Thay đổi tư duy điều trị ung thư – từ nạn nhân chuyển sang làm chủ cơ thể chính mình
Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta coi ung thư là kẻ thù bởi vì nó không chỉ là con số lớn về thương vong, mà còn là những di chứng, tác dụng phụ tàn khốc trong quá trình điều trị.
Thay đổi tư duy về bệnh ung thư mang lại khả năng điều trị mới, nâng cao vị thế bản thân và ý thức trách nhiệm của bệnh nhân.
Năm ngoái, hàng loạt bệnh nhân tử vong do COVID-19 đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Nhưng trong nhiều thập kỷ qua chúng ta đã sống với một kẻ giết người nguy hiểm hơn rất nhiều: bệnh ung thư.
Vào năm 2020, bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của hơn 600,000 người tại Hoa Kỳ. Mặc dù điều đó không làm giảm mức độ nghiêm trọng của 350,000 ca tử vong do COVID-19 trên toàn quốc, nhưng nếu bệnh nhân mắc Covid có bệnh nền ung thư trước đó thì cực kỳ nguy hiểm. Trong nhiều năm qua, ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên khắp thế giới và các chuyên gia dự đoán số người chết vì ung thư hàng năm sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Mối quan hệ giữa chúng ta với bệnh ung thư khá phức tạp, vượt ra ngoài số lượng tử vong. Một trong số đó chính là thái độ đối phó của chúng ta đối với căn bệnh này.
Không giống với các loại bệnh khác, ung thư khiến bệnh nhân có cảm giác đó là một cuộc chiến sinh tử. Mọi người thường nói về cuộc chiến của họ với căn bệnh ung thư, và những người có sự thuyên giảm bệnh được coi là những người sống sót. Năm 1971, Tổng thống Richard Nixon phát động “cuộc chiến chống ung thư” khi ông ký thành Đạo luật Ung thư Quốc gia. Đạo luật là một hình thức để ứng phó với việc ung thư trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai của quốc gia vào năm 1970, chỉ sau bệnh tim mạch.
Năm mươi năm sau, cuộc chiến vẫn cam go. Bất chấp rất nhiều tiền bạc và công sức dành cho nghiên cứu và điều trị, ung thư vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên toàn quốc.
Tuy nhiên, không nên chỉ nhìn nhận ung thư như kẻ thù. Trên thực tế, tư duy hiếu chiến này có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
Theo tác giả Brandon LaGreca, chúng ta cũng có thể xem ung thư như một người thầy quyền lực, là động lực cho sự thay đổi. Trong cuốn sách mới của mình, “Ung thư, Căng thẳng và Tư duy: Tập trung trí óc để chữa bệnh và phục hồi”, LaGreca chia sẻ những nghiên cứu và hiểu biết sâu sắc về quá trình thực hành lâm sàng của anh với tư cách là một bác sĩ y học Trung Hoa và cũng một người sống sót sau ung thư.
Năm 2015, anh bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết non-Hodgkin giai đoạn 4, anh đã thuyên giảm hoàn toàn 8 tháng sau đó bằng cách tuân theo một phác đồ y học tích hợp mà không cần sử dụng hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật.
LaGreca mang lại cho bệnh nhân một cái nhìn mới và vô số thách thức đi kèm khi được chẩn đoán ung thư.
LaGreca không đề cập việc nên điều trị bệnh hay không. Anh cũng không khuyến khích bệnh nhân từ bỏ phương pháp điều trị thông thường hoặc lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa ung thư. Thay vào đó, anh yêu cầu cả bệnh nhân và người chăm sóc nên dành một thời gian để nhìn xa hơn một cuộc chiến, vượt qua những yếu tố chúng ta không thể kiểm soát, để suy ngẫm về những yếu tố chúng ta có thể.
The Epoch Times đã thực hiện một buổi phỏng vấn với LaGreca về cuốn sách của anh ấy, về việc thay đổi quan điểm tư duy có thể giúp điều trị bệnh như thế nào.
The Epoch Times: Bệnh nhân thường xem căn bệnh ung thư là một kẻ thù cần phải đối phó. Tâm lý này có lợi cho họ hay không?
Brandon LaGreca: Không hề. Về cơ bản, chúng ta đang tự gây chiến với chính mình, nó không hữu ích lắm xét về lâu dài.
Thật trớ trêu, trong tất cả những căn bệnh có thể mắc phải, chúng ta lại chỉ có tâm lý thù địch với ung thư. Chúng ta không nói về một bệnh nhiễm trùng từ bên ngoài – thứ sẽ xâm nhập vào cơ thể. Chúng ta đang nói về các tế bào của chính cơ thể, thông qua một số lỗi di truyền, sẽ phát triển thành bệnh ác tính.
Đối với tôi, việc sử dụng từ ngữ chiến đấu với căn bệnh là một sự lệch lạc lớn trong cách suy nghĩ và điều trị của chúng ta dành cho ung thư. Lý do chủ yếu là tư duy đặc biệt này cho rằng đây là một cái gì đó xa lạ đối với tôi, và vì vậy, tôi chỉ cần:
- Cắt bỏ nó (phẫu thuật),
- Đốt cháy nó (xạ trị), hoặc
- Đầu độc nó (hóa trị liệu).
Mọi người đều nhận thức rõ rằng, ngoại trừ phẫu thuật, hai phương pháp còn lại có thể để lại tác dụng phụ toàn thân nặng nề.
Chúng ta không thể điều trị bệnh này theo cách thông thường mà không gây tổn thất lớn cho cơ thể. Ung thư chỉ đơn giản là phản ứng của cơ thể chúng ta đối với môi trường sống. Chúng ta tiếp xúc với các chất gây ung thư. Những chất này gây ra đột biến. Những đột biến đó hoặc khu trú thành một khối u hoặc lan rộng và di căn. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng có thể xoay chuyển điều này, chúng ta hiện vẫn đang chỉ giải quyết phản ứng của cơ thể với môi trường thông qua quá trình hình thành ung thư.
Sử dụng các phương pháp cắt bỏ, hóa trị và đốt cháy khối u không quan trọng bằng việc điều trị căn bệnh một cách toàn diện.
The Epoch Times: Vậy làm thế nào để chúng ta thay đổi quan điểm “cuộc chiến” đối với bệnh ung thư?
Anh LaGreca: Trở ngại chính đối với người có tư duy này là họ phải thay đổi cách nghĩ từ việc mình là nạn nhân chuyển sang một người làm chủ chính cơ thể.
Trong nhiều năm, tôi nhận thấy rằng đối với nhiều bệnh nhân, đó là một điều thực sự khó thay đổi, bởi vì họ phải đối mặt với rất nhiều con quỷ của chính mình khi làm như vậy.
Căng thẳng là một chủ đề rất quan trọng trong quyển sách này. Phần lớn cuốn sách cung cấp bằng chứng về mối liên hệ giữa căng thẳng và ung thư. Nó là nguyên nhân gây ung thư rất phổ biến nhưng vẫn bị lãng quên.
Một trong những lý do tại sao căng thẳng có liên quan đến ung thư là vì thông thường, chúng ta xử trí căng thẳng bằng những thói quen có hại như hút thuốc và uống rượu, cả hai đều là chất gây ung thư.
Bởi vì tồn tại những căng thẳng và chấn thương nhất định mà chúng ta đang chữa trị, vậy nên với những hóa chất ung thư sẵn có, chúng ta đang chọn đưa vào cơ thể mình những chất gây ung thư để giải tỏa những tiền sử căng thẳng hoặc tổn thương đó.
Việc chúng ta đối mặt với nguồn gốc của bất cứ căng thẳng và tổn thương nào đều là những điều rất khó chịu. Chúng ta phải tìm ra những tổn thương từ thời thơ ấu, hoặc căng thẳng mãn tính mà chúng ta không thoát khỏi. Có thể, đó là một công việc hoặc một mối quan hệ. Dù đó là gì, đối mặt với nó sẽ khó hơn là tạo ra sự thay đổi.
Cũng có quan niệm rằng cần có người khác điều trị cho chúng ta. Phương pháp điều trị thông thường coi đây là một thứ bên ngoài chúng ta. Chúng ta chỉ cần cắt, tiêu độc, hoặc đốt cháy nó. Tôi cần ai đó làm công việc này cho tôi. Bản thân tôi không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào.
Chúng ta đang làm công việc như thợ sửa xe. Nếu xe bị hỏng, chúng ta mang nó đến người khác để sửa. Nếu có một khối u vú, tôi cần đến bác sĩ chuyên khoa ung thư và phẫu thuật cắt bỏ nó. Coi như xong. Cá nhân tôi không phải làm bất kỳ việc gì hay bất kỳ thay đổi lối sống nào. Tôi không cần phải suy nghĩ về chế độ ăn uống hoặc bất kỳ yếu tố môi trường nào khác.
Cuốn sách đầu tiên của tôi nói về bức xạ EMF của điện thoại di động. Có bao nhiêu người nghiện thiết bị này? Và có bao nhiêu người sẵn sàng từ bỏ chúng ngay cả khi họ đã được chẩn đoán ung thư não? Tôi khẳng định rằng có lẽ rất ít. Ngay cả khi có nhiều bằng chứng cho thấy đây có thể là chất quan trọng gây ung thư, thì chứng nghiện của chúng ta vẫn còn rất nặng nề. Đó là một trong những điều mà chúng tôi đang chống lại.
The Epoch Times: Mô thức chiến đấu hiện phổ biến, nhưng một số bệnh nhân lại hướng đến quan điểm điều trị toàn diện hơn. Ông nghĩ tại sao?
Anh LaGreca: Bởi vì những người chấp nhận đối mặt với căn bệnh nhận ra rằng chính họ cũng có vai trò trong việc chữa bệnh. Sẽ là nguồn động lực to lớn khi người ta khám phá ra vai trò của chính họ trong việc này. Nó có thể thắp lên ngọn lửa bên trong họ để họ bắt đầu thực hiện những thay đổi đó.
Còn có kinh nghiệm cá nhân bạn và của những người xung quanh. Một người bạn hoặc thành viên trong gia đình nói, “Điều này giúp loại bỏ tác dụng phụ,” hoặc “Đây là thứ đã giúp tôi ngủ ngon hơn trong suốt quá trình này”.
Chỉ cần một vài câu chuyện, bởi vì chúng ta là loài sinh vật có tính xã hội. Người tinh khôn (Homo sapiens) là chủng người kể chuyện chân thật nhất. Đó là bản chất của chúng ta. Chúng ta là một loài ngồi xung quanh ngọn lửa và chia sẻ thông tin. Chúng ta hướng ngoại ở một số khía cạnh. Và đó là cách chúng ta học hỏi lẫn nhau. Điều đó mang lại rất nhiều kiến thức về các biện pháp tự nhiên hoặc tư duy cảm xúc.
Chúng cực kỳ hiệu quả, cực kỳ hữu ích và thực sự là kim chỉ nam theo hướng tích cực.
The Epoch Times: Sự hiểu biết về y học chủ yếu dựa trên khoa học. Nhưng có vẻ như những câu chuyện cá nhân về chiến thắng và khám phá về bệnh tật có sức nặng hơn rất nhiều so với những bằng chứng khoa học được ghi nhận.
Anh LaGreca: Vâng, và đây là lý do: Khoa học rất giỏi trong việc tìm ra mức trung bình. Đó là điều một thử nghiệm phải làm. Bất kỳ loại thử nghiệm lâm sàng nào đối với can thiệp hoặc dùng thuốc đều nhằm xem phản ứng trung bình là bao nhiêu, và làm cho nó trở nên dễ đoán nhất và dễ mở rộng nhất cho một nhóm người rộng lớn hơn. Điều đó thực sự khác với dịch vụ chăm sóc cá nhân.
Đây không phải là một lời chỉ trích khoa học. Chúng tôi thích cách khoa học cung cấp cách tiếp cận cơ bản. Nhưng nghệ thuật thực sự của y học là điều chỉnh nhu cầu theo cá thể và làm cho nó được cá nhân hóa.
The Epoch Times: Anh có thể chia sẻ về hành trình cá nhân của mình với căn bệnh ung thư? Nó làm thay đổi anh ra sao và mang lại cho anh cái nhìn sâu sắc như thế nào khi giúp đỡ bệnh nhân?
Anh LaGreca: Tôi bị chẩn đoán mắc ung thư hạch bạch huyết giai đoạn 4 vào năm 2015, và khi tôi nghe những lời đó, tôi có hai suy nghĩ phát ra cùng một lúc. Một là sốc và không tin. Làm thế nào điều này có thể xảy ra? Tôi nghĩ, vào thời điểm đó, tôi đang sống một lối sống lành mạnh nhất mà tôi có thể nhận thức và kiến thức tốt nhất có thể. Tôi nghĩ rằng tôi là hình mẫu cho các bệnh nhân của tôi về việc ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục.
Ý nghĩ thứ hai là tôi có thể làm được điều này. Tôi có thể tìm ra điều này. Tôi biết mình cần phải làm gì.
Đối với tôi, thành quả lớn nhất của việc trải qua căn bệnh này là tận dụng nó để giúp đỡ những người khác. Rõ ràng, đây là một vấn đề tồi tệ, nhưng tôi quyết định sử dụng nó để giúp đỡ những người khác
Vào lúc đó, tôi không nghĩ rằng mình sẽ viết sách hay thuyết trình. Tôi chỉ biết ít nhất rằng tôi sẽ có thể giúp bệnh nhân trong quá trình này.
Trong phòng khám của mình, tôi luôn có một số bệnh nhân ung thư đến khám vì họ đã nghe câu chuyện của tôi. Khi tôi nói chuyện, tôi có thể thấu hiểu nỗi lòng của họ. Tôi có thể đặt câu hỏi và không phán xét bất cứ điều gì. Tôi yêu cầu họ cung cấp cho tôi tất cả những điều họ nghĩ về tinh thần và cảm xúc. Tôi hoàn toàn đồng cảm với họ. Tôi biết rằng việc này thật tồi tệ. Tôi biết cảm giác như thế nào. Tôi vẫn còn những ngày đen tối. Tôi biết cảm giác tuyệt vọng như thế nào. Tôi có thể đi trên con đường đó với bạn.
Vì vậy, nó thực sự giúp tôi giao tiếp với bệnh nhân một cách rất sâu sắc mà có lẽ chính bác sĩ chuyên khoa ung thư cũng không thể làm được. Người bệnh ung thư từng có lúc xúc động, nhưng nhờ kinh nghiệm trực tiếp của tôi, tôi thực sự có thể nghe thấy nỗi sợ hãi của bệnh nhân và phản hồi với họ ngay lập tức. Và điều đó cực kỳ hữu ích việc điều trị căn bệnh đáng sợ này.
The Epoch Times: Tôi đã nghe một số câu chuyện về những người sợ hãi khi họ nghe chẩn đoán lần đầu tiên. Kết quả là, họ lao vào điều trị mà sau đó họ hối hận.
Anh LaGreca: Điều đó xảy ra quá thường xuyên. Tôi ước gì bệnh nhân chỉ cần tập trung hít thở. Có cơ hội lần thứ hai để dành thời gian suy nghĩ.
Bạn có thể mắc bệnh ung thư rất nặng, diễn tiến nhanh, nhưng trên thực tế, phần lớn là vào thời điểm bệnh nhân phát hiện khối u ác tính, nó có thể đã ở đó trong nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ. Nó chỉ đang phát triển từ từ trong cơ thể họ. Nhưng khi nghe chẩn đoán bệnh, họ liền vội vã lao vào chữa bệnh và bị ám ảnh.
Ngay cả khi bệnh nhân quyết định rằng đây là những gì họ muốn làm, tôi vẫn nghĩ họ cần dành thời gian để hiểu 100% về những gì họ đang làm. Đó là điều quan trọng. Bệnh nhân các chuyên khoa khác cũng nên tìm hiểu kỹ căn bệnh của mình trước khi được chữa trị, với bệnh ung thư thì càng nên hiểu rõ hơn.
Tôi không phán xét mọi việc. Tôi không nói rằng bạn nên điều trị tích hợp (nhiều phương pháp một lúc), mặc dù đó là những gì cá nhân tôi đã làm. Tôi nói, “Tôi sẽ ủng hộ bạn 100% cho dù bạn chọn làm gì, nhưng tôi muốn bạn dành toàn bộ trái tim và khối óc cho nó.” Điều đó quan trọng hơn bất cứ điều gì, bởi vì đó là lúc bệnh nhân đã sẵn sàng. Tư duy của họ mạnh mẽ và họ sẵn sàng tiếp nhận bất cứ điều gì.
Lúc này, họ có thể thay đổi quyết định của mình, nhưng tôi không muốn họ lung lay. Tôi muốn họ đi tiếp. Khi đã kiên định, họ sẽ có kết quả tốt hơn và tôi không quan tâm họ quyết định chọn liệu pháp nào.
