Nghiên cứu của Đại học Stanford: Các tế bào miễn dịch dễ bị tổn thương do COVID nhất
Các tế bào bảo vệ phổi dường như hoạt động chống lại hệ miễn dịch, giúp virus nhân lên.
Một nghiên cứu mới của Đại học Stanford cho thấy các tế bào miễn dịch (có nhiệm vụ bảo vệ phổi khỏi nhiễm trùng do virus và vi khuẩn) mới thực sự là những tế bào dễ bị nhiễm trùng COVID-19 nhất.
Trong nhiều thập niên, các nhà khoa học đã cho rằng nhiễm trùng ở tế bào phổi sẽ dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp.
Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu nhận thấy rằng so với những tế bào giúp trao đổi khí, các tế bào miễn dịch chịu trách nhiệm kiểm soát và ngăn ngừa nhiễm trùng là những tế bào dễ bị tổn thương nhất và có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng nhất.
Đồng tác giả cấp cao, Tiến sĩ Mark Krasnow cho biết trong thông cáo báo chí của nghiên cứu rằng, “Đó là một thử nghiệm đơn giản và những câu hỏi chúng tôi đặt ra rất rõ ràng. [Nhưng] đáp án lại ngoài ý muốn.”
Khi bị nhiễm bệnh, các tế bào miễn dịch này đóng vai trò như nhà máy sản xuất virus, tạo ra lượng virus cao đồng thời gửi tín hiệu viêm để thu hút thêm tế bào miễn dịch đến vị trí nhiễm trùng. Điều này gây ra phản ứng viêm nặng trong phổi.
Những tế bào miễn dịch này giúp virus nhân lên
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành lây nhiễm các lát phổi được hiến tặng với biến thể COVID-19 ban đầu ở Vũ Hán. Sau đó, họ thu hoạch và giải trình tự các tế bào để xem loại tế bào nào có hàm lượng virus cao nhất.
Các tác giả viết, “Các tế bào có mức virus cao… rất hiếm và chỉ giới hạn ở sáu loại tế bào.” Một loại là tế bào phế nang chịu trách nhiệm trao đổi khí, tế bào được dự đoán là mục tiêu chính của virus gây ra COVID-19 (SARS-CoV-2) ở phổi. Những loại khác bao gồm tế bào hình thành mô và một số tế bào miễn dịch.
Các tác giả nhận thấy, “Đại thực bào là mục tiêu nổi bật nhất ở phổi. Cụ thể là các đại thực bào phế nang và kẽ.
Đại thực bào là những tế bào miễn dịch lớn tạo nên tuyến phòng thủ đầu tiên. Chúng thường xuyên nuốt chửng protein và các mảnh vụn xung quanh, lưu hành trong cơ thể để tìm những kẻ xâm lược từ bên ngoài.
Các đại thực bào phế nang tuần tra bên trong túi khí của phổi và tương tác với những mầm bệnh ngoại lai xâm nhập vào cơ thể.
Các đại thực bào kẽ chiếm giữ các mô mỏng, nơi mà sự trao đổi không khí xảy ra không liên tục gần các mạch máu. Trong quá trình nhiễm virus, các tế bào này đã bị tổn hại và giúp virus nhân lên, tạo ra phản ứng viêm mạnh hơn so với đại thực bào phế nang.
“Phản ứng viêm [ở tế bào này] thực sự nghiêm trọng hơn nhiều, trong đó virus nhân lên rất nhiều. Điều này dẫn đến phản ứng chống virus mạnh mẽ hơn, sau đó có thể lan đến các tế bào khác. Đây không phải là tình huống tốt vì các khoảng không khí sẽ tràn đầy các sản phẩm phụ do phản ứng viêm gây ra,” đồng tác giả cấp cao và giáo sư y khoa Stanford, Tiến sĩ Catherine Blish nói với The Epoch Times..
Nghiên cứu cho thấy phản ứng viêm mạnh mẽ từ các đại thực bào kẽ có thể là nguyên nhân khiến trường hợp nhiễm COVID-19 trở nên trầm trọng hơn.
Niềm tin lâu đời bị đặt câu hỏi
Nghiên cứu được công bố trên Tập san Y học Thực nghiệm vào hôm 10/04, đặt câu hỏi về giả định lâu nay rằng nhiễm trùng đường hô hấp chủ yếu lây nhiễm vào các mô phổi hô hấp.
Giả định này là nguyên nhân khiến nghiên cứu tập trung vào các mô và tế bào phổi, bất chấp việc các tế bào khác có thể nhạy cảm hơn hay không.
Tiến sĩ Blish cho biết liệu các loại virus đường hô hấp khác, như cúm, có nhắm mục tiêu vào các tế bào miễn dịch thay vì các tế bào phổi hô hấp hay không vẫn chưa được biết.
Bà nói, “Có thể là không, nhưng chúng tôi sẽ quan sát. Tôi nghĩ đây là điều cần phải được nghiên cứu vì các loại virus khác nhau có cơ chế [khác nhau].”
Ngoài ra, vì các nhà nghiên cứu phát hiện rằng SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang tế bào người ở đường hô hấp trên bằng cách sử dụng hai thụ thể là ACE2 và CD147, nên hầu hết các nghiên cứu về virus đều tập trung vào các thụ thể này.
COVID-19 nặng có xu hướng biểu hiện các dấu hiệu viêm ở phần dưới phổi, nơi tập trung các đại thực bào kẽ. Các tác giả cũng phát hiện rằng virus không sử dụng thụ thể ACE2 hoặc CD147 để lây nhiễm các đại thực bào.
Thay vào đó, virus này có khả năng xâm nhập qua một thụ thể khác gọi là CD209.
Do đó, các tác giả suy đoán rằng các loại thuốc giúp ngăn chặn thụ thể CD209 có thể ngăn ngừa nhiễm trùng nghiêm trọng do COVID-19.
Tiến sĩ Blish cho biết, “Đây có thể là lời giải thích tại sao các kháng thể ngăn chặn hai con đường xâm nhập qua trung gian tế bào (ACE2 và CD147) lại không có tác dụng gì với nhiễm trùng khi được đưa vào cơ thể sau này.”
Nghiên cứu đưa ra lý do Steroid có tác dụng đối với bệnh COVID-19 nặng
Các kết quả nghiên cứu có thể giải thích tại sao steroid có tác dụng điều trị bệnh COVID-19 nặng.
Tiến sĩ Arjun Rustgai, nhà nghiên cứu và giảng viên y khoa tại Đại học Stanford, nói với The Epoch Times, “Quá trình kích hoạt tế bào miễn dịch là cơ chế chính khiến bệnh COVID trở nặng và có thể giải thích tại sao các thuốc ức chế miễn dịch như steroid lại hữu ích trong điều trị các trường hợp COVID nặng.”
Tiến sĩ Blish nói thêm rằng steroid phải được cung cấp vào đúng thời điểm và “chỉ trong những trường hợp bệnh nặng mới có lợi,” trích dẫn từ nghiên cứu PHỤC HỒI nổi tiếng của Oxford.
Nghiên cứu PHỤC HỒI cho thấy việc kê đơn dexamethasone, một loại steroid, cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng đã giúp giảm tỷ lệ tử vong từ 40% xuống 30%.
Steroid là một nhóm thuốc chống viêm có tác dụng ngăn chặn các hoạt động miễn dịch và viêm. Loại thuốc này cũng gây nhiều tranh cãi ngay từ đầu trong đại dịch COVID-19.
Khi bắt đầu đại dịch, một số bác sĩ chăm sóc tích cực đã ủng hộ việc thử dùng steroid ở những bệnh nhân nặng để chống lại phản ứng viêm.
Bác sĩ chăm sóc tích cực chuyên khoa phổi, Tiến sĩ Pierre Kory là người sớm ủng hộ phương pháp điều trị này. Ông nhận ra rằng bệnh viêm phổi có tổ chức, hay còn gọi là viêm phổi, liên quan đến COVID-19 nặng cần dùng steroid để kiểm soát tình trạng viêm.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times