Hướng dẫn đầy đủ về hệ miễn dịch: Đây là cách cơ thể tránh vi khuẩn và virus

Ngày càng có nhiều bệnh truyền nhiễm lưu hành trên khắp thế giới, từ cúm đến SARS và COVID-19. Với vai trò quan trọng trong việc chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn và virus, hệ miễn dịch đã hoạt động như thế nào? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch? Bài viết này sẽ trả lời tất cả các câu hỏi trên bằng các sơ đồ minh họa.

Hệ miễn dịch của con người khá phức tạp, với sự tham gia của nhiều tế bào miễn dịch khác nhau. Vai trò của chúng trong cơ thể giống như một đội quân giúp chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh ngoại lai và bảo vệ sức khỏe của cơ thể. Tác nhân gây bệnh là các tác nhân có thể gây ra các bệnh khác nhau sau khi xâm nhập vào cơ thể, bao gồm virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng, v.v.

Hàng rào miễn dịch đầu tiên: Da và mũi giúp ngăn chặn virus

Hàng rào đầu tiên của hệ miễn dịch bao gồm da, lông mũi, nước mắt, v.v. Đây là những hàng rào vật lý tuyệt vời có thể ngăn mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Nếu cơ thể là một quốc gia, thì rào cản đầu tiên có thể được xem là “bức tường phòng thủ.”

Hướng dẫn đầy đủ về hệ miễn dịch: Đây là cách cơ thể tránh vi khuẩn và virus
Hàng rào bảo vệ đầu tiên của hệ miễn dịch là da và niêm mạc, giúp ngăn virus, vi khuẩn, v.v. xâm nhập vào cơ thể. (Ảnh: The Epoch Times)

Da

Da có các cấu trúc như tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi. Tuyến bã nhờn tiết ra acid béo để tiêu diệt vi khuẩn, trong khi tuyến mồ hôi tạo ra muối để biến bề mặt da thành môi trường mà vi khuẩn ít có cơ hội sống sót.

Mắt

Nước mắt có tác dụng rửa sạch các dị vật lọt vào bề mặt nhãn cầu.

Mũi

Lông mũi giúp ngăn chặn các dị vật lớn hơn xâm nhập vào lỗ mũi, trong khi chất nhầy mũi bắt giữ virus và vi khuẩn nhỏ hơn và đẩy chúng ra ngoài bằng cách hắt hơi.

Đường hô hấp

Ngoài ra còn có chất nhầy ở cổ họng và đường hô hấp. Sau khi chất nhầy bắt giữ virus và vi khuẩn, các lông mao nhỏ trên thành đường thở sẽ vận chuyển chất nhầy bao bọc vi trùng về phía miệng để ho ra đờm.

Hàng rào miễn dịch thứ hai: Cơ thể tiết ra chất kháng virus

Hàng rào miễn dịch thứ hai giống như “đội quân đồn trú” tuần tra trên “bức tường phòng thủ.” Không giống như “bức tường phòng thủ” ngăn chặn hoặc đẩy mầm bệnh ra khỏi cơ thể, lực lượng đồn trú sẽ chủ động tấn công mầm bệnh thông qua một số cơ chế.

Ví dụ, có các tế bào biểu mô trong khoang mũi, cổ họng, khí quản, phế quản, phổi, v.v. và một số tế bào biểu mô sẽ tạo ra interferon để phản ứng với nhiễm trùng.

Interferon là một chất kháng virus quan trọng. Sau khi liên kết với các tế bào không bị nhiễm bệnh, interferon có khả năng duy nhất là can thiệp vào sự nhân lên của virus và ngăn chặn virus lây lan, do đó có tên là “interferon.”

Hệ miễn dịch bẩm sinh: Phản ứng nhanh, phòng thủ rộng

Nếu vượt qua được hai tuyến phòng thủ đầu tiên, virus và vi khuẩn sẽ ngay lập tức phải đối mặt với một hệ thống miễn dịch tinh vi. Nói chung, hệ miễn dịch có thể được chia thành miễn dịch bẩm sinh (hàng rào thứ ba) và miễn dịch thích ứng (hàng rào thứ tư).

Hệ miễn dịch bẩm sinh là “lực lượng tấn công tiên tiến” do cơ thể gửi đến khi gặp phải một bệnh nhiễm trùng chưa biết. So với hệ miễn dịch thích ứng, miễn dịch bẩm sinh có thể chống lại nhiều loại mầm bệnh hơn, nhưng khả năng bảo vệ lại ngắn hạn hơn. Bạch cầu hạt, đại thực bào, tế bào diệt tự nhiên, và bổ thể là một phần của hệ miễn dịch bẩm sinh.

