Múa với một trái tim khiêm nhường
Nghệ sỹ múa Shen Yun William Li (Lý Bảo Viên) nhìn nhận về chiều sâu của vũ đạo Trung Hoa cổ điển: ‘Vũ đạo thực sự xuất phát từ nội tâm.’
Có một câu tiếng Hoa nói rằng, “Học nghệ tiên học tố nhân” (Tạm dịch: Trước khi học một kỹ năng, hãy học làm một người tốt).
Đó là một trí huệ mà anh William Li (Lý Bảo Viên) thể hiện trong kỹ năng anh đã lựa chọn: vũ đạo Trung Hoa cổ điển.
“Vũ đạo ấy, nó thực sự xuất phát từ nội tâm. [Vũ đạo] không chỉ là thực hiện các động tác mà thôi,” anh cho biết.
Anh Li là nghệ sỹ múa chính của Shen Yun Performing Arts có trụ sở tại New York, một công ty vũ đạo Trung Hoa cổ điển hàng đầu thế giới. Anh gia nhập công ty này vào năm 2007 và trở thành huấn luyện viên múa vào năm 2015. Năm 2023, anh giữ vị trí giám khảo cho Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế NTD thường niên lần thứ 10.
Là một loại hình nghệ thuật có niên đại hàng ngàn năm, bắt nguồn từ võ thuật và hý kịch Trung Hoa cổ xưa, vũ đạo Trung Hoa cổ điển nổi tiếng với năng lực biểu đạt sâu sắc của mình. Điều đó cho phép các buổi biểu diễn Shen Yun có thể tái hiện các câu chuyện cổ xưa và các nhân vật anh hùng được lấy [cảm hứng] từ 5,000 năm lịch sử Trung Hoa một cách sống động trên sân khấu.
Để vận dụng tốt năng lực đó thì không chỉ dựa vào kỹ thuật thôi.
“Nếu chúng tôi muốn diễn tốt một nhân vật, thì chúng tôi phải đồng điệu với [nhân vật đó]; các giá trị và cuộc sống của chúng tôi phải phù hợp với [nhân vật đó],” anh Li nói.
“Các động tác của chúng tôi phải thể hiện được cảm xúc, và đó cũng là bức chân dung về con người chúng tôi. Cảm xúc trong cuộc sống thường nhật của chúng tôi là gì? Nếu chúng tôi luôn rất cộc cằn hoặc nóng giận, thì điều đó sẽ phản ánh vào điệu múa.”
Anh Li ví điều này giống như việc nói điều gì đó chúng ta thực sự tin, thay vì điều gì đó chúng ta không tin. Người mà chúng ta nói chuyện cùng có thể cảm nhận được sự khác biệt.
“Nếu chúng tôi là một người tốt, thì chúng tôi mới có thể thể hiện các giá trị này trên sân khấu tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi phải cải thiện con người mình để trở thành một nghệ sỹ múa giỏi,” anh chia sẻ.
Thực hành đức khiêm nhường
Một nhân vật đặc biệt gây ấn tượng với anh Li là nhân vật Mỹ Hầu Vương huyền thoại trong “Tây Du Ký,” một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Hoa. Con khỉ tinh nghịch đắc được thần thông dưới [sự chỉ dẫn của] một sư phụ Đạo gia, tự xưng mình là “Tề Thiên Đại Thánh,” và đại náo thiên cung — để rồi bị trục xuất [khỏi thiên cung] và bị Đức Phật trừng phạt đè dưới một ngọn núi trong 500 năm. Cuối cùng, anh ta được một tăng nhân Phật giáo cứu thoát — theo sự an bài của Đức Phật — để trở thành đệ tử của ông và là người hộ tống ông trên hành trình thỉnh kinh đầy nguy nan.
“Xuyên suốt hành trình đó, chúng ta thấy [Mỹ Hầu Vương] từ một người kiêu ngạo biến thành … một người khiêm nhường, mặc dù anh ta thần thông quảng đại đến thế,” anh Li nói. “Khi tôi học cách khắc họa nhân vật đó, tôi cũng học hỏi về đức khiêm nhường này, và điều đó giúp ích cho tôi.”
