí ngày nay, nhưng chúng là những chính sách giáo dục được minh chứng là có thật mà Hoa Kỳ thừa nhận đã sử dụng trong 150 năm qua, như một công cụ để cưỡng ép việc đồng hóa đối với người Mỹ Bản địa, và đặc biệt là để giành được đất đai lãnh thổ của người Anh Điêng.
Trong tháng này, Văn phòng các vấn đề về người Anh Điêng (BIA) đã phát hành một báo cáo dài 106 trang nêu chi tiết về cách mà chính phủ liên bang Hoa Kỳ “đã áp dụng các biện pháp quân sự hóa và thay đổi bản sắc có hệ thống trong hệ thống trường nội trú Liên bang dành cho người Anh Điêng, để đồng hóa các trẻ em Anh Điêng, trẻ em thổ dân Alaska, và trẻ em thổ dân Hawaii thông qua giáo dục.”
BIA cho biết chính phủ đã sử dụng việc giáo dục trẻ em để “thay thế văn hóa của người Anh Điêng bằng chính văn hóa của chúng ta.” Báo cáo này cho biết, đây được coi là “cách ít tốn chi phí nhất và an toàn nhất để khuất phục người Anh Điêng, nhằm cung cấp môi trường sống an toàn cho các công dân da trắng của đất nước này, giúp người da trắng có được mảnh đất đáng mơ ước và thay đổi nền kinh tế của người Anh Điêng để họ hài lòng với việc có ít đất đai hơn.”
Báo cáo này đã được Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland, một thành viên của bộ lạc Laguna Pueblo, đến từ tiểu bang New Mexico, yêu cầu vào năm ngoái. Bà là người Mỹ bản địa đầu tiên giữ chức vụ bộ trưởng nội các.
Bà Haaland yêu cầu một cuộc điều tra các vụ thiệt hại về nhân mạng và hậu quả lâu dài của hệ thống trường nội trú Liên bang dành cho người Anh Điêng
Ông Bryan Newland, trợ lý của Bộ trưởng Các vấn đề về người Anh Điêng, đã viết trong một bức thư giới thiệu báo cáo này, “Báo cáo này lần đầu tiên cho thấy từ năm 1819 đến năm 1969, Hoa Kỳ đã vận hành hoặc hỗ trợ cho 408 trường nội trú trên khắp 37 tiểu bang [hoặc vùng lãnh thổ khi đó], trong đó có 21 trường ở Alaska và 7 trường ở Hawaii.”
Một báo cáo khác nhằm mở rộng cuộc điều tra đã được lên kế hoạch.
Ông Newland nói: “Chính sách trường nội trú Liên bang dành cho người Anh Điêng đang bị nhắm mục tiêu … vào trẻ em để đồng hóa chúng và, hệ quả là, chiếm lấy lãnh thổ của chúng một cách có chủ ý.”
Ông Newland nói, báo cáo này đưa ra các khuyến nghị về nguồn tài trợ mới cũng như sự hồi sinh của các ngôn ngữ và tập quán văn hóa của bộ lạc — một hành động cần thiết, để bắt đầu cho quá trình hồi phục.
Đẩy trẻ em rời xa cha mẹ
Báo cáo cho biết, Quốc hội đã chấm dứt việc lập hiệp ước với các bộ tộc Anh Điêng vào năm 1871 và bắt đầu sử dụng các quy chế, sắc lệnh, và các thỏa thuận để quản lý Các vấn đề của người Anh Điêng. Vào khoảng thời gian đó, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật buộc các bậc cha mẹ người Anh Điêng phải cho con cái họ đến trường và ủy quyền cho Bộ trưởng Nội vụ ban hành các quy định để bảo đảm việc ghi danh và đến trường thường xuyên đối với các trẻ em Anh Điêng đủ điều kiện, những người mà chính phủ xem họ là người được chính phủ bảo hộ.