The Epoch Times: Nhưng nếu ý định tốt của anh không thành công thì sao? Tôi đã nghe thấy cảm giác tội lỗi của những bệnh nhân ung thư, họ cố gắng thay đổi suy nghĩ và thất bại. Nó khiến tôi tự hỏi: Có phải chúng ta đang đòi hỏi quá nhiều ở sự thay đổi tư duy? Và chúng ta nên mong đợi điều gì?
Anh LaGreca: Tôi không muốn gán cho tư duy bất cứ điều gì mà nó không thể làm được. Nhưng tôi có thể nói rằng một người có tư duy đúng đắn sẽ đưa ra những quyết định rất khác so với người không có tư duy. Đối với tôi, món quà của tư duy là khiến ai đó đã tham gia vào quá trình này sẽ kiên định đi tới cùng.
Đây là cách tương tự mà tôi áp dụng với bệnh nhân của mình: Giống như chúng ta đang chơi trò đuổi bắt. Tôi ném bóng cho bạn, và bạn có quyền lựa chọn. Bạn có thể tham gia, nhìn vào vị trí của quả bóng và cố gắng bắt lấy nó. Không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ nắm bắt được nó, nhưng chúng ta có thể kết nối tốt hơn.
Bạn cũng có thể hoàn toàn bỏ lỡ quả bóng.
Điều tôi muốn là bệnh nhân biết rõ mình sẽ làm gì. Tôi muốn ai đó luôn có thể lựa chọn cho bản thân và đưa ra lựa chọn tốt hơn cho chính họ. Không đảm bảo bất cứ điều gì, nhưng nó mang lại cơ hội tốt hơn rất nhiều.
Tư duy chỉ mang lại cơ hội để đưa ra quyết định tốt hơn cho chính họ. Ngay cả khi đã đến thời điểm điều trị mà cuối cùng họ không chống chọi được với căn bệnh ung thư, họ vẫn có cơ hội cho sự tha thứ hoặc chấp nhận cái chết của mình. Đó vẫn là một sự lựa chọn. Đó là một tư duy. Điều đó an ủi họ thay vì tiếp cận nó với sự tuyệt vọng.
Dù ai đó đang ở đâu trong cuộc hành trình của họ, thì tư duy vẫn có thể giúp họ có những lựa chọn.
The Epoch Times: Bài học lớn nhất mà tôi có được từ cuốn sách của anh đó là, nhận ra được sự mất cân bằng của cơ thể và xem xét những thay đổi cần thiết để cân bằng lại. Điều đó khiến tôi nhận ra rằng chữa bệnh không chỉ là làm mất đi các triệu chứng, mà còn là một quá trình học hỏi.
Anh LaGreca: Đó là sự khác biệt giữa chữa lành và chữa bệnh. Chữa bệnh là ngừng quá trình bệnh. Chữa lành là bạn đang trở thành một người mạnh mẽ hơn, có thể làm chủ cơ thể nhiều hơn để chống lại căn bệnh đó.
Chữa lành luôn là một lựa chọn trong tầm tay. Ngay cả khi bạn nằm liệt giường, bạn vẫn có cơ hội để chữa lành. Trong một thế giới hoàn hảo, có thể liên kết cả 2 quá trình chữa bệnh và chữa lành. Có thể thông qua nỗ lực và tư duy của chính bạn giúp cơ thể hồi phục từ đó giúp cơ thể bạn được chữa khỏi. Tuy nhiên, đối với tôi, nếu ai chỉ chọn chữa khỏi bệnh thì họ đã đánh mất cơ hội thay đổi tư duy chính mình.
Nếu một người được chẩn đoán ung thư vú và vẫn tiếp tục duy trì lối sống không lành mạnh, đau buồn, tuyệt vọng hoặc tức giận, về cơ bản họ đang không làm chủ chính mình.
Chữa bệnh cũng quan trọng. Chúng ta cần thuốc, phẫu thuật, dịch vụ y tế, nhưng chúng ta cũng cần những người sống và sẵn sàng sống trên hành tinh này với tâm hồn đẹp đẽ, đầy nhựa sống.
Theo dõi Conan trên Twitter: @ConanMilner
Do ConanMilner thực hiện
Công Thành biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: