Tam Y Luận Đàm: Thượng Y trị quốc, Trung Y trị nhân, Hạ Y trị bệnh

Tam Y Luận Đàm - Phần 4

Trung Hoa cổ có một câu rằng, “Nếu không làm lương tướng thì cũng làm lương y.” Vậy lương tướng và lương y có mối quan hệ ra sao?

Phải nói rằng cuộc sống thời hiện đại là rất hứng khởi – và các công việc tất bật thường hằng có thể đi kèm với căng thẳng, lo lắng, và kiệt quệ về tinh thần. Đối với nhiều người, duy trì sức khỏe thể chất tốt giữa nhịp sống hối hả là mục tiêu hàng đầu.

Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan là bác sĩ tâm thần nổi tiếng người Trung Quốc sinh sống và làm việc tại tiểu bang Philadelphia, đã giới thiệu loạt bài giảng “Tam Y Luận Đàm” để chia sẻ những hiểu biết của ông về mối liên hệ giữa tâm trí và cơ thể.

Sau đây là bản sao chép từ các bài giảng.

Phần 1, Phần 2, Phần 3

Hạ y trị bệnh, Trung y trị nhân, Thượng y trị quốc, hoan nghênh mọi người đến với Tam Y Luận Đàm. Tôi là bác sĩ Dương, ở tập trước chúng ta đã thảo luận về khái niệm Trung y trị nhân và hiểu biết của chúng ta. Tập trước nữa chúng ta đã thảo luận về khái niệm Hạ y trị bệnh, hôm nay tôi sẽ chia sẻ hiểu biết của tôi về Thượng y trị quốc

Nếu không làm lương tướng thì làm lương y

Trung Hoa có một câu rằng, “Nếu không làm lương tướng thì cũng làm lương y.” Trong lịch sử Trung Hoa từng có những cố sự như vậy, đang làm tể tướng nhưng chuyển sang làm thầy thuốc, cũng có người từ thầy thuốc chuyển sang làm tể tướng. Vậy lương tướng và lương y có mối quan hệ gì? Câu trả lời nằm ở mối liên hệ giữa việc thầy thuốc trị bệnh và tể tướng quản lý quốc gia.

Điều bác sĩ quan tâm chính là sức khỏe của mỗi cá nhân, qua trị liệu giảm bớt thống khổ, hoặc cứu vãn sinh mệnh một con người. Đồng thời, người quản lý quốc gia cũng là quản lý sức khoẻ một quốc gia, giảm bớt thống khổ của người dân và cứu vãn sinh mệnh. Cho nên chính sách, cách quản lý, phương thức và lý niệm của người quản lý quốc gia đối với sức khoẻ và tương lai người dân càng có ảnh hưởng rộng lớn, đây chính là điều cổ nhân nói, “Thượng Y Trị Quốc.”

Chính sách y tế cộng đồng tốt giúp bảo vệ sức khỏe người dân

Đối với sức khỏe người dân nói chung, quốc gia cần chế định ra chính sách y tế cộng đồng và lý niệm sức khỏe tốt đẹp, thì mới có thể từ trên căn bản giải quyết vấn đề sức khỏe. Chỉ dựa vào mình bác sĩ không thể chữa hết mọi bệnh, trị không hết cứu không hết hết thảy mọi người.

Do đó các thượng y trị quốc là vô cùng trọng yếu, trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều ví dụ. Chẳng hạn như khi chính phủ đưa ra quyết sách sai lầm, lâm vào một cuộc chiến không nên có, sẽ mất đi nhiều sinh mệnh vô tội, tổn thất như vậy không phải điều bác sĩ có thể vãn hồi, đây chỉ là một ví dụ.

Còn có ví dụ trực tiếp hơn, một quốc gia nếu như đem mọi tài lực vào trị liệu bệnh, có thể khiến chính phủ đạt được đột phá y học mang tính mũi nhọn, nhưng điều này sẽ không giúp cải thiện đáng kể sức khỏe người dân, thậm chí còn đem đến tác dụng phụ không mong muốn.

Hiện nay tại nước Mỹ, các chính trị gia thường xuyên thảo luận một vấn đề là cải cách chính sách chăm sóc sức khỏe. Tại nước Mỹ công ty bảo hiểm y tế gọi là health insurance, chính là bảo hiểm sức khỏe. Chính sách chăm sóc sức khoẻ của nước Mỹ gọi là quản lý sức khỏe. Kỳ thật nhìn kỹ, nước Mỹ cũng không có hệ thống quản lý sức khỏe. Bác sĩ và bệnh viện chủ yếu đều thuộc điều chúng ta nói là “hạ y,” chủ yếu là trị liệu tật bệnh và cấp cứu, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, khối u, tai nạn v.v… Toàn bộ hệ thống y tế đều là quản lý bệnh tật và hệ thống can thiệp khủng hoảng, trên thực chất không thể gọi là hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Những cuộc tranh luận không hồi kết giữa các chính trị gia không gì ngoài việc áp dụng cách điều trị bệnh và hệ thống quản lý khủng hoảng đến nhiều người hay ít người hơn, nhóm người nào hưởng lợi, hy sinh nhóm người nào, ai trả nhiều tiền, ai trả ít tiền, kỳ thực không giải quyết được vấn đề căn bản.

Tôi cho rằng thứ cần cải cách chính là làm thế nào đầu tư chân chính tài nguyên cộng đồng, nhân lực, tài lực vào trị người và trị quốc, để cải thiện sức khỏe toàn bộ người dân. Chúng ta hy vọng rằng khi công nghệ y học ngày càng tinh vi hơn, thì càng ít người cần sử dụng đến. Nếu như bác sĩ ngoại khoa không cần mổ nhiều đến vậy, lượng tai biến phẫu thuật sẽ tự nhiên giảm đi. Chúng ta cũng hy vọng khi con người giảm bớt lượng thuốc và loại thuốc cần uống, thì tỷ lệ tử vong do tác dụng phụ của thuốc cũng giảm theo.

Trị quốc cần đạo đức tinh thần

Từ quan điểm của Trung y, thượng y trị quốc còn mang một ý nghĩa trọng yếu khác, chính là hành vi chuẩn tắc mà một xã hội tuân theo, điểm này phi thường trọng yếu. Tôi thích dùng xe hơi làm ví dụ, vận mệnh chiếc xe có quan hệ mật thiết với tài xế. Nếu như tài xế không dưỡng thành được thói quen và bảo dưỡng xe tốt, xe sẽ nhanh xuống cấp.

Nếu như thói quen lái của người này tệ hơn nữa, chẳng hạn không đeo dây an toàn, không tuân thủ quy tắc giao thông, thậm chí say rượu khi lái xe, như vậy không chỉ đem đến kết cục không tốt cho chiếc xe, mà còn nguy hại đến sức khoẻ và tính mệnh của người khác.

Vậy chúng ta nên dùng thứ gì để ước chế người tài xế – tinh thần và linh hồn của con người? Dùng cái gì bảo vệ tinh thần và linh hồn của chúng ta? Cái này liên quan đến điều chúng ta thường gọi là “đạo đức.”

Ngôn ngữ Trung Hoa có nội hàm rất thâm sâu. Chẳng hạn như người Trung Hoa muốn nói tôi biết, tôi hiểu, thì thường nói “ngã tri đạo.” Nghĩa là trong tiếng Trung, biết hàm ý là biết “Đạo,” hiểu “Đạo.”

Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín là con đường trị quốc

“Đạo” là gì, chính là nói nhân sinh chi “Đạo”– hay là cách sống và chân lý. Bên cạnh đó, chúng ta thường đánh giá một người làm việc là dùng “đúng phương pháp hay không đúng phương pháp.” Từ bề ngoài mà nhìn là chỉ phương pháp làm việc đúng hay không.

Trên thực tế “Pháp” là chỉ trên thế giới này mỗi một cấp độ đều có chân lý tương ứng, cũng chính là “Pháp.” Đúng theo Pháp là chỉ người có thể nắm giữ chân lý. Vô luận là chân lý ở tầng thứ nào, cũng đều có tác dụng chỉ đạo chuẩn tắc cuộc sống của chúng ta ở tầng thứ đó.

Truyền thống văn hóa Trung Hoa còn có khái niệm nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, có tác dụng ước thúc tư tưởng tinh thần và hành vi của một người.

Nếu như người chế định chính sách quốc gia ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ những quan điểm và bảo vệ các giá trị giúp con người đạt được nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, như vậy người quản lý quốc gia này có thể nói là chân chính làm được thượng y trị quốc, đối với quốc dân mà nói, phúc lợi là rất lớn. Đây là khái niệm thượng y trị quốc mà chúng ta nói đến hôm nay.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn