Tiếng ồn màu hồng tăng cường trí nhớ và cải thiện giấc ngủ
Chỉ cần lượng tiếng ồn xung quanh thích hợp có thể giúp chúng ta có được giấc ngủ sảng khoái.
Khi chúng ta già đi, giấc ngủ chúng ta có vài thay đổi. Phổ biến nhất là chúng ta ít buồn ngủ hơn và khó đi vào giấc ngủ hơn so với hồi trẻ. Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (National Sleep Foundation), những thay đổi về giấc ngủ này là một phần của quá trình lão hóa bình thường. Giờ đây, các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể có giải pháp cho những vấn đề này và thậm chí giải pháp này còn có thể tăng cường trí nhớ của bạn. Đó là tiếng ồn màu hồng (Pink noise).
Có thể bạn đã từng nghe đến tiếng ồn trắng (White noise), được cho là những âm thanh tương thích tạo ra một hiệu ứng che chắn chúng ta khỏi môi trường xung quanh, giống như tiếng quạt thổi vừa đủ lớn để chúng ta không thực sự nghe thấy tiếng đóng cửa hoặc tiếng chó sủa bên ngoài. Theo thuật ngữ kỹ thuật, tiếng ồn trắng là một tín hiệu ngẫu nhiên của các âm thanh ở các tần số khác nhau có cường độ bằng nhau. Tiếng ồn trắng giống như ánh sáng trắng, chứa tất cả các ánh sáng nhìn thấy được với cường độ bằng nhau. Phân tách ánh sáng đó, và bạn sẽ có một cầu vồng.
Kỹ sư âm thanh Stéphane Pigeon giải thích tiếng ồn trắng là: “Hàng trăm nhạc sỹ chơi từng nốt nhạc mà bạn có thể nghe cùng một lúc ở cùng một âm lượng.”
Tiếng ồn màu hồng là gì?
Tiếng ồn màu hồng (Pink noise) là một âm thanh êm dịu, nhẹ nhàng bao gồm các quãng tám sở hữu năng lượng bằng nhau. Với tiếng ồn trắng, công suất của mỗi tần số là không đổi, nhưng với tiếng ồn hồng, khi tần số càng cao, thì sự khác biệt về công suất của các âm thanh liên quan càng nhỏ. Kết quả là âm thanh ở âm vực cao hơn sẽ nhẹ nhàng hơn.
Đây thực chất là bản chất của tiếng ồn xung quanh mà chúng ta quen nghe hàng ngày. Sóng âm cao không truyền đi xa và dễ bị hấp thụ hơn bởi bất cứ thứ gì chúng tiếp đất, trong khi sóng âm có âm vực thấp hơn có khả năng xuyên thấu hơn và truyền đi xa hơn. Đây là lý do tại sao bạn có thể nghe thấy âm trầm của hệ thống âm thanh nổi của một chiếc ô tô chạy qua dễ dàng hơn âm cao. Tiếng ồn màu hồng mô phỏng kiểu âm thanh bình thường trong môi trường của chúng ta.
Về mặt này thì tiếng ồn màu hồng có lợi ích.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern, Evanston, Illinois, phát hiện ra rằng nếu họ đồng bộ hóa tiếng ồn màu hồng với sóng não của người cao tuổi khi họ ngủ, thì những người này sẽ có giấc ngủ sâu chất lượng tốt hơn cũng như cải thiện được trí nhớ.
Các nhà nghiên cứu viết: “Trong thời gian ngủ, một thuật toán thời gian thực sử dụng vòng lặp (phase-locked loop) tạo ra tần số tương thích với tần số của sóng chậm nội sinh trong đường giữa lưỡng cực của điện não đồ (midline frontopolar)” để giải thích cách họ đồng bộ hóa tiếng ồn với sóng não của những người tham gia. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Frontiers of Neuroscience vào năm 2017.
Về cơ bản, họ sử dụng một chiếc máy để theo dõi sóng não và điều chỉnh âm thanh cho tương thích.
Giấc ngủ với trí nhớ và hoạt động não bộ
Trong những năm qua có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ rất quan trọng để chuyển đổi ký ức ngắn hạn thành ký ức dài hạn. Loại giấc ngủ cần thiết cho quá trình chuyển đổi này là giấc ngủ sâu, còn gọi là giấc ngủ sóng chậm hoặc giấc ngủ không mơ, là một phần của chu kỳ giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (Non-REM). Khi chúng ta già đi, chất lượng giấc ngủ sâu giảm sút, từ đó trí nhớ cũng như chất lượng giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng.
Giấc ngủ sâu cũng rất quan trọng vì đây là giai đoạn các tế bào của cơ thể tăng cường sản xuất và giảm sự phân hủy protein. Khoảng thời gian này cũng là giai đoạn sửa chữa mô tế bào. Ngoài ra, giấc ngủ sâu còn có lợi ích là làm chậm hoạt động của các vùng não liên quan đến cảm xúc, tương tác xã hội và ra quyết định. Điều này cho thấy rằng giấc ngủ sâu giúp con người duy trì sự cân bằng cảm xúc.
Các nhà khoa học sử dụng tiếng ồn màu hồng như thế nào
Các nghiên cứu trước đây trên đối tượng là những người trẻ đã phát hiện ra mối liên hệ giữa sự kích thích âm thanh đối với hoạt động của não khi ngủ sâu và sự cải thiện trí nhớ. Những phát hiện này đã thúc đẩy Tiến sỹ Phyllis Zee, Giáo sư Thần kinh học tại Trường Y Feinberg, Northwestern và các đồng nghiệp của bà thử kích thích âm thanh ở một nhóm người lớn tuổi để xem nó ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ và trí nhớ.
Nhóm tham gia trong nghiên cứu bao gồm 13 người đàn ông và phụ nữ tuổi từ 60 đến 84, mỗi người phải chịu một đêm kích thích âm thanh (liên quan đến tiếng ồn màu hồng được đồng bộ hóa với sóng não của những người tham gia) và một đêm kích thích giả (giả nghiệm đối chứng). Mỗi phiên trị liệu này được thực hiện cách nhau một tuần. Trước và sau mỗi phiên, những người tham gia phải hoàn thành hai bài kiểm tra lại trí nhớ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng:
- Khả năng nhớ lại ký ức sau khi được kích thích âm thanh với tiếng ồn màu hồng tốt hơn ba lần so với kích thích giả.
- Sự cải thiện về trí nhớ tương quan với việc tăng chất lượng giấc ngủ sâu và do đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Kết luận
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times