Theo Báo cáo Kennedy năm 1969, được viện dẫn trong báo cáo hiện tại, “Nhiều gia đình người Anh Điêng đã chống lại sự tấn công của Chính phủ Liên bang đối với cuộc sống của họ bằng cách từ chối cho con cái họ đến trường.”
Theo Đạo luật được ký vào ngày 03/03/1893, Quốc hội đã ủy quyền cho Bộ trưởng Nội vụ giữ lại các khẩu phần ăn, bao gồm cả những khẩu phần ăn được bảo đảm bởi các hiệp ước, cho các gia đình người Anh Điêng có con trong độ tuổi từ 8-21 tuổi không đến trường. Không đến trường nghĩa là không có tiền hoặc không có thức ăn cho gia đình.
Báo cáo cho biết: “Có rất nhiều bằng chứng trong hồ sơ liên bang chứng minh rằng Hoa Kỳ đã ép buộc, dụ dỗ hoặc thúc giục trẻ em người Anh Điêng tham gia vào hệ thống trường nội trú của Liên bang dành cho người Mỹ bản địa.”
Bộ Nội vụ chuyển trẻ em đến các trường nội trú trái tuyến (xa nhà) mà không có sự đồng ý của phụ huynh, thường là ở những tiểu bang xa xôi, nơi trẻ em phải chịu đựng “sự lạm dụng về thể chất, tình dục, và về mặt cảm xúc; bệnh tật; suy dinh dưỡng; sự quá tải; và thiếu thốn [điều kiện] chăm sóc sức khỏe,” báo cáo viết.
Khi đến trường nội trú, trẻ em được đặt tên tiếng Anh và được phát áo quần. Họ bị cắt tóc, và bị ngăn cấm sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tôn giáo, và các tập quán văn hóa của mình. Trẻ em được sắp xếp vào các đơn vị để thực hiện các cuộc diễn tập quân sự; tham gia lao động và phải chịu nhục hình (hành hạ về thể xác).
Tại trường nội trú Kickapoo ở Kansas, khi trẻ em bỏ trốn khỏi trường học, các quan chức đã tìm kiếm và đưa chúng trở lại trường, nơi bọn trẻ phải đối mặt với “một trận đòn roi chí mạng,” trước mặt các học sinh khác để cảnh báo bọn trẻ không được bỏ trốn, báo cáo cho biết. Cũng tại ngôi trường này, ba đứa trẻ phải ngủ chung một giường. Báo cáo cho thấy các trường học thường hay quá tải.
Mục đích của tất cả những điều này là để phá vỡ vĩnh viễn mối liên kết trong gia đình và ngăn không cho các học sinh quay trở lại khu bảo lưu của người bản địa. Báo cáo nói rằng hệ thống này đã tạo ra sự sang chấn tâm lý xuyên thế hệ.
Vào năm 1886, Viện Haskell ở Kansas đã cố tình trộn lẫn trẻ em người Anh Điêng từ 31 bộ lạc khác nhau để phá vỡ mối liên kết của các bộ lạc này và ngăn cấm việc sử dụng ngôn ngữ của người Anh Điêng. Bộ Nội vụ có ý định để những thanh niên từ các bộ lạc khác nhau kết hôn với nhau sau khi tốt nghiệp, vì như vậy họ sẽ phải sử dụng tiếng Anh với con cái mình thay cho tiếng mẹ đẻ. Các bộ lạc bị ảnh hưởng trong năm đó bao gồm Apache, Arapaho, Cheyenne, Cherokee, Chippewa, Comanche, Caddo, Delaware, Iowa, Kiowa, Kickapoo, Kaw, Mojave, Muncie, Modoc, Miami, New York, Omaha, Ottawa, Osage, Pawnee, Pottawatomie , Ponca, Peoria, Quapaw, Seneca, Sac và Fox, Seminole, Shawnee, Sioux và Wyandotte.
