Hướng dẫn cơ bản về nhiễm khuẩn tụ cầu: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phương pháp tiếp cận tự nhiên
Vi khuẩn tụ cầu sống vô hại trên 30% người Mỹ nhưng có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng trên một số người.
Staphylococcus, thường được gọi là tụ cầu khuẩn, là một loại vi khuẩn thường sống vô hại trên da của 20% người Mỹ và trong khoang mũi của khoảng 30% người Mỹ. Những vi khuẩn này cũng cư trú trong miệng, đường hô hấp và các màng nhầy, như một phần của hệ vi sinh vật bình thường ở người.
Nhiễm trùng có thể phát sinh khi vi khuẩn tụ cầu xâm nhập vào da qua vết cắt hoặc vết loét, có thể dẫn đến nhiễm trùng bên trong và các biến chứng nặng nề.
I. Các loại nhiễm khuẩn tụ cầu
Staphylococcus là một nhóm vi khuẩn đa dạng, gồm hơn 30 loài. Staphylococcus Aureus (tụ cầu vàng), đặc trưng bởi khả năng gây đông máu thông qua việc sản xuất coagulase, là loại vi khuẩn gây bệnh mạnh nhất với độc lực cao, xuất hiện rộng rãi với khả năng kháng kháng sinh. Thuật ngữ “aureus” trong Staphylococcus Aureus có nguồn gốc từ tiếng Latin và có nghĩa là “vàng kim” hoặc “màu vàng,” đề cập đến màu sắc đặc trưng của các khuẩn lạc do S. Aureus hình thành khi nuôi cấy.
Các loài có phản ứng âm tính với coagulase, không gây đông máu, thường ít độc lực hơn S.aureus.
Nhiễm tụ cầu khuẩn có thể tác động đến các cơ quan khác nhau của cơ thể. Nhiễm trùng da như mụn, nhọt và viêm mô tế bào là phổ biến nhất. Các bệnh lý nhiễm tụ cầu khuẩn khác bao gồm:
- Nhiễm trùng phần mềm, bao gồm áp xe da và nhiễm trùng vết thương.
- Nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm viêm phổi do tụ cầu và các loại viêm phổi khác.
- Ngộ độc thực phẩm, thường do ăn thực phẩm bị nhiễm độc tố S. aureus tạo ra.
- Nhiễm trùng xương khớp, bao gồm viêm tủy xương và viêm khớp nhiễm trùng.
- Nhiễm trùng máu, như vãng khuẩn huyết và nhiễm khuẩn huyết.
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, một tình trạng viêm hiếm gặp nhưng trầm trọng ở lớp nội mạc trong buồng và van tim.
- Hội chứng sốc nhiễm độc (TSS), do vi khuẩn phóng thích các độc tố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ cơ quan khác nhau.
- Nhiễm trùng mạch máu, có thể liên quan đến viêm và tạo mủ trong thành tĩnh mạch.
- Viêm màng não, hoặc tình trạng viêm và nhiễm trùng màng bảo vệ bao bọc não và tủy sống. S.aureus là một nguyên nhân hiếm gặp, thường liên quan đến các biến chứng sau phẫu thuật thần kinh.
- Nhiễm trùng sơ sinh do tụ cầu khuẩn, thường biểu hiện trong vòng bốn tuần đầu sau sinh và có thể từ nhiễm trùng khu trú ngoài da đến nhiễm trùng huyết gây đe dọa tính mạng.
Các dấu hiệu và triệu chứng sớm của nhiễm khuẩn tụ cầu
Các loại nhiễm khuẩn tụ cầu khuẩn khác nhau có các triệu chứng khác nhau.
1. Nhiễm trùng mô mềm
Nhiễm khuẩn tụ cầu mô mềm bao gồm:
- Áp xe: Áp xe da do nhiễm khuẩn tụ cầu biểu hiện là một khối sưng nóng và đau, thường có hình tròn, bên trong chứa mủ. Áp xe da có thể dẫn đến rò mủ và gây sốt. Áp xe trông giống như mụn nhọt nhưng tổn thương thường ăn sâu đến các mô mỡ và đôi khi đến cơ.
- Vết thương: Vết thương nhiễm tụ cầu thứ phát dễ bị đau và sưng tấy, thường kèm theo mủ.
