Đường máu ảnh hưởng đến sự chắc khỏe của xương như thế nào?
Các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2 cũng làm suy yếu quá trình tái tạo xương.
Ngoài việc tuân theo cách ăn uống bao gồm các loại thực phẩm tự nhiên có nguồn gốc thực vật, điều quan trọng là bạn cần phải lưu ý đến lượng đường trong khẩu phần ăn. Sử dụng đậu, quả hạch, và các loại hạt như những nguồn cung cấp năng lượng chính thay vì ngũ cốc và khoai tây sẽ giúp giảm lượng đường tổng thể của bữa ăn. Khi ngày càng thực hiện nhiều nghiên cứu, chúng ta biết được rằng mức đường máu trong cơ thể có liên quan với hầu hết các bệnh kinh niên, không chỉ riêng bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường loại 2 làm tăng nguy cơ gãy xương
Bằng chứng cho thấy những bệnh nhân tiểu đường loại 2 có nguy cơ gãy xương cao hơn. Trong các bệnh nhân tiểu đường loại 2, kiểm soát đường huyết kém có liên quan đến sự suy giảm trong quá trình chuyển hóa xương (giảm sự thay thế mô xương cũ bằng mô xương mới). Điều này cho thấy hàm lượng đường máu tăng cao có thể làm xương bị suy yếu.
Tăng đường huyết có hại cho xương
Mô xương trong cơ thể liên tục tự tái tạo. Các tế bào tạo xương được gọi là nguyên bào xương và tế bào phá hủy xương được gọi là tế bào huỷ xương. Hai loại tế bào này hoạt động cùng nhau để duy trì khối lượng xương và sức bền của xương, thể hiện qua sự cân bằng giữa quá trình tạo xương mới và phá huỷ xương cũ.
Glucose máu tăng cao làm suy yếu hoạt động tạo xương của nguyên bào xương. Một nghiên cứu ở những người phụ nữ khỏe mạnh cho thấy một đợt tăng đường huyết duy nhất đã dẫn đến sự suy giảm các dấu hiệu hoạt động của các nguyên bào xương. Giảm tạo xương làm tổn thương cấu trúc của xương, dẫn đến nguy cơ gãy xương cao. Ví dụ, một nghiên cứu khác cho thấy bệnh nhân tiểu đường loại 2 có sự kiểm soát đường huyết kém có nguy cơ gãy xương cao hơn (nếu so sánh với người khoẻ mạnh và người bị bệnh tiểu đường loại 2 kiểm soát đường huyết tốt), đồng thời cấu trúc xương ở xương đùi bị thay đổi – mỏng dần ở phần giữa và dày lên ở các đầu xương – cho thấy khả năng dễ bị gãy.
Ngoài việc ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa xương, đường máu tăng cao còn kích thích sản xuất các sản phẩm glycat hóa bền vững (AGEs), gây ra căng thẳng oxy hóa và phá hủy collagen trong mô xương. Sự sản xuất hormone osteocalcin có nguồn gốc từ xương cũng bị giảm ở bệnh tiểu đường loại 2 do tình trạng đường huyết tăng cao. Ngoài các hoạt động tạo xương, osteocalcin còn tham gia vào quá trình trao đổi chất, kích thích tiết insulin và làm tăng sự nhạy cảm của mô cơ và mô mỡ với insulin. Tăng đường huyết cũng kích hoạt quá trình mất calcium qua thận và giảm khả năng đáp ứng của nguyên bào xương với vitamin D.
Các loại quả hạch, hạt và đậu có thể hữu ích
Trong cách ăn thuần chay hoặc gần thuần chay, khi thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như khoai tây, gạo và các sản phẩm bột mì trắng được sử dụng như nguồn cung cấp calorie chính, tải đường huyết trong khẩu phần ăn có thể tăng cao quá mức. Nguồn cấp calorie có chỉ số đường huyết thấp như đậu, quả hạch, hạt sẽ giúp duy trì tải đường huyết trong khẩu phần bữa ăn ở mức thấp hơn như đã đề cập trước đó. Chỉ số này ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe, bao gồm sự chắc khỏe của xương.
Hạnh nhân có thể giúp xương thêm khoẻ như thế nào?
Theo một nghiên cứu thú vị cho thấy quả hạch chứa các chất dưỡng chất thực vật giúp kích thích quá trình chuyển hóa xương. Trong nghiên cứu này, những tình nguyện viên khoẻ mạnh áp dụng ba kiểu bữa ăn khác nhau nhưng có lượng calorie như nhau; chủ yếu từ quả hạch, khoai tây hoặc gạo.
Các nhà khoa học đã nuôi cấy các tế bào tiền thân của tế bào huỷ xương, sau đó cho vào huyết thanh của các tình nguyện viên. Huyết thanh được lấy sau bữa ăn với hạnh nhân làm giảm số lượng và biểu hiện gen đặc hiệu của tế bào huỷ xương, đồng thời giảm sự thoát canxi từ các tế bào xương. Trong khi các bữa ăn từ khoai tây và hoặc gạo không cho thấy tác động nào.
Điều này gợi ý rằng các dưỡng chất thực vật trong hạnh nhân giúp cân bằng hoạt động của nguyên bào xương và tế bào huỷ xương. Tác dụng này có thể là do các dưỡng chất thực vật chống viêm hoặc chống oxy hoá. Vì có bằng chứng cho thấy rằng tác động chống viêm của các polyphenol khác (như polyphenol trong mận) giúp ngăn chặn sự huỷ xương và căng thẳng oxy hóa vốn gây kích thích hoạt động của tế bào huỷ xương làm mất xương.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times