Hệ vi sinh đường ruột bị hủy hoại bởi 3 yếu tố mà bạn hoàn toàn có thể kiểm soát
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột giúp ngừa bệnh tật (Phần 7)
Trong loạt bài “Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột giúp ngăn ngừa bệnh tật” này chúng tôi sẽ chia sẻ về cách mà những phát triển mới nhất trong lĩnh vực vi sinh y học đang thay đổi phương pháp chúng ta tiếp cận với bệnh tật và đưa ra các chiến lược mới trong điều trị và dự phòng như thế nào.
Bài trước: Hệ vi sinh vật đóng vai trò giúp cơ thể chống lại các căn bệnh tử vong như ung thư và bệnh tim.
Sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột là một sản phẩm của thế giới hiện đại. Có ba yếu tố chính trong cuộc sống có ảnh hưởng to lớn đến cộng đồng vi khuẩn trong ruột của bạn bao gồm: các thành phần độc hại trong thức ăn, chất béo trong cơ thể và giấc ngủ kém.
Xét nghiệm phân có thể cho biết liệu chúng ta có quá nhiều vi khuẩn có vấn đề và không đủ vi khuẩn có lợi hay không, mặc dù ngay cả các bác sĩ chuyên khoa cũng có thể bỏ qua xét nghiệm này khi bệnh nhân bị béo phì, ruột chứa quá nhiều độc tố hoặc ngủ không ngon giấc. Những trường hợp này hầu như đều gặp chứng loạn khuẩn ruột — và sớm hay muộn gì cũng có vấn đề, đôi khi làm thay đổi cuộc sống và gây ra các triệu chứng.
Thực phẩm độc hại hủy hoại hệ vi sinh đường ruột
Thế giới của chúng ta tràn ngập các độc tố, trong nước, thực phẩm, sản phẩm vệ sinh và không khí, đặc biệt là trong nhà.
Thực phẩm đóng gói chứa vô số độc tố—nhiều chất độc thậm chí còn chưa được nghiên cứu do chính sách “thường được coi là an toàn” của chính phủ cho phép nhiều chất phụ gia thực phẩm qua được khâu kiểm tra chặt chẽ.
Các thành phần hóa học không chỉ giúp kéo dài thời hạn sử dụng của những thực phẩm này mà còn được thêm vào để tạo ra kết cấu, màu sắc và hương vị hấp dẫn hơn. Nhiều loại trong số này được coi là an toàn chỉ vì chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng thành phần của một sản phẩm thực phẩm.
Chất nhũ hóa, có thể được làm từ thực vật tự nhiên hoặc các thành phần tổng hợp, giúp ngăn chặn sự phân tách các thành phần như dầu và nước trong thực phẩm chế biến. Chất nhũ hóa kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm đóng gói.
Một nghiên cứu năm 2021 trên tập san Vi sinh vật cho thấy một số chất nhũ hóa có thể thay đổi cấu trúc của hệ vi sinh vật và làm tăng tình trạng viêm ruột.
Chính vì vậy, việc chuyển sang ăn thực phẩm nguyên chất từ việc ăn thực phẩm chế biến có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe đường ruột. Chúng ta cũng có thể ăn phải các thành phần độc hại có trong dược phẩm, thực phẩm bổ sung, đồ uống và nước máy chưa lọc.
Trong nhiều trường hợp, các thông điệp tiếp thị có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những gì chúng ta ăn và uống, như tiến sĩ Scott Doughty là bác sĩ gia đình tích hợp của Y học toàn diện U.P nói với The Epoch Times. Ông không còn ngạc nhiên khi bệnh nhân tin rằng đồ uống có gas không đường dành cho người ăn kiêng là tốt cho sức khỏe hoặc không nghĩ gì về lượng rượu họ uống.
Cả hai sản phẩm trên đều có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật và gây hại cho sức khỏe. Cách tiếp cận của ông là giáo dục và trao quyền cho bệnh nhân đưa ra những lựa chọn tốt hơn, thay vì đưa ra các thực đơn ăn uống theo toa hạn chế mà bệnh nhân của ông sẽ không bao giờ chọn.
Điểm khởi đầu của tiến sĩ Doughty là hỏi, “Bạn nghĩ điều gì là thay đổi có tác động lớn nhất mà bạn có thể thực hiện trong lối sống của mình?”
Đó là một công cụ đánh giá đơn giản nhưng mạnh mẽ.
Một chiến lược đơn giản khác để thải độc là loại bỏ, giảm thiểu hoặc suy nghĩ lại về đồ ngọt bên cạnh việc giảm lượng đường — và các chất làm ngọt nhân tạo — hoặc thay thế đường bằng các chất thay thế tự nhiên là xylitol, la hán quả hoặc cỏ ngọt.
Mỡ bụng
Đường không chỉ độc hại mà còn có thể dẫn đến một yếu tố nguy cơ khác đối với hệ vi sinh vật đường ruột: béo phì.
Và khi kết hợp béo phì với thực đơn ăn nhiều chất béo bão hòa và đường, bạn có nhiều khả năng bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu do những thay đổi mà các yếu tố này có thể kích hoạt trong hệ vi sinh vật.
