12 mẹo giúp người cầu toàn trở thành người xuất sắc
Trở thành người cầu toàn là một mục tiêu đáng khen ngợi. Để thành công cần có đam mê, quyết tâm và tài năng.
Đúng là vô số phát minh và tiến bộ vĩ đại trên thế giới đã ra đời nhờ vào sự làm việc chăm chỉ của những người cầu toàn và có ước mơ lớn. Người cầu toàn sẽ luôn hoàn thành công việc – cho dù gặp phải chuyện gì đi nữa – bởi vì họ đặt mục tiêu là chiến thắng và không chấp nhận thất bại.
Đây là những tính cách tốt – trông giống như một công thức chiến thắng – nhưng ít người nhận ra rằng, để đạt được điều đó thì người cầu toàn sẽ phải chịu đau đớn đến mức nào.
Những người cầu toàn luôn thôi thúc hướng đến thành công bởi vì đó là cách thể hiện giá trị bản thân. Tuy nhiên, các bác sĩ tâm lý lại cho rằng, những người này đang lo sợ họ vô giá trị nếu không có thành tích.
Vì không phải lúc nào cũng giành được chiến thắng nên những người cầu toàn có xu hướng sống với nhiều hối tiếc và thất vọng, đồng thời cảm thấy bất mãn và trống rỗng trong lòng.
Tôi viết bài này là để giúp những người cầu toàn, và bất kỳ người nào có tính cách như vậy, trở nên giống người xuất sắc hơn.
Người xuất sắc cũng thành công như vậy, nếu không muốn nói là thành công hơn. Họ nhìn thế giới khác hơn và chắc chắn là hạnh phúc hơn.
Tôi thấy rằng, người cầu toàn có thể học hỏi từ những người xuất sắc cách đạt được thành tựu mà không phải chịu những gánh nặng đau đớn.
Sự khác biệt giữa đạt thành tích và thực hiện công việc
Người xuất sắc ý thức về trách nhiệm của họ là phải hoàn thành nhiệm vụ và sẽ hoàn thành một cách trọn vẹn, thay vì chỉ dừng ở mức độ là đạt được kết quả của nhiệm vụ.
Ý thức trách nhiệm này đòi hỏi sự đối mặt với các vấn đề phức tạp và chấp nhận sự không chắc chắn. Bao gồm việc nắm bắt quy trình và đánh giá năng suất hơn là đạt được một nhiệm vụ.
Đôi khi, điều đó cũng có nghĩa là đặt nhiệm vụ xuống và tận hưởng niềm vui vì người xuất sắc biết rằng, sau đó họ sẽ quay trở lại công việc với nguồn năng lượng dồi dào và tràn đầy ý tưởng mới.
Người xuất sắc học được cách khiêm tốn trong khi thực hiện công việc, mong muốn nhận được phản hồi từ người quản lý, coi những lời chỉ trích và thất bại là cơ hội để học hỏi.
Nếu người cầu toàn coi thành tích như một chiếc bánh thì người xuất sắc lại coi thành tích như lớp kem phủ bánh.
Bạn đã hiểu được tính cách của người cầu toàn chưa và có muốn học cách trở thành người xuất sắc không?
Hay là bạn vẫn đang phân vân xem thích kiểu người nào hơn?
Trong trường hợp bạn chưa quyết định được, nên xem bài và tự chẩn đoán: “Bạn là người cầu toàn hay là người xuất sắc?”
Dưới đây là 12 lời khuyên giúp bạn trở thành người xuất sắc.
Áp dụng những lời khuyên này vào cuộc sống hàng ngày và dần dần bạn sẽ có cách suy nghĩ chiến thắng thực sự để đạt được thành công và hạnh phúc.
1. Xác định rằng bạn hài lòng với thành quả của bản thân
Đây là việc học cách nhận ra rằng, bạn không cần sự công nhận hoặc chấp thuận của người khác để xác nhận giá trị của bản thân.
Trên thực tế, ngay cả khi bạn nhận được sự công nhận, bạn cũng nên hiểu rằng, điều đó không có ý nghĩa gì nhiều.
Điều thực sự quan trọng là, liệu những gì bạn đang làm có ý nghĩa và giá trị đối với bạn hay không.
2. Học cách chấp nhận thất bại
Thất bại không phải là sự phản ánh cá nhân về bạn. Thất bại không phải là thước đo giá trị bản thân của bạn hay liệu bạn có đủ tốt để tồn tại trên trái đất này hay không. Cần phải loại bỏ kiểu suy nghĩ này.
Bất cứ điều gì đáng để hoàn thành cũng đều sẽ có nếm trải một số thất bại dọc đường đi.
Hãy thử lùi lại một bước và mở rộng tầm nhìn ra. Thất bại không phải là một phần của con đường dẫn đến thành công sao?
Người xuất sắc coi thất bại là cơ hội để học hỏi và tiếp tục tiến lên.
3. Thực hiện một sở thích mới chỉ để cho vui
Người cầu toàn có xu hướng giới hạn bản thân trong những sở thích để có thể giúp bản thân nổi trội, đồng thời, phục vụ các mục tiêu nghề nghiệp của bản thân.
Trong khi người xuất sắc học hỏi mọi thứ chỉ vì mục đích học tập.
Để thoát khỏi lối suy nghĩ cầu toàn, nên thử học điều gì đó chỉ để giải trí. Ý tưởng điên rồ? Không thực tế? Điều đó không quan trọng.
4. Dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè và gia đình
Tính cách mà bạn đang cố gắng thay đổi là xu hướng ưu tiên công việc hơn gia đình và bạn bè.
Người xuất sắc biết cách gác lại công việc và sẽ quay lại làm việc sau khi tận hưởng thời gian nghỉ ngơi phục hồi.
Dành thời gian tách khỏi công việc để tận hưởng niềm vui chính là cơ hội để có được tầm nhìn rộng mở hơn.
Đôi khi, nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn chính là điều mà một dự án (và sự thanh thản của bạn) đang cần.
5. Năng động hơn
Tương tự như lời khuyên cuối cùng, dành thời gian cho hoạt động thể chất thường xuyên hoặc nấu trọn vẹn một bữa ăn chắc chắn sẽ mang lại điều kỳ diệu cho trạng thái tinh thần của bạn.
Đồng thời sẽ buộc bạn phải từ bỏ xu hướng cầu toàn, dành thêm thời gian làm việc để điều chỉnh mọi thứ.
Bạn cần tự hỏi xem liệu công việc đang làm thêm này có thực sự cần thiết hay không. Việc hợp tác hoặc lập chiến lược có phải là một giải pháp hữu hiệu hơn không ?
6. Lưu ý khi hành động trở nên máy móc
LaRae Quy, cựu đặc vụ phản gián và điệp viên ngầm của FBI, hiện đang giảng dạy về sự dẻo dai của tinh thần viết rằng, những người cầu toàn cần phải liên tục vận động.
Và khi bị mất hứng thú, những người cầu toàn sẽ nhảy sang công việc khác.
Khi bạn thấy mình đang ở chế độ “người máy,” nên thử giảm tốc độ hoặc thậm chí dừng lại. Nên suy ngẫm và quan sát, đồng thời cố gắng hiểu và xem xét xem liệu bạn có nên xử lý vấn đề đó hay là bỏ qua.
Cần phải có sự kiên nhẫn hơn, bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ hoặc nhận phản hồi.
7. Lưu ý khi muốn chuyển hướng
Đây chính là biểu hiện của việc cố gắng biến thất bại sắp xảy ra thành thành công.
Bạn cần luôn tự hỏi xem liệu có phải bản thân đang chỉ đơn giản là tìm kiếm một chiến thắng thay vì tìm kiếm một giải pháp tối ưu hay không – đây là điều mà những người xuất sắc thường làm.
8. Lưu ý khi đang ‘thể hiện’
Bà Quy viết, “là một người cầu toàn, tôi có thể đeo bất kỳ chiếc mặt nạ nào và thể hiện một cách hoàn hảo. Vai diễn này đã bảo vệ và thúc đẩy tôi.”
Tuy nhiên, khi nhìn lại, bà gọi hành vi này là hành vi lừa đảo.
Bà khuyến khích những người cầu toàn nên rèn luyện tính minh bạch, xác thực và trung thực. Tôi muốn thêm tính dễ tổn thương vào danh sách đó.
Có thể hát một bài hát trước đám đông hoặc nắm bắt tình huống mà bạn phải bộc lộ bản thân. Hãy xem xem điều gì sẽ xảy ra.
Hy vọng bạn sẽ học được rằng, không hoàn hảo cũng không sao và mọi người vẫn sẽ yêu mến bạn.
9. Học cách chấp nhận những lời chỉ trích
Những người cầu toàn có xu hướng coi cả những gợi ý nhỏ nhất với mục đích cải thiện là lời chỉ trích, và điều đó khiến họ rùng mình. Cần hiểu rõ rằng, những lời chỉ trích không có nghĩa là bạn đang thất bại.
Đó là cơ hội để cải thiện và trở nên tốt hơn. Không ai có thể hoàn hảo và luôn nhận được lời khen ngợi ở mức 100%.
10. Tìm một người hướng dẫn hoặc huấn luyện viên
Người xuất sắc thường mong muốn nhận được phản hồi về công việc của bản thân và coi đó là cơ hội để cải thiện.
Bạn có thể thử hỏi ý kiến phản hồi của người quản lý hoặc có thể tìm một huấn luyện viên cá nhân hay người hướng dẫn để giúp bạn.
Lời khuyên sau có thể gần gũi hơn và có thể giúp bạn nhắm đến bất kỳ điều gì trong tâm trí, thay vì chỉ ra những điều phù hợp trong môi trường chuyên nghiệp.
Điều quan trọng là tìm kiếm sự phản hồi. Điều này cũng sẽ giúp bạn học cách chấp nhận những lời chỉ trích và tìm thấy giá trị qua sự phản hồi đó.
11. Nhận được một ám hiệu an toàn
Quan điểm này là của chuyên gia kinh doanh Arment Dietrich, viết trên Medium (Tập san Môi trường), và dành cho những người rất dễ bị tổn thương và mong muốn tìm kiếm sự thay đổi.
Ám hiệu an toàn nghĩa là bạn nhờ các đồng nghiệp tác động để giúp bạn chuyển từ một người cầu toàn thành một người xuất sắc.
Bạn sẽ nhờ đồng nghiệp giúp đỡ, chia sẻ cho bạn biết mỗi khi bạn bị rơi vào xu hướng đã hình thành theo thói quen bằng cách đưa ra ám hiệu an toàn.
Bằng cách đó, bạn sẽ biết cách dừng lại. Có thể hít thở sâu vài hơi trước khi tiếp tục với giọng điệu hoặc cách tiếp cận khác.
12. Kiểm tra sự mất cân bằng sinh hóa
Đôi khi, việc thay đổi suy nghĩ và thực hành những hành vi mới là chưa đủ. Bạn có thể cần đến sự trợ giúp y khoa.
Nghiên cứu đã cho thấy rằng, sự mất cân bằng sinh hóa, đặc biệt là rối loạn methyl hóa, có thể dẫn đến những hành vi tự hủy hoại bản thân ở những người cầu toàn, chẳng hạn như những suy nghĩ tiêu cực, nghi ngờ bản thân và trầm cảm.
Bác sĩ thực hành liệu pháp tích hợp có thể kiểm tra về tình trạng được gọi là thiếu methyl hóa, ảnh hưởng đến chức năng DNA, gan và não.
Những người như vậy có nồng độ serotonin và dopamine thấp, histamine trong máu toàn phần cao và lượng basophils tuyệt đối tăng cao, cùng với sự thiếu hụt một số vitamin quan trọng khác.
Trạng thái sinh hóa này tương quan với tính cách của những người cầu toàn và có thể được điều trị bằng liệu pháp vitamin và hoàn toàn không dùng thuốc.
Phương Vy biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times