Từ thiếu nữ thêu hoa đến chiến tướng trên sa trường: Nàng là ai?
Tấm gương Mộc Lan thay cha tòng quân không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc, mà còn được biết đến rộng rãi ở nhiều quốc gia khác. Từ một thiếu nữ ngày ngày thêu thùa trong nội phủ đến chiến tướng dũng mãnh nơi sa trường, tại sao danh tiếng Hoa Mộc Lan lan xa đến vậy?
Trên trang web Shen Yun Zuo Pin gần đây đã đăng tải màn vũ kịch “Hoa Mộc Lan”, là một trong những tiết mục lưu diễn của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shenyun năm 2009, đã khắc họa vô cùng chân thực nhân vật Hoa Mộc Lan. Màn biểu diễn đã lần nữa thể hiện một cách sống động người thiếu nữ vừa dịu dàng đức hạnh, vừa kiên cường dũng cảm mang tên Hoa Mộc Lan.
Từ thiếu nữ khéo thêu thùa may vá đến chiến tướng nơi sa trường
Trong tiếng nhạc du dương nhẹ nhàng, thiếu nữ Mộc Lan sống một cuộc đời êm đềm, chăm chỉ thêu thùa may vá như biết bao cô gái khác. Cuộc sống đáng lẽ cứ thế thong thả trôi qua, nhưng bỗng đến một ngày nọ, phụ thân Mộc Lan nhận được Thánh chỉ và đưa cho nàng xem. Hóa ra, biên giới đã nổ ra chiến tranh, triều đình cần chiêu mộ tướng sĩ cùng chung sức chiến đấu ngăn chặn quân địch nơi sa trường.
Mộc Lan cảm nhận được phụ thân nàng rất hy vọng được báo hiếu với đất nước, nhưng vì tuổi tác đã cao, không thể ra chiến trường được nữa. Nàng không đành lòng nhìn ước nguyện của phụ thân tan thành bọt nước, nhưng gia đình lại không có mụn con trai nào, nên nàng đã bày tỏ ý định thay cha tòng quân.
Phụ thân nàng hết sức đắn đo do dự, nhưng thấy Mộc Lan đã hạ quyết tâm, dù không nỡ nhìn con gái chịu khổ vẫn đành đáp ứng thỉnh cầu của nàng.
Thế là, Mộc Lan nữ phận nam trang, cưỡi lên tuấn mã, từ biệt thân nhân, lên đường tòng quân ra trận. Sau đó, nàng “Vạn lý phó nhung cơ, Quan sơn độ nhược phi” (Trích: bài thơ “Mộc Lan Từ”). Tạm dịch: “Muôn dặm xông ra trận, Quan ải vụt bay đi.”
Tiết tấu dồn dập hào hùng vang lên, Mộc Lan trên chiến trường không còn là cô thiếu nữ chân yếu tay mềm, chỉ biết thêu thùa may vá nữa. Nàng khoác chiến bào, cưỡi ngựa vung roi, tay cầm trường đao, dũng mãnh vô song.
“Trăm trận tướng quân chết. Mười năm tráng sĩ về.” Thấm thoắt đã 12 năm trôi qua, Mộc Lan trở về quê hương, ăn vận trang điểm, khôi phục dáng vẻ nữ tử chốn khuê phòng như trước đây.
Tấm gương hoàn mỹ về lòng trung hiếu
Mà vũ kịch “Hoa Mộc Lan” đăng tải trên Shen Yun Zuo Pin được đông đảo khán giả yêu thích. Ngoài nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, âm nhạc đỉnh cao, vũ đạo điêu luyện, còn truyền tải những giá trị truyền thống tốt đẹp của cả phương Đông và phương Tây.
Người phương Tây có truyền thống tôn vinh lòng bác ái, không chỉ yêu thương gia đình, mà còn yêu thương người khác, sẵn sàng hy sinh bản thân để đáp ứng nguyện vọng của mọi người. Còn phương Đông từ xưa đến nay luôn nhận định “Hiếu thảo là nguồn gốc của mọi đạo đức”. “Hiếu” ở đây không chỉ là đối với cha mẹ, mà còn cần hiếu với thiên hạ, tức là hiếu kính người trong thiên hạ như cha mẹ ruột mình vậy.
Lòng hiếu thảo của Mộc Lan, không những quan tâm săn sóc cuộc sống của cha mà còn hy vọng giúp cha già hoàn thành tâm nguyện. Việc nàng sẵn sàng thay cha tòng quân cho thấy nàng rất thấu hiểu về lý tưởng tận trung với đất nước của phụ thân, bởi vậy nàng đã cam tâm tình nguyện vượt qua mọi chướng ngại của phận nữ nhi, quyết tâm thực hiện tâm nguyện tận trung báo quốc của đấng sinh thành.
Khi chiến tranh kết thúc, “Mộc Lan không muốn làm Thượng thư, Xin cho ngựa đi ngày ngàn dặm, Phi về thăm làng xưa.” Trước mắt nàng là công thành danh toại, nhưng nàng lại lựa chọn trở về quê hương, tiếp tục phụng dưỡng song thân. Từ đó có thể thấy, Mộc Lan thực sự là một tấm gương hoàn mỹ về lòng trung hiếu từ cổ chí kim.
Ngoài ra, trong màn vũ kịch, Mộc Lan thân là nữ tử, nhưng văn võ song toàn. Văn tượng trưng cho nét mềm mại uyển chuyển, võ tượng trung cho nét cứng cáp dứt khoát của vũ đạo. Vậy nên, tác phẩm còn là sự kết hợp xuất sắc giữa “nhu và cương” trong nghệ thuật múa cổ điển Trung Quốc. Nó đã thể hiện đầy đủ sự mỹ diệu trong kỹ thuật, thần vận, thân pháp của múa cổ điển Trung Quốc, khiến khán giả thực sự trầm trồ và mở rộng tầm mắt.
Phần đệm nhạc trực tiếp thay đổi theo diễn biến mạch truyện, khiến người xem đắm chìm vào thế giới các nhân vật. Khán giả Bunei Hayashi đã để lại bình luận rằng: “Đáng khen cho phần đệm nhạc của tác phẩm “Hoa Mộc Lan” này. Nếu có đĩa CD phát riêng bản nhạc này thì tốt biết mấy!”
Rất nhiều khán giả cảm nhận được và đánh giá rất cao giá trị truyền thống gửi gắm trong vở vũ kịch. Khán giả Kate C bình luận: “Hoa Mộc Lan đã truyền tải đến chúng ta những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đó cũng là hình mẫu mà chúng ta cần theo đuổi trong thế giới hôm nay.”
Khán giả Liiking chia sẻ: “Màn vũ kịch ngắn ngủi là vậy, nhưng lại lột tả vô cùng đầy đủ nội hàm về lễ nghĩa và lòng trung hiếu trong văn hóa truyền thống. Đây quả là màn vũ kịch tuyệt vời đến mức “không thể diễn tả” nổi!”
Video đầy đủ: https://ept.ms/Mulan-Joins-the-Battle-(2009-Production)
Mời quý vị tìm hiểu chi tiết tại:
Cao Tịnh biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