Nguyên nhân chính gây ra trầm cảm, 2 loại thuốc từ tự nhiên
Số người trưởng thành bị trầm cảm trên thế giới là 5%, và tổng số người bị trầm cảm lên tới 280 triệu người. [1] Rất nhiều người phải uống nhiều loại thuốc chống trầm cảm, nhưng các triệu chứng của họ vẫn có lúc tốt lúc xấu, thậm chí là không cải thiện. Kỳ thực, có hai loại “thuốc chống trầm cảm” ở bên cạnh bạn.
Thuốc chống trầm cảm không có tác dụng đối với một số người?
Dữ liệu từ Khảo sát Phỏng vấn Sức khỏe Quốc gia cho thấy vào năm 2019, có 18.5% người trưởng thành ở Hoa Kỳ có các triệu chứng trầm cảm nhẹ, trung bình hoặc nặng trong vòng 2 tuần. Điều này có nghĩa là cứ khoảng 5 người trưởng thành thì có 1 người bị trầm cảm. Trong số đó, có 22% phụ nữ trưởng thành đã xuất hiện trầm cảm ở các mức độ, cao hơn so với 15% ở nam giới. [2]
Khảo sát Quốc gia về Sử dụng Ma túy và Sức khỏe ở Hoa Kỳ (NSDUH) ước tính rằng có 21 triệu người trưởng thành (chiếm 8.4% tổng số người trưởng thành Hoa Kỳ) đã trải qua ít nhất một đợt rối loạn trầm cảm nghiêm trọng vào năm 2020. [3]
Y học hiện đại cho rằng trầm cảm là tình trạng mất cân bằng hóa học trong não, đặc biệt là lượng serotonin quá thấp. Thuốc chống trầm cảm chủ yếu là có tác dụng điều chỉnh serotonin và các chất hóa học khác trong não. [4]
Mặc dù các loại thuốc chống trầm cảm đang liên tục được đổi mới, nhưng vẫn có một số bệnh nhân không đáp ứng được với hai hoặc nhiều loại thuốc chống trầm cảm. Một số bệnh nhân thậm chí còn thấy rằng tác dụng của thuốc giảm dần theo thời gian. Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân gì đã làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể đối với thuốc chống trầm cảm. [5] [6]
Tỷ lệ tái phát của chứng rối loạn trầm cảm đang tăng lên theo thời gian vì hiệu quả điều trị của thuốc là có hạn. Từ 13.2% sau 5 năm đã tăng lên đến 23.2% sau 10 năm và sau đó là 42% sau 20 năm, tức là có gần một nửa số người bị trầm cảm nặng sẽ lại tái phát. [7]
Nói cách khác, thuốc chống trầm cảm không nhất định là giải pháp cho chứng trầm cảm. Trường hợp của ông Johann Hari dưới đây là một ví dụ.
Hari bị trầm cảm từ khi còn là thiếu niên. Lúc đầu, các bác sĩ nói rằng não của anh thiếu serotonin và kê đơn thuốc chống trầm cảm. Tình trạng của anh đã thuyên giảm khi dùng thuốc, nhưng lại tái phát không lâu sau đó. Dần dần liều lượng thuốc của anh tăng dần, và cuối cùng đạt đến liều lượng tối đa theo quy định của pháp luật.
Để thoát khỏi chứng trầm cảm, anh đã đến gặp các bác sĩ và chuyên gia nổi tiếng trên thế giới. Cuối cùng, anh phát hiện ra rằng trầm cảm không nhất định chỉ là một nguyên nhân sinh lý do “lượng serotonin trong não quá thấp”, mà như thể có một bộ phận nào đó trong não đã bị thiếu đi. Có một nguyên nhân sâu xa hơn của bệnh trầm cảm, hoặc một nguyên nhân đơn giản hơn, đó là nhu cầu của con người không được đáp ứng.
Anh đã tổng hợp kinh nghiệm đi gặp các chuyên gia và khám phá nguyên nhân của chứng trầm cảm vào cuốn sách “Lost connections:Uncovering the real causes of depression and the unexpected solutiongs” (Tạm dịch: “Mất kết nối: Khám phá nguyên nhân thực sự của chứng trầm cảm và những cách giải quyết bất ngờ”). Trong sách, anh đã ghi lại một câu chuyện như thế này:
Vào đầu những năm 2000, bác sĩ Khoa tâm thần người Nam Phi Derek Summerfield đã đến Campuchia để giới thiệu thuốc chống trầm cảm cho các bác sĩ ở đó. Ngôn ngữ địa phương ở đây không có thuật ngữ cho thuốc chống trầm cảm, vậy nên ông Summerfield đã phải vật lộn để giải thích điều đó với các bác sĩ địa phương. Sau khi hiểu được, các bác sĩ địa phương nói: Chúng tôi đã có “thuốc chống trầm cảm” rồi.
Họ kể lại rằng, có một nông dân bị mất một chân trong khi làm việc trên đồng do đụng phải mìn do quân đội Mỹ bỏ lại. Với chiếc chân giả được lắp, anh ta không thể đi làm đồng được nữa. Anh ta tuyệt vọng và đau khổ, không ngừng khóc và nằm trên giường không dậy.
Các bác sĩ địa phương đã đến thăm anh, lắng nghe tiếng khóc của anh và cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến anh đau đớn. Mọi người biết được rằng người đàn ông đeo một chiếc chân giả này đã làm việc quá sức trên đồng ruộng, nỗi đau thể xác khiến anh ta phải chịu rất lớn, vì vậy anh ta không muốn sống nữa.
Sau khi thảo luận với hàng xóm, các bác sĩ cho rằng người đàn ông này có thể chuyển nghề và trở thành một nông dân chăn nuôi bò sữa, như thế sẽ không phải làm việc trên cánh đồng nữa. Mọi người quyên góp tiền để mua một con bò cho anh ta, vài tuần sau khi trở thành nông dân chăn nuôi bò sữa, các triệu chứng trầm cảm của người đàn ông này đã biến mất.
Các bác sĩ địa phương nói với bác sĩ Summerfield, “ông xem, con bò này chẳng phải là “thuốc chống trầm cảm” mà ông đề cập sao.”
Hari kết luận rằng con người có những nhu cầu sinh lý như thở, ăn và ngủ, nếu không đáp ứng được những nhu cầu sinh lý cơ bản thì sẽ mắc bệnh. Tâm linh của con người cũng có những nhu cầu cơ bản, khi nhu cầu tâm lý không được đáp ứng thì con người cũng sẽ mắc bệnh. Những bất thường xuất hiện trong cơ thể, chẳng hạn như serotonin thấp, các chỉ số sinh lý và triệu chứng điển hình của bệnh trầm cảm cũng có thể là tín hiệu từ cơ thể chúng ta, nhằm cho biết rằng có một nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng chỉ ra rằng, trầm cảm là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố xã hội, tâm lý và sinh học.
Sau 12 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu từ Đại học London đã tiết lộ một nguyên nhân quan trọng dẫn đến chứng trầm cảm, đó là “sự cô đơn”. [8] Các dữ liệu thực tế cũng cho thấy chúng ta đang ngày càng tiến xa hơn trên con đường trở nên cô đơn.
Vào năm 2018 đã có một cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 20,000 người Mỹ trưởng thành. Hơn một nửa (54%) nói rằng họ cảm thấy như thể không ai hiểu họ; 46% thỉnh thoảng hoặc thường xuyên cảm thấy cô đơn, 43% nói rằng họ thiếu sự bầu bạn, hoặc cảm thấy rằng các mối quan hệ họ có là vô nghĩa, hoặc họ bị cô lập với những người khác; và 39% cho biết họ không còn thân thiết với ai nữa. [9]
Vào cuối năm 2020, sau khi đại dịch bắt đầu, đã có khoảng 950 người trưởng thành ở Hoa Kỳ hoàn thành một cuộc khảo sát trực tuyến của Đại học Harvard. 36% trong số họ nói rằng sự cô đơn của họ đã rất nghiêm trọng. Họ cảm thấy cô đơn “thường xuyên” hoặc “liên tục” trong suốt bốn tuần trước cuộc khảo sát. Số lượng những người như vậy trong khoảng từ 18-25 tuổi là 61%. [10]
Cô đơn đã được rất nhiều nghiên cứu chỉ ra là có liên quan đến chứng trầm cảm. [11] Khi cảm giác cô đơn gia tăng, nó có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm nặng hơn. So với cảm giác căng thẳng, tình trạng hôn nhân và sự thù địch, thì cô đơn có tác động đến trầm cảm lớn hơn. [12]
Một nghiên cứu từ Đại học London được công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry cho biết, nếu loại bỏ được sự cô đơn thì gần 1/5 người lớn tuổi có thể ngăn ngừa được chứng trầm cảm. [13]
Bác sĩ tâm thần Gemma Lewis, tác giả chính của nghiên cứu này cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng, việc mọi người nghĩ họ cô đơn là một yếu tố nguy cơ lớn dẫn đến trầm cảm.”
Không chỉ vậy, những người cô đơn còn có lượng hormone căng thẳng cortisol tiết ra trong cơ thể cao hơn, mà sự mất cân bằng cortisol sẽ mang đến rất nhiều tác động bất lợi. Bác sĩ phẫu thuật đầu tiên ở Hoa Kỳ, Vivek Murthy nói rằng, sự cô đơn làm giảm tuổi thọ giống như việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. [14] [15]
2 cách để loại bỏ sự cô đơn và cải thiện chứng trầm cảm
Anh Hari còn ghi lại một trường hợp khác về Lisa, một y tá tại một bệnh viện nổi tiếng bị mắc chứng trầm cảm. Cô giam mình trong một căn hộ và không tiếp xúc với mọi người trong vòng 7 năm. Sau đó cô đã gặp bác sĩ Sam Everington, người đã cứu cô bằng một bài thuốc đặc biệt.
Ông Everington đã đưa Lisa đến phòng khám hai lần một tuần, và bảo cô cùng với những người mắc chứng trầm cảm khác biến một góc cây cối um tùm thành một khu vườn.
Khi Lisa bước vào trong nhóm bệnh nhân này lần đầu, cô ấy đã lo lắng đến mức nôn mửa. Nhưng bằng cách đi ra ngoài trời, để ánh nắng chiếu vào cơ thể và đưa tay chạm vào đất, cô và các bệnh nhân giống cô đã bắt đầu cảm nhận được thiên nhiên bằng trái tim của mình. Họ dần dần cải tạo nơi này, theo nhịp điệu và quy luật của tự nhiên. Trong quá trình cùng nhau làm vườn, các bệnh nhân cũng giao lưu và tương tác với nhau một cách rất tự nhiên.
Lisa bắt đầu kể câu chuyện của mình với những bệnh nhân khác. Khi tình bạn và các mối quan hệ dần trở nên sâu sắc hơn, cả nhóm đã trở nên quan tâm đến nhau. Nếu ai đó không đến tham gia, những người khác sẽ gọi điện và hỏi tại sao họ không đến, cũng như có cần giúp đỡ điều gì không. Khi biết có một bệnh nhân là người vô gia cư và phải ngủ trên tàu điện ngầm hàng đêm, Lisa đã gọi điện cho chính quyền thành phố và giúp người này có nơi ở.
Khi những bông hoa nở trong khu vườn đó, cuộc sống của Lisa và các bệnh nhân khác cũng nở rộ như vậy. Hai thứ mà Lisa đã hoàn toàn mất kết nối – con người và thiên nhiên – đã trở lại trong cuộc sống của cô. Vài năm sau, Lisa ngừng thuốc chống trầm cảm và giảm được 62 pound (khoảng 28 kg).
Càng kết nối và tương tác nhiều hơn với bạn bè và gia đình, nguy cơ trầm cảm sẽ càng thấp. Nếu không có bạn bè thân thiết và gia đình, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sẽ tăng lên gấp bội. Bác sĩ Gemma Lewis nhấn mạnh thêm rằng để giảm bớt sự cô đơn và tránh trầm cảm, “điều quan trọng là không chỉ dành thời gian cho người khác, mà còn cần có những mối quan hệ có ý nghĩa và người bầu bạn.”
Một cuộc khảo sát với hơn 8,000 người Úc trên 16 tuổi đã cho thấy rằng, những ai có từ 3 thành viên trở lên trong gia đình mà họ có thể tin tưởng hoặc dựa dẫm, thì sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hơn lần lượt là 48% và 41%. Tác dụng của những người bạn tốt cũng tương tự như vậy, với nhiều người bạn có thể tin cậy hoặc dựa vào hơn, xác suất trầm cảm sẽ giảm tương ứng là 13% và 49%. [16]
Ngoài việc dành nhiều thời gian hơn cho những người thân thiết, dành nhiều thời gian hơn cho thiên nhiên cũng có thể giảm bớt sự cô đơn, giải tỏa và điều trị chứng trầm cảm.
Hiện nay mọi người đang ngày càng ít dành thời gian ở ngoài trời, đặc biệt là sau đại dịch, mọi người ngày càng ở nhà nhiều hơn. Những người ở trong nhà có xu hướng sử dụng các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, máy tính và TV để giết thời gian và bớt buồn chán. Tuy nhiên, cách làm này dễ làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm.
Các nghiên cứu cho thấy những người sử dụng các sản phẩm điện tử trong hơn 4 giờ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn, và những người bị trầm cảm nặng cũng có xu hướng sử dụng máy tính trong thời gian dài để giải trí. So với những người dành ít hơn 4 giờ sử dụng màn hình, những người dành 4-6 giờ sử dụng màn hình gần như có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm gấp đôi; còn những người dành hơn 6 giờ cho màn hình mỗi ngày có nguy cơ trầm cảm gấp 2.3 lần so với người bình thường. [17] [18]
Mặt khác, những người dành ít thời gian ở ngoài trời hơn có thể bị trầm cảm và lo lắng gấp 3- 6 lần so với những người dành nhiều thời gian ở ngoài trời. [19]
Khi ra khỏi nhà và hòa mình vào thiên nhiên, cảm giác trầm cảm sẽ nhanh chóng bị đảo ngược. Hiện nay, liệu pháp can thiệp tự nhiên đang ngày càng được sử dụng phổ biến. Các bác sĩ ở nhiều quốc gia đã bắt đầu quan tâm và sử dụng liệu pháp này để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Một phân tích tổng hợp của 50 nghiên cứu đã xác nhận rằng, các biện pháp can thiệp tự nhiên có hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe tâm thần, giảm trầm cảm và lo lắng cũng như các tác động tiêu cực khác.
Lý Lộ Minh thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