Thiếu sự giáo dục
Theo Báo cáo Meriam năm 1928, được chuẩn bị theo yêu cầu của Bộ trưởng Nội vụ đương thời, việc trẻ em bị buộc lao động trong các trường nội trú này có thể được xem là vi phạm luật lao động trẻ em ở hầu hết các tiểu bang.
Tập trung vào việc đào tạo nghề, chính phủ đã áp dụng một kế hoạch bán thời gian, với việc học sinh phải dành nửa ngày cho các môn học và thời gian còn lại để làm việc. Báo cáo cho biết, bọn trẻ phải chăn nuôi gia súc, và làm công việc đốn củi, làm việc trên đường sắt, làm mộc, rèn, bón phân, phát triển hệ thống thủy lợi, đào giếng, làm đồ nội thất bao gồm nệm, bàn ghế, nấu ăn, giặt giũ, ủi, và may mặc.
Báo cáo năm 2022 cho thấy, vào năm 1857 tại Trường Lao động Thủ công Winnebago ở Nebraska, các bé gái đã phải may 550 bộ quần áo cho mình và các nam sinh theo học tại trường, và 700 bao tải để sử dụng cho nông trại. Năm 1903, một báo cáo từ Trường nội trú Mescalero ở New Mexico cho thấy các nam sinh người Mescalero Apache đã cưa hơn 70,000 ft gỗ (khoảng 21.336 m gỗ), 40,000 tấm ván lợp và sản xuất hơn 120,000 viên gạch.
Vào thời điểm đó, các trường học cho biết họ không có đủ khả năng để hỗ trợ cho các hoạt động nếu chỉ dựa vào quỹ do Quốc hội cung cấp. Học sinh đã phải gánh vác các công việc này để giúp những nơi này được duy trì. Báo cáo lưu ý rằng lao động này có giá trị như tiền.
Được chi trả bằng những đồng tiền xương máu của người Anh Điêng
Các trường học được chu cấp tiền hoạt động hàng năm, nhưng theo báo cáo, chính phủ liên bang có thể cũng đã sử dụng số tiền có trong tài khoản ủy thác của bộ lạc và tiền thu được từ việc bán đất của bộ lạc để điều hành các trường học này.
Báo cáo cho biết, “Rõ ràng số tiền mà Hoa Kỳ thu được là từ các vùng lãnh thổ của người Anh Điêng thông qua các hiệp ước — thường được ký kết dưới sự cưỡng ép — đã được sử dụng để tài trợ cho hoạt động của các trường nội trú Liên bang dành cho người Mỹ bản địa. Hậu quả là, với chính sách đồng hóa của Hoa Kỳ, hệ thống trường nội trú Liên bang dành cho người Mỹ Bản địa, và nỗ lực giành lấy các vùng lãnh thổ của họ được liên kết với nhau.”
Chính phủ Hoa Kỳ đã trả tiền cho các nhóm truyền giáo nhà thờ để điều hành các chương trình này. Báo cáo này cho biết, chính phủ đã ký hợp đồng với Hiệp hội Truyền giáo Hoa Kỳ của Giáo hội, Ban Truyền giáo ở Ngoại quốc của Giáo hội Presbyterian, Ban Truyền giáo tại gia của Giáo hội Presbyterian, Cục Truyền giáo Công giáo cho người Anh Điêng, và Giáo hội Giám mục Tin lành.
Trong một số trường hợp, những người truyền giáo không được giáo dục hay đào tạo. Báo cáo cho thấy, chính phủ không có tiêu chuẩn nào để hướng dẫn hoặc giám sát các chương trình này.
Có các khu nghĩa trang trong các trường học
Hầu hết các trường học đều không cần nghĩa trang, nhưng các trường này thì có. Một cuộc điều tra ban đầu trên 19 trường học cho thấy có hơn 500 học sinh tử vong.
