Thuốc bôi dân gian: Sơ cứu bằng thảo dược cho vết cắt nhỏ, vết bỏng, côn trùng cắn và phát ban
Sơ cứu bằng thảo dược: Điều trị vết thương cấp tính bằng thuốc tự nhiên (Phần 5)
Trong loạt bài “Sơ cứu bằng thảo dược,” chúng tôi xem xét các lựa chọn thay thế tự nhiên cho phương pháp sơ cứu hiện đại, thường bao gồm các thuốc làm từ hóa chất tổng hợp. Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp tự nhiên cho tình huống cấp tính, loại thảo mộc được đề cập dưới đây chính là lựa chọn an toàn, hiệu quả và dễ kiếm dành cho bạn.
Trải nghiệm đầu tiên của tôi với thuốc bôi dân gian là khi chú chó của tôi bị sư tử núi cắn. Vết cắn xuyên qua tai, làm toạc da đầu, để lộ xương.
Tôi lập tức băng bó vết thương, nhưng không cầm được máu. Đột nhiên, tôi nhớ ra có một người bạn trước đây đã mách cho tôi một phương thuốc thảo dược để cầm máu. Tôi đã tìm thấy phương thuốc đó và bôi lên cả hai vết thương. Chỉ vài giây sau là máu đã ngừng chảy!
Những ngày sau đó, tôi vẫn tiếp tục bôi thuốc vào vết thương khi cần. Trong vòng vài tuần, vết thương đã lành hẳn mà không cần dùng thuốc kháng sinh hay phải khâu mũi nào. Ngay cả bác sĩ thú y cũng ngạc nhiên vì không ngờ phương thuốc thảo dược này lại có tác dụng mạnh đến như vậy.
Kể từ giây phút đó, tôi đã bị cuốn hút vào liệu pháp thuốc bôi dân gian!
Thuốc bôi dân gian là gì?
Thuốc bôi dân gian là sự kết hợp của các loại thảo mộc trong các nền văn hóa cổ xưa để cầm máu, khử trùng vết thương, chữa lành vết cắt và vết thương thủng da. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể dùng thuốc bôi thay thế các mũi khâu.
Mặc dù có một số công thức hướng dẫn làm thuốc bôi dân gian nhưng tôi vẫn thích phương thuốc kết hợp gồm các loại thảo mộc Hải cẩu vàng, vỏ cây Du trơn, cây Hoa chuông và nhựa cây Một dược để làm thuốc bôi dân gian.
Hải cẩu vàng
Trung y đã dùng cây Hải cẩu vàng (Hydrastis canadensis) trong nhiều thế kỷ để điều trị nhiễm trùng da. Người Mỹ bản địa đã dùng hải cầu vàng để chữa lành vết thương, vết loét, rối loạn tiêu hóa, bệnh về da và mắt, cũng như ung thư.
Cây Hải cẩu vàng chứa berberine, được dùng trong y học hiện đại để chống nhiễm trùng. Với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa của berberine, cây Hải cẩu vàng đã trở thành một lựa chọn tuyệt vời giúp chữa lành vết cắt và các vết thương ngoài da khác.
Vỏ cây Du trơn
Cây Du trơn (Ulmus rubra) là một loại cây có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Trung y đã dùng lớp vỏ cây bên trong để làm ra phương thuốc giúp chữa lành vết thương, cũng như sốt, ho, đau họng, trĩ, và rối loạn tiêu hóa.
Người Mỹ bản địa trộn lớp vỏ bên trong của các nhánh cây và cành cây với nước để tạo ra một chất dính nhầy, được dùng bôi tại chỗ để điều trị tình trạng viêm da và chấn thương, chẳng hạn như vết cắt và vết thương.
Trong cuộc Cách mạng Hoa Kỳ, các bác sĩ phẫu thuật đã dùng vỏ cây Du trơn để chữa lành vết thương do đạn bắn.
Vỏ cây Du trơn có đặc tính kháng sinh và chống oxy hóa. Nghiên cứu năm 2019 đã kết luận rằng vỏ cây Du trơn là một chất kháng khuẩn hiệu quả chống lại liên cầu khuẩn, là loại vi khuẩn chính gây ra viêm họng (đau họng).
Chất nhầy trong cây Du trơn cung cấp lớp bảo vệ tự nhiên giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc kích ứng vết thương.
Do các đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và bảo vệ, nên vỏ cây Du trơn là một phương thuốc tuyệt vời cho các vết thương và tình trạng viêm da, như bệnh vẩy nến và bỏng.
Hoa chuông
Hoa chuông (Symphytum officinale) được cho là một phương pháp điều trị tại chỗ hiệu quả đối với các triệu chứng đau, sưng, viêm, bong gân, nhiễm trùng và căng cơ, cũng như chấn thương do va chạm và vết thương ngoài da.
