Làm sao để thoát khỏi sự lệ thuộc vào điện thoại ?
Thoát khỏi nhà tù kỹ thuật số của bạn với những mẹo, thủ thuật và sự thông thái.
Trung bình, mọi người dành hơn ba tiếng mỗi ngày cho điện thoại, nhấc thiết bị này lên gần 60 lần một ngày, một số người thậm chí dành gần bốn tiếng.
Những con số này không nhằm mục đích phán xét — việc nhìn vào điện thoại của bạn không phải là điều xấu — mà thay vào đó nhằm mục đích mang lại một số nhận thức về việc sử dụng điện thoại của chúng ta.
Rất nhiều người mà tôi nói chuyện muốn giảm mức sử dụng điện thoại của họ, không nhất thiết phải giảm xuống 0, mà giảm thời lượng sử dụng do sự thôi thúc.
Nhiều người trong chúng ta có xu hướng nhấc điện thoại cá nhân lên bất cứ khi nào rảnh, dẫn đến việc lướt màn hình một cách vô thức.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể sử dụng điện thoại một cách có ý thức hơn và ít phụ thuộc hơn vào những chiếc di động này?
Hãy cùng nhau khám phá.
Hãy sử dụng điện thoại một cách có chủ ý
Nếu bạn không có nhận thức về điều gì đó, bạn không thể thay đổi nó. Vì vậy, bước đầu tiên và quan trọng nhất là sử dụng điện thoại một cách có chủ ý, hay còn gọi là chánh niệm.
Dưới đây là cách thực hiện:
- Lấy một cuốn sổ nhỏ hoặc một mẩu giấy và mỗi lần bạn với lấy điện thoại, hãy đánh dấu vào tờ giấy. Điều này sẽ mang lại nhận thức về việc tiếp cận điện thoại của bạn.
- Chú ý cảm xúc của bạn khi cầm lấy điện thoại. Hãy viết điều đó ra giấy hoặc sổ ghi chép. Chán nản, lo lắng, choáng ngợp, buồn bã, cô đơn, sợ hãi hoặc thất vọng — bất kỳ cảm xúc nào trong số này đều có thể đang khiến bạn cố gắng giải quyết qua điện thoại trên tay. (Gợi ý: Điều này là vô ích.)
- Hãy hít thở ba lần trước khi mở khóa điện thoại. Bạn đang cầm điện thoại trong tay — dừng lại một chút và hít thở ba lần. Hãy chú ý đến cảm xúc khiến bạn muốn với lấy chiếc điện thoại. Hơi thở có giúp ích cho cảm xúc đó không?
Hãy tự cam kết thực hiện việc này trong một tuần. Bạn sẽ phát triển chánh niệm hay ý thức về việc sử dụng điện thoại ngay cả khi bạn không chấm dứt việc sử dụng như trước đây.
Phá vỡ thói quen lệ thuộc vào điện thoại
Tại thời điểm này, việc thực hành chánh niệm đã giúp bạn thành công trong việc phá bỏ thói quen.
Hãy xem làm thế nào để thay đổi thói quen.
1. Hiểu lý do của bạn
Trước khi bắt đầu, hãy tự hỏi tại sao bạn muốn thực hiện thay đổi này. Điều này có quan trọng không, hay chỉ là kiểu “điều này sẽ tốt thôi?” Nếu việc thực hiện thay đổi chỉ là “tốt thôi” thì bạn sẽ không kiên trì thực hiện, vì chúng không quan trọng hơn sự thôi thúc trong bạn. Bạn cần một lý do có ý nghĩa hơn, chẳng hạn như sẽ giúp bạn có sức khỏe tinh thần tốt hơn, các mối quan hệ tốt hơn, năng suất làm việc tốt hơn hoặc bất cứ điều gì có ý nghĩa đối với bạn. Hãy viết lý do này ra giấy và đăng ở nơi nào đó mà bạn có thể nhìn thấy hàng ngày.
2. Lên kế hoạch
Hãy cam kết thực hiện sự thay đổi này. Bạn có kế hoạch không xem mạng xã hội hoặc một số ứng dụng nhất định trên điện thoại của bạn? Chỉ sử dụng những ứng dụng đó hai lần mỗi ngày, mỗi lần 30 phút? Không bao giờ sử dụng điện thoại ngoại trừ việc đọc sách hoặc nghe nhạc? Hãy đặt ra kế hoạch rõ ràng và cam kết thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định – giả sử là bốn tuần.
3. Màn hình khoá nhắc nhở
Hãy lựa chọn hình ảnh cho màn hình khóa điện thoại để nhắc nhở bạn về ý định của mình. Một khung cảnh thiên nhiên, một câu trích dẫn, một bức ảnh của con bạn, bất cứ thứ gì. Điều này sẽ giúp bạn ý thức được bất cứ khi nào có sự thôi thúc muốn nhấc chiếc điện thoại lên.
4. Tìm những hoạt động ý nghĩa khác
Bạn muốn làm gì thay vì nhìn vào điện thoại? Đó phải là thứ gì đó giải quyết những cảm xúc mà bạn đã xác định trong phần “chánh niệm,” và là thứ mà bạn thích thú hoặc thấy có ý nghĩa.
Ví dụ: nếu bạn với lấy điện thoại khi cảm thấy choáng ngợp hoặc lo lắng, có thể ngồi thiền, thực hiện một vài tư thế yoga hoặc đi bộ một đoạn ngắn sẽ giúp bạn giải quyết những cảm xúc đó và mang lại sức khỏe tốt hơn hoặc tinh thần minh mẫn hơn.
Những ý tưởng khác:
- Kết nối với một người bạn.
- Thực hiện một số động tác giãn cơ hoặc chống đẩy.
- Uống một tách trà.
- Thực hiện một số bài tập thở.
- Viết cho ai đó một lời nhắn yêu thương.
5. Thực hành việc tạm dừng
Khi bạn chuẩn bị sử dụng điện thoại, hãy tập tạm dừng một chút. Thở. Chú ý cảm xúc của bạn. Chú tâm đến những cảm giác ấy. Hãy cân nhắc đến câu hỏi “tại sao” một cách có ý nghĩa và cả ý định của bạn. Nếu bạn không thể tránh sử dụng điện thoại sau lần tạm dừng này, đừng tự dằn vặt mình. Chỉ riêng việc bắt đầu tạm dừng đã là một bước tiến lớn, rất lớn. Hãy ăn mừng bất kỳ sự tiến bộ nào.
6. Sẵn sàng đồng hành cả cuộc đời
Chúng ta thường sử dụng điện thoại vì có những thứ chúng ta không muốn cảm nhận hoặc trải nghiệm. Đó là một cơ chế tránh né. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta rèn luyện bản thân để cởi mở với mọi trải nghiệm – mọi khía cạnh của cuộc sống? Chúng ta sẽ không cần cơ chế đối phó của mình nữa. Vì vậy, mỗi khi bạn với tới chiếc điện thoại, hãy đồng hành và cởi mở với trải nghiệm mà bạn muốn tránh. Đây là một bài tập huấn luyện; bằng việc thực hành, bạn sẽ nâng cao khả năng hiện diện của mình trong mọi trải nghiệm mà cuộc sống mang lại.
7. Đánh giá lại mỗi ngày
Vào cuối mỗi ngày, trước khi đi ngủ, hãy đặt lời nhắc nhở việc đánh giá ngắn gọn trong ngày. Bạn đã thực hiện ý định của mình như thế nào? Điều gì đã cản trở? Bạn kháng cự lại cảm xúc nào? Bạn có thể cải thiện điều gì vào ngày mai? Cần yêu thương chính bản thân mình. Nhưng hãy sử dụng bài đánh giá hàng ngày này để liên tục học hỏi và cải thiện.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times