Nghiên cứu: Điều trị bệnh nướu răng có thể phòng ngừa loạn nhịp tim tái phát
Có thể nhiều người chưa nhận ra, nhưng sức khỏe của trái tim có mối liên hệ mật thiết với sức khỏe răng miệng.
Bàn chải đánh răng của bạn có thể giúp duy trì nhịp tim ổn định? Nghiên cứu trên Journal of the American Heart Association (Tập san của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ) đưa ra mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và sự ổn định của nhịp tim.
Những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật triệt đốt qua ống thông để điều trị rung nhĩ, đặc trưng bởi nhịp tim nhanh và không đều, có thể ngạc nhiên khi biết rằng bước tiếp theo liên quan đến chăm sóc nha khoa. Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản phát hiện thấy việc giải quyết bệnh nướu răng ngay sau khi thực hiện thủ thuật sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh tim. Những người được điều trị bệnh nướu răng trong vòng ba tháng sau khi đốt có tỷ lệ tái phát rung nhĩ thấp hơn nhiều.
Hướng tới một trái tim khỏe mạnh hơn
Nghiên cứu kéo dài hai năm, bao gồm những người trưởng thành đang điều trị rung nhĩ, nhằm mục đích điều tra mối liên hệ giữa sức khỏe răng miệng và tái phát rung nhĩ.
Trước khi tiến hành thủ thuật đốt qua ống thông, nha sĩ đã đánh giá sức khỏe răng miệng của mỗi người tham gia bằng cách sử dụng thước đo diện tích bề mặt bị viêm nha chu, thước đo này đo mức độ viêm nướu.
Trong số 288 người tham gia, 97 người chọn điều trị bệnh nướu răng một và ba tháng sau khi phẫu thuật tim. Điều trị bao gồm giáo dục vệ sinh răng miệng, làm sạch sâu bằng thiết bị siêu âm và dụng cụ thủ công để loại bỏ mảng bám và cao răng, cuối cùng là đánh bóng để ngăn mảng bám dính. Những người tham gia nghiên cứu tiếp tục dùng thuốc chống đông máu được kê đơn trong suốt thời gian điều trị.
Các phát hiện cho thấy rung nhĩ quay trở lại ở 24% số người tham gia trong thời gian theo dõi. Tuy nhiên, những người được điều trị viêm nướu sau thủ thuật đốt có nguy cơ tái phát rung nhĩ thấp hơn 61% so với những người không được điều trị bệnh nướu răng.
Nghiên cứu còn tiết lộ thêm rằng những bệnh nhân rung nhĩ tái phát bị bệnh nướu răng nghiêm trọng hơn những người không tái phát. Nghiên cứu đã xác định nhiều yếu tố dự đoán tái phát:
- Sự hiện diện của bệnh nướu răng
- Tiền sử nhịp tim không đều kéo dài hơn hai năm
- Thể tích nhĩ trái lớn hơn, có thể khiến các cá nhân bị tái phát rung nhĩ thông qua sự dày lên và sẹo của các mô liên kết
Ngoài ra, tỷ lệ tái phát ở nữ nhiều hơn nam.
Tiến sĩ Shunsuke Miyauchi, tác giả chính của nghiên cứu và là phó giáo sư tại Trung tâm Dịch vụ Y tế tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, cho biết, “Việc quản lý bệnh nướu răng đúng cách dường như cải thiện tiên lượng của rung nhĩ và nhiều người trên thế giới có thể được hưởng lợi từ nó.”
Nghiên cứu này rất có ý nghĩa đối với ước tính khoảng 6 triệu người Mỹ đang sống chung với rung nhĩ—con số dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Rung nhĩ là một bệnh liên quan đến điện của tim, làm tăng nguy cơ đột quỵ lên tới 5 lần.
Các yếu tố nguy cơ được công nhận hiện nay của rung nhĩ bao gồm các vấn đề về lối sống và sức khỏe như:
- Béo phì
- Ít vận động
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Cholesterol cao
- Hút thuốc
- Uống rượu hoặc caffeine
Các tác giả nghiên cứu đề nghị bổ sung bệnh nướu răng hoặc viêm nha chu vào danh sách này.
Kết nối tim-miệng
Nướu bị viêm có thể đóng vai trò là cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây cản trở đường dẫn truyền điện của tim. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ tuyên bố, “Một số vi khuẩn sống trong miệng có thể di chuyển theo dòng máu đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả tim và phổi.”
Nghiên cứu cho thấy những người tham gia bị viêm nướu nghiêm trọng có nồng độ protein phản ứng C và các cytokine gây viêm trong máu cao hơn rõ rệt – cả hai đều là dấu hiệu của tình trạng viêm – so với những người mắc bệnh nướu răng nhẹ hơn.
Tiến sĩ Miyauchi cho biết, “Chúng tôi hiện đang nghiên cứu sâu hơn để vén màn cơ chế tạo nên mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và rung nhĩ.”
Nghiên cứu trước đây của Tiến sĩ Miyauchi đã xác định chính xác mối liên hệ trực tiếp giữa bệnh nướu răng và sẹo ở buồng trên bên trái của tim, có khả năng gây ra rung nhĩ. Nghiên cứu cho thấy một mô hình rõ ràng: Bệnh nướu răng càng nghiêm trọng thì vết sẹo trong tim càng nghiêm trọng, cho thấy viêm nướu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch.
Tiến sĩ Miyauchi cho biết, “Viêm nha chu có liên quan đến tình trạng viêm kéo dài và tình trạng viêm đóng vai trò chính trong sự tiến triển của xơ hóa tâm nhĩ và sinh bệnh học rung nhĩ.”
Tối ưu hóa sức khỏe trước khi đốt
Bác sĩ tim mạch, Tiến sĩ Jack Wolfson cũng cho biết có mối liên hệ đáng kể giữa sức khỏe răng miệng và tim.
Ông nói với The Epoch Times, “Trước khi đốt, việc giải quyết vấn đề sức khỏe răng miệng cùng với các yếu tố lối sống khác như cách ăn uống, tập thể dục, căng thẳng và giấc ngủ là điều cần thiết.”
Những chiến lược này rất quan trọng đối với những bệnh nhân đang cân nhắc phương pháp phẫu thuật này để điều chỉnh nhịp tim.
Tiến sĩ Wolfson cho biết, “Tối ưu hóa sức khỏe và giải quyết tình trạng viêm trước khi đốt không chỉ giúp tăng cơ hội thực hiện thủ thuật thành công mà còn giúp giảm bớt tác dụng phụ của bức xạ.”
Bệnh nướu răng phần lớn có thể phòng ngừa được, bao gồm sự kết hợp của thói quen chăm sóc hàng ngày, lựa chọn cách ăn uống và điều chỉnh lối sống nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ liên quan đến sự phát triển của bệnh nướu răng.
7 chiến lược chính để ngăn ngừa bệnh nướu răng
1. Ưu tiên vệ sinh răng miệng
Đánh răng ít nhất hai lần một ngày bằng kem đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày để loại bỏ mảng bám khỏi những khu vực mà bàn chải đánh răng của bạn không thể chạm tới.
2. Khám răng định kỳ
Đến gặp nha sĩ ít nhất hai lần một năm để kiểm tra và làm sạch chuyên nghiệp nhằm loại bỏ cao răng, điều có thể dẫn đến bệnh nướu răng.
3. Thực đơn ăn uống cân bằng
Hạn chế ăn đường và kết hợp các thực phẩm chống viêm vào thực đơn ăn uống của bạn để giúp giảm viêm khắp cơ thể.
4. Ăn trái cây và rau quả giòn
Các chất tẩy rửa tự nhiên như táo và cần tây có thể giúp làm sạch răng và mang lại hơi thở thơm mát.
5. Uống đủ nước
Uống nhiều nước trong ngày để giúp làm sạch các mảnh thức ăn và duy trì độ pH trung tính trong miệng.
6. Quản lý căng thẳng
Thực hiện các kỹ thuật quản lý căng thẳng để giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến viêm, bao gồm cả bệnh nướu răng.
7. Tránh súc miệng
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times