Quá trình trao đổi chất này được thấy ở những bệnh nhân lớn tuổi và những bệnh nhân tiểu đường loại 2, tăng cholesterol và hội chứng chuyển hóa chiếm gần 25% số lượng người trưởng thành.
Chất béo thường tích tụ xung quanh vùng bụng của bệnh nhân bị bệnh chuyển hóa, khiến béo phì ở dạng mỡ bụng trở thành nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về hệ vi sinh vật.
Chất béo nội tạng tích tụ quanh các cơ quan nội tạng trong ổ bụng và tạo ra các kích thích tố cũng như các phân tử tín hiệu khác có thể gây viêm, liên quan đến các bệnh từ ung thư đến tiểu đường loại 2.
Bên cạnh đó, khẩu phần ăn quá khổ cũng có thể dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn. Tiêu thụ quá nhiều bất kỳ loại thực phẩm nào cũng tạo gánh nặng cho gan và làm dư thừa glucose – vốn là nhiên liệu cho năng lượng tế bào – cuối cùng có thể được lưu trữ dưới dạng mỡ.
Tất cả là một vòng luẩn quẩn lớn, có liên quan đến nhau. Việc tăng cân cũng có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ.
Giấc ngủ kém phá huỷ hệ vi sinh đường ruột
Hệ vi sinh vật cũng có thể đóng nhiều vai trò khác nhau đối với chất lượng giấc ngủ của chúng ta. Một nghiên cứu PLos One năm 2019 đã xác định ba loại vi khuẩn—Bacteroidetes, Firmicutes và Actinobacteria—có liên quan đến chất lượng giấc ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn—luồng không khí bị gián đoạn trong khi ngủ khiến đường hô hấp trên bị xẹp xuống—có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, phá hỏng giấc ngủ, khiến cơ thể rơi vào trạng thái suy giảm do giấc ngủ bị phân mảnh, tình trạng thiếu oxy ngắt quãng và lượng carbon dioxide dư thừa trong máu, được gọi là chứng tăng CO2 máu.
Một nghiên cứu năm 2021 trên tập san Giấc ngủ đã phát hiện ra rằng giấc ngủ bị phân mảnh, tình trạng thiếu oxy ngắt quãng và chứng tăng CO2 máu không liên tục đều có thể làm thay đổi thành phần hệ vi sinh vật.
Sự phổ biến của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và mối quan hệ hai chiều của chứng bệnh này với hệ vi sinh vật ảnh hưởng đến rất nhiều người—đặc biệt là người lớn tuổi—những người có nguy cơ bị bệnh. Có tới 38% dân số bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, nhưng ở người cao niên, con số này là 90% đối với nam giới và 78% đối với nữ giới.
Đặc điểm của loại vi sinh vật hàng đầu
Vi khuẩn của chúng ta không chỉ tốt và xấu. Cũng giống như cách hỗn hợp thực vật tạo nên hệ sinh thái lành mạnh, hỗn hợp vi khuẩn tạo nên hệ vi sinh vật khỏe mạnh. Và giống như sự thống trị của một loài thực vật có thể phá hủy một hệ sinh thái, sự thống trị của một loại vi khuẩn có thể hủy hoại hệ vi sinh vật.
Đôi khi, vai trò của vi khuẩn trong cơ thể phụ thuộc vào số lượng hoặc vị trí sinh sống.
Bacteroides là thành viên chính của loại vi khuẩn đường ruột phổ biến nhất được gọi là bacteroidetes, chiếm 10% đến 25% trong hệ vi sinh vật. Loại vi khuẩn này thường không gây hại nhưng có thể trở thành vấn đề, đặc biệt nếu vi khuẩn này thoát ra khỏi ruột.
Nói chung thì Bacteroides là một loại vi khuẩn tốt — trợ giúp phát triển hệ miễn dịch, phân hủy thức ăn khó tiêu thành các hợp chất giúp phát triển vi khuẩn có lợi và cung cấp khả năng bảo vệ chống lại những kẻ xâm nhập truyền nhiễm. Nhưng khi số lượng quá nhiều thì vi khuẩn này có liên quan đến việc giảm sự đa dạng [hệ vi khuẩn đường ruột] và tình trạng kháng insulin.
Bacteroides chịu trách nhiệm sản xuất enzyme beta-glucuronidase đóng vai trò chủ yếu loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi có quá nhiều bacteroides sẽ dẫn đến dư thừa enzyme, tình trạng này lại gây ra tác hại vì enzyme sẽ tàn phá cơ thể và làm giảm khả năng thải độc.
Loạn khuẩn ruột còn có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 1, ung thư vú và ung thư ruột kết.
Để giảm sự phát triển quá mức của bacteroides, chúng ta cần giữ độ pH tối ưu trong ruột kết bằng cách hạn chế ăn chất béo động vật và sữa, đồng thời tăng một số prebiotic và polyphenol.
Tiếp theo: Điều trị nguyên nhân gốc rễ của chứng loạn khuẩn liên quan đến việc ăn kiêng và xét nghiệm không thường xuyên. Các chuyên gia chia sẻ các bước hiệu quả để chữa bệnh.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times