Hướng dẫn đầy đủ về hệ miễn dịch: Đây là cách cơ thể tránh vi khuẩn và virus
Vai trò chính của các tế bào miễn dịch khác nhau trong cơ thể, bao gồm bạch cầu trung tính, đại thực bào, tế bào tiêu diệt tự nhiên và hệ thống bổ thể. (Ảnh: The Epoch Times)

Bạch cầu hạt gồm có 3 loại: bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan, và bạch cầu ái kiềm.

Bạch cầu trung tính chiếm số lượng nhiều nhất trong cơ thể người, và được tạo ra với tốc độ rất nhanh. Đây cũng là thành phần tham gia phản ứng đầu tiên sau khi nhiễm bệnh và đóng vai trò như “cảnh sát chung” trong miễn dịch bẩm sinh.

Bạch cầu ái toan rất hiệu quả trong việc chống ký sinh trùng. Ký sinh trùng là sinh vật đa bào rất khó thực bào. Thay vì thực bào, bạch cầu ái toan tấn công ký sinh trùng bằng cách tiết ra các chất hóa học có khả năng thâm nhập vào màng tế bào. Do đó, vai trò của bạch cầu ái toan giống như một “chất khử trùng.”

Bạch cầu ái kiềm kích hoạt phản ứng viêm của cơ thể bằng cách bài tiết các hóa chất là yếu tố phổ biến trong các phản ứng dị ứng. Bạch cầu ái kiềm giống như “lính cứu hỏa” giúp dập lửa ở một khu vực bị viêm (đang bốc cháy).

Chức năng của đại thực bào là thực hiện quá trình thực bào, vốn có thể nuốt chửng mầm bệnh với số lượng lớn. So với bạch cầu trung tính, đại thực bào mạnh hơn trong việc loại bỏ mầm bệnh và có thể chống lại mầm bệnh trong thời gian dài hơn.

Ngoài các đại thực bào, các tế bào đuôi gai cũng thực bào mầm bệnh.

Sau khi “ăn” mầm bệnh, các đại thực bào và tế bào đuôi gai sẽ phân tích và chuyển thông tin liên quan đến hệ miễn dịch thích ứng, cho phép hệ miễn dịch thích ứng tiếp tục đối phó với kẻ thù. Đây là “cầu nối thông tin” giữa hệ miễn dịch bẩm sinh và thích ứng. Mặc dù đại thực bào và tế bào đuôi gai đều có chức năng tương tự nhau, nhưng mỗi cái đều có điểm mạnh riêng. Đại thực bào có khả năng thực bào mạnh hơn, giống như “cảnh sát chống bạo động,” trong khi các tế bào đuôi gai có khả năng phân tích và truyền thông tin tình báo tốt hơn, giống như “người phát tín hiệu” chuyển tải thông điệp.

Tế bào diệt tự nhiên cũng là một trong những đội quân tiên tiến, với chức năng chính là tiêu diệt tế bào nhiễm virus và tế bào ung thư đột biến trong cơ thể.

Hệ thống bổ thể giống như một “viên đạn,” giúp tiêu diệt nhiều mầm bệnh, vi khuẩn, virus hoặc tế bào bất thường. Ngoài ra, bổ thể có thể làm tăng khả năng hấp thụ mầm bệnh của thực bào thông qua quá trình opsonin hóa. Nói một cách đơn giản, nếu tác nhân gây bệnh là gạo trắng, thì hệ thống bổ thể giống như nước xốt làm tăng thêm hương vị, kích thích các thực bào ăn nhiều hơn. Hơn nữa, hệ thống bổ thể có thể kích hoạt các phản ứng miễn dịch khác, chẳng hạn như phản ứng viêm, bài tiết các chất điều hòa chức năng miễn dịch, v.v.

Hệ miễn dịch thích ứng: Ghi nhớ virus và ngăn ngừa tái nhiễm

Hệ miễn dịch thích ứng là một “lực lượng đặc biệt” được huấn luyện bài bản có khả năng tiêu diệt một số tác nhân gây bệnh (tính đặc hiệu miễn dịch).

