Thuốc ngủ có tác dụng phụ? Hãy thử các loại thảo mộc thơm giúp bạn ngủ ngon đến sáng

Nếu bạn khó ngủ, bác sĩ có thể kê thuốc ngủ cho bạn. Tuy nhiên, những người uống thuốc ngủ trong thời gian dài lo ngại về các tác dụng phụ, bao gồm mộng du, giảm trí nhớ, và tăng nguy cơ bị chứng mất trí nhớ. Ngoài ra, một người dùng thuốc ngủ càng lâu thì hiệu quả của thuốc càng giảm. Có phương pháp nào thay thế cho thuốc ngủ nhằm cải thiện giấc ngủ mà không gây tác dụng phụ hay không?

Trong một tập của chương trình “Health 1+1”, cô Erica Kuo, một nhà thảo dược đã đăng ký, đã chia sẻ phân tích về các loại thảo mộc có mùi thơm khác nhau và đưa ra công thức giúp những người mất ngủ có thể ngủ đến sáng.

Cô Kuo chỉ ra rằng phương pháp hỗ trợ giấc ngủ bằng thảo dược cần có cái nhìn tổng thể về các triệu chứng của cơ thể để hiểu nguyên nhân gây mất ngủ. Chẳng hạn, bệnh nhân viêm khớp dạng thấp mất ngủ do đau nhức; bệnh nhân mãnkinh có thể bị mất ngủ do bốc hỏa; người bị viêm da dị ứng mất ngủ do ngứa dai dẳng; và căng thẳng cao độ từ công việc hoặc trường học có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và khiến họ không thể ngủ sâu giấc.

Xếp hạng các loại thảo mộc có mùi thơm giúp ngủ ngon

Về chức năng hỗ trợ giấc ngủ của các loại thảo mộc thơm khác nhau, cô Kuo đã gợi ý mười loại thảo mộc giúp ngủ ngon sau đây và phương pháp sử dụng tương ứng của mỗi loại, xếp hạng các loại thảo mộc theo thang điểm từ 0-10 từ cao (hiệu quả nhất) đến thấp.

1. Cây nữ lang (9-10 điểm)

Loài cây này toát ra một mùi vớ hôi kỳ lạ. Kể từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, cây nữ lang đã được dùng rộng rãi để giúp mọi người ngủ ngon và thời nay thường được dùng trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và trà ở Âu Châu và Mỹ Châu.

Cây nữ lang có thể làm dịu thần kinh, cải thiện giấc ngủ, tăngphản ứng hóa học của chất dẫn truyền thần kinh GABA trong não, điều hòa các tế bào thần kinh, ổn định bộ não, và giảm lo lắng.

Cách pha chế: Lấy 2-3g thân rễ cây nữ lang khô, thêm 250ml nước sôi và ngâm trong 20 phút trước khi dùng. Nên uống 1-2 giờ trước khi đi ngủ, nhưng những người bị mất ngủ trầm trọng có thể uống 3 lần mỗi ngày. Ngưng sử dụng trong một tuần sau sáu tuần uống. Nếu bạn cảm thấy ngày càng dễ xúc động sau khi sử dụng, hãy dừng lại ngay lập tức.

Đối với những người cần vận hành máy móc đặc biệt hoặc lái xe đường dài, thời gian uống nên sắp xếp so le với lịch trình cá nhân.

(Ảnh: unpict/Shutterstock)
(Ảnh: unpict/Shutterstock)

2. Hoa bia (7-9 điểm)

Loại cây làm tăng hương vị của bia trong quá trình sản xuất, Humulus lupulus – hay còn được gọi là “hoa bia” – có thể cải thiện cảm giác thèm ăn, giảm lo lắng và căng thẳng, đồng thời điều trị chứng mất ngủ.

Cách pha chế: Với hoa bia khô, bạn có thể mua ở các tiệm thực phẩm tốt cho sức khỏe hoặc mua trên mạng. Cho khoảng 15g hoa bia vào bộ lọc trà và lọc với nửa lít nước vừa đun sôi.

