Khám phá những điều diệu kỳ và thách thức của y học qua 3 trường hợp thực tế
Tam Y Luận Đàm: Thượng Y trị quốc, Trung Y trị nhân, Hạ Y trị bệnh – Phần 5
Phải nói rằng cuộc sống thời hiện đại là rất hứng khởi – và các công việc tất bật thường hằng có thể đi kèm với căng thẳng, lo lắng, và kiệt quệ về tinh thần. Đối với nhiều người, duy trì sức khỏe thể chất tốt giữa nhịp sống hối hả là mục tiêu hàng đầu.
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan là bác sĩ tâm thần nổi tiếng người Trung Quốc sinh sống và làm việc tại tiểu bang Philadelphia, đã giới thiệu loạt bài giảng “Tam Y Luận Đàm” để chia sẻ những hiểu biết của ông về mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể.
Sau đây là bản sao chép từ các bài giảng.
Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4
Chủ đề về sức khỏe là vô tận và rất được mọi người quan tâm. Là một người đã học ngành y trong hơn bốn mươi năm, tôi tiếp tục khám phá những điều mới mẻ mỗi ngày, và vẫn còn nhiều điều tôi chưa biết đến. Đây là điều kỳ diệu cũng như thách thức của y học.
Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một số trường hợp bị cùng một loại bệnh. Khi nhìn nhận bệnh tật ở các mức độ khác nhau, chúng ta hoặc chính bệnh nhân có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau, dẫn đến các kết quả hoàn toàn khác biệt. Các trường hợp tôi sắp thảo luận đều dựa trên những trải nghiệm thực tế.
Trường hợp thứ nhất
Trường hợp đầu tiên liên quan đến một trong những bệnh nhân của tôi, một phụ nữ da trắng ở độ tuổi 50. Trong sáu tháng qua, bà thường xuyên bị đau vùng thắt lưng và chân, với cơn đau lan tỏa từ thắt lưng đến chân, đặc biệt là ở mặt ngoài đùi. Từ quan điểm của Trung y, cơn đau khởi phát khi kinh lạc bị tắc nghẽn, các triệu chứng của bà cho thấy sự tắc nghẽn trong kinh lạc túi mật.
Theo Trung y, kinh lạc là các kênh lưu chuyển năng lượng trong cơ thể con người. Kinh lạc chịu trách nhiệm vận chuyển khí và máu trong cơ thể, các chất cơ bản tạo thành và duy trì sự sống của con người. Các cơ quan nội tạng được kết nối với bề mặt cơ thể qua các kinh lạc này. Dọc theo kinh lạc là những điểm cụ thể được gọi là huyệt vị, với các chức năng đặc biệt. Kích thích các huyệt tương ứng bằng các kỹ thuật như châm cứu và xoa bóp, có thể điều trị các bệnh liên quan đến các cơ quan nhất định.
Bệnh nhân này đã trải qua một sang chấn tâm lý nặng nề trong quá khứ, và một yếu tố đóng góp lớn cho nỗi đau của bà là hội chứng hậu chấn tâm lý. Từ góc độ Trung y, điều này không đáng ngạc nhiên. Bà đã được điều trị Trung y trong một thời gian, nhưng, đáng tiếc, bà đã không làm đúng theo điều trị. Thỉnh thoảng, khi bà cần sự trợ giúp cấp cứu hoặc khi các triệu chứng ít đáng chú ý hơn, bà sẽ bỏ qua các đợt [trị liệu] trong một hoặc hai tháng.
Cách đây không lâu, cơn đau đột nhiên tăng lên, bà đã đến bệnh viện để kiểm tra. Kết quả MRI cho thấy hai vấn đề: hẹp cột sống thắt lưng bẩm sinh và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Bệnh viện đề nghị phẫu thuật ngay lập tức, cảnh báo rằng các triệu chứng có khả năng gây ra tổn thương thần kinh [nặng] hơn nữa, dẫn đến tổn hại vĩnh viễn. Nghe vậy, bà đã trở nên rất lo lắng. Điều này làm trầm trọng thêm sự bất ổn về tinh thần vốn có đến mức bà hầu như không thể đi bộ.
Gần đây, bà đến với tôi để được tư vấn. Vì tôi không phải là một chuyên gia về phẫu thuật thần kinh hoặc chỉnh hình, tôi có một quan điểm khác. Đầu tiên, hình ảnh MRI không phải lúc nào cũng tương quan chặt chẽ với triệu chứng lâm sàng của đau thắt lưng. Một số người bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng trầm trọng hoặc có hình ảnh thoát vị trầm trọng, nhưng họ không có triệu chứng lâm sàng. Ngược lại, một số người bị đau dữ dội, nhưng hình ảnh lại có vẻ bình thường. Nói cách khác, không thể điều trị dựa trên cơ sở duy nhất là những hình ảnh.
Tôi tin rằng nên áp dụng một hướng tiếp cận bảo tồn, với ít nhất sáu tuần để cho cơ thể cơ hội phục hồi. Thoát vị đĩa đệm thắt lưng và hẹp cột sống thắt lưng bẩm sinh có thể không nhất thiết là nguyên nhân trực tiếp gây ra nỗi đau hiện tại cho bà. Nếu bà đã bị hẹp bẩm sinh từ khi sinh ra, tại sao bây giờ bà mới phải gánh chịu nỗi đau? Thoát vị đĩa đệm của bà đã tồn tại trong bao lâu? Có khả năng tự phục hồi hay không?