Hướng dẫn đầy đủ về hệ miễn dịch: Đây là cách cơ thể tránh vi khuẩn và virus
Cơ chế kháng virus quan trọng của hệ miễn dịch bẩm sinh và thu được của cơ thể, bao gồm tế bào T tiêu diệt tế bào nhiễm bệnh và tế bào B tạo ra kháng thể. (Ảnh: The Epoch Times)

Hệ miễn dịch bẩm sinh sẽ tham gia chiến đấu đầu tiên khi gặp phải nguồn lây nhiễm không xác định. Đồng thời, hệ miễn dịch bẩm sinh còn có nhiệm vụ quan trọng là xác định danh tính của mầm bệnh và thông báo cho hệ miễn dịch thích ứng để điều binh nhanh chóng nhằm chống lại mầm bệnh. Những “lực lượng đặc biệt” này chủ yếu bao gồm các tế bào T và tế bào B.

Sau khi hệ miễn dịch bẩm sinh được kích hoạt, các tế bào đuôi gai và đại thực bào bắt đầu hấp thụ mầm bệnh, phân tích và xác định chúng, đồng thời trình diện thông tin quan trọng cho tế bào T.

Sau khi nhận được tín hiệu, các tế bào T sẽ bắt đầu nhắm mục tiêu và tiêu diệt mầm bệnh, sau đó kích thích các tế bào B bắt đầu sản xuất kháng thể. Tế bào T và tế bào B sẽ “ghi nhớ” các đặc điểm của mầm bệnh xâm nhập. Nếu mầm bệnh này xâm nhập vào lần sau, tế bào T và tế bào B có thể trực tiếp xác định mầm bệnh, nhanh chóng tấn công kẻ xâm lược mà không cần thông qua hệ miễn dịch bẩm sinh.

6 yếu tố ảnh hưởng đến hệ miễn dịch

Các tế bào khác nhau trong hệ miễn dịch phối hợp với nhau một cách chính xác để hoàn thành cơ chế chống lại kẻ thù. Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến sức mạnh của hệ miễn dịch?

Tuổi

Hệ miễn dịch dần suy yếu theo tuổi tác, chủ yếu là do sự lão hóa của tuyến ức và tủy xương dẫn đến giảm sản xuất tế bào T và tế bào B. Vì vậy, khả năng miễn dịch thu được nhờ chích ngừa của người cao tuổi thấp hơn so với người trẻ và trẻ em.

Cách ăn uống

Cách ăn uống cân bằng và bổ dưỡng là một trong những chìa khóa để tăng khả năng miễn dịch. Việc sản xuất các tế bào miễn dịch, kháng thể, và coenzym trong cơ thể người cần có nguyên liệu thô, tất cả đều đến từ thực phẩm ăn vào hàng ngày.

Giấc ngủ

Ngủ đủ giấc có thể giúp nâng cao miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng giấc ngủ có liên quan mật thiết đến chức năng miễn dịch. Ví dụ, Đại học Carnegie Mellon từng thực hiện một nghiên cứu cho thấy những người có chất lượng giấc ngủ kém dễ bị cảm lạnh. Ngoài ra, các nghiên cứu khác về khả năng miễn dịch đã phát hiện ra rằng sau khi chích vaccine, những người ngủ đủ giấc sẽ có lượng kháng thể trong cơ thể cao hơn những người ngủ không đủ giấc.

Thuốc

Sử dụng lâu dài một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid, có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch của cơ thể và làm giảm khả năng chống lại vi trùng. Nhiễm bệnh trong giai đoạn này sẽ khiến tình trạng bệnh kéo dài.

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể, kích thích tuần hoàn máu và tăng khả năng miễn dịch. Ngoài ra, các nghiên cứu đã cho thấy rằng các hoạt động như jing zuo (ngồi yên) và thiền định có thể làm tăng số lượng các hợp chất miễn dịch, chẳng hạn như interleukin (chất truyền tin giữa các tế bào miễn dịch), yếu tố hoại tử khối u, v.v.

Căng thẳng

Khi một người bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất nhiều cortisol hơn bình thường. Sự gia tăng ngắn hạn của cortisol có thể làm tăng khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, theo thời gian, cơ thể có thể quen với việc có quá nhiều cortisol trong máu. Điều này làm suy yếu hệ miễn dịch và cản trở sự phát triển của tế bào T.

Tú Liên và Thanh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Andrew Chen
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Andrew Chen là phóng viên của The Epoch Times tại Toronto.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn