Hồ sơ nghệ sỹ: Anh Jason Pan, một nghệ sỹ múa tài hoa
Một mình trong phòng tập múa, anh Jason Pan (Phan Khắc Kỳ) luyện tập các động tác hết lượt này đến lượt khác, cho tới khi anh thuần thục đến mức hoàn hảo. Anh vừa tập đi tập lại từng cử chỉ và biểu cảm trên khuôn mặt trước gương, vừa phân tích các chi tiết tỉ mỉ trong đó. Đôi khi anh cảm thấy cô đơn khi luyện tập hàng giờ vào ban đêm.
Nhưng, trải nghiệm đó đã giúp anh hiểu rõ hơn các nhân vật mà anh khắc họa trên sân khấu. Anh Phan là nghệ sỹ múa chính của Shen Yun Performing Arts có trụ sở tại New York, đoàn nghệ thuật biểu diễn hàng đầu thế giới chuyên về vũ đạo Trung Hoa cổ điển — một loại hình nghệ thuật có bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Vũ đạo Trung Hoa cổ điển là một trong những loại hình vũ đạo có tính biểu cảm nhất trên thế giới, được truyền thừa qua các triều đình Trung Hoa và sau đó thông qua kịch nghệ và kinh kịch Trung Hoa.
Tiết mục biểu diễn của anh Phan trong Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế năm 2021 là một ví dụ về cách anh đến gần hơn với nghệ thuật của mình. Anh đã biên đạo tiết mục này suốt chín tháng, kết hợp kiếm thuật, thảo luận phần nhạc đệm với người bạn là nhà soạn nhạc, người đã sáng tác và thường tự ghi âm để theo dõi tiến trình này. Và tiết mục vũ đạo kể về Lý Bạch, một thi sỹ nổi danh thời Đường ở Trung Quốc cổ đại của anh Phan đã giúp anh đạt được giải bạc.
Anh giải thích rằng, anh đã đọc rất nhiều thơ của Lý Bạch, cũng như các cuốn sách viết về chính thi sỹ này. Trong đó có một bài thơ đặc biệt khiến anh ấn tượng. Trong bài “Question and Answer on the Mountain” (Sơn Trung Vấn Đáp), vị thi nhân trầm ngâm về sự cô độc của mình, mãn nguyện với việc xa lánh thế giới trần tục. Anh Phan bộc bạch rằng anh hiểu được tâm tình của thi nhân này: Quá trình mà anh hoàn thiện các động tác vũ đạo, học cách chuyển động để hợp nhất với thanh kiếm cũng tương tự như vậy. Chỉ có mình anh trong phòng tập, đó là một hành trình đơn độc. Nhưng dần dần, khi thực hiện từng bước một, anh chia sẻ rằng, “quá trình đó giống như một quá trình tu luyện vậy … và tâm tôi trở nên an tĩnh.” Anh Phan bắt đầu trân quý thời gian và không gian mà anh có để tĩnh tâm.
Truyền thừa văn hóa truyền thống
Việc hiểu được thế giới nội tâm của các nhân vật là điều cần thiết cho các tiết mục biểu diễn của anh Phan. Anh sinh ra ở Đài Loan với cái tên khai sinh là Phan Khắc Kỳ, nơi phần lớn nền văn hóa truyền thống Trung Hoa vẫn được bảo tồn sau khi chế độ cộng sản đoạt quyền cai trị ở Trung Quốc đại lục, anh say mê kiến trúc, thời trang, và nghệ thuật Trung Hoa cổ xưa từ khi còn nhỏ. Mẹ anh là một giáo viên dạy văn ngôn Trung Hoa, bà đã giới thiệu cho anh các bài học đạo đức được truyền lại trong các câu chuyện và truyền thuyết.
Anh cũng có niềm đam mê đối với võ thuật. Năm 13 tuổi, anh giành chiến thắng trong các cuộc thi cấp quốc gia ở bộ môn Trường quyền, hay lối võ thuật “đòn đấm xa.” Nhưng sau khi thưởng lãm một buổi diễn của Shen Yun vào năm 2009, sở thích của anh đã chuyển hướng sang vũ đạo Trung Hoa cổ điển. Sứ mệnh hồi sinh 5,000 năm văn minh Trung Hoa của Shen Yun, đặc biệt khiến anh Phan rung động, anh vốn luôn muốn tìm hiểu thêm về các giá trị đã cùng anh lớn lên.
Không lâu sau, anh ghi danh vào một học viện vũ đạo Trung Hoa cổ điển. Do chấn thương ở chân kéo dài trong quá trình luyện tập võ thuật, nên bài tập kéo giãn cần thiết để phát triển độ mềm dẻo của nghệ sỹ múa khiến anh hết sức đau đớn. Nhưng theo thời gian, anh đã chịu đựng được và thành công.
Nền tảng võ thuật là một thanh gươm hai lưỡi; các chuyển động sẽ tương tự nhau ở một số phương diện, nhưng có một điểm khác biệt đáng kể. “Trong võ thuật, hoàn thành động tác là mục tiêu … Nó chú trọng vào sức mạnh và tốc độ, trong khi vũ đạo lại chú trọng vào quá trình chuyển động. Toàn bộ sức mạnh đều là để thể hiện cho khán giả thấy,” anh Phan nói. Anh cho biết, anh đã dành một năm để điều chỉnh lại các chuyển động của mình. Đó là thời điểm mà anh bắt đầu diễn tập một mình trong phòng tập, chậm rãi thực hiện từng bước của vũ đạo.
Đó là một hành trình gian khổ, nhưng thuận theo thời gian, nỗi đau đã hóa thành niềm vui, anh Phan cho hay. “Nếu chúng ta đam mê điều gì và đặt hết tâm huyết của mình vào đó thì chúng ta sẽ quên đi cơn đau và nỗi thống khổ ấy.”
Hết năm này qua năm khác biểu diễn cùng Shen Yun, anh đã có lý giải mới về ý nghĩa của văn hóa truyền thống Trung Hoa. “Văn hóa đó không chỉ chú trọng về hình thức bề mặt. Không chỉ là việc mặc Hán phục [trang phục Trung Hoa cổ đại] hay về việc nói tiếng Hoa. Mà còn là tư tưởng của chúng ta, các giá trị đạo đức của chúng ta, và liệu chúng có phù hợp với các quy phạm lễ nghĩa của văn hóa truyền thống Trung Hoa hay không,” anh chia sẻ.
Đối với anh Phan, có một tiết mục vũ đạo trong chuyến lưu diễn năm 2018 của Shen Yun, tên là “Awaken” (Tỉnh Giác), đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc trong anh. Anh đóng vai một vị tướng quân, người từng kết liễu mạng sống của rất nhiều người. Một ngày nọ, ông chợt nhận ra gánh nặng tội lỗi của mình và quyết định đi tu. Những người [biết ông] trước đây đã cố gắng ngăn cản con đường tu luyện của ông, nhưng cuối cùng, ông vẫn kiên định. Anh Phan hồi tưởng rằng hành trình của nhân vật đó cũng giống với hành trình của chính anh. Anh cũng từng trải qua những ganh đua và xung đột của riêng mình, rồi một ngày anh nhận ra những tạp niệm này đang kìm hãm mình. Anh tự hỏi bản thân, “Mình có thể lựa chọn một con đường khác không? Mình có thể từ bỏ tất cả những thứ tiêu cực này không?”
Nỗ lực trí tuệ
Anh Phan không chỉ cảm nhận được sự chuyển biến sâu sắc trong chính bản thân — thông qua việc thể hiện các giá trị đúng đắn, mà anh còn muốn tìm hiểu sâu hơn về các nền tảng triết lý trong loại hình nghệ thuật của mình. Anh phát hiện rằng những gì được coi là đẹp — mỹ học — trong các nguyên lý của vũ đạo Trung Hoa cổ điển đều bắt nguồn từ triết học Trung Hoa.
Chẳng hạn như, một nguyên tắc mà tất cả các nghệ sỹ múa đều phải biết là các chuyển động nên là hình tròn và theo vòng tròn. “[Triết gia Trung Quốc] Trang Tử từng nói rằng, ‘Vạn vật bắt đầu và kết thúc trong một vòng tròn không gián đoạn, mặc dù chúng ta không biết vì sao lại như thế. Đây được gọi là Thiên đạo. Điều đó có nghĩa là, đạo tự nhiên là con đường mà Thần an bài,” anh Phan cho hay.
Để trở thành một nghệ sỹ toàn diện, đòi hỏi anh không chỉ phải có thể lực tráng kiện và kỹ năng tuyệt vời, mà còn phải là một cá nhân có học vấn uyên bác. “Tìm hiểu lịch sử là điều cần thiết để cải thiện [khả năng] vũ đạo và tu dưỡng bản thân,” anh chia sẻ, và nói thêm rằng một nghệ sỹ múa có thể bị giới hạn về tình trạng thể chất và sự thoái hóa theo thời gian, nhưng việc theo đuổi tri thức là vô hạn.
Điều mang đến cho anh Phan niềm vui lớn nhất là anh có thể lan tỏa tri thức đó thông qua vai trò là nghệ sỹ biểu diễn tại Shen Yun. “Miễn là tôi có thể tiếp tục tiến bước thì tôi sẽ vẫn tiếp tục múa,” anh nói.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times