Nói tóm lại, tôi tin rằng việc quyết định phẫu thuật nhanh chóng trong vòng hai ngày không phải là cách tiếp cận đúng đắn. Tinh thần của bà rất yếu đuối, dưới áp lực chẩn đoán của bác sĩ, bà đã chọn phẫu thuật. Mặc dù cuộc phẫu thuật đã diễn ra tốt đẹp, và MRI cho thấy sự phục hồi tốt, bốn tháng sau, triệu chứng đau lưng, co cứng cơ và tê bì chân vẫn còn rất rõ ràng.
Trường hợp thứ hai
Trường hợp thứ hai liên quan đến một người đàn ông da trắng ở độ tuổi 40, với các triệu chứng rất giống như bệnh nhân trên. Tuy nhiên, anh tỏ ra miễn cưỡng hơn khi phải phẫu thuật. Anh cố gắng tránh phẫu thuật bất cứ khi nào có thể và nghiêng về các phương pháp bảo tồn hơn, bao gồm cả châm cứu. Trước đây anh đã trải qua liệu pháp châm cứu, điều này đã mang lại một số trợ giúp ban đầu. Thật không may, sau hai tháng, cơn đau của anh quay lại, và châm cứu không còn hiệu quả. Sau đó, anh tìm đến phòng khám của tôi để điều trị, thể hiện sự yêu thích mạnh mẽ đối với các phương pháp bảo tồn.
Khi nói đến châm cứu, mỗi người hành nghề có thể có học vấn, thói quen điều trị và kỹ thuật khác nhau. Sau khi thăm khám bệnh nhân, tôi quyết định thử châm cứu một lần nữa. Tôi đã đưa ra kế hoạch điều trị là châm cứu hai lần một tuần.
Vì trước đây anh ấy đã được châm cứu từ một người khác, tôi đã sử dụng một cách tiếp cận truyền thống hơn được gọi là phương pháp “châm kim đối bên,” được trình bày chi tiết trong tài liệu Trung y cổ truyền “Hoàng Đế Nội Kinh.” Tóm lại, phương pháp này liên quan đến việc điều trị từ phía đối diện của vùng bị tổn thương. Trong trường hợp của anh ấy, với mức độ đau lưng trầm trọng và cần dùng nạng ở chân phải, tôi đã hạn chế [châm kim] ở bên chân phải cũng như vùng đau, vì những nỗ lực châm cứu trước đây đã chứng minh là không hiệu quả. Thay vào đó, tôi đã áp dụng phương pháp “châm kim đối bên” bằng cách châm kim ở phía bên trái. Sau mỗi lần, anh ấy đã giảm đau, và trong vòng bốn tuần, cơn đau lưng và chân đã biến mất hoàn toàn. Bây giờ anh ấy đã trở lại trạng thái bình thường.
Bệnh nhân này cũng bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, nhưng không bị hẹp cột sống thắt lưng bẩm sinh. Trường hợp này khiến chúng ta tự hỏi: “Bệnh thoát vị đĩa đệm liệu có biến mất? Nếu không, tại sao cơn đau lại biến mất?” Điều này minh họa rằng nếu cơn đau là do kinh lạc tắc nghẽn hoặc không lưu thông đầy đủ khí huyết, châm cứu có thể giải quyết vấn đề này hiệu quả. Ngược lại, nếu cơn đau là do các vấn đề về xương, chèn ép thần kinh hoặc các vấn đề về cấu trúc, châm cứu có thể không giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Trường hợp thứ ba
Trường hợp thứ ba liên quan đến một người bạn bị đau thắt lưng trầm trọng của tôi. Vào thời điểm đó, tôi thậm chí nghi ngờ đó có thể là sỏi thận hoặc sỏi túi mật. Tuy nhiên, anh chọn sử dụng phương pháp thiền định của riêng mình, và cơn đau hoàn toàn biến mất.
Trong suốt quá trình, cơn đau của anh trở nên vô cùng dữ dội, và đột nhiên, anh thấy đau đớn tột cùng mỗi khi di chuyển thắt lưng và chân. Tôi đang đi du lịch vào thời điểm đó và không thể cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào. Là một học viên Pháp Luân Công, anh tin rằng các triệu chứng là một biểu hiện của nghiệp lực bản thân, qua thiền định đồng thời chịu đựng một số đau khổ, anh ấy có thể “tiêu sạch” nghiệp lực của sinh mệnh anh. Anh dành một lượng thời gian nhất định để thiền mỗi ngày, và trong vòng một tuần, tất cả các triệu chứng đã biến mất. Dựa trên kinh nghiệm của tôi, đau thắt lưng và chân với mức độ trầm trọng như này thường cần một thời gian dài để phục hồi, ngay cả khi điều trị y tế thông thường. Tuy nhiên, anh chọn theo phương pháp của riêng mình, và đáng chú ý, anh ấy đã nhanh chóng trở lại bình thường.
Nghiên cứu cho thấy thiền định có hiệu quả làm giảm mức độ trầm trọng của cơn đau nhiều hơn đáng kể so với chăm sóc y tế thông thường.
Một thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Tập san Journal of Neuroscience (Khoa học Thần kinh) năm 2011 đã sử dụng kỹ thuật cộng hưởng từ chức năng tiên tiến (functional magnetic resonance imaging – FMRI) có tên gọi là kỹ thuật MRI dán nhãn spin động mạch. Kết quả cho thấy rằng, sau bốn ngày tập thiền để giữ chánh niệm, những người tham gia khỏe mạnh đã giảm đáng kể 57% cảm giác đau đớn khó chịu khi thiền trong trạng thái có kích thích gây hại, so với trạng thái nghỉ ngơi. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự thay đổi này là do gia tăng hoạt động ở hồi đai và não trước, vốn liên quan đến việc điều chỉnh nhận thức về đau.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times