5 kỹ năng lãnh đạo lôi cuốn quý vị có thể học hỏi từ Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun
Nếu quý vị đang muốn trau dồi kỹ năng lãnh đạo lôi cuốn, thì hãy đọc tiếp nhé!
Trong suốt 5,000 năm của nền văn minh Trung Hoa, có nhiều nhà lãnh đạo vĩ đại có thể dạy cho chúng ta những bài học quý giá có nguồn gốc từ những lời giáo huấn của Phật Giáo, Đạo Giáo, và Nho Giáo.
Với sứ mệnh hồi sinh vẻ đẹp và di sản tinh thần của văn hóa Trung Hoa, Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York khắc họa tinh hoa của nền văn minh Thần truyền thông qua ngôn ngữ phổ quát là âm nhạc và vũ đạo.
Trên sân khấu, chúng ta được hội ngộ với một số nhà lãnh đạo tài ba bậc nhất trong lịch sử — từ những bậc anh hùng khiêm cung đến những chiến lược gia kiệt xuất và những vị hoàng đế vĩ đại. Họ không chỉ truyền cảm hứng cho chúng ta bằng những hành động cao cả, mà còn để lại những bài học [giáo huấn] tiếp tục giúp ích cho chúng ta thời nay!
1. Khai thác sức mạnh của đối thủ: Những bài học lãnh đạo lôi cuốn từ Gia Cát Lượng, vị quân sư mẫu mực của Trung Quốc
Mỗi người trong chúng ta đều có đối thủ, những người bất đồng chính kiến, hoặc người tranh tài trong cuộc sống của mình. Khi những trở ngại này xuất hiện, chúng ta thường phòng thủ và tìm cách chống trả. Tuy nhiên, một số chiến lược gia vĩ đại bậc nhất trong lịch sử đã tìm ra cách giành chiến thắng bằng việc khai thác sức mạnh của đối thủ, thậm chí là không cần chiến đấu.
Chúng ta thấy điều này được triển hiện một cách tuyệt vời trong vở vũ kịch Thuyền Cỏ Mượn Tên của Shen Yun, kể về một sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời của vị quân sư nổi tiếng Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng từng là vị quân sư có thành tựu bậc nhất (và khiến người ta kính sợ) vào thời Tam Quốc đầy biến động của Trung Quốc (năm 220 – 280 Công Nguyên). Vào năm 208 Công Nguyên, Gia Cát Lượng, là thừa tướng nước Thục, đối diện với hai đối thủ: một đội quân hùng mạnh ở phía bắc và các đồng minh không đáng tin cậy từ nước Ngô ở phía nam.
Mặc dù nước Thục và nước Ngô đã hình thành một liên minh lỏng lẻo, nhưng quân Ngô ghen tị với tài năng của Gia Cát Lượng và trù tính thủ tiêu ông. Vì vậy họ yêu cầu ông một nhiệm vụ bất khả thi: [đó là] trong vòng 10 ngày phải tìm được 100,000 mũi tên cần cho một trận chiến nếu không sẽ phải đối diện với tội chết.
Gia Cát Lượng hồi đáp: “Cho ta ba ngày là đủ.”
Sau ba đêm, ông giương buồm ra khơi với 20 chiến thuyền xuyên qua màn sương mù dày đặc. Nhưng thay vì chở binh sĩ trên thuyền, ông lấp đầy các chiến thuyền với những hình nộm bằng rơm. Kinh động trước cuộc tấn công bất ngờ, đội quân phương Bắc đã bắn hàng vạn mũi tên về phía đoàn thuyền. Những mũi tên này cắm vào những binh sĩ bằng rơm giống như đệm ghim vậy.
Gia Cát Lượng trở về với 100,000 mũi tên trước sự kinh ngạc của tướng lĩnh nước Ngô. Sau đó, vị quân sư vĩ đại này thừa nhận rằng ông đã dự đoán ba ngày trước đó sẽ có sương mù.
Cũng giống như Gia Cát Lượng, quý vị có thể cảm thấy áp lực từ các đối thủ của mình trong thế giới kinh doanh. Nhưng nếu quý vị bảo trì tâm trí và nội tâm thanh tịnh, thì vũ trụ này có thể cho quý vị một gợi ý về cách xoay chuyển tình thế trước đối thủ của mình.
2. Kiên nhẫn và mưu trí: Bài học lãnh đạo lôi cuốn từ Khang Hy, vị hoàng đế trị vì lâu nhất của Trung Quốc
Các doanh nhân đều biết những thử thách để khởi nghiệp thành công, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt thời nay. Nhưng chúng ta có thể học hỏi điều gì từ Hoàng đế Khang Hy của đất nước Trung Hoa để bảo tồn uy quyền?
Triều đại nhà Thanh bắt đầu vào năm 1644, và Khang Hy chào đời một thập niên sau đó. Nhưng Hoàng đế Thuận Trị, phụ hoàng của Khang Hy, băng hà khi con trai chỉ mới 8 tuổi. Khang Hy chưa chính thức lên ngôi Hoàng đế cho đến năm 14 tuổi, là độ tuổi trưởng thành. Vì vậy, Ngao Bái, một mãnh tướng khao khát quyền lực, đã thấy thời cơ để nắm quyền kiểm soát triều đình.
Khi còn là một cậu bé, Khang Hy đã tiên đoán rằng một ngày nào đó sẽ xảy ra cuộc đối đầu cuối cùng giữa ông và viên tướng Ngao Bái lộng hành. Vì vậy, Khang Hy bắt đầu chiêu mộ những thiếu niên tráng kiện, tài trí bậc nhất trong triều đình để huấn luyện làm cận vệ cho mình. Nhưng vì những cậu bé này còn non trẻ, nên Ngao Bái cho rằng việc huấn luyện giống như môn thể thao dành cho trẻ con hơn là mối đe dọa thật sự đối với sức mạnh to lớn và tham vọng triều chính của ông ta.
Sau khi Khang Hy chính thức lên ngôi Hoàng đế vào năm 14 tuổi, Ngao Bái ngày càng trở nên hung hăng hơn. Thậm chí, ông ta đã khoác long bào. Đó là một hành động tạo phản, bởi vì màu vàng là màu chỉ dành cho Hoàng đế.
Một ngày nọ, vị Hoàng đế trẻ đã triệu Ngao Bái vào cung và [bất ngờ] đưa ra 30 lời buộc tội đối với viên tướng không phòng bị này. Những cận vệ trẻ của vua Khang Hy, giờ đây là những chiến binh tinh nhuệ, đã bao vây và bắt giữ tên phản tặc Ngao Bái. Từ đó mở ra một thời kỳ huy hoàng trong lịch sử Trung Hoa.
Vì vậy khi khởi nghiệp kinh doanh, hãy học theo Khang Hy và hãy hiểu rằng một sách lược thành công có thể cần nhiều năm kiên nhẫn và dự trù trước khi quý vị đạt được thành quả to lớn đó.
3. Khiêm tốn: Kỹ năng lãnh đạo lôi cuốn học từ Lưu Bị, thủ lĩnh quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc
Trong thời đại của các phương tiện truyền thông xã hội và [văn hóa] tự đề cao bản thân ngày nay, nhiều người cho rằng việc khoe khoang và thể hiện mình là con đường dẫn đến thành công. Tuy nhiên, nếu quý vị điều hành một công ty và gánh trọng trách với nhiều nhân viên, thì tính khiêm tốn mới là tài sản quý giá nhất.
Shen Yun khắc họa bài học này bằng câu chuyện về Lưu Bị, một thủ lĩnh quân sự, Hoàng đế khai quốc của nước Thục Hán vào thế kỷ thứ 3. Mặc dù là một nhà lãnh đạo đầy quyền lực, nhưng Lưu Bị đã truyền cảm hứng và thu phục được lòng trung thành của những nhân vật nổi danh nhất thời bấy giờ bằng bản tính khiêm tốn, thực tế của mình.
Lưu Bị đặc biệt được ca ngợi vì tính cách mạnh mẽ và tuân theo đạo lý của chữ ‘Nghĩa,’ hay chính nghĩa. Khí chất ưu việt của ông đã thu hút các chiến binh tài giỏi như Trương Phi và Quan Vũ. Ba người họ đã trở thành anh em kết nghĩa.
Lưu Bị cũng đi cầu kiến nhà chiến lược quân sự và nhà hiền triết lừng danh Gia Cát Lượng để mời ông làm Thừa tướng. Trên cương vị này, Gia Cát Lượng đã góp công lớn trong việc đánh bại kẻ thù không đội trời chung của Lưu Bị, Tào Tháo, lãnh đạo xảo quyệt, đố kỵ của Nhà Ngụy.
Để có được chiến thắng trong môi trường cạnh tranh ngày nay, quý vị cần có nhóm nhân viên tài năng, thông minh nhất trợ giúp mình. Không đặt bản thân mình cao hơn nhân viên là điều cần thiết để tạo ra một văn hóa làm việc thân thiện, đầy cảm hứng và [từ đó] tạo nền tảng cho thành công.
4. Trung thành: Kỹ năng lãnh đạo lôi cuốn của Nhạc Phi, danh tướng vĩ đại nhất Trung Hoa
Tài sản lớn nhất của một công ty là những nhân viên tài năng. Khi họ biết rằng công ty của họ quan tâm và chăm sóc họ, thì họ sẽ nỗ lực hết mình để giúp công ty phát triển mạnh mẽ.
Trong một tiết mục vũ kịch đặc biệt xúc động, Shen Yun đã kể câu chuyện về vị danh tướng vĩ đại nhất Trung Hoa, Nhạc Phi, người có lẽ [nếu còn sống] sẽ trở thành một vị giám đốc điều hành xuất sắc ngày nay.
Nhạc Phi là hiện thân của lòng trung hiếu với gia đình, trung thành với quốc gia, và quân lính của mình. Tuy nhiên, trong những năm tháng tuổi trẻ, lòng trung thành này đã đặt ông vào một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Kẻ thù đang xâm lược đất nước, và mẹ ông thì đang già yếu. Với Nhạc Phi, thâm tâm ông lúc này bị giằng xé bởi hai đức hạnh cao quý của nền văn hóa Trung Hoa: chữ “trung” và chữ “hiếu.”
Để hóa giải nỗi giằng xé trong tâm này của ông, mẹ của Nhạc Phi đã xăm bốn chữ lên lưng ông: Tinh trung báo quốc — “phụng sự đất nước một cách trung thành.” Được sự chúc phúc của mẹ, Nhạc Phi ra trận và trở thành một trong những vị tướng oai hùng nhất của Trung Quốc.
Lòng trung thành sâu sắc của Nhạc Phi với quân lính đã mang lại cho ông rất nhiều vinh quang trong sự nghiệp của mình. Nếu quân lính của ông bị bệnh hoặc bị thương, ông sẽ đích thân chữa trị vết thương cho họ. Nếu người của ông tử trận, Nhạc Phi sẽ đến thăm gia đình họ.
Lòng trung thành kiên định của vị tướng này với đất nước và quân lính của mình còn mang đến cho ông kỳ tích khi ông đánh bại đội quân gồm 100,000 binh lính chỉ với 500 người.
Giống như Nhạc Phi, nếu các giám đốc điều hành đối xử và chăm sóc nhân viên như người thân trong gia đình, sẽ không điều gì có thể giới hạn thành công của công ty đó.
5. Khoan dung: Kỹ năng lãnh đạo lôi cuốn từ vị tướng huyền thoại Hàn Tín
Một doanh nhân luôn phải cân nhắc rủi ro, hành động lý trí và giữ bình tĩnh, đặc biệt là khi chịu áp lực. Một tác phẩm của Shen Yun khắc họa khả năng nhẫn chịu phi thường của Hàn Tín, một vị tướng vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Ngay từ khi còn trẻ, con người vĩ đại này đã có thể hy sinh và thể hiện sự khoan dung to lớn.
Hàn Tín có khả năng võ nghệ cao cường. Trong khi các môn đệ võ thuật thường háo hức so tài với người khác và thể hiện tài năng của mình, thì Hàn Tín lại hoàn toàn ngược lại: tâm trí ông tập trung vào những mục tiêu lớn lao hơn.
Là một võ sĩ tài năng, Hàn Tín luôn mang theo kiếm bên mình. Nhưng một ngày nọ, một tên côn đồ thách thức ông, chặn ông trên đường. Tên côn đồ cười nhếch mép nói: “Nếu ngươi không sợ chết, ta thách ngươi chém đầu ta đó. Nếu ngươi không dám, thì hãy chui qua háng ta.”
Hàn Tín không hề sợ hãi và cân nhắc một cách bình tĩnh. Do luật pháp nghiêm khắc thời bấy giờ, ông biết rằng mình sẽ bị xử tử nếu ông lấy mạng tên côn đồ đó. Vì vậy, ông đã chấp nhận sự sỉ nhục và chui qua háng của tên gây rối.
Chẳng mảy may sợ hãi hay tức giận, Hàn Tín vẫn bình tĩnh và không hề nao núng trước sự cười chê của người khác. Sự kiên cường nội tâm này cho phép ông giữ vững các nguyên tắc của bản thân và đưa ra những quyết định sáng suốt ngay cả trong những hoàn cảnh khốn khó nhất, giúp ông mang về những chiến thắng quân sự đáng kinh ngạc cho Lưu Bang, vị hoàng đế tương lai của Trung Hoa.
Thiên Ân và Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Magnifissance