- Nhọt: Nhọt thường do S. aureus gây ra. Tổn thương hình thành ở các nang lông và mô da xung quanh. Nhọt bắt đầu bằng một vết sưng đỏ, ấn mềm trên da, cuối cùng trở thành một bọc nang chứa nước. Cơn đau tăng lên khi nhọt chứa đầy mủ và giảm đi khi thoát mủ tự nhiên hoặc chích rạch.
- Bệnh chốc lở: Bệnh chốc lở là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi. Bệnh biểu hiện dưới dạng các mụn đỏ, ngứa trên vùng da hở như quanh mũi, miệng hoặc trên cánh tay và chân. Những mụn này vỡ ra, rỉ dịch hoặc mủ trong vài ngày, sau đó đóng vảy vàng và hồi phục mà không để lại sẹo.
- Viêm mô tế bào: Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng sâu dưới da thường xuất hiện ở cánh tay và chân nhưng có thể phát triển ở nhiều khu vực khác nhau như quanh mắt, miệng, hậu môn và bụng. Các triệu chứng của bao gồm sưng nóng đỏ đau, bầm tím và phồng rộp.
- Lẹo mắt: Lẹo mắt là một vết sưng đỏ và có thể gây đau trên mí mắt do tắc tuyến dầu bờ mi. Sự tắc nghẽn thường xảy ra do tế bào da chết hoặc các mảnh vụn như mỹ phẩm. Tuyến bị tắc nghẽn tạo điều kiện cho vi khuẩn có thể phát triển.
- Hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Staphylococcal scalded skin syndrome – SSSS): hội chứng 4S là một bệnh nhiễm trùng da trầm trọng ở trẻ em cần được can thiệp y tế, với các triệu chứng như quấy khóc, mệt mỏi, sốt, đỏ da và nổi mụn nước chứa đầy dịch giống như bỏng. Bệnh phổ biến vào mùa hè và mùa thu, nguy cơ cao nhất ở trẻ dưới 5 tuổi.
2. Nhiễm trùng đường hô hấp
Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm phổi do tụ cầu nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm những thay đổi toàn trạng, tái nhợt, sốt cao hoặc hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể thấp bất thường), thường có dấu hiệu sốc, như tụt huyết áp gây đe doạ tính mạng. Tổn thương trên da có thể có hoặc không. Các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy hơi đau bụng, ho khan, thở nhanh và khó thở.
3. Ngộ độc thực phẩm nhiễm tụ cầu
Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu khởi phát nhanh chóng với dấu hiệu nôn, buồn nôn, co thắt dạ dày và tiêu chảy, thường diễn ra trong vòng 30 phút đến 8 giờ sau khi ăn thực phẩm có chứa độc tố tụ cầu. Việc mất quá nhiều dịch [tiêu hóa] có thể dẫn đến tình trạng mất nước [trên lâm sàng]. Các triệu chứng kéo dài không quá một ngày, hiếm khi tiến triển nặng. Quan trọng là bệnh không lây từ người này sang người khác.
4. Viêm xương khớp nhiễm khuẩn
Nhiễm trùng xương khớp thường gây sốt, và sưng đau.
Viêm xương là một bệnh nhiễm trùng mô xương, có thể là hậu quả của nhiễm trùng huyết hoặc do nhiễm trùng kế cận. Viêm xương tủy ở trẻ thường do nhiễm trùng huyết gây ra, hay gặp ở đầu gối, hông, vai, khuỷu tay, cổ tay hoặc ngón tay. Phổ biến hơn là viêm xương tủy xảy ra ở người lớn do nhiễm trùng kế cận. Những người bị loét chân tiểu đường hoặc sau phẫu thuật chỉnh hình có nguy cơ cao hơn.
Viêm khớp nhiễm trùng là một bệnh nhiễm trùng khớp do [vi khuẩn] từ máu, hoặc theo đường kế cận sau một phẫu thuật hoặc chấn thương. Ở trẻ em, thường gặp nhất do vi khuẩn đi vào qua đường máu, tổn thương hay gặp ở đầu gối, hông, vai, khuỷu tay, cổ tay và ngón tay.
5. Nhiễm khuẩn huyết
Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng là nhiễm khuẩn huyết trầm trọng gây ra các biến chứng nặng nề như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn tái phát. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau xương, đau khớp, sốt kéo dài và đổ mồ hôi. Bệnh khởi phát với biểu hiện thở nhanh, ớn lạnh, sốt kéo dài và các rối loạn đường tiêu hóa có thể gợi ý sự hiện diện của nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm trùng. Các tình trạng này cần điều trị cấp cứu để ngăn ngừa tổn thương mô, suy đa tạng và tử vong.
6. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Các triệu chứng và dấu hiệu viêm nội tâm mạc bao gồm:
- Sốt.
- Ớn lạnh.
- Đau ngực.
- Ho.
- Đau cơ, khớp và đau lưng.
- Ra mồ hôi đêm.
- Hụt hơi.
- Các nốt đỏ hoặc tím gây đau
- Ban đỏ dạng phẳng trên lòng bàn tay, chân, không đau
7. Hội chứng sốc nhiễm độc
Các triệu chứng và dấu hiệu điển hình của sốc nhiễm độc do tụ cầu bao gồm sốt cao hơn 390C (1020F), ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, phát ban màu đỏ dạng phẳng bao phủ toàn cơ thể, bong tróc da (đặc biệt ở lòng bàn tay và bàn chân), huyết áp thấp, nôn, tiêu chảy, đau cơ, thiểu niệu, xuất huyết dưới da và mất định hướng.
8. Viêm mạch nhiễm trùng
Viêm tĩnh mạch nhiễm khuẩn có thể xảy ra trên bất kỳ tĩnh mạch nào, [các triệu chứng] như sốt, ớn lạnh và các triệu chứng cục bộ như ban đỏ, đau, và thỉnh thoảng chảy mủ từ tĩnh mạch tổn thương.
9. Viêm màng não
Viêm màng não có thể xuất hiện đột ngột với các triệu chứng và các dấu hiệu như sốt cao, nôn mửa, đau đầu, phát ban dạng xuất huyết, gáy cứng, nhạy cảm với ánh sáng, ngủ gà hoặc không đáp ứng và co giật.
II. Nguyên nhân nhiễm khuẩn tụ cầu
Nhiễm khuẩn tụ cầu được gây ra bởi vi khuẩn Staphylococcus.
Người bình thường hầu như đều mang vi khuẩn tụ cầu trên da hoặc trong hốc mũi mà không biểu hiện nhiễm trùng. Đây là những nơi tụ cầu cư trú.
Staphylococci có thể gây bệnh ở nhiều nơi và thường khởi phát từ hốc mũi hoặc trên da. Từ những vị trí này, vi khuẩn tụ cầu có khả năng gây nhiễm trùng ở vật chủ và những người khác.
Vi khuẩn tụ cầu có thể lây truyền bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm khuẩn, truyền từ người sang người trong các cộng đồng sống tập thể và từ khu vực này sang khu vực khác.
Ngoài ra, vi khuẩn tụ cầu có thể lây truyền qua các đồ vật khác nhau như quần áo, tay nắm cửa, vật dụng thể thao và thiết bị y tế. Xử lý thực phẩm không đúng cách bởi những người nhiễm tụ cầu cũng có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm cho người khác.
Môi trường nóng ẩm, cũng như ra mồ hôi quá nhiều, có thể góp phần vào nhiễm khuẩn tụ cầu.
Sau khi nhiễm trùng diễn ra, vi khuẩn tụ cầu nhân lên tại vị trí tổn thương, hệ thống miễn dịch kích hoạt các tế bào viêm, bao gồm các tế bào miễn dịch, để chống lại nhiễm trùng. Khi được hoạt hóa, các tế bào bảo vệ cơ thể tiết ra một số cytokine, dẫn đến phản ứng viêm. Viêm do phản ứng miễn dịch góp phần khởi phát thêm nhiều triệu chứng tổn thương khác.
III. Ai dễ bị nhiễm trùng tụ cầu?
Các nhóm người dễ bị nhiễm khuẩn tụ cầu bao gồm:
- Những người có vấn đề về da: như bệnh chàm, bỏng vừa đến nặng hoặc vết thương dễ bị nhiễm trùng tụ cầu ngoài da.
- Những người bị các bệnh mạn tính: bao gồm bệnh tiểu đường, ung thư và bệnh phổi.
- Những người suy giảm miễn dịch: như nhiễm HIV, dùng thuốc chống thải ghép, thuốc kiểm soát viêm khớp dạng thấp hoặc hóa trị [ung thư].
- Những người trong môi trường đông đúc: Sự bùng phát tụ cầu đã được quan sát thấy trong các quần thể người nhất định, bao gồm các tù nhân, lính tập sự, nhà trẻ và các nhóm người sống trong các môi trường đông đúc.
- Các nhà cung cấp dịch vụ y tế và bệnh nhân nằm viện: Các chuyên gia y tế làm việc trong bệnh viện và phòng khám, những người đến khám tại các cơ sở y tế và bệnh nhân đang nằm viện đều dễ bị nhiễm tụ cầu.
- Những người có các thiết bị y tế trong người: Những người sử dụng các thiết bị y tế như lọc thận, catheter, ống nuôi ăn và ống thở, có thể tăng nguy cơ phơi nhiễm tụ cầu. Những người có thiết bị y tế được cấy ghép, bao gồm máy tạo nhịp, khớp nhân tạo và van tim, cũng dễ bị nhiễm trùng tụ cầu hơn.
- Các vận động viên tham gia các môn thể thao tiếp xúc: Khi tham gia vào các môn thể thao tiếp xúc, các vận động viên có khả năng tiếp xúc với da người khác hoặc các thiết bị dùng chung.
- Những người cần chích thuốc: dùng chung bơm chích thuốc hoặc khi chích không bảo đảm vệ sinh có thể tạo điều kiện cho sự lây lan của vi khuẩn.
- Trẻ sơ sinh và trẻ em: Trẻ em và trẻ sơ sinh dễ bị bệnh chốc, đặc biệt khi học ở nhà trẻ hoặc nhà trường.
- Những người không tuân theo các quy trình an toàn thực phẩm: Những người lưu giữ và chuẩn bị thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm không chỉ gây nhiễm tụ cầu cho mình mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm tụ cầu cho người dùng.
- Đồng tính nam: Nam giới tham gia vào các mối quan hệ đồng tính phải đối mặt với nguy cơ nhiễm Tụ cầu vàng kháng methicillin (methicillin-resistant Staphylococcus aureus MRSA). MRSA có khả năng kháng các kháng sinh thường dùng để điều trị nhiễm trùng tụ cầu, khiến bệnh trở nên khó điều trị.
IV. Chẩn đoán nhiễm trùng tụ cầu
Nếu nghi ngờ bị nhiễm trùng tụ cầu, bạn cần đến khám bác sĩ.
Bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu và triệu chứng bạn đang gặp phải, khai thác bệnh sử, dịch tễ gần đây và thăm khám thực thể.
Thông thường, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế có thể dễ dàng chẩn đoán nhiễm trùng da do tụ cầu bằng cách thăm khám. Đối với các loại nhiễm trùng tụ cầu khác, có thể cần thực hiện một số xét nghiệm, như:
- Nhuộm Gram: Quan sát mô hoặc dịch cơ thể dưới kính hiển vi để xác định sự hiện diện của vi khuẩn tại các vị trí nghi ngờ nhiễm khuẩn như hầu họng, phổi, vết thương ngoài da và dịch cơ thể.
- Nuôi cấy: Để thực hiện nuôi cấy, cần lấy mẫu từ vết thương hở, hoặc từ máu, nước tiểu hoặc đờm bằng một miếng cotton. Mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm để xác định sự hiện diện của vi khuẩn tụ cầu.
- Sinh thiết da: Khi nghi ngờ nhiễm trùng da tụ cầu, bác sĩ, thường là chuyên gia giải phẫu bệnh sẽ lấy một mẫu tế bào da và phân tích dưới kính hiển vi.
- Xét nghiệm kháng sinh đồ: để đánh giá độ nhạy của tụ cầu khuẩn đối với kháng sinh bằng cách cho lượng vi khuẩn tiêu chuẩn tiếp xúc với một nồng độ thuốc nhất định.
- Sinh thiết xương: Thực hiện sinh thiết xương qua da hoặc phẫu thuật sinh thiết mở, là điều cần thiết để xác định chủng vi khuẩn gây ra viêm xương và tiến hành làm kháng sinh đồ.
- Chẩn đoán hình ảnh: bao gồm chụp X-quang, MRI và CT, có thể được tiến hành để tìm kiếm các chỉ điểm cho nhiễm trùng.
- Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase PCR: là kỹ thuật khuếch đại chuỗi DNA, được dùng để xác định các phân đoạn DNA đặc trưng của vi khuẩn, cho kết quả nhanh hơn nhiều so với nuôi cấy tiêu chuẩn.
V. Các biến chứng của nhiễm khuẩn tụ cầu
Nhiễm khuẩn tụ cầu có thể bị biến chứng trầm trọng, bao gồm:
- SEPSIS: Nhiễm khuẩn huyết có thể đi kèm sốc hoặc không, là một loại nhiễm độc máu nặng nề đòi hỏi phải can thiệp y tế cấp cứu.
- Sốc nhiễm trùng: Sốc nhiễm trùng xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng gây ra tụt huyết áp có nguy cơ đe dọa tính mạng. Tỷ lệ tử vong từ 20-30%.
- Viêm phổi: Viêm phổi tụ cầu có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi hoại tử nặng, vãng khuẩn huyết, nhiễm khuẩn huyết và suy hô hấp dẫn đến phải thông khí xâm nhập.
- Các vấn đề về tim: Viêm nội tâm mạc trên van nhân tạo và viêm nội tâm mạc trên van tự nhiên có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch như tắc mạch, giãn thành động mạch và áp xe quanh vòng van. Thậm chí có thể dẫn đến suy tim.
- Nhiễm khuẩn tụ cầu tái phát: Nhiễm khuẩn tụ cầu tái phát, bao gồm cả những trường hợp do kháng thuốc kháng sinh, có thể là một biến chứng nặng.
VI. Các phương pháp điều trị nhiễm khuẩn tụ cầu
Các lựa chọn điều trị cho nhiễm trùng tụ cầu phụ thuộc vào [tình trạng] nhiễm trùng cụ thể, mức độ nặng của bệnh và sự đề kháng thuốc của chủng vi khuẩn.
1. Kháng sinh
Thời gian, cách thức điều trị và liều lượng kháng sinh sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí nhiễm trùng, mức độ trầm trọng của bệnh và khả năng kháng thuốc. Trước khi có kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ, bác sĩ thường kê kháng sinh phổ rộng cho các loại nhiễm khuẩn có khả năng nhất. Sau đó có thể điều chỉnh khi có kết quả kháng sinh đồ.
Khi dùng kháng sinh, điều quan trọng là phải hoàn thành đủ liều trình kháng sinh, ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy tốt hơn trước khi liều cuối cùng kết thúc. Điều trị không đầy đủ có thể góp phần vào sự xuất hiện của vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc.
Theo nguyên tắc chung, penicillin bán tổng hợp hoặc cephalosporin là phương pháp điều trị thích hợp cho các chủng nhạy cảm với kháng sinh, trong khi vancomycin được sử dụng cho các chủng MRSA.
Đối với nhiễm trùng MRSA tái phát, bác sĩ có thể đề xuất các giải pháp để loại bỏ ổ vi khuẩn MRSA, bao gồm:
- Làm sạch da bằng xà phòng chlorhexidine kháng khuẩn.
- Sử dụng mỡ kháng sinh mupirocin trong hốc mũi.
Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể phải nhập viện và dùng kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Trong bệnh viện, bệnh nhân có thể bị cách ly với những người xung quanh để giảm thiểu nguy cơ lây truyền vi khuẩn.
2. Dẫn lưu mủ
Đối với nhiễm khuẩn MRSA gây mụn nhọt hoặc áp xe, có thể không cần sử dụng kháng sinh. Điều trị chủ đạo bằng cách gây thoát mủ thông qua chườm ấm hoặc hút mủ bằng kim hoặc trích rạch mủ. Không khuyến cáo để ổ mủ tự vỡ để tránh nhiễm trùng lan tỏa.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể cần thiết khi:
- Nhiễm trùng xương.
- Nhiễm trùng thiết bị y tế.
- Mô hoại tử.
4. Tự chăm sóc
Đối với nhiễm trùng da do tụ cầu mức độ nhẹ, bác sĩ có thể đề nghị [bệnh nhân] điều trị tại nhà, bao gồm:
- Ngâm nước ấm vùng da nhiễm trùng.
- Đắp khăn tắm ấm, ẩm các vị trí nhiễm trùng, tiếp theo ngay lập tức rửa bằng xà phòng chlorhexidine, sau đó rửa sạch.
- Chườm ấm bằng túi sưởi trong khoảng 20 phút, vài lần một ngày.
- Sử dụng thuốc mỡ kháng sinh, nếu được bác sĩ tư vấn.
- Uống thuốc giảm đau như acetaminophen và ibuprofen.
- Dùng băng sạch che phủ vùng da tổn thương.
- Tránh cạo lông khu vực bị nhiễm bệnh, nếu cần thiết, nên cắt tỉa lông cho đến khi tổn thương phục hồi.
Điều trị lẹo mắt bằng cách nhắm mắt và dùng khăn sạch chườm ấm ba hoặc bốn lần một ngày. Một số trường hợp có thể dùng kháng sinh tại chỗ.
Điều trị chính khi bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm tụ cầu bằng cách bù dịch đường uống để duy trì lượng nước cơ thể. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc chống nôn. Trong trường hợp nặng, cần truyền dịch theo đường tĩnh mạch. Bệnh gây ra bởi các độc tố nên thuốc kháng sinh không hiệu quả trong trường hợp này.
Ảnh hưởng của tâm trí đến nhiễm khuẩn tụ cầu
Mặc dù không có bằng chứng nào về ảnh hưởng trực tiếp giữa tâm trí và nhiễm khuẩn tụ cầu, nhưng tâm thái có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sự lây nhiễm thông qua ảnh tác động đến mức độ căng thẳng và chức năng miễn dịch của cơ thể.
- Căng thẳng và chức năng miễn dịch: Căng thẳng kéo dài có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn, bao gồm cả những bệnh do vi khuẩn tụ cầu gây ra. Căng thẳng có thể gây tiết hormone cortisol kéo dài từ đó ức chế phản ứng miễn dịch. Một tư duy tích cực có thể làm giảm căng thẳng bằng cách nuôi dưỡng một hy vọng lạc quan.
- Lựa chọn lối sống lành mạnh: Tư duy tích cực có thể đưa đến lựa chọn lối sống khỏe mạnh hơn, như cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc. Những yếu tố này góp phần tạo nên sức khỏe toàn diện và chức năng miễn dịch, ảnh hưởng gián tiếp đến khả năng chống lại và phục hồi cơ thể sau các bệnh lý nhiễm khuẩn như tụ cầu.
Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với nhiễm khuẩn tụ cầu
Có một số phương pháp tự nhiên có thể được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn tụ cầu. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp này chưa được xác nhận qua nghiên cứu sâu rộng. Điều lưu ý là phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp tự nhiên nào để điều trị nhiễm khuẩn.
1. Thảo dược và các bài thuốc từ thực vật
Nhiều nền văn hóa trên khắp địa cầu đã sản sinh ra nhiều bài thuốc thảo dược khác nhau chống lại các loại bệnh lý nhiễm khuẩn khác nhau. Nhiều bài thuốc trong số đó đã có niên đại hơn một thiên niên kỷ.
– Chữa lẹo mắt bằng tỏi
Sách Bald’s Leechbook, một bản thảo y học bằng tiếng Anh có từ thế kỷ thứ 10, có nhắc đến một phương thuốc chữa lẹo mắt do tụ cầu vàng gây ra. Nghiên cứu trên động vật và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho thấy áp dụng phương pháp điều trị này trong trường hợp nhiễm khuẩn phần mềm (mô phỏng) đã loại bỏ các màng sinh học chứa tụ cầu. Đây là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn dai dẳng do khả năng bám vào các mô sống và thiết bị y tế cũng như khả năng kháng các loại kháng sinh.
Thành phần của bài thuốc này bao gồm:
- Các loài thuộc chi hành, như tỏi: chứa ajoene và allicin, có khả năng ngăn chặn sự hình thành màng sinh học của tụ cầu vàng và các vi khuẩn khác.
- Mật (mật bò) và rượu vang: Những chất này có đặc tính kháng khuẩn, giúp hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn.
- Muối đồng: Hỗn hợp thuốc được chứa trong bình đồng thau. Muối đồng từ bình chứa có thể nâng cao hơn nữa tác dụng kháng khuẩn của thuốc, trong khi bề mặt đồng thau có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Phương pháp này có thể có hiệu quả do các thành phần khác nhau trong bài thuốc tấn công vi khuẩn theo những cơ chế khác nhau. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự phối hợp các hợp chất kháng khuẩn tự nhiên.
– Cây thuốc của người Cameroon
Nghiên cứu cho thấy trong số 12 cây thuốc của người Cameroon, mận châu Phi (Dacryodes edulis), húng quế châu Phi (Ocimum gratissimum), cây Thài lài (Commelina erecta) và cải xoong Brazil (Spilanthes filicaulis) thể hiện hoạt tính chống lại tụ cầu vàng đáng kể. Trong đó mận châu Phi có hoạt tính kháng khuẩn đáng chú ý trên tất cả các chủng phân lập và húng quế châu Phi có hoạt tính ức chế đáng kể trên hầu hết các chủng phân lập.
– Cây thuốc Trung y
Trong một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chiết xuất ethanol của 21 cây thuốc Trung Quốc có tác dụng chống tụ cầu vàng, phù hợp với các chỉ định điều trị nhiễm trùng da của Trung y. Những loài thực vật này bao gồm Mallotus yunnanensis (một loại cây Rùm nao) và Skimmia arborescens (một loài cây bụi), cả hai đều chứng tỏ khả năng chống lại vi khuẩn tụ cầu mạnh nhất.
2. Tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà cho thấy hiệu quả đầy hứa hẹn trong điều trị nhiễm trùng da và vết thương do tụ cầu vàng gây ra. Dầu cây trà, được biết đến với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, đã được dùng làm thuốc từ lâu nay. Ngoài ra, khi dùng thuốc bôi tại chỗ với nồng độ thấp, thuốc ít gây tác dụng phụ chủ yếu là viêm da tiếp xúc.
Các nghiên cứu ca lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng cỡ mẫu nhỏ cho thấy hiệu quả của dầu cây trà như một liệu pháp bổ trợ cho các bệnh lý như viêm xương tủy và nhiễm trùng trên các vết thương lâu ngày, nhưng cần có các thử nghiệm lâm sàng cỡ mẫu lớn hơn để đánh giá thêm.
3. Mật ong
Mật ong, với đặc tính kháng khuẩn đa dạng, đã được sử dụng với mục đích trị bệnh từ hơn 4,000 năm qua.
Một nghiên cứu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã so sánh tác dụng của các loại mật ong khác nhau đối với tụ cầu vàng nhạy cảm và kháng methicillin. Kết quả cho thấy mật ong ở nồng độ 20% và 10% có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, trong đó mật ong Manuka cho kết quả tốt nhất.
Trong một nghiên cứu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm khác, mật ong kết hợp với kháng sinh đã ức chế MRSA 100%, làm tăng hiệu quả của các kháng sinh thường dùng như ciprofloxacin, ampicillin, ceftriaxone và vancomycin.
Bôi mật ong lên da tại các điểm tiếp xúc thiết bị y tế được cho là có thể điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm tụ cầu khuẩn.
4. Liệu pháp ánh sáng xanh
Liệu pháp ánh sáng xanh là phương pháp điều trị không xâm lấn, sử dụng ánh sáng xanh để điều trị một số bệnh về da nhất định. Khi tiếp xúc với ánh sáng xanh, vi khuẩn sinh ra lượng lớn năng lượng trong tế bào, tạo ra các gốc tự do gây phá hủy protein và DNA của vi khuẩn.
Trong một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, cho hai chủng MRSA phổ biến tiếp xúc với ánh sáng xanh ở bước sóng nhất định giúp loại bỏ vi khuẩn một cách hiệu quả trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Liệu pháp ánh sáng xanh có thể được sử dụng mà không cần kết hợp với thuốc, ít tác dụng phụ và cũng có thể kết hợp với thuốc trong liệu pháp quang động.
5. Probiotic
Theo một nghiên cứu, vi khuẩn Bacillus, thường được tìm thấy trong các chất bổ sung men vi sinh tiêu hóa, có thể giúp loại bỏ nhiễm trùng tụ cầu vàng, bao gồm cả những bệnh liên quan đến MRSA.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng vi khuẩn Bacillus ức chế sự phát triển của tụ cầu vàng trong đường tiêu hóa và đường mũi của người khỏe mạnh. Điều này mở ra cơ hội dùng Bacillus đường uống như giải pháp thay thế tiềm năng và hiệu quả cho việc điều trị bằng kháng sinh đối với một số bệnh lý nhất định. Tuy nhiên, cần thêm các nghiên cứu.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn tụ cầu
Để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ nhiễm tụ cầu khuẩn, cần tuân theo các giải pháp phòng ngừa dưới đây:
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.