Hàng trăm học viên Pháp Luân Công tổ chức mít-tinh ở Toronto, lên án cuộc đàn áp 25 năm qua của ĐCSTQ
Hôm 24/04, hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã tập hợp trong khuôn viên cơ quan lập pháp Ontario để đánh dấu 25 năm ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp một cuộc biểu tình ôn hòa ở Bắc Kinh. Cuộc biểu tình ngày 25/04/1999 là điềm báo then chốt cho một cuộc khủng hoảng nhân quyền chưa từng có.
Những học viên của môn tu luyện này, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, đã trở thành nạn nhân của một chiến dịch xuyên tạc và phỉ báng do ĐCSTQ dàn dựng vào cuối những năm 1990. Nhiều người tin rằng lý do lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã ra lệnh thực hiện chiến dịch này vì ông ta cảm thấy bị đe dọa bởi số người tu luyện Pháp Luân Công nhiều hơn số đảng viên. Ông còn xem những bài giảng về đạo đức của Pháp Luân Công là mâu thuẫn với hệ tư tưởng vô thần của cộng sản.
Năm 1999, sau khi 45 học viên Pháp Luân Công bị giam giữ phi pháp, khoảng 10,000 học viên đã tập trung trước Văn phòng Kháng nghị Quốc vụ viện tại Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tín ngưỡng của họ vốn được bảo vệ theo Hiến Pháp. Nhưng để đáp lại, ĐCSTQ đã tăng cường cuộc đàn áp. Ba tháng sau, vào tháng 07/1999, ĐCSTQ đã chính thức phát động cuộc đàn áp khắc nghiệt trên toàn quốc nhắm vào Pháp Luân Công.
Các nhà lập pháp và những người bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới đã lên án việc ĐCSTQ sử dụng hình thức tra tấn, bạo hành tình dục, và hành vi thu hoạch nội tạng tàn ác đối với các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công. Đặc biệt, luật sư nhân quyền quốc tế người Canada David Matas đã mô tả cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một “cuộc diệt chủng lạnh” kéo dài.
Nói chuyện tại cuộc mít-tinh, ông Jose Peralta, từ Argentina di cư đến Canada bốn năm trước, nói rằng khi biết về sự kiện xảy ra vào ngày 25/04/1999 đó, “Tôi không thể tin được những gì đã xảy ra, bởi vì điều duy nhất mà các học viên này muốn là tu luyện trong hòa bình và trở thành người tốt hơn mà không bị sách nhiễu hay bức hại.”
“Khoảng 10,000 người, tự thấy có trách nhiệm, đã tập trung ở đó một cách ôn hòa và lặng lẽ, đứng đó hàng giờ để chờ nhận được câu trả lời. Họ thậm chí còn dọn dẹp mọi thứ [trước khi] rời đi mà không gây tắc nghẽn bất kỳ con đường nào, không gây cản trở giao thông,” ông nói.
“Trong một thế giới mà các cuộc biểu tình ngày nay đầy giận dữ, thù hận, cướp bóc, chặn cầu hoặc đại lộ, và gây rối trật tự xã hội, các học viên [Pháp Luân Công] đã làm điều ngược lại. Họ ngồi, [hoặc] đứng tĩnh lặng trên vỉa hè. Tôi nghĩ điều đó thật đẹp và rất truyền cảm hứng.”
“Đó là một điều tuyệt vời cho thấy đặc tính của các học viên Pháp Luân Công như thế nào, hoàn toàn trái ngược với những lời dối trá mà ĐCSTQ đưa ra vào thời điểm đó và vẫn đang [tiếp tục làm vậy],” ông nói thêm.
Ông Peralta cho biết ông đã tu luyện Pháp Luân Công cách đây 5 năm. Đề cập đến những người tham gia cuộc thỉnh nguyện vào ngày 25/04/1999 ở Bắc Kinh, ông nói: “Tôi không nghĩ rằng vào thời điểm đó họ nhận thức được rằng họ sẽ truyền cảm hứng cho hàng triệu người trong tương lai, thậm chí cho đến ngày nay — cho cả tôi, một người được sinh ra ở bên đây địa cầu.”
ĐCSTQ ‘tiến tới sự hủy diệt’
Ông Michael Stainton, chủ tịch Hiệp hội Nhân quyền Đài Loan tại Canada, đã khen ngợi các học viên Pháp Luân Công vì sự kiên định của họ trong việc phản kháng một cách ôn hòa trước cuộc đàn áp của ĐCSTQ, đồng thời nhấn mạnh tác động của cuộc phản bức hại này đối với cả các học viên và người dân Trung Quốc nói chung.
“Trong nỗ lực bảo toàn quyền lực của mình, trong nỗi sợ hãi tột độ trước bất kỳ tổ chức nào không do ĐCSTQ kiểm soát, ĐCSTQ đã tự phá hủy đi nền tảng cai trị của chính họ và đang tiến tới hủy hoại vai trò của chính mình ở Trung Quốc,” ông Stainton nói.
“Họ đã tổ chức một cuộc đàn áp hàng loạt mà không theo một cơ sở luật lệ nào. … Mọi người không tin những gì đang xảy ra ở Trung Quốc vì chuyện này quá kinh hoàng và quá khủng khiếp,” ông nói thêm.
Ông lưu ý rằng ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan phi pháp có nhiệm vụ đặc biệt là chỉ thị cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Được thành lập vào ngày 10/06/1999, cơ quan này được gọi là “Phòng 610.”
“Chắc chắn không có chính quyền hợp pháp nào sẽ làm điều này. Tuy nhiên, đây không phải là một chính quyền hợp pháp. Trên thực tế, ĐCSTQ không phải là một chính quyền.”
Ông Stainton cho biết chế độ này nhận thức được rằng nhiều quan chức cộng sản, quân nhân, và công an đang bí mật tu luyện Pháp Luân Công, và do đó đã thực hiện “một triều đại khủng bố ảnh hưởng đến toàn thể người dân Trung Quốc.” Cuộc đàn áp này bao gồm việc thành lập các “tòa án kangaroo” và nhiều nhà tù để đe dọa cả các học viên Pháp Luân Công và chính cán bộ của họ.
Ông Stainton cho biết ĐCSTQ còn quy định việc luật sư bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công là bất hợp pháp. Ông lưu ý rằng “ngày nay, chúng ta nên đặc biệt ghi nhớ và xướng tên ông Cao Trí Thịnh — không ai biết rõ số phận của ông ở Trung Quốc ra sao — bởi dũng khí của ông trong việc kiên trì và bảo vệ học viên Pháp Luân Công trước tòa.”
Ông Cao là một trong những luật sư nhân quyền đáng kính nhất ở Trung Quốc, bản thân ông đã phải chịu đựng sự bức hại, bao gồm cả tra tấn nghiêm trọng và bỏ tù, vì bảo vệ các học viên Pháp Luân Công. Hiện ông đang bị giam giữ và không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ông vừa tròn 60 tuổi vào ngày 20/04.
“Ngày nay, vì sự tuyệt vọng trong việc tiêu diệt Pháp Luân Công — một sự tuyệt vọng vì đã không thành công — Đảng Cộng sản đã đẩy Trung Quốc vào ngõ cụt của chế độ độc tài phát xít,” ông Stainton nói.
Ông bày tỏ hy vọng rằng cuộc đàn áp sẽ sớm kết thúc — không phải bằng bạo lực và hỗn loạn, mà là mở ra “con đường hy vọng mới cho người dân Trung Quốc và người dân thế giới” nhờ sự cống hiến của Pháp Luân Công.
Ông Staintont đã nói về ba nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công là chân, thiện, và nhẫn và việc các học viên tuân thủ một cách ôn hòa đối với những lý tưởng đó.
“Ở Đế quốc La Mã, những tín đồ Cơ Đốc Giáo cũng bị bức hại giống như các học viên Pháp Luân Công ngày nay, nhưng những học viên Pháp Luân Công phải chịu đựng cuộc bức hại còn nghiêm trọng hơn nhiều,” ông Stainton nói.
“Những tín đồ Cơ Đốc Giáo cuối cùng đã chiến thắng nhờ đức tin của họ; họ không đánh trả người La Mã [bởi vì] họ đã thực hành đức bác ái đối với kẻ thù của mình.” Tương tự, ông Stainton lưu ý, những học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc và Canada đều tuân theo ba nguyên lý cốt lõi của họ, mà ông cho rằng đó là “nền tảng tinh thần mà bất kỳ nền văn minh nào cũng được phục hưng từ đó.”
“Vì vậy, hôm nay tôi có mặt ở đây để kêu gọi người dân Canada nên xem trọng vấn đề Pháp Luân Công,” ông nói. “Hôm nay tôi ở đây để sát cánh cùng quý vị.”
‘Cam kết về quyền tự do diễn đạt’
Ông Dean Baxendale, chủ tịch kiêm chủ bút của Optimum Publishing International, đã lên án việc ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công và các tôn giáo thiểu số khác ở Trung Quốc. Ông mô tả cuộc tập hợp trong khuôn viên cơ quan lập pháp Ontario này là một “sự thể hiện cam kết đối với quyền tự do diễn đạt.”
Ông nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn cách phớt lờ, và họ tiếp tục phớt lờ bất kỳ sự bày tỏ theo quyền tự do ngôn luận, hoặc tự do tôn giáo, như ngày nay chúng ta đã biết.”
Ông Baxendale nhấn mạnh việc ĐCSTQ cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân, ban đầu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công và sau đó mở rộng sang các cộng đồng tôn giáo khác.
Một báo cáo đặc biệt của các bác sĩ chống cưỡng bức thu hoạch nội tạng (DAFOH) cho biết: “Rất khó để đánh giá số lượng thực tế các học viên Pháp Luân Công đã bị sát hại trong khi bị giam giữ. Theo một số ước tính, có từ 50,000 đến 100,000 học viên [Pháp Luân Công] đang bị sát hại để lấy nội tạng mỗi năm.”
Báo cáo của DAFOH công bố vào tháng 12/2022 cho biết thêm: “Mặc dù con số này có vẻ khó tin, nhưng con số thực tế có thể còn lớn hơn nữa.”
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times