Đó là một giá trị mà anh Li đã đang giữ gìn trong cuộc sống thường nhật của mình, thông qua những suy nghĩ và hành vi hàng ngày, cũng như trong quan điểm về nghệ thuật của anh.
“Người ta tin rằng nền văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa Thần truyền. Ngay cả những kỹ năng và năng lực của mình, tôi cho rằng đó là các vị Thần ban cho mình,” anh Li bày tỏ.
Mặc dù anh đã trau dồi kỹ nghệ của mình trong nhiều năm, nhưng anh vẫn đang học hỏi. Anh nhớ lại, ví như, khi Giám đốc nghệ thuật Shen Yun giới thiệu các tuyệt kỹ “thân đới thủ, khố đới thối” — có nghĩa là “thân dẫn theo tay, hông dẫn theo chân” — kỹ thuật có thể cải biến các động tác của nghệ sỹ múa, khiến chúng “trở nên dài hơn, giàu sức biểu cảm hơn,” anh Li nói.
“Vũ đạo là một ngôn ngữ mà ở đó chúng tôi phải dùng cơ thể của mình để giao tiếp, vì vậy … đối với khán giả, vũ đạo rõ ràng hơn rất nhiều, trác tuyệt hơn rất nhiều,” anh bộc bạch.
Vì anh Li học các kỹ thuật khó này ở giai đoạn sau trong sự nghiệp vũ đạo, nên anh phải trải qua quá trình bỏ đi một số thứ [đã học trước đây].
“Điều đó rất khó, ngay cả khi những thứ mới tốt hơn, và chúng tôi cũng thấy rằng nó thực sự tốt. Điều đó đòi hỏi thời gian. Chúng tôi phải buông bỏ con người cũ của mình và tìm kiếm con người mới,” anh cho biết.
Thầy giáo cũng là người học
Việc trở thành giảng viên vũ đạo đưa anh Li lên những tầm cao mới.
“Bạn thực sự phải tinh thông điều gì đó thì mới có thể giảng dạy nó,” anh chia sẻ.
Anh Li dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về cách thực hiện các động tác nhất định, nơi nào cần dùng lực, và phương cách hiệu quả nhất để giải thích những chi tiết phức tạp đó cho học viên của mình.
“Càng suy ngẫm về động tác nào đó thì bạn càng hiểu biết sâu sắc về nó, và sau đó chính bạn cũng có thể thực hiện động tác đó thuần thục hơn,” anh nói.
Ý chí tinh thần của anh Li cũng trở nên kiên cường hơn. Hiện tại, thách thức của anh là cân bằng giữa các yêu cầu giảng dạy ngày một tăng — không chỉ đòi hỏi sức mạnh về thể chất, mà đặc biệt còn về tinh thần — trong khi vẫn duy trì được các tiêu chuẩn mà anh đặt ra cho bản thân với vai trò là một nghệ sỹ múa. Anh Li nhớ lại những ngày đầu tiên đứng lớp, anh kiệt sức đến mức phải chợp mắt sau một buổi dạy. Chính tinh thần trách nhiệm đối với các học viên đã giúp anh mở rộng năng lực của bản thân.
“Là một giảng viên, bạn cần mang nguồn năng lượng dồi dào đến phòng tập. Bạn là người dẫn đầu một nhóm, vì vậy nếu bạn cảm thấy chán nản, mọi người cũng sẽ cảm nhận được điều đó,” anh Li chia sẻ. Anh cho biết việc hiểu được tầm quan trọng của vai trò này đã tiếp thêm cho anh “nguồn năng lượng để vượt qua những cảm xúc tiêu cực.”
Trong lớp học, mỗi học sinh đều gặp phải những khó khăn khác nhau, có thể là về thể chất, về phối hợp, hoặc thiếu động lực, mà bản thân những vấn đề này lại xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Anh Li đã phát triển trực giác nhạy bén để nhận ra các điểm khác biệt này, từ đó đưa ra các phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh và trợ giúp các em ở các phương diện mà các em cần nhất. “Bạn gần như trở thành một nhà tâm lý học vậy,” anh nói.
“Khi tôi thấy các em học hỏi, tiến bộ, và xuất sắc hơn, điều đó thật đáng giá, và có ý nghĩa.”
“Khi tôi chứng kiến các em tiến bộ, tôi nhận ra mình cũng phải cải thiện nhiều hơn với vai trò là một giảng viên.”
Thế hệ tương lai
Khi anh Li không ở trên sân khấu và trong phòng tập, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp anh với chiếc máy ảnh trên tay. Anh là một trong ba nghệ sỹ múa Shen Yun đứng sau kênh YouTube “3 Musketeers” (Ba Chàng Lính Ngự Lâm). Ba người bạn thành lập kênh này với mong muốn cho khán giả thấy cuộc sống sau ánh đèn sân khấu của một nghệ sỹ Shen Yun. Một số video được xem nhiều nhất của họ hé lộ một ngày bận rộn khi đi lưu diễn hoặc tập luyện tại trụ sở chính. Tuy nhiên, họ cũng sử dụng các video để lan tỏa văn hóa và các giá trị Trung Hoa truyền thống mà họ thường khắc họa trên sân khấu đến với đông đảo khán giả hơn — đặc biệt là những người hâm mộ trẻ tuổi.
“Tôi biết có nhiều trẻ em yêu thích kênh của chúng tôi,” anh Li cười nói. “Tôi muốn thể hiện những giá trị truyền thống này theo cách vui nhộn hơn, dễ tiếp thu hơn.” Chẳng hạn, một tiểu phẩm hài hước về các lỗi ứng xử trong xã hội sẽ dạy về lòng trắc ẩn và sự quan tâm chu đáo [đến người khác] hiệu quả hơn so với một bài học mang tính hàn lâm về lễ nghi Trung Hoa cổ xưa.
Anh Li chia sẻ, trong phòng tập vũ đạo, anh thấy vô cùng hạnh phúc khi giúp ươm mầm thế hệ nghệ sỹ múa tiếp theo và “truyền lại truyền thống và nghệ thuật của vũ đạo Trung Hoa cổ điển [cho họ].”
Đối với các nghệ sỹ trẻ, lời khuyên quan trọng nhất của anh là hãy kiên định.
“Chúng tôi có câu nói như thế này: Nếu bạn không tập múa một ngày, thì chỉ mình bạn biết. Nếu bạn không tập múa trong hai ngày, giáo viên sẽ biết. Nếu bạn không luyện tập trong ba ngày, khán giả sẽ biết. Họ có thể nhận ra điều đó,” anh Li chia sẻ.
Anh cho biết, quá trình rèn luyện của một nghệ sỹ múa giống như việc ươm mầm một hạt giống.
“Bạn gieo hạt và tưới nước mỗi ngày, nhưng bạn không thể thấy nó đột nhiên mọc thành cây; quá trình này cần rất nhiều, rất nhiều năm. Đó là quá trình hoàn thiện bản thân ngày qua ngày, từng chút một,” anh nói.
Sau nhiều năm miệt mài khổ luyện, khi mà bạn bước lên sân khấu, “mọi thứ sẽ diễn ra một cách tự nhiên — bởi vì bạn đã nỗ lực luyện tập mỗi ngày. Đó không phải là điều bạn có thể kích hoạt theo ý muốn.”
Anh Li hiểu rằng việc kiên trì khó đến mức nào khi không nhìn thấy kết quả ngay lập tức, đặc biệt là với chế độ luyện tập mệt nhoài thường nhật như vậy. Nhưng với vũ đạo — cũng như với bất cứ điều gì trong cuộc sống, anh cho biết — điều then chốt là tìm ra “điều gì thực sự thôi thúc trái tim bạn.”
Khi vật lộn với những giai đoạn khó khăn thuở còn là một nghệ sỹ trẻ, anh Li đã tự nhắc nhở mình về bức tranh lớn hơn của loại hình nghệ thuật này: Sứ mệnh của Shen Yun là hồi sinh 5,000 năm văn hóa Trung Hoa truyền thống sau khi nền văn hóa này gần như bị chủ nghĩa cộng sản hủy hoại.
“Ngay cả khi mọi thứ trở nên khó khăn,” anh nói, “thì [lý tưởng đó] vẫn rất truyền cảm hứng.”
Thiên Ân - Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times