Hướng dẫn cơ bản về bệnh trầm cảm: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên

Bệnh trầm cảm là một rối loạn tâm trạng đặc trưng bởi nỗi buồn liên tục và mất hứng thú với các hoạt động ưa thích trong cuộc sống.

Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng đặc trưng bởi nỗi buồn liên tục và mất hứng thú với các hoạt động ưa thích trong cuộc sống.

Khoảng 8.3% người trưởng thành ở Hoa Kỳ đã trải qua ít nhất một lần rối loạn trầm cảm nặng hồi năm 2021. Đáng chú ý, tỷ lệ này tăng gấp ba trong đại dịch COVID-19; khoảng 27.8% vào giữa tháng 04/2020.

Người ta ước tính rằng 21% phụ nữ và 11-13% nam giới ở Hoa Kỳ từng đối mặt với chứng trầm cảm nặng vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, trầm cảm không chỉ giới hạn ở người trưởng thành.

Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện đã thực hiện một cuộc khảo sát rộng rãi ở Hoa Kỳ vào năm 2021, phát hiện rằng hơn 20% cá nhân từ 12-17 tuổi bị một lần trầm cảm nặng và 3.4% cố gắng tự sát trong năm đó.

Phân loại trầm cảm

Cẩm nang Thống kê Chẩn đoán Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, Phiên bản thứ năm (DSM-5) phân loại rối loạn trầm cảm thành các dạng sau.

Rối loạn trầm cảm nặng

Còn được gọi là trầm cảm lâm sàng, là loại trầm cảm nghiêm trọng và phổ biến nhất. Để được chẩn đoán rối loạn trầm cảm nặng (major depressive disorder: MDD), người bệnh phải trải qua nỗi buồn hoặc cảm giác thấp thỏm hoặc vô dụng trong hầu hết các ngày kéo dài ít nhất hai tuần, cùng những thay đổi về giấc ngủ, cảm giác thèm ăn và hứng thú với các hoạt động trong cuộc sống.

Các dạng MDD cụ thể gồm:

Rối loạn cảm xúc theo mùa: Dạng trầm cảm này thường bắt đầu vào mùa thu, kéo dài đến mùa đông và biến mất vào mùa xuân.

Trầm cảm trước và sau sinh: Trầm cảm trước sinh xảy ra trong thời kỳ mang thai; trầm cảm sau sinh bắt đầu trong vòng bốn tuần sau sinh.

Trầm cảm không điển hình: Còn gọi là MDD không điển hình. Một trong những điểm khác biệt chính giữa MDD và trầm cảm không điển hình là người bệnh cảm thấy tâm trạng được cải thiện tạm thời sau một sự kiện tích cực. Những người thuộc nhóm này cũng nhạy cảm với việc bị từ chối và tăng cảm giác thèm ăn.

Các dạng trầm cảm khác:

Rối loạn trầm cảm dai dẳng (dysthymia): Là chứng trầm cảm nhẹ hoặc trung bình kéo dài ít nhất hai năm. Các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn MDD nhưng thuộc dạng kinh niên.

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt: Với loại trầm cảm này, người bệnh có các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS) cùng tâm trạng suy nhược như lo lắng, cực kỳ khó chịu hoặc buồn bã. Mặc dù triệu chứng có thể cải thiện sau vài ngày khi phụ nữ bắt đầu hành kinh, mức độ nghiêm trọng của bệnh đủ lớn để tác động tiêu cực đến cuộc sống.

Rối loạn mất điều chỉnh tâm trạng muốn gây rối: Chứng rối loạn thời thơ ấu này được thêm vào DSM-5 hồi năm 2013. Các triệu chứng bao gồm sự cáu kỉnh liên tục và cực độ cũng như cơn giận dữ bộc phát thường xuyên. Các triệu chứng thường bắt đầu khi trẻ 10 tuổi.

Rối loạn trầm cảm do bệnh lý khác: Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến cơ thể và gây ra trầm cảm.

