Hai cách đơn giản để có hàm răng chắc khỏe suốt đời
Một trong những bệnh nhân của tôi, vì công việc bận rộn và áp lực cao nên đã thờ ơ với sức khỏe răng miệng của mình. Từ đó mà ông ấy đã gặp các vấn đề về răng miệng và phải áp dụng các phương pháp điều trị nha khoa tốn kém như trám răng và cấy ghép.
Răng là tuyến đầu tiên của tiêu hóa. Tình trạng răng xấu, mất răng không chỉ ảnh hưởng đến việc ăn nhai mà còn làm tăng gánh nặng cho các cơ quan tiêu hóa khác. Mất răng có thể gây teo nướu, thậm chí có thể ảnh hưởng đến giọng nói và vẻ ngoài của khuôn mặt. Ngược lại, nếu bạn có một hàm răng tốt, sức nhai chắc khỏe sẽ giúp quá trình tiêu hóa và hấp thu tốt hơn, đồng thời giảm nguy cơ bị suy giảm nhận thức.
Làm thế nào để có thể bảo đảm răng của bạn sẽ khỏe mạnh suốt đời?
Gõ vào răng 36 lần mỗi sáng để ngăn ngừa rụng răng
Người hiện đại thường thích ép trái cây và rau củ. Tuy nhiên, để duy trì sức khỏe răng miệng, tốt nhất là nên cắn và nhai trực tiếp trái cây.
Khi chúng ta còn nhỏ, ngay cả việc tìm kiếm con dao gọt trái cây cũng là một thử thách. Bất luận là đào hay táo, chúng ta đều há to miệng cắn, lâu ngày, cơ nhai và các khớp trong miệng trở nên chắc khỏe.
Người xưa nói “bản lề cửa không mối mọt, nước chảy không mục nát.” Chỉ khi các khớp không ngừng vận động thì mới linh hoạt, khí huyết phải không ngừng lưu thông mới thông suốt. Tương tự như vậy, răng cũng phải rèn luyện mới được khỏe. Vậy làm thế nào để có thể vận động được răng? Lời khuyên là “nên gõ vào răng.”
Tôn Tư Mạc, một danh y và là đạo sĩ thời nhà Đường, ông thường ngồi thiền. Sau khi thiền định, ông thực hiện động tác: ngậm miệng và gõ nhẹ hai hàm răng vào nhau. Hành động này kích thích tiết nước bọt, sau đó nước bọt sẽ được nuốt dần dần để nuôi dưỡng răng.
Danh y Tôn nói: “Buổi sáng gõ răng 36 lần, cho đến khi già răng không rụng.” Nếu giới trẻ tập thói quen gõ răng thì răng sẽ chắc khỏe.
Bài thuốc Hồ Dương Thụ Chi Phấn bảo vệ răng khỏi bị lung lay
Vào thời xưa, có một đơn thuốc gọi là “Hồ dương thụ chi phấn.” Nhựa cây hồ dương được lấy từ nhựa cây hồ đồng – được biết đến với đặc tính chữa bệnh – nghiền thành bột trộn với một số nguyên liệu khác như ngải cứu Ba Tư, mật đá và đinh hương. Lấy bột mịn này bôi lên răng giúp răng không bị lung lay và rơi ra ngoài.
Ngoài ra, uống nước thường xuyên và uống nhiều nước rất quan trọng đối với sức khỏe của răng. Điều cần thiết là nên có thói quen vệ sinh răng miệng tốt, bao gồm việc dùng chỉ nha khoa hàng ngày và bàn chải kẽ răng để loại bỏ cặn bẩn ở những khu vực khó tiếp cận, bảo đảm vệ sinh răng miệng tổng thể.
Khó chịu ở răng cho thấy có các vấn đề với nội tạng
Trung Y đã phát hiện ra rằng có một hệ thống “kinh mạch” trong cơ thể con người chịu trách nhiệm vận chuyển “khí” và huyết đi khắp cơ thể. Khí và huyết lưu thông để duy trì sự cân bằng và ổn định trong các mô và cơ quan nội tạng khác nhau. Hệ thống kinh mạch bị tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển các chất, đồng thời cơ thể dễ xuất hiện những bất thường.
Có 12 kinh mạch chính tương ứng với 12 cơ quan nội tạng, từ đó lưu thông về tay, chân, đầu và mặt. Khi có vấn đề xảy ra với một trong các cơ quan nội tạng, cảm giác khó chịu sẽ xuất hiện ở nhiều điểm khác nhau dọc theo các đường kinh mạch tương ứng.
Theo Trung Y, đau răng được chia thành đau răng hàm trên, đau răng hàm dưới hay đau răng nói chung. Đau răng hàm trên là vấn đề của kinh mạch dạ dày, đau răng hàm dưới là vấn đề của kinh mạch ruột già.
Theo Trung Y, nhiều bệnh được cho là do các hiện tượng trong môi trường của chúng ta gây ra. Những hiện tượng này được gọi là sáu yếu tố gây bệnh bên ngoài, được phân loại là gió, lạnh, nóng, khô, ẩm và nóng mùa hè. Uống canh đậu xanh để trừ cơn nóng trong dạ dày và ăn chuối tiêu có thể làm dịu cơn nóng trong ruột già.
Nếu cả hàm răng trên và hàm răng dưới đều cảm thấy đau nhức thì đó là chứng răng miệng thuộc kinh Thận. Các loại thực phẩm như quả dâu tằm và quả kiwi bồi bổ kinh mạch thận có thể giúp thanh nhiệt.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times