3. Cây mao lương (7-9 điểm)

Loài cây này thường được sử dụng để giúp loại bỏ các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, mơ màng, ngủ nông, đau nhức, đau dây thần kinh và nhịp tim không đều.

Cách pha chế: Hầu hết các chế phẩm cây mao lương được làm từ rễ và thân ngầm của cây, có sẵn ở dạng bột, chiết xuất dạng chất lỏng và chiết xuất dạng khô.

Hãy hỏi ý kiến nhà thảo dược được chứng nhận để được tư vấn về liều lượng.

Lưu ý: không sử dụng cây mao lương nếu bạn bị rối loạn gan, vì loại thảo mộc này có thể gây hại cho gan.

4. Tía tô đất (5-6 điểm)

Tía tô đất, Melissa officinalis, là một thành viên của gia đình bạc hà. Loài cây này phát triển với số lượng lớn trong tự nhiên và đem lại lợi ích cho môi trường vì hương thơm của hoa có thể thu hút ong và nhờ đó giúp phát tán phấn hoa. Tía tô đất đã được chứng minh là làm giảm lo lắng, mất ngủ, đau nửa đầu, và căng thẳng tiền kinh nguyệt.

Cách pha chế: Để pha trà tía tô đất, ngâm 1/4 đến 1 muỗng cà phê tía tô đất khô trong nước nóng; uống không quá bốn lần mỗi ngày. Tía tô đất cũng có sẵn ở dạng chiết xuất và viên nang.

Lưu ý rằng không nên sử dụng tía tô đất cho những người đang điều trị bệnh tuyến giáp hoặc đang dùng thuốc an thần (dược phẩm hoặc thảo dược).

5. Cây ban âu (5-6 điểm)

Được biết đến rộng rãi với tên gọi St. John’s wort, cây ban âu có thể làm tăng serotonin và dopamine trong não, làm dịu các dây thần kinh và giảm căng thẳng, lo lắng, và phiền muộn. Tuy nhiên, nên thận trọng nếu bạn đang phẫu thuật hoặc dùng một số loại thuốc.

Cách pha chế: Thực phẩm bổ sung từ cây St. John’s wort có bán ở hầu hết các tiệm thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nếu bạn thích tự pha chế, hãy cho hai thìa cà phê St. John’s wort vào một cái rây lọc trà và ngâm trong 10 phút với 150ml nước sôi.

6. Tilia europaea (3-5 điểm)

Tilia europaea còn được gọi là hoa chanh hoặc cây Chi đoạn, có lịch sử lâu đời và huy hoàng. Loài thực vật này được chỉ định để chữa hồi hộp, đánh trống ngực, và đau đầu.

Cách pha chế: Tilia europaea có thể được dùng dưới dạng trà hoặc chiết xuất dạng lỏng.

Thường xuyên sử dụng trà Tilia europaea có thể liên quan đến tổn thương tim.

7. Bạc hà (3-5 điểm)

Được đặt tên theo một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp, bạc hà được sử dụng rộng rãi trong thực phẩm và thuốc. Tác dụng làm dịu của bạc hà giúp giảm lo lắng và đau dạ dày.

Cách pha chế: Để pha trà bạc hà, ngâm một muỗng cà phê lá bạc hà khô trong một chén nước sôi.

Ai không nên dùng bạc hà? Bạc hà không thích hợp cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, và những người bị GERD hoặc sỏi mật. Ngoài ra, bạc hà có thể tương tác với các loại thuốc thông thường.

8. Bạc hà mèo (nepeta cataria) (3-5 điểm)

Không chỉ được loài mèo yêu thích mà loài thực vật này còn có thể giảm đau răng hay khó chịu cho trẻ khi mọc răng, giảm đầy hơi, lở loét, mất ngủ, cáu gắt. Tên thông thường của nó là “bạc hà mèo.”

Cách pha chế: Trà bạc hà mèo phải luôn được ngâm, không được đun sôi. Hãy bảo đảm là bạn dùng bạc hà mèo hữu cơ, loại dành cho người. Dùng 30g thảo mộc ngâm với nửa lít nước.

9. Hoa oải hương tự nhiên (3-4 điểm)

Hoa oải hương có tác dụng thư giãn sâu, giúp giảm bớt lo lắng. Không ngủ được vào ban đêm sẽ gây ra áp lực cho cơ thể. Ngửi mùi hoa oải hương tự nhiên 20 phút trước khi làm việc vào ban đêm có thể cải thiện hormone gây căng thẳng và nhịp tim cho những người phải làm việc ca đêm.

Cách pha chế: Đối với liệu pháp xông hơi, sử dụng ba giọt tinh dầu trong ba chén nước sôi.

Lưu ý rằng dầu hoa oải hương độc hại nếu ăn phải.

10. Táo gai (2-4 điểm)

Thuộc họ hoa hồng, táo gai rất lý tưởng cho những người bị cao huyết áp, rối loạn hệ thần kinh tự chủ, hoặc những người đã trải qua phẫu thuật tim.

Cách pha chế: Hãy hỏi ý kiến một nhà thảo dược học được đào tạo về liều lượng thích hợp.

Lưu ý rằng một số tương tác thuốc đã được ghi nhận.

Sữa mặt trăng (Moon milk) và ngâm tắm hỗ trợ giấc ngủ

Cô Kuo cũng giới thiệu công thức “Sữa mặt trăng” hỗ trợ giấc ngủ.

Nguyên liệu: một chén sữa, một thìa cà phê mật ong, 1/4 thìa cà phê quế, 1/4 thìa cà phê nhân sâm Ấn Độ, một ít bột nghệ và có thể thêm hạt nhục đậu khấu.

Cách pha chế: Cho tất cả nguyên liệu vào nồi nhỏ, đun lửa vừa đến nhỏ rồi trộn đều, hoặc trộn đều bằng máy xay sinh tố.

Cô Kuo giải thích rằng sữa có chứa tryptophan và melatonin, có thể giúp ngủ ngon và các loại thảo mộc thơm có thể làm giảm khả năng dung nạp lactose.

Quế có thể giúp điều chỉnh cân bằng lượng đường trong máu và giảm đầy hơi. Cô Kuo nhắc nhở rằng tốt nhất là sử dụng quế Ceylon. Những người có vấn đề về gan nên tránh sử dụng quế Trung Quốc vì nó có chứa safrole, dễ gây tổn thương gan.

Nhân sâm Ấn Độ thích hợp cho người thức khuya lâu ngày, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, tinh thần suy nhược. Nó có thể điều chỉnh căng thẳng và cải thiện khả năng phục hồi.

(Ảnh: Kabachki.photo/Shutterstock)
(Ảnh: Kabachki.photo/Shutterstock)

Cô Kuo cũng đề xuất phương pháp tắm ngâm để giúp dễ ngủ. Đầu tiên, dùng bàn chải khô tự nhiên chà lên cơ thể để kích thích các dây thần kinh. Sau đó cho một ít muối biển hoặc muối Epsom vào bồn tắm và thêm tinh dầu hoa oải hương, hoa cúc hoặc hoa hồng. Cách tắm này cũng là một cách hiệu quả để chuẩn bị cho giấc ngủ.

Cô Kuo nhắc nhở rằng khi chọn các loại thảo mộc thơm, hãy mua từ những nguồn có uy tín. Hơn nữa, những người dùng thuốc Tây cần hỏi ý kiến bác sĩ về bất kỳ khả năng tương tác thuốc nào có thể xảy ra.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.

Amber Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Amber Yang là huấn luyện viên cá nhân có chứng nhận. Cô đã đáp ứng tất cả các yêu cầu của Hội đồng Thể dục Hoa Kỳ để phát triển và thực hiện các chương trình tập thể dục cá nhân hóa. giám đốc tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên trong nhiều năm, đồng thời là ký giả kiêm biên tập viên về sức khỏe và sắc đẹp trong 10 năm. Cô cũng là người dẫn chương trình và nhà sản xuất của các chương trình YouTube "Amber Running Green" và "Amber Health Interview."
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn