Lợi ích sức khỏe sâu sắc của lòng biết ơn
Chỉ cần tìm hiểu cơ bản về cách thực hành lòng biết ơn, bạn cũng đã nhận được lợi ích sức khỏe của lòng biết ơn, thậm chí bạn cũng có thể phục hồi nhanh hơn sau sang chấn.
Bên cạnh các lợi ích về mặt xã hội, thực hành lòng biết ơn có tác động sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Bạn hãy biến lòng biết ơn thành thói quen hàng ngày của mình để tận hưởng món quà kỳ diệu này của cuộc sống.
Nhà khoa học thần kinh Glenn Fox, chuyên gia về lòng biết ơn tại University of Southern California, cho biết, “Giới hạn đối với lợi ích sức khỏe của lòng biết ơn thực sự nằm ở mức độ bạn chú ý đến việc cảm nhận và thực hành lòng biết ơn nhiều như thế nào, giống như việc tập thể dục ở chỗ bạn càng luyện tập nhiều thì bạn càng tiến bộ hơn. Càng luyện tập nhiều, bạn càng dễ cảm thấy biết ơn hơn.”
Lòng biết ơn thay đổi bộ não như thế nào
Lòng biết ơn có tác dụng sinh học thần kinh rõ rệt, bao gồm cả những vùng não chịu trách nhiệm tương tác giữa các cá nhân và giảm căng thẳng.
Khi Fox và các đồng nghiệp kể câu chuyện về những người sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust để gợi lên lòng biết ơn ở 23 đối tượng nghiên cứu là nữ giới, họ phát hiện ra rằng “xếp hạng về lòng biết ơn tương quan với hoạt động của não ở vỏ não vành trước và vỏ não trước trán trong,” có liên quan đến nhận thức đạo đức, phán xét về giá trị và lý thuyết về tâm trí.”
Lý thuyết về tâm trí là một thuật ngữ tâm lý học đề cập đến khả năng hiểu người khác bằng cách gán các trạng thái tinh thần cho họ.
Ông Fox ngày càng quan tâm sâu sắc đến lòng biết ơn sau khi mẹ ông qua đời vì bệnh ung thư buồng trứng. Trong thời gian bà bị bệnh, ông đã gửi cho bà các nghiên cứu về lợi ích của lòng biết ơn đối với bệnh nhân ung thư, và bà đã viết nhật ký về lòng biết ơn trong những năm cuối đời.
Trong một ví dụ khác, 92 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã viết nhật ký về lòng biết ơn hoặc viết nhật ký thường lệ. Sau bảy ngày, những người viết nhật ký về lòng biết ơn đã có cải thiện đáng kể về mức độ lo lắng, trầm cảm và sức khỏe tinh thần, đến mức các nhà nghiên cứu kết luận rằng “viết nhật ký về lòng biết ơn có thể ảnh hưởng tích cực đến trạng thái đau khổ, căng thẳng tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư tiến triển.”
Ông Fox nói với The Pulse rằng, “Những người biết ơn có xu hướng phục hồi nhanh hơn sau sang chấn. Họ có xu hướng có những mối quan hệ cá nhân tốt hơn và thậm chí có sự cải thiện sức khỏe tổng quát tốt hơn.”
Hóa ra, bày tỏ lòng biết ơn bằng lời nói có thể là một cách hiệu quả để cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn. Trong số 293 người trưởng thành tìm kiếm các dịch vụ trị liệu tâm lý, những người viết về lòng biết ơn cho thấy sức khỏe tâm thần của họ tốt hơn đáng kể sau 4 và 12 tuần so với những người không viết hoặc viết về suy nghĩ và cảm xúc của họ.
Lòng biết ơn mang lại sức khỏe và hạnh phúc
Lòng biết ơn có thể khó định nghĩa vì nó bao gồm các yếu tố về cảm xúc, đức hạnh và hành vi hài hòa cùng với nhau. Lòng biết ơn bao gồm một quy trình gồm hai bước, như được giải thích trong cuốn sách “The Science of Gratitude,” (Tạm dịch: Khoa Học về Lòng Biết Ơn) bạch thư của Trung tâm Khoa học Greater Good tại University of California–Berkeley.
Bước 1: Nhận ra bản thân có được một kết quả tích cực
Bước 2: Nhận ra rằng có một nguồn bên ngoài cho kết quả tích cực này.
Về vấn đề này, lợi ích của lòng biết ơn có thể nhận được từ hành động của người khác hoặc trải nghiệm theo cách nội tâm, chẳng hạn như khi bạn cảm thấy biết ơn về số phận tốt đẹp hoặc biết ơn mẹ thiên nhiên. Theo cách này, lòng biết ơn vừa là một trạng thái vừa là một đặc điểm.
Là một trạng thái, lòng biết ơn dựa trên khả năng đồng cảm và trải nghiệm những cảm xúc biết ơn của một người nhằm thúc đẩy hành vi thân thiện với xã hội.
Là một đặc điểm, lòng biết ơn mô tả việc thực hành, chú tâm đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống và trân trọng những điều tích cực của thế giới và của người khác. Bạn có thể cảm nhận được lòng biết ơn từ việc được người khác giúp đỡ và thói quen tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống của mình.
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Clinical Psychology Review (Đánh giá Tâm lý học Lâm sàng) cho thấy lòng biết ơn có tác động tích cực đến tâm lý học, đặc biệt là trầm cảm, đặc điểm tính cách dễ thích ứng, các mối quan hệ xã hội tích cực và sức khỏe thể chất, bao gồm cả trạng thái căng thẳng và giấc ngủ. Hơn nữa, tác giả nghiên cứu còn lưu ý rằng “lợi ích của lòng biết ơn đối với hạnh phúc có thể có tính chất nhân quả.”
Ông Fox cũng giải thích rằng “những lợi ích gắn liền với lòng biết ơn bao gồm ngủ ngon hơn, tập thể dục nhiều hơn, giảm các triệu chứng đau đớn về thể xác, giảm mức độ viêm, giảm huyết áp và một loạt những thứ khác mà chúng ta liên kết với sức khỏe tốt hơn,” bao gồm cả khả năng phục hồi được cải thiện.
Có vẻ như lòng biết ơn sẽ mang lại lợi ích qua nhiều cơ chế, không chỉ bằng cách cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống mà còn bằng cách góp phần gia tăng các hoạt động lành mạnh và sẵn sàng tìm kiếm sự giúp đỡ khi có vấn đề về sức khỏe. Những người biết ơn thậm chí còn nhận thấy mình có ý thức tốt hơn về ý nghĩa cuộc sống nhờ có thể cảm nhận được vai trò của cuộc sống gia đình hạnh phúc và các mối quan hệ lành mạnh.
Lòng biết ơn có thể giúp ngủ ngon hơn, bớt chủ nghĩa vật chất hơn
Lòng biết ơn tạo cải thiện việc ăn uống lành mạnh và có lợi cho chứng trầm cảm bằng cách nâng cao lòng tự trọng và hạnh phúc. Một nghiên cứu năm 2021 so sánh lòng biết ơn và sự lạc quan tương tự nhau cho thấy cả hai đều có liên quan đến nhịp tim và huyết áp thấp hơn, chất lượng giấc ngủ tốt hơn, tập thể dục nhiều hơn, ít căng thẳng hơn, kỳ vọng và suy ngẫm tích cực hơn cũng như cảm giác trân trọng người khác hơn.
Cảm giác biết ơn có thể giúp bạn ngủ ngon hơn và lâu hơn, có lẽ bằng cách cải thiện suy nghĩ của bạn trước khi ngủ.
Một nghiên cứu trên Journal of Psychosomatic Research (Tập san Nghiên cứu Tâm lý học) cho biết: “Mối quan hệ giữa lòng biết ơn và từng biến số trong giấc ngủ được điều hòa bởi nhận thức trước khi ngủ tích cực hơn và ít tiêu cực hơn.”
Những người đạt điểm cao hơn trong các thước đo về lòng biết ơn có chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ tốt hơn, cũng như độ trễ giấc ngủ ít hơn (khoảng thời gian bạn cần để chìm vào giấc ngủ) và rối loạn chức năng ban ngày.