Hoa chuông đã được báo cáo là an toàn cho điều trị cả da lành và da bị tổn thương.
Nhựa cây Một dược
Một dược là một trong ba món quà mà các nhà thông thái đã tặng cho Chúa Jesus khi ngài ra đời. Điều này cho thấy sự tôn kính của họ đối với loài cây này.
Việc sử dụng nhựa thơm (Commiphora guidottii hoặc Commiphora myrrha) trong y học cổ truyền để điều trị vết thương ngoài da đã được ghi nhận rõ ràng. Gần đây, khoa học đã đưa ra những bằng chứng chứng minh cho nhận định đó.
Cây Một dược có các đặc tính chống viêm và giảm đau, có thể giúp giảm sưng và đau.
Nghiên cứu năm 1992 đã kết luận rằng cây Một dược có tác dụng kháng khuẩn chống lại khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Đây là một trong những vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất.
Ngoài ra, các hoạt động kháng khuẩn và kháng nấm của cây Một dược được tuyên bố là “tương đương với các loại kháng sinh tiêu chuẩn ciprofloxacin và griseofulvin.”
Là một phương thuốc dựa trên thực vật và với các tác dụng phụ hiếm gặp, cây Một dược có thể là lựa chọn thay thế tốt hơn ciprofloxacin – có thể gây nhiễm trùng thận đột ngột, cũng như đau khớp và cơ. Các tác dụng phụ tiềm ẩn của griseofulvin bao gồm mệt mỏi, suy nhược, đau khớp và cơ, tiêu chảy, sốt và lú lẫn.
Khi nào nên sử dụng thuốc bôi dân gian
Bạn có thể dùng thuốc bôi dân gian để tránh dùng các hóa chất nhân tạo mà vẫn giảm được các vấn đề về da.
Thuốc bôi dân gian có thể dùng cho những tình huống cấp tính sau: vết cắt nhỏ, vết bỏng nhẹ, vết thủng da, vết bầm tím, nhọt, phát ban và ngứa do côn trùng cắn.
Có thể lựa chọn các hình thức khác nhau của thuốc bôi dân gian
Bạn có thể mua thuốc bôi dân gian trực tuyến hoặc tự làm tại nhà.
Lời khuyên về chất lượng
Cho dù mua hay tự làm thuốc bôi dân gian, bạn nên chọn các thành phần hữu cơ hoặc chưa bị phun thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ.
Công thức làm thuốc bôi dân gian
Cho 8 muỗng canh
Thành phần:
- 2 muỗng canh bột Hải cẩu vàng
- 2 muỗng canh bột vỏ cây Du trơn
- 2 muỗng canh bột Hoa chuông
- 2 muỗng canh nhựa cây Một dược, trộn thành bột
Hướng dẫn cách dùng:
- Trộn tất cả các thành phần nói trên trong một bát thủy tinh cho đến khi nhuyễn hoàn toàn.
- Bảo quản trong hộp thủy tinh đậy kín.
Liều lượng:
- CHỈ DÙNG BÔI NGOÀI DA. Thoa trực tiếp lên da.
- Nếu có thể, nên làm sạch vết thương trước bằng xà phòng và nước.
Dùng dạng bột khô: Thoa bột khô trực tiếp lên vết cắt hoặc vết thương, nên nhẹ nhàng rắc bột vào vết thương. Chỉ dùng lực khi cần thiết.
Dùng dạng sệt: Thêm mật ong nguyên chất, nước ấm hoặc dầu vào bột khô cho đến khi tạo thành hỗn hợp sệt. Bôi lên vết cắt hoặc vết thương (chỉ dùng lực khi cần thiết). Để khô để tạo thành “vết sẹo.”
Sau khi phết thuốc lên vết thương, có thể dùng gạc hoặc băng cá nhân, nếu cần. Nếu thuốc bị rơi ra hoặc bị bong ra, hãy nhẹ nhàng bôi lại.
Để yên vết thương cho đến khi lành hẳn và giữ không để vết thương bị ướt; lúc này thuốc sẽ tạo thành một loại băng tự nhiên hoặc “vết sẹo” trên vết thương, vì vậy không nên bóc ra.
Các giải pháp phòng ngừa và các phản ứng có thể xảy ra
Mặc dù không hay gặp, nhưng thuốc bôi dân gian vẫn có thể phản ứng với da. Do đó, khi dùng lần đầu tiên, nên thoa một lượng nhỏ lên da. Nếu không có kích ứng hoặc phản ứng nào xảy ra thì mới thoa tùy ý.
Tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi dùng thuốc bôi dân gian đối với trường hợp mang thai hoặc cho con bú. Nếu nhạy cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, không nên dùng thuốc.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times