Cảm thấy xuống tinh thần hoặc tâm trạng kém là biểu hiện chính của những người bị trầm cảm. (Ảnh: YAKOBCHUK VIACHESLAV/Shutterstock)
Cảm thấy xuống tinh thần hoặc tâm trạng kém là biểu hiện chính của những người bị trầm cảm. (Ảnh: YAKOBCHUK VIACHESLAV/Shutterstock)

Các triệu chứng của trầm cảm

Các triệu chứng của trầm cảm có thể bao gồm:

Cảm giác buồn bã hoặc trống rỗng.
Bùng phát sự tức giận, khó chịu hoặc kích động vì vấn đề nhỏ.
Cảm thấy vô dụng.
Cảm giác tội lỗi và ám ảnh về những thất bại trong quá khứ.
Giấc ngủ bị xáo trộn, có thể là mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
Mất niềm vui hoặc hứng thú với hầu hết (hoặc tất cả) hoạt động bình thường.
Thiếu năng lượng, mệt mỏi và bị quá tải bởi những công việc nhỏ nhặt.
Rối loạn cảm giác ăn uống, bao gồm giảm thèm ăn và sụt cân, hoặc tăng thèm ăn và tăng cân.
Khó tập trung và ghi nhớ mọi thứ.
Đau không rõ nguyên nhân ở các bộ phận cơ thể.
Rối loạn chức năng tình dục.
Thường xuyên nghĩ đến cái chết.
Ý tưởng tự sát và cố gắng tự sát.

Các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng tương tự như người trưởng thành, nhưng có một số khác biệt. Trẻ nhỏ có thể tỏ ra buồn bã, quấn người, lo lắng, kêu đau nhức hoặc không chịu đến trường.

Thanh thiếu niên biểu hiện triệu chứng giống như người trưởng thành, nhưng có thể kèm thêm việc:

Dùng chất kích thích.
Uống rượu.
Học kém ở trường.
Tự làm hại bản thân.
Tránh tương tác xã hội.
Cảm thấy nhạy cảm hoặc không an toàn.

Nguyên nhân của trầm cảm

Nguyên nhân của trầm cảm có thể được chia thành hai loại: bẩm sinh và mắc phải.

1. Bẩm sinh

Yếu tố bẩm sinh là điều mà một người sinh ra đã có và bị ảnh hưởng bởi di truyền hoặc tình trạng mang thai (ví dụ người mẹ hút thuốc khi mang thai, tiếp xúc với chất độc, v.v.).

Các nhà nghiên cứu đã xác định hơn 100 locus gene liên quan đến trầm cảm, cho rằng rằng chứng rối loạn này có tính đa gene mạnh – nghĩa là nhiều gene có thể góp phần tạo ra yếu tố nguy cơ. Một locus là một vị trí nhiễm sắc thể duy nhất xác định một gene hoặc trình tự DNA cụ thể.

Trong một tổng quan hệ thống quy mô lớn được công bố trên tập san quốc tế Medicina, các nhà nghiên cứu đã thực hiện phân tích chuyên sâu về nguy cơ di truyền của MDD. Họ phát hiện GRIA, GRIN, GRIK và SLC6A dường như là những họ gene quan trọng nhất dẫn đến MDD.

Các gene thuộc họ GRIA, GRIN và GRIK mã hóa cho các thụ thể glutamate. Glutamate là chất dẫn truyền kích thích phong phú nhất và tham gia vào nhiều chức năng của não. Nếu chức năng thụ thể glutamate bị thay đổi, chức năng bộ não có thể bị ảnh hưởng mạnh.

Họ gene SLC6A mã hóa cho chất vận chuyển làm trung gian tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine, dopamine, acid gamma-aminobutyric (GABA) và glycine.

Họ gene được quan tâm và nghiên cứu rộng rãi nhất là SLC6A4, mã hóa cho chất vận chuyển serotonin, chịu trách nhiệm tái hấp thu serotonin sau khi hoàn tất quá trình truyền tín hiệu.

Nhiều nghiên cứu, giống như bài tổng quan của Medicina, đã tìm thấy mối liên quan tích cực giữa các đột biến của SLC6A4 và bệnh MDD, trong khi một số nghiên cứu không cho thấy điều đó. Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) tác động lên protein vận chuyển serotonin (SERT). Do nhiều người đã thoát khỏi trầm cảm nhờ dùng SSRI, đột biến gene SLC6A4 có thể có ảnh hưởng quan trọng đến trầm cảm.

Theo bài tổng quan của Medicina, điều đáng chú ý là các gene mã hóa protein ngăn chặn quá trình chết theo chương trình của tế bào (apoptosis) lại làm tăng nguy cơ MDD. Một số nhà nghiên cứu cho rằng apoptosis có thể là một trong những con đường chuyển hóa chính liên quan đến sinh lý bệnh của trầm cảm.

Chỉ có một số họ gene làm tăng nguy cơ trầm cảm. Để nghiên cứu sâu hơn, bài viết tổng quan này đã tóm tắt nhiều kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của di truyền và biểu sinh với bệnh trầm cảm.

Di truyền học biểu sinh

Các sự kiện biểu sinh xảy ra khi DNA bị biến đổi về mặt sinh hóa, thường do ảnh hưởng của môi trường, bao gồm cả tiếp xúc với nguồn ô nhiễm và thói quen ăn uống. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi thông tin thu được từ gene. Thông thường, di truyền biểu sinh làm giảm biểu hiện gene, từ đó giảm lượng protein mà gene mã hóa. Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến sinh hóa cá nhân—và do đó, ảnh hưởng đến sinh lý.

2. Yếu tố môi trường mắc phải

Yếu tố môi trường mắc phải gồm các yếu tố không có trong gene mà đến từ môi trường, chẳng hạn như trải nghiệm thời thơ ấu, cách ăn uống, tập thể dục, một số chất nhất định và các sự kiện trong cuộc sống.

Giả thuyết về cơ chế đằng sau trầm cảm

Làm thế nào mà nền tảng di truyền hoặc sự kiện môi trường cụ thể lại “dẫn đến” trầm cảm? Điều gì đang xảy ra với mỗi cá nhân, ở cấp độ sinh hóa, gây ra chứng rối loạn này?

Đó là các câu hỏi của nhiều nhà nghiên cứu và nói chung, có một số giả thuyết về cách trầm cảm phát triển.

Bất thường về chất dẫn truyền thần kinh

Giả thuyết này cho rằng trầm cảm là do sự thiếu hụt hệ thống serotonergic và/hoặc noradrenergic của não. Ý tưởng ở đây là, có quá ít serotonin và/hoặc norepinephrine trong một số vùng não nhất định, từ đó dẫn đến tình trạng trầm cảm. Mặc dù giả thuyết này hợp lý khi SSRI và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI) được chứng minh là hiệu quả với nhiều bệnh nhân trầm cảm, nhưng vẫn còn câu hỏi về cơ chế thực sự của loại thuốc này. Ví dụ, không phải tất cả dược phẩm làm tăng tín hiệu của hệ thống serotonergic hoặc noradrenergic đều làm giảm triệu chứng trầm cảm.

Cytokine bất thường

Các nghiên cứu đã tiết lộ mối liên quan giữa hệ miễn dịch, nội tiết và chất dẫn truyền thần kinh. Sự hiện diện mạnh mẽ của các yếu tố gây viêm được phát hiện ở một số bệnh nhân trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng tăng tế bào bạch cầu trong tuần hoàn và cytokine tiền viêm, chẳng hạn như interleukin-1 beta (IL-1 beta), interleukin-12 (IL-12) và IL-6, có liên quan đến trầm cảm. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy mối liên quan giữa yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-alpha), viêm nhiễm và trầm cảm.

Suy giảm trục ruột-não

Trục ruột-não là con đường hai chiều cần thiết cho sự cân bằng sinh lý. Các tế bào nội tiết được tìm thấy trong khắp niêm mạc ruột. Những tế bào này phản ứng với kích thích cơ học và dinh dưỡng bằng cách tiết ra chất dẫn truyền thần kinh và hormone như serotonin, cholecystokinin và ghrelin. Các chất chuyển hóa từ vi khuẩn trong ruột, chẳng hạn như acid béo chuỗi ngắn, đóng vai trò trong việc điều chỉnh sự phóng thích những chất dẫn truyền thần kinh và hormone này.

Ngoài ra, dây thần kinh phế vị—dây thần kinh dài nhất cơ thể —có vai trò quan trọng trong truyền tín hiệu từ ruột đến não. Dây thần kinh có đặc tính chống viêm và chất chuyển hóa của vi sinh vật có thể kích hoạt các sợi hướng tâm (hướng về não). Các acid béo chuỗi ngắn mà vi khuẩn trong ruột tạo ra từ chất xơ được chứng minh là giúp giảm viêm não, nhấn mạnh tầm quan trọng của vi hệ đường ruột khỏe mạnh.

Một số nghiên cứu đã tiết lộ sự đa dạng của vi hệ bị suy giảm ở bệnh nhân trầm cảm.

Suy giảm trục HPA

Trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận (HPA) là con đường kết nối giữa não và tuyến thượng thận, giúp điều chỉnh phản ứng căng thẳng. Ý tưởng ở đây là, các kích thích căng thẳng kích hoạt sự tăng động của trục HPA, dẫn đến lượng cortisol được tiết ra bất thường từ tuyến thượng thận ở bệnh nhân trầm cảm.

Một nghiên cứu cho thấy bệnh nhân trầm cảm có biểu hiện phản ứng cortisol tăng cao trước một bài kiểm tra được thiết kế để gây căng thẳng. Trong một bài báo nghiên cứu đăng trên tập san Frontiers in Psychiatry, các nhà nghiên cứu tuyên bố, “Có vẻ như sự rối loạn điều hòa cortisol, đặc biệt là trong phản ứng với căng thẳng, có liên quan đáng tin cậy đến biểu hiện trầm trọng và cấp tính của MDD.”

Hướng dẫn cơ bản về bệnh trầm cảm: Triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách tiếp cận tự nhiên
Căn bệnh trầm cảm rất có thể là do sự kết hợp của các yếu tố như môi trường, hóa học và di truyền. Đây là bốn giả thuyết về cơ chế sinh học có liên quan đến trầm cảm. (Ảnh: The Epoch Times)

Ai có nguy cơ bị trầm cảm?

Bất cứ ai cũng có thể bị trầm cảm, nhưng một số cá nhân sau có nguy cơ cao hơn:

Phụ nữ: Trầm cảm phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới khoảng 50%.

Người trải qua biến cố đau thương trong cuộc đời: Một biến cố bất lợi thời thơ ấu, sự ra đi của người thân, tình trạng ly hôn hoặc sự kiện đau thương có thể khiến một cá nhân vượt qua ngưỡng chịu đựng và bị trầm cảm.

Người có bệnh nền: Một số bệnh lý nhất định làm tăng khả năng trầm cảm. Bệnh nhân tim mạch có tỷ lệ trầm cảm lâm sàng cao hơn. Các tình trạng khác liên quan đến trầm cảm bao gồm: suy giáp, Parkinson, Alzheimer, đột quỵ, đau cơ xơ hóa, hội chứng mệt mỏi kinh niên và hội chứng ruột kích thích.

Người đau kinh niên: Đáng chú ý là đau kinh niên có mối liên quan đáng kể đến bệnh trầm cảm. Đau kinh niên thường gây trầm cảm, với tỷ lệ đến 85%. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco, đã thực hiện một bài tổng quan hệ thống để xác định mối liên quan giữa hệ thần kinh và nỗi đau tâm lý. Họ đề nghị một mạng lưới khả thi gồm một số phần của não, như đồi thị và vỏ não trước trán. Có bằng chứng cho thấy sự phát triển của cơn đau và trầm cảm có một số thay đổi giống nhau ở hệ thần kinh, đây có thể là con đường quan trọng để khởi đầu và làm trầm trọng thêm cả hai tình trạng.