Báo cáo cho biết: “Việc cố ý nhắm mục tiêu và loại bỏ… trẻ em để đạt được mục tiêu đồng hóa người Anh Điêng cưỡng bức gây ra cả những tổn thương và bạo lực. Bộ đã phát hiện hàng trăm trẻ em người Anh Điêng đã thiệt mạng trong toàn bộ hệ thống trường nội trú Liên bang dành cho người Anh Điêng và họ tin rằng việc tiếp tục điều tra sẽ tiết lộ số lượng ước tính trẻ em người Anh Điêng đã tử vong tại các trường này là hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn em.”
Nghiên cứu của bộ đã xác định có ít nhất 53 khu nghĩa trang khác nhau trên toàn hệ thống trường học; một số có thể nhìn thấy rõ ràng, một số khác thì không hoặc trong tình trạng tồi tàn.
Báo cáo cho biết: “Những cái chết của trẻ em người Anh Điêng dưới sự chăm sóc của chính phủ liên bang, hoặc các tổ chức do liên bang hỗ trợ, đã dẫn đến sự tan vỡ của các gia đình người Mỹ bản địa và sự xói mòn của các bộ lạc.”
Bộ đã trao đổi với các nhà lãnh đạo bộ lạc về việc giải quyết các mối lo ngại về văn hóa liên quan đến những khu nghĩa trang này, bao gồm việc bảo vệ các khu nghĩa trang trong tương lai cũng như khả năng trao trả về cố hương hay bốc hài cốt. Báo cáo cho biết: “Bộ sẽ không công khai vị trí cụ thể của các khu nghĩa trang có liên quan đến hệ thống trường nội trú Liên bang dành cho người Anh Điêng để bảo vệ chống lại các hành vi trộm mộ, phá hoại, và những xáo trộn khác đối với các khu chôn cất của người Anh Điêng đã được ghi nhận rõ ràng.”
Khuyến nghị
Báo cáo đưa ra các khuyến nghị bao gồm việc tài trợ cho một cuộc điều tra đầy đủ. Quốc hội đã phân bổ 7 triệu USD trong các quỹ mới cho đến năm tài chính 2022, thông qua Đạo luật Phân bổ Hợp nhất. Báo cáo yêu cầu mở rộng cuộc điều tra với việc tiếp tục tài trợ cho năm tài chính 2023.
Bộ cũng gợi ý việc xác định những người đã tham gia vào các trường nội trú còn sống sót, và chính thức ghi chép lại những câu chuyện và trải nghiệm lịch sử của họ, bao gồm việc nghiên cứu các tác động hiện tại như tình trạng sức khỏe, cả việc lạm dụng chất kích thích và bạo lực.
Bộ yêu cầu bảo mật thông tin, tránh công khai chi tiết của các khu nghĩa trang theo Đạo luật Hồi hương và Bảo vệ những Ngôi mộ của người Mỹ Bản địa, bằng cách miễn trừ việc cung cấp thông tin theo Đạo luật Tự do Thông tin.
Bộ cũng khuyến nghị thúc đẩy phục hồi ngôn ngữ mẹ đẻ của người bản địa bằng cách tài trợ cho việc phát triển các chương trình hỗ trợ khôi phục ngôn ngữ mẹ đẻ ở cả các trường do Cục Giáo dục cho người Anh Điêng (BIE) tài trợ, và các trường không thuộc BIE.
Báo cáo kêu gọi thúc đẩy nghiên cứu sức khỏe của người Anh Điêng bằng cách tài trợ cho các nghiên cứu khoa học về tác động lâu dài đối với sức khỏe.
Và báo cáo đề nghị dựng đài tưởng niệm liên bang để công nhận các thế hệ trẻ em đã phải trải qua hệ thống trường nội trú Liên bang dành cho người Anh Điêng.
Bà Beth Brelje là một ký giả điều tra đưa tin về chính trị, tòa án, cũng như những tin tức thú vị nhất và đôi khi bị che giấu của khối thịnh vượng chung Pennsylvania. Quý vị có thể gửi các ý tưởng cho bà qua địa chỉ: [email protected]