Hơn nữa, những người biết ơn nhiều hơn có xu hướng hạnh phúc hơn, ít vật chất hơn và ít bị kiệt sức hơn. Ở thanh thiếu niên, việc đơn giản ghi nhật ký về lòng biết ơn đã làm giảm đáng kể chủ nghĩa duy vật và tác động tiêu cực của chủ nghĩa duy vật đối với sự hào phóng.
Ví dụ, những người viết ra những điều họ biết ơn đã quyên góp thêm 60% thu nhập của mình cho hoạt động từ thiện. Vì vậy, đây cũng là lý do chính đáng để dạy con trẻ tầm quan trọng của lòng biết ơn, vì làm như vậy có thể cải thiện kết quả học tập ở trường và định hướng các cá nhân hướng tới cách tiếp cận cuộc sống tích cực.
Hai cách chủ động thực hành lòng biết ơn
Nếu bạn không phải là người đặc biệt biết ơn, bạn có thể phải rèn luyện kỹ năng biết ơn cho bản thân. May mắn thay, lòng biết ơn là điều bạn có thể thực hành, theo ông Fox.
“Tôi nghĩ rằng lòng biết ơn có thể giống như cơ bắp, giống như một phản xạ được rèn luyện hoặc một kỹ năng mà chúng ta có thể phát triển theo thời gian khi chúng ta học cách nhận ra sự dồi dào, những món quà cũng như những thứ mà trước đây chúng ta không nhận thấy là quan trọng. Và đó chính là kỹ năng có thể được rèn luyện và thể hiện theo thời gian.”
Theo ông Fox, việc thường xuyên thể hiện lòng biết ơn sẽ tạo nên sự khác biệt.
Ông nói, “Bạn biết đấy, thực hành kỹ năng này giống như công việc mài sắt thành kim vậy, không thể thực hiện ngay lập tức mà cần luyện tập đều đặn.”
Hai cách thực hành lòng biết ơn mà bạn có thể thử trong cuộc sống hàng ngày bao gồm ghi nhật ký về lòng biết ơn và bày tỏ lòng biết ơn.
1. Nhật ký về lòng biết ơn
Bạn hãy thường xuyên viết ra danh sách những điều bạn biết ơn. Hãy diễn đạt lòng biết ơn đúng như tên gọi ấy, hãy diễn đạt cảm xúc biết ơn với người khác, chẳng hạn như bằng cách nói lời cảm ơn hoặc viết những lá thư biết ơn, và sau đó bạn đọc cho người nhận.
2. Bày tỏ lòng biết ơn
Bày tỏ lòng biết ơn với đối phương cũng là một cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Trong một nghiên cứu về các cặp đôi lãng mạn, lòng biết ơn từ các mối liên lạc có liên quan đến việc gia tăng kết nối và sự hài lòng trong mối quan hệ. Các nhà nghiên cứu cho rằng “lòng biết ơn có sức mạnh dự đoán duy nhất trong việc củng cố mối quan hệ, có lẽ điều này đóng vai trò như một liều thuốc bổ cho mối quan hệ.”
Giáo sư tâm lý học Robert Emmons tại University of California–Davis và là chuyên gia về lòng biết ơn, có một số lời khuyên để chúng ta có thể sống một cuộc sống biết ơn hơn.
Trong một bài nghiên cứu ông viết cho Tập san Greater Good (Điều tốt Lớn hơn), ông khuyên bạn nên nhớ đến những khoảng thời gian khó khăn trong cuộc sống, để nhắc nhở bạn rằng bạn cần phải biết ơn hiện tại biết bao nhiêu; hãy trân trọng sinh mệnh của chính mình từ việc trân trọng mọi giác quan như xúc giác, thị giác, khứu giác, vị giác và thính giác của bạn; hãy dùng những lời nhắc nhở trực quan để khơi dậy lòng biết ơn, để tránh cho việc bạn lãng quên mọi thứ và thiếu nhận thức chánh niệm – vốn là hai trở ngại chính đối với lòng biết ơn; và hãy hứa rằng bạn sẽ luôn luôn biết ơn để lời nguyện đó có thể giúp bạn cam kết tiếp tục. Và hãy đăng lời cam kết “đếm những phước lành của bạn” ở nơi nào đó mà bạn sẽ thấy thường xuyên.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times