Người dùng một số thuốc: Một số loại thuốc có thể gây trầm cảm, chẳng hạn như thuốc điều trị Parkinson, ung thư, thuốc tránh thai và corticosteroid (như prednisone.)

Người uống quá nhiều rượu: Rối loạn trầm cảm do rượu xảy ra trong và ngay sau khi uống hoặc cai rượu. Tình trạng này thường biến mất sau ba đến bốn tuần khi cá nhân bắt đầu kiêng rượu.

Bệnh trầm cảm được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán trầm cảm, các bác sĩ cần đánh giá cẩn thận triệu chứng, tiền sử bệnh lý và sức khỏe tâm thần của người bệnh. Để được chẩn đoán trầm cảm nặng, bạn phải trải qua năm triệu chứng trầm cảm trở lên trong ít nhất hai tuần, với một trong các triệu chứng là mất hứng thú trong cuộc sống hoặc tâm trạng chán nản. Mất hứng thú trong cuộc sống là sự mất hứng thú hoặc niềm vui với những điều bạn từng yêu thích.

Bác sĩ có thể đề nghị một loạt các xét nghiệm để đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh. Họ cũng yêu cầu thêm xét nghiệm máu để xác định xem có bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào gây ra chứng trầm cảm không.

Các phương pháp điều trị trầm cảm

Việc điều trị trầm cảm nên được điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân. Có một số cách điều trị chứng trầm cảm hiệu quả.

Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là liệu pháp trò chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Trị liệu hành vi nhận thức (CBT) là một trong những phương pháp trị liệu tâm lý phổ biến nhất. Được biết là phương pháp hữu hiệu với chứng trầm cảm nhẹ, trung bình và nặng, các nghiên cứu cho thấy CBT cũng hiệu quả giống như thuốc.

Phương pháp dùng thuốc

Có nhiều loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm. Đáp ứng của người bệnh với mỗi loại thuốc có thể khác nhau và họ sẽ cần thử nhiều loại để tìm ra loại phù hợp.

SSRI là thuốc chống trầm cảm được dùng phổ biến nhất, gồm:

Citalopram.
Escitalopram.
Fluoxetine.
Fluvoxamine.
Paroxetine.
Sertraline.

Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs): Đây là thuốc chống trầm cảm lâu đời nhất và thường dành cho bệnh nhân trầm cảm đã kháng lại các loại thuốc khác. Khi dùng thuốc, người bệnh cần điều chỉnh khẩu phần ăn để tránh tác dụng tăng huyết áp của thuốc.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): Đây cũng là loại thuốc chống trầm cảm lâu đời và dành riêng cho bệnh nhân trầm cảm kháng các loại thuốc khác. Thuốc có nhiều tác dụng phụ khó chịu như chóng mặt, táo bón, khô miệng, mờ mắt, lú lẫn, tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân và biến chứng về tim mạch như rối loạn nhịp.

SNRI là một nhóm thuốc chống trầm cảm khác, gồm:

Desvenlafaxin.
Duloxetine.
Venlafaxin.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên

Mặc dù thuốc chống trầm cảm có hiệu quả trong việc giảm bớt triệu chứng cho một số người, nhưng cũng mang lại một số tác dụng phụ khó chịu như lo lắng, mệt mỏi, tiêu chảy hoặc táo bón, tăng cân hoặc giảm cân và rối loạn chức năng tình dục. Ngoài ra, khoảng một nửa bệnh nhân trầm cảm không đáp ứng với SSRI.

May mắn thay, có những liệu pháp tự nhiên hiệu quả để giảm bớt triệu chứng trầm cảm.

Lợi ích của nhụy hoa nghệ tây
Từ lâu, nhụy hoa nghệ tây (saffron) đã được coi trọng và biết đến là loại gia vị có khả năng hỗ trợ và giúp bộ não khỏe mạnh và cải thiện tâm trạng. (Ảnh: Tetiana Shumbasova/Shutterstock)

Thảo dược

Nhụy hoa nghệ tây: Nhụy hoa nghệ tây, có nguồn gốc từ hoa nghệ tây, được dùng ở Nam Á và Trung Đông như một loại gia vị và thuốc. Các nghiên cứu tiết lộ loại gia vị này có thể làm giảm trầm cảm với hiệu quả tương đương fluoxetine SSRI và imipramine ba vòng.

Trà xanh: Kết quả của bài tổng quan hệ thống và phân tích gộp cho thấy trà xanh làm giảm triệu chứng trầm cảm. Trong một nghiên cứu lớn với 7,524 người Hoa tham gia, các tác giả phát hiện việc tiêu thụ trà xanh thường xuyên có liên quan đến giảm nguy cơ trầm cảm.

Hoa oải hương: Trong một phân tích gộp gồm 17 bài báo, các tác giả nhận thấy hoa oải hương có tác dụng chống trầm cảm đáng kể. Họ thấy rằng hoa oải hương đường uống sẽ cho kết quả tốt nhất.

Cây ban âu: Các nghiên cứu về cây ban âu trong việc giảm trầm cảm còn nhiều mâu thuẫn. Một phân tích gộp gồm 27 thử nghiệm lâm sàng (3,808 bệnh nhân) cho thấy cây ban âu giúp giảm triệu chứng trầm cảm từ nhẹ đến trung bình tương đương với SSRI tiêu chuẩn. Các tác giả lưu ý rằng hầu hết nghiên cứu đều là ngắn hạn (4 đến 12 tuần), vì vậy, các nghiên cứu dài hơn cần được thực hiện để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả lâu dài của thuốc. Họ cũng lưu ý rằng kết quả này áp dụng cho chứng trầm cảm từ nhẹ đến trung bình, vì vậy vẫn chưa rõ liệu cây ban âu có hiệu quả với trầm cảm nặng hay không. Không nên dùng cây ban âu kèm SSRI vì có thể làm tăng serotonin đến mức nguy hiểm. Ngoài ra, loại thảo mộc này cũng làm suy yếu hiệu quả của thuốc tránh thai.

Củ nghệ: Curcumin là chất curcuminoid chính của củ nghệ, với một số cơ chế hoạt động giúp chống trầm cảm. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi kéo dài tám tuần, 56 bệnh nhân MDD được dùng curcumin (500mg hai lần/ngày) hoặc giả dược. Trong tuần thứ 4 đến 8, curcumin có hiệu quả hơn đáng kể so với giả dược trong cải thiện triệu chứng liên quan đến tâm trạng được đo bằng phiên bản tự đánh giá Triệu chứng trầm cảm (IDS-SR30). Hơn nữa, curcumin dường như cho thấy hiệu quả cao hơn ở bệnh trầm cảm không điển hình.

Tập thể dục

Tập thể dục có tác dụng chống trầm cảm đáng kể, với những lợi ích như

Tăng tiết endorphin: Endorphin là chất hóa học mang lại cảm giác dễ chịu trong não. Chúng hoạt động như thuốc giảm đau tự nhiên và giúp nâng cao tâm trạng.

Điều hòa chất dẫn truyền thần kinh: Tập thể dục có thể giúp điều chỉnh các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và norepinephrine.

Lòng tự trọng và sự tự tin: Tập thể dục giúp bạn xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng. Bạn phát triển cảm giác tự hào và thành tựu khi đặt ra và đạt được mục tiêu về thể chất.

Châm cứu

Trong một thử nghiệm có đối chứng kéo dài 8 tuần đánh giá hiệu quả của điện châm với MDD, các nhà khoa học không tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa nhóm điều trị bằng điện châm và nhóm dùng SSRI về tỷ lệ đáp ứng trong thang đánh giá trầm cảm Hamilton gồm 24 mục. Hơn nữa, điện châm cho thấy sự cải thiện đáng kể về cảm giác tuyệt vọng của bệnh nhân so với SSRI.

Cần lưu ý rằng nghiên cứu này có quy mô nhỏ (60 bệnh nhân) và bệnh nhân được phép chọn nhóm ngay từ đầu, do vậy đây không phải là nghiên cứu ngẫu nhiên. Dù sao đi nữa, kết quả này vẫn đầy hứa hẹn và cần được nghiên cứu thêm.

Liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng (hay liệu pháp quang học) liên quan đến sự tiếp xúc hàng ngày với nguồn sáng chuyên dụng. Trong một phân tích gộp các thử nghiệm có đối chứng, liệu pháp ánh sáng làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của triệu chứng trầm cảm ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Hơn nữa, phân tích gộp cũng cho thấy liệu pháp ánh sáng làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của triệu chứng ở bệnh nhân trầm cảm không theo mùa. Hiệu quả hoạt động tương đương với các thử nghiệm dược lý của thuốc chống trầm cảm, nghĩa là tác dụng giảm trầm cảm của liệu pháp ánh sáng tương đương với thuốc chống trầm cảm.

Chất thức thần: MDMA và Psilocybin

MDMA là từ viết tắt của 3,4-methylene-dioxymethamphetamine, thành phần hoạt chất của thuốc lắc. MDMA làm tăng serotonin trong khớp thần kinh nhanh chóng, tương tự như SSRI; tuy nhiên, SSRIs có thể mất sáu tuần để thay đổi tín hiệu thần kinh của não nhằm tạo ra mức serotonin cần thiết để giảm triệu chứng trầm cảm. Với MDMA, hiệu quả có thể xuất hiện ngay lập tức.

Hiện tại, người ta đang tiến hành nhiều thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính hiệu quả và an toàn của MDMA trong điều trị trầm cảm. Hiệp hội nghiên cứu chất thức thần liên ngành (MAPS) đã cho phép các tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu về MDMA và các chất khác.

Gần đây cũng có một cuộc thăm dò về điều trị MDD bằng psilocybin, một hợp chất hoạt động trong nấm ảo giác. Một nghiên cứu được công bố năm 2022 trên Tập san Tâm lý học cho thấy triệu chứng trầm cảm của người tham gia đã giảm đáng kể trong vòng một năm sau khi nhận được hai liều psilocybin.

Nghiên cứu về chất thức thần vẫn trong giai đoạn ban đầu và liên quan đến tính hợp pháp ở các tiểu bang. Tuy nhiên, nghiên cứu sơ bộ đã cho thấy tính hứa hẹn của phương pháp này.

(Ảnh: fizkes/Shutterstock)
Nghiên cứu cho rằng thiền chánh niệm giúp người ta trở nên vững chãi hơn với các cảm xúc khó chịu, từ đó giúp họ giải quyết thông tin tiêu cực một cách khách quan hơn. (Ảnh: fizkes/Shutterstock)

Tư duy ảnh hưởng đến trầm cảm như thế nào?

Tư duy có thể tác động rất lớn đến tâm trạng. Một tư duy tích cực giúp chuyển đổi có chủ đích suy nghĩ tiêu cực thành tích cực. Điều này có thể khiến bạn thoát khỏi lối mòn bi quan hoặc tự chê trách bản thân, vốn làm bạn rơi vào trạng thái tinh thần tiêu cực.

Hoàn toàn tập trung tâm trí vào thời điểm hiện tại. Tránh chỉ trích bản thân cũng như chê trách suy nghĩ hoặc cảm xúc của bạn. Cho phép bản thân tự nhận thức và nhìn nhận suy nghĩ cũng như cảm xúc mà không bị cuốn vào chúng. Hãy thể hiện lòng trắc ẩn và cho phép mình trở thành một con người. Ngoài ra, hãy thực tế về những gì đang đè nặng lên bạn. Nếu bạn không thể khắc phục vấn đề, hãy để nó đi. Khi nó nổi lên, nhắc nhở bản thân rằng bạn đã giải quyết vấn đề và bỏ qua điều đó.

Hãy suy nghĩ về con người bạn muốn trở thành và đặt ra mục tiêu khả thi để thực hiện được. Mọi chuyện có thể bắt đầu với mục tiêu là ra khỏi giường và tắm rửa mỗi ngày. Hãy bắt đầu từ việc nhỏ và việc hoàn thành từng mục tiêu sẽ tạo động lực cho bạn tiếp tục tiến về phía trước để trở thành một người khỏe mạnh và làm việc hiệu quả như bạn mong muốn.

Làm thế nào để ngăn ngừa trầm cảm?

Bạn không nhất định ngăn được chứng trầm cảm, nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển của bệnh bằng cách tuân theo lối sống lành mạnh. Hãy xem xét thực hiện các chiến lược sau đây:

Ăn uống lành mạnh: Ăn uống lành mạnh có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần và giảm nguy cơ phát triển trầm cảm. Thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau, trái cây, protein nạc và chất béo lành mạnh cung cấp chất dinh dưỡng thực vật, chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn sẽ giúp giảm tình trạng viêm và khiến cơ thể hoạt động tối ưu.

Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục là cách hiệu quả để nâng cao tâm trạng. Đặt mục tiêu 20 đến 30 phút hoạt động ít nhất năm lần mỗi tuần. Bạn không cần tập thể dục cường độ cao – thậm chí việc đi bộ 20 phút cũng tạo ra sự khác biệt lớn cho sức khỏe tinh thần của bạn.

Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc (bảy đến tám giờ mỗi ngày) là điều quan trọng để có một tinh thần khỏe mạnh. Đừng dùng caffeine vào buổi chiều muộn. Hãy thử cất các thiết bị thông minh, chẳng hạn như điện thoại hoặc máy tính bảng, một giờ trước khi đi ngủ. Chắc chắn rằng bạn đi ngủ đúng giờ để có một giấc ngủ đầy đủ.

Hạn chế dùng mạng xã hội và thiết bị màn hình: Phương tiện truyền thông xã hội có thể khiến một số cá nhân cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn. So sánh bản thân với người khác và đọc tin tức tiêu cực trên mạng có thể khiến tâm trạng một người đi xuống. Ngược lại, việc hạn chế dùng mạng xã hội sẽ giúp bạn tập trung vào những người xung quanh và củng cố các mối quan hệ ngoài đời, mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe tinh thần của bạn.

Giảm căng thẳng: Hãy xem xét các khía cạnh trong cuộc sống khiến bạn căng thẳng. Nếu có thể làm điều gì đó, cân nhắc đặt mục tiêu để đạt được ranh giới lành mạnh trong những khía cạnh này. Nếu không thay đổi được hoàn cảnh, bạn có thể điều chỉnh suy nghĩ của mình để xem bản thân sẽ trưởng thành như thế nào qua thử thách đó.

Xem xét các loại thuốc: Một số thuốc có thể góp phần gây ra cảm giác trầm cảm. Hãy xem liệu bạn có thể ngừng dùng hoặc chuyển sang loại thuốc khác không gây ra hoặc làm trầm trọng thêm trầm cảm. Nên tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ trước khi ngừng bất kỳ loại thuốc nào.

Hạn chế uống rượu: Rượu được biết đến là một chất gây trầm cảm và việc hạn chế sẽ bảo vệ sức khỏe tinh thần của bạn.

Tránh hút thuốc: Hút thuốc rất có hại cho cơ thể và có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như ung thư, bệnh hô hấp và tim mạch. Việc điều trị những bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn và khiến một số người bị trầm cảm.

Được xem xét về mặt y tế bởi bác sĩ y khoa Beverly Timeding.

Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Jacquelyn Waters
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Jacquelyn Waters viết về sức khỏe, khoa học và y học. Cô ấy đặc biệt quan tâm đến mọi thứ về khoa học thần kinh—từ khoa học thần kinh phân tử đến tâm lý học. Cô có 8 năm kinh nghiệm giảng dạy sinh học đại học và nhận bằng Thạc sĩ khoa học y sinh với chuyên ngành khoa học thần kinh tại Đại học Vanderbilt.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn