Fluoride trong nước máy có thể làm giảm chỉ số thông minh và làm rối loạn giấc ngủ
Cuộc tranh luận xung quanh chủ đề liệu có nên thêm fluoride vào nước máy hay không đã diễn ra trong gần 80 năm. Các cơ quan chính phủ cho rằng fluoride giúp ngăn ngừa sâu răng, trong khi những người phản đối lại lo ngại về những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Một số tiến triển trong vụ kiện chất fluoride của Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) gần đây đã làm dấy lên câu hỏi về tính an toàn khi thêm fluoride vào nước uống.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng fluoride đáng lẽ ra nên được xem xét kỹ lưỡng từ lâu vì mức độ phơi nhiễm fluoride cao có thể liên quan với điểm IQ thấp hơn và làm rối loạn giấc ngủ.
Câu chuyện về 2 ngôi làng
Năm 2003, một nghiên cứu (pdf) được thực hiện ở các thị trấn nông thôn Xinhuai và Wamiao của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, nằm ở phía bắc của Thượng Hải. Hai ngôi làng này có nồng độ fluoride trong nước uống khác nhau rõ rệt, ở Xinhuai là xấp xỉ 0.91 mg/L và ở Wamiao là khoảng 4.12 mg/L. Trong khi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa kỳ khuyến nghị mức fluoride trong nước uống không cao hơn 0.7 mg/L.
Nghiên cứu kiểm tra chỉ số IQ của 512 trẻ em từ 8 đến 13 tuổi ở cả hai ngôi làng và thấy rằng chỉ số IQ trung bình của trẻ em ở làng Xinhuai cao hơn đáng kể so với trẻ em ở làng Wamiao.
Người ta cho rằng fluoride không có hại đối với sức khỏe con người trừ việc gây ra bệnh răng nhiễm fluoride. Vì vậy kết quả của nghiên cứu năm 2003 tại làng Xinhuai và Wamiao đã gây bất ngờ khi cho thấy ảnh hưởng của fluoride đến sức khỏe con người phức tạp hơn những gì chúng ta từng nghĩ. Nghiên cứu bổ sung (pdf) kết luận rằng sự khác biệt trong chỉ số IQ không phải do sự khác nhau về mức chì, yếu tố kinh tế xã hội hay yếu tố địa lý. Đáng chú ý là nghiên cứu này không phải là một trường hợp cô lập, vì có những nghiên cứu khác (pdf) cũng đã điều tra về mối liên hệ có thể xảy ra giữa phơi nhiễm fluoride và chức năng nhận thức.
Thêm các nghiên cứu chỉ ra fluoride trong nước uống là có hại
Chẳng hạn một nghiên cứu ở New Zealand trên 1,000 trẻ em cũng cho kết quả tương tự như nghiên cứu tại Trung Quốc. Phân tích trên 14 nghiên cứu cũng kết luận rằng mức fluoride cao ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Nhìn chung, theo nhóm các nhà hoạt động Fluoride Action Network (tạm dịch: Mạng lưới Hành động Fluoride), có ít nhất 85 nghiên cứu nêu cụ thể ảnh hưởng của fluoride đến chỉ số IQ của trẻ em, và 76 nghiên cứu trong số đó báo cáo mối liên hệ tiềm tàng giữa việc tăng phơi nhiễm fluoride và giảm chỉ số IQ ở người. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu còn những yếu tố nào khác, bao gồm fluoride, góp phần vào kết quả trên không.
Khi chúng tôi đề cập đến chỉ số IQ thấp, điều này có nghĩa là bộ não không thể vận hành một cách tối ưu, rất có khả năng là do phát triển không bình thường hoặc tổn thương thần kinh. Sau nghiên cứu năm 2003 ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng fluoride, giống như các kim loại nặng như thủy ngân, chì, nhôm và sắt, có thể gây hại cho hệ thần kinh bằng cách tạo ra các gốc tự do làm suy giảm màng tế bào trong não. Các gốc tự do giống như các tiểu hành tinh nhỏ bay xung quanh bên trong cơ thể và gây hại cho các tế bào, bao gồm DNA, màng tế bào, và protein.
Tích tụ các gốc tự do có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh khác nhau, bao gồm ung thư. Hấp thụ nhiều fluoride có thể dẫn đến tích tụ các gốc tự do trong bộ não đang phát triển, dẫn đến tổn thương tế bào thần kinh. Điều này có thể giải thích cho việc tại sao trẻ em ở ngôi làng có nồng độ fluoride trong nước cao có chỉ số IQ thấp hơn mức trung bình so với trẻ em ở làng có nồng độ fluoride trong nước thấp. Cơ thể con người rất khó phân hủy fluoride, vì vậy rất khó xử lý lượng fluoride hấp thụ quá mức.
Fluoride ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào
Fluoride có thể tích tụ ở tuyến tùng, nằm sâu trong vùng não giữa, làm rối loạn chu trình ngủ được điều hòa bởi hormone.
Sau khi đi vào cơ thể, fluoride tích tụ ở những nơi giàu calcium như xương, răng và cả ở tuyến tùng. Calcium cần thiết cho bộ não vận hành chính xác vì vậy calcium có xu hướng tích tụ ở đây, đặc biệt là ở tuyến tùng giàu calcium. Vì vậy, tuyến tùng thường có nồng độ fluoride cao nhất. Nghiên cứu cho thấy nồng độ fluoride cao có liên quan đến quá trình vôi hóa tuyến tùng.
Tuyến tùng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất melatonin, loại hormone chính chịu trách nhiệm về nhịp sinh học của cơ thể và điều chỉnh chu kỳ thức-ngủ ở người. Mức melatonin trong cơ thể đạt cao nhất trong thời thơ ấu và giảm dần khi già đi, người cao tuổi có mức melatonin thấp nhất. Tuy nhiên, vì cơ thể khó phân huỷ fluoride nên chất này có xu hướng tích tụ, cả trong tuyến tùng, khiến cơ thể khó duy trì được sự cân bằng lành mạnh của melatonin.
Tích tụ cả calcium và fluoride có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất melatonin ở tuyến tùng. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm với fluoride ở thanh thiếu niên (15 đến 19 tuổi) có thể gây rối loạn chu kỳ giấc ngủ, dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ và chứng buồn ngủ vào ban ngày. Tuy nhiên, để xác nhận những phát hiện này cần thêm các nghiên cứu nữa.
Vôi hóa tuyến tùng là một đặc điểm đặc trưng của bệnh Alzheimer. Ở bệnh nhân Alzheimer, vôi hoá kéo dài làm giảm thể tích của tuyến tùng, từ đó giảm sản xuất melatonin. Thiếu melatonin có thể dẫn đến điều hoà giấc ngủ kém và gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn. Ngoài ra, melatonin giúp tái tạo tế bào thần kinh trong não, đóng vai trò như cơ chế tự sửa chữa bộ não.
Mặc dù mối liên hệ nhân quả giữa hấp thụ nhiều fluoride hơn và bệnh Alzheimer chưa được thiết lập, nhưng lượng fluoride đưa vào cơ thể nhiều có thể gây ra các triệu chứng dai dẳng tương tự như bệnh Alzheimer. Từ đó dẫn đến mối lo ngại về những khó khăn khi điều hoà và kiểm soát lượng lớn fluoride đưa vào cơ thể.
Khi xem xét những nguy cơ tiềm ẩn đối với tuyến tùng và các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến việc fluoride hóa nước uống, cần thiết phải đặt vấn đề rằng mọi người có thể phải hy sinh những gì để theo đuổi hàm răng khỏe và nụ cười đẹp.
Làm sao để tránh phơi nhiễm fluoride
Fluoride được thêm vào nước uống khác biệt đáng kể so với fluoride lắng đọng tự nhiên. Trong tự nhiên, fluoride thường tồn tại trong các hóa hợp của calcium. Còn fluoride bổ sung vào nước uống dưới dạng fluorosilicic acid hoặc sodium fluoride là các hóa chất tổng hợp nguy hiểm có vẻ đáng ngờ với sức khỏe con người:
- Theo Bảng dữ liệu hóa học của Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia, Fluorosilicic acid là “một chất lỏng bốc khói không màu có mùi hăng. Ăn mòn kim loại và mô. Cả khói [acid] và việc tiếp xúc rất ngắn với chất lỏng này đều có thể gây bỏng nặng và đau đớn. Được sử dụng trong quá trình fluoride hóa nước, làm cứng xi măng và gốm sứ, làm chất bảo quản gỗ.”
- Theo thư viện PubChem của Viện Y tế Quốc gia (NIH), “Sodium fluoride ăn mòn nhôm, được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu, fluoride hóa nguồn cung cấp nước, làm chất bảo quản gỗ, có mặt trong các hợp chất làm sạch, dùng để sản xuất thủy tinh và nhiều mục đích khác.”
Fluorosilicic acid được cảnh báo là chất ăn mòn và sodium fluoride là chất độc hại. Tuy nhiên, calcium fluoride tìm thấy trong tự nhiên thì không có cảnh báo. Vì vậy, bên cạnh việc đặt câu hỏi lại sao chính quyền không dùng calcium fluoride để fluoride hóa nước, một số người có thể tự hỏi làm thế nào để tránh fluoride. Sau đây là một số cách đơn giản:
- Một số máy lọc nước có thể loại bỏ hiệu quả fluoride khỏi nước máy.
- Kiểm tra nhãn của nước đóng chai để xem thông tin về chất phụ gia và quy trình xử lý nước của nhà sản xuất.
- Mua nước suối thay cho nước tinh khiết.
- Mua kem đánh răng không chứa fluoride.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times. Epoch Health hoan nghênh các cuộc thảo luận chuyên nghiệp và tranh luận thân thiện. Để gửi ý kiến, vui lòng làm theo các nguyên tắc này và gửi qua biểu mẫu của chúng tôi tại đây.
Minh Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times