Tại sao con trẻ cần có sự nhàm chán?
Sự nhàm chán giúp củng cố kỹ năng giải quyết vấn đề của trẻ, nhưng việc giải trí liên tục từ điện thoại lại làm những bộ óc đang phát triển này mất đi những lợi ích về mặt nhận thức.
Bạn có nhớ khi còn nhỏ, chúng ta thường hay than vãn “Sao nhàm chán quá vậy!” giữa những ngày hè tưởng chừng như vô hạn? Trong thế giới của điện thoại thông minh cùng những lần lướt mạng vô tận, khoảnh khắc nhàm chán dường như rất hiếm gặp ở giới trẻ thời nay. Tuy nhiên, sức khỏe tinh thần của các em có thể phụ thuộc vào điều đó.
Các nhà tâm lý cho biết việc thiếu sự nhàm chán có thể trở thành chướng ngại cho khả năng sáng tạo và thỏa mãn.
Những cuộc vui bất tận có liên quan đến giảm khả năng sáng tạo
Theo bà Stephanie Lee, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về tối ưu hóa giáo dục và sức khỏe tâm thần ở trẻ, sự nhàm chán là nền tảng để trẻ em và thanh thiếu niên sáng tạo ý tưởng. Bà cho biết, việc giải trí quá mức bằng công nghệ thông minh khiến trẻ mất đi điều này, do đó làm cản trở trí tưởng tượng của trẻ.
Một nghiên cứu nhi khoa năm 2019 được công bố trên Tập san Italian Journal of Pediatrics (Nhi khoa Ý) cho thấy mạng xã hội có liên quan đến giảm khả năng sáng tạo ở thanh thiếu niên. Các nhà nghiên cứu cho rằng mạng xã hội và điện thoại thông minh có mối tương quan đến việc giảm kết quả học tập, giảm khả năng tập trung và sáng tạo.
Nghiên cứu ủng hộ cơ sở khoa học ngày càng tăng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa mạng xã hội và sự suy giảm sức khỏe tâm lý ở thanh thiếu niên. Theo một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên Tập san Journal of Education and Health Promotion (Giáo dục và Nâng cao Sức khỏe), thanh thiếu niên nghiện mạng xã hội thường thiếu một số kỹ năng nhất định như giải quyết vấn đề và tính bền bỉ.
Bà Lee cho biết, các hoạt động giải trí cũng ngăn cản khả năng sáng tạo nếu trẻ so sánh những hành động của mình với thứ tiếp nhận từ bên ngoài. Ngược lại, các hình thức giải trí khác – chẳng hạn như xem phim tài liệu giúp cải thiện cách suy nghĩ hoặc tham dự buổi hòa nhạc – có thể kích thích sự sáng tạo.
Trẻ em cảm thấy nhàm chán có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn
Bà Sandi Mann, giáo sư tâm lý học tại Đại học Central Lancashire ở Anh, nói với The Epoch Times rằng sự nhàm chán là tác nhân hình thành các kỹ năng sống cơ bản. Bà nói, “Khi dùng điện thoại di động để đỡ nhàm chán, chúng ta đang vô tình bỏ lỡ cơ hội này.”
“Chúng ta không nên cho phép tâm trí trở nên mông lung mà cần tự tìm ra giải pháp sáng tạo cho sự nhàm chán.”
Giải tỏa sự nhàm chán giúp cải thiện khả năng giải quyết vấn đề, điều này có liên quan đến cải thiện sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu được công bố trên Tập san International Journal of Preventive Medicine (Y khoa Dự phòng Quốc tế) cho thấy việc có hoặc không có khả năng giải quyết vấn đề thậm chí có thể báo trước trầm cảm và lo âu. Bà Lee nói, “Giải quyết vấn đề một cách độc lập là cách giúp trẻ em và thanh thiếu niên xây dựng khả năng tự chủ, lòng tự trọng và sự tự tin.”
Trong khi việc viết nhật ký và nghệ thuật giúp tăng khả năng giải quyết vấn đề, mạng xã hội lại làm suy yếu điều đó. Lượng dopamine tăng nhanh sau khi xem mạng xã hội mang lại sự hài lòng trong thoáng chốc và có thể dẫn đến trầm cảm. Ngược lại, việc tự mình giải quyết vấn đề sẽ đem lại thành quả và sự hài lòng dài lâu.
Bà Mann nói, “khoảnh khắc hứng khởi” khi giải quyết được vấn đề sẽ xóa bỏ cảm giác bất lực, điều này rất hữu ích cho sức khỏe tinh thần.
Thời gian nhàn rỗi rất quan trọng để phát triển tính bền bỉ ở thanh thiếu niên
Bà Lee nói, nghiên cứu liên kết sự cải thiện trong khả năng giải quyết vấn đề với việc phát triển tính bền bỉ. Do đó, sự nhàm chán có thể phát triển tính bền bỉ, điều mà thế hệ Z (thường được định nghĩa là những người sinh từ 1995 đến 2010) dường như đang thiếu. Đây là thế hệ dành hàng tiếng mỗi ngày trên mạng xã hội.
Cũng giống như việc giải trí làm cản trở khả năng giải quyết vấn đề, nghiên cứu cho thấy giải trí còn làm giảm tính bền bỉ của thanh thiếu niên khi đối mặt với những tình huống thử thách. Bà Lee cho biết, “Khả năng kiểm soát độc lập sự nhàm chán thể hiện tính tự chủ và hiệu quả của bản thân. Đây là nền tảng để phát triển tính bền bỉ.”
Vậy lợi ích khác của nhàm chán là gì? Sự nhàm chán giúp trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn quản lý cảm xúc căng thẳng và vượt qua nghịch cảnh. Điều này giúp chúng ta có sự chuẩn bị khi đối mặt những thách thức lớn hơn trong tương lai.
Nam Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times