Vitamin D làm trầm trọng thêm chứng mất trí? Nghiên cứu mới gặp phải 2 luồng tranh cãi
Vitamin D là một chất bổ sung sức khỏe được nhiều người dùng thường xuyên, nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng một loại vitamin D có thể làm trầm trọng thêm bệnh Alzheimer. Trước phát hiện này, chúng ta nên bổ sung vitamin D như thế nào mới là đúng cách?
Bệnh Alzheimer (AD) có cơ chế phức tạp, hầu như vẫn chưa được biết rõ. Ví dụ, người ta đã tìm thấy sự thiếu hụt vitamin D ở bệnh nhân bị Alzheimer. Như vậy, có phải việc hấp thu không đủ vitamin D đã gây ra AD không? Một nghiên cứu gần đây của Đài Loan được công bố trên tạp chí Aging Cell cho thấy rằng lượng vitamin D thấp là hậu quả của AD, và việc bổ sung vitamin D thậm chí có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đài Loan đã cho những con chuột bị AD (chuột biến đổi gen) ăn uống đầy đủ vitamin D3 (cholecalciferol) hoặc bổ sung D3. Những con vật này sau đó đã cho thấy nồng độ vitamin D huyết thanh thấp đáng kể và tình trạng bệnh xấu đi nhanh chóng hơn so với những con chuột trong nhóm đối chứng.
Bên cạnh mô hình động vật, các nhà khoa học cũng tiến hành phân tích dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu nghiên cứu bảo hiểm y tế quốc gia của Đài Loan (NHIRD) trên quy mô lớn. Những phát hiện của họ bao gồm:
- Những người không bị sa sút trí tuệ từ 65 tuổi trở lên khi dùng chất bổ sung vitamin D3 (calcitriol) trong hơn 146 ngày mỗi năm có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao gấp 1.8 lần so với những người không dùng chất bổ sung.
- Những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ khi dùng các chất bổ sung vitamin D3 có hoạt tính trong thời gian dài có nguy cơ tử vong cao gấp 2.17 lần so với những người không dùng.
Báo cáo trên cảnh báo rằng bệnh nhân AD không nên dùng các thực phẩm bổ sung vitamin D trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, nghiên cứu trên đã làm dấy lên hai điểm mấu chốt cần được quan tâm:
1. Việc bổ sung vitamin D3, calcitriol có hoạt tính không nên bị đánh đồng với vitamin D không có hoạt tính.
Vitamin D từ tắm nắng, thực phẩm và chất bổ sung là dạng vitamin D không có hoạt tính, gọi là cholecalciferol. Trước tiên, cholecalciferol phải được chuyển hóa thành calcifediol trong gan trước khi đến thận để biến đổi thành vitamin D, calcitriol có hoạt tính.
Calcitriol được dùng trong nghiên cứu bệnh nhân AD lớn tuổi, những người bị bệnh thận, bệnh tuyến cận giáp, còi xương và loãng xương nặng. Tiến sĩ Chieh-Li Wang, bác sĩ chuyên khoa thận nhân tạo và giám đốc Phòng khám Lọc máu Bo-An ở Đài Loan cho biết “Đối với nội tiết, calcitriol và vitamin D không có hoạt tính là hai thứ hoàn toàn khác nhau, và chúng tôi sẽ không bao giờ nghĩ rằng việc uống vitamin D có hoạt tính là sự bổ sung vitamin D không có hoạt tính.”
Ông cho biết, vitamin D không có hoạt tính cần được gan và thận chuyển hóa để trở nên có tác dụng. Và cơ thể con người luôn có sự điều tiết chính xác: Khi nhu cầu tăng cao, cơ thể sẽ chuyển hóa vitamin D thành calcitriol một cách nhanh chóng.
Xét nghiệm vitamin D huyết thanh liên quan đến calcifediol, không phải calcitriol, vì calcifediol có thời gian bán rã dài nhất trong cơ thể và là dấu hiệu tốt nhất cho thấy sự thiếu hụt vitamin D.
Tiến sĩ Wang cho biết, nếu những người không đủ vitamin D được cung cấp calcitriol có hoạt tính, kết quả xét nghiệm máu của họ vẫn cho thấy tình trạng thiếu vitamin D.
2. Những bệnh nhân cần dùng calcitriol cũng có nguy cơ cao bị bệnh Alzheimer
Nghiên cứu này không quan sát các bệnh nhân trên thực tế, thay vào đó họ phân tích cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế của Đài Loan, vốn có những hạn chế và vấn đề nhất định.
Tiến sĩ Shih-Heng Chang, giám đốc Phòng khám Y tế Toàn diện Chính xác ở Đài Bắc, Đài Loan, nhận xét rằng cơ sở dữ liệu cho thấy những bệnh nhân dùng calcitriol có nguy cơ được chẩn đoán Alzheimer trong tương lai cao hơn. Tuy nhiên, căn nguyên không nhất thiết là calcitriol; các bệnh kinh niên của chính bệnh nhân cũng có thể là nguyên nhân.
Lấy ví dụ, những người bị bệnh thận thường phải dùng calcitriol để điều trị các vấn đề về tuyến giáp. Tiến sĩ Chih-Hao Lin, Giám đốc Khoa Phẫu thuật Thần kinh của Bệnh viện Lâm Tân, Đài Loan cho biết rằng những người bệnh thận dễ bị sa sút trí tuệ do tuần hoàn kém và các cơn đột quỵ gây ra bởi các vấn đề về mạch máu. Những người bị các bệnh về thận cũng có thể bị tiểu đường và cao huyết áp, đây cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.
Đồng thời, do những căn bệnh kinh niên [vốn có], người bệnh cần dùng calcitriol thường có xu hướng ít hoạt động thể chất và xã hội, hoặc mất ngủ, đây cũng là những nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ.
Cơ sở dữ liệu của nghiên cứu chỉ ghi lại việc dùng calcitriol, nhưng không có dữ liệu về vitamin D không có hoạt tính. Vì vậy, kết quả không cho thấy mối tương quan giữa tiêu thụ vitamin D không hoạt tính và bệnh Alzheimer.
Tiến sĩ Chang nói rằng mặc dù các thí nghiệm trên động vật đã phát hiện rằng việc dùng vitamin D không có hoạt tính có thể làm chứng mất trí trầm trọng thêm, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa động vật và con người. Ông nói: “Có những kết quả quan sát được ở động vật nhưng thực tế lại không thấy ở người.”
Bổ sung Vitamin D là có lợi hay có hại cho căn bệnh Alzheimer?
Đã có nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa vitamin D và bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu vào năm 2021 của Trường Y Harvard kết luận rằng việc bổ sung vitamin D không có hoạt tính không liên quan đến suy giảm nhận thức.
Các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia (từ 60 tuổi trở lên, không có các bệnh tim mạch và ung thư) uống vitamin D3 (2,000 IU cholecalciferol) mỗi ngày. Sau đó, các nhà nghiên cứu thực hiện các đánh giá nhận thức qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp. Kết quả, trong khoảng thời gian từ hai đến ba năm, việc bổ sung vitamin D3 nói chung ở những người tham gia có hiểu biết không liên quan đến suy giảm nhận thức; không có tác động tương quan nào được phát hiện trong trí nhớ bằng lời nói, chức năng điều hành, sự chú ý và khả năng nhận thức tổng thể.
Tuy nhiên, một chút lợi ích về mặt nhận thức của việc bổ sung vitamin D3 đã được phát hiện ở những người da đen lớn tuổi.
Một nghiên cứu khác trong 7.8 năm với hơn 4,000 người tham gia đã phát hiện ra rằng việc bổ sung 400 IU vitamin D3 và 1,000mg canxi mỗi ngày không cho thấy mối liên quan với sự suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ.
Một vài người cần bổ sung Vitamin D
Vitamin D hoạt tính (calcitriol) có thể được dùng như một loại thuốc để điều trị bệnh hạ canxi máu, loãng xương, còi xương, nhuyễn xương và bệnh vẩy nến. Bệnh nhân lọc máu và bị bệnh thận kinh niên cần dùng calcitriol để kiểm soát tình trạng hạ canxi máu và các vấn đề về tuyến giáp.
Mỗi loại thuốc đều có các tác dụng phụ, và trên thực tế, calcitriol có thể gây tăng canxi máu, tăng vôi hóa mạch máu hoặc mô. Tiến sĩ Wang cảnh báo rằng bệnh nhân đang dùng calcitriol không nên ngừng dùng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Việc hấp thụ ánh sáng mặt trời và tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định là cách bổ sung tốt nhất khi cơ thể thiếu hụt vitamin D dạng không có hoạt tính. Theo Tiến sĩ Chang, chúng ta không nên né tránh việc hấp thụ vitamin D chỉ vì các kết quả nghiên cứu. Cơ thể con người không thể sống mà không có vitamin D. Đây là một loại hormone rất quan trọng cần thiết cho xương, cơ bắp, nhiều cơ quan và hệ thống sinh lý.
Ví dụ, vitamin D kích thích hấp thụ canxi trong ruột, cũng như cần thiết cho sự phát triển và tái tạo xương bởi nguyên bào xương và tế bào hủy xương. Nếu không đủ vitamin D, xương có thể trở nên mỏng, giòn hoặc biến dạng.
Sự phát triển và tăng trưởng bình thường của cơ bắp cũng cần đến vitamin D. Nếu có thể không có đủ lượng vitamin D, sức mạnh cơ bắp có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến đau và yếu cơ.
Vitamin D cũng có nhiều vai trò khác trong cơ thể, bao gồm giảm viêm và điều hòa sự phát triển của tế bào, tham gia vào chức năng thần kinh cơ và miễn dịch cũng như chuyển hóa glucose.
Một số người đặc biệt có nguy cơ bị thiếu vitamin D, nhất là những người ở trong nhà một thời gian dài, ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và người già ít vận động. Khả năng tổng hợp vitamin D của da giảm dần theo tuổi tác ở người cao tuổi.
Ngoài việc bổ sung vitamin D từ thực phẩm, mọi người cũng có thể dùng các loại thực phẩm bổ sung, vì thực phẩm tự nhiên thường chứa ít vitamin D. Thực phẩm và chất bổ sung chứa hai dạng vitamin D chính: vitamin D2 từ nguồn thực vật và vitamin D3 từ nguồn động vật. Những người ăn chay có thể lựa chọn vitamin D2.
Nam Khánh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times