Đường thay đổi bộ não của bạn như thế nào?
Hướng dẫn cơ bản về cách cai nghiện đường (Phần 1)
Trong loạt bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những chất làm ngọt tốt và xấu, những kết quả bất ngờ khi cắt giảm đường và cách đạt được điều này.
Theo bản năng, bộ não của chúng ta thường thèm đường. Đây là lý do tại sao!
Theo bản năng, bộ não của chúng ta thường thèm đường. Đó có thể là một miếng bánh ngọt trong lúc căng thẳng, một thanh chocolate khi buồn chán hay một ly coffee sữa khi cần tỉnh táo. Việc không thể bỏ đường nhiều khi không phải do thiếu ý chí mà là do chúng ta chưa hiểu đầy đủ bản chất của đường và chưa tìm thấy cách hiệu quả nhất.
Thèm ngọt: Bản năng sinh tồn và phát triển
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, bà Jessica Russo, nhà tâm lý học lâm sàng đến từ tiểu bang Philadelphia cho biết, “Đường rất quan trọng đối với cơ thể và bộ não của chúng ta. Và tôi nghĩ đây chính là lý do tại sao chúng ta rất khó cắt giảm đường.”
Đường đóng vai trò là nguồn năng lượng chính của mỗi tế bào trong cơ thể. Phần lớn thực phẩm chúng ta ăn được phân hủy thành nhiều loại đường khác nhau.
Bà Russo cho biết, “Bộ não là cơ quan tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, tiêu tốn khoảng một nửa tổng năng lượng của cơ thể. Về mặt sinh học, chúng ta có khuynh hướng ăn đồ ngọt,” vì đây là cơ chế sinh tồn và trong tự nhiên thì những thực phẩm có vị ngọt thường là tốt cho sức khỏe; trong khi thực phẩm độc hại có vị đắng và thức ăn hỏng sẽ có vị chua, cả hai đều thiếu vị ngọt.
Vì vậy, khi chúng ta nếm món gì đó ngọt, bộ não sẽ phát tín hiệu, “Ồ, món này ngon quá!”
Ngoài việc giúp chúng ta nhận biết thực phẩm an toàn, vị ngọt còn đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người.
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Julie A. Mennella, một nhà khoa học tại Monell Chemical Senses Center in Philadelphia (Trung tâm Cảm nhận Hóa học Monell ở Philadelphia cho biết, “Chúng tôi thấy những đứa trẻ sơ sinh vốn đã có khả năng phát hiện vị ngọt và cũng ưa thích vị ngọt.”
Điều này cho thấy vị ngọt liên quan đến chất lượng sữa mẹ, giúp trẻ yêu thích việc bú sữa.
Bà nói với The Epoch Times rằng, có bằng chứng cho thấy sở thích ăn đồ ngọt của trẻ liên quan đến nhu cầu calories cao hơn trong giai đoạn tăng trưởng và thường kéo dài từ khi còn nhỏ cho đến hết tuổi dậy thì.
Ảnh hưởng của đường đối với bộ não
Khi chúng ta tiêu thụ đường, các tế bào thụ thể cảm giác trên lưỡi sẽ gửi các tín hiệu của vị ngọt đến bộ não, kích hoạt sản sinh dopamine vốn là chất tạo ra cảm giác vui vẻ và hạnh phúc.
Bà Mennella giải thích, “Chúng ta nếm thức ăn bằng bộ não của mình.” Vị ngọt làm chúng ta cảm thấy dễ chịu vì các tín hiệu của vị ngọt được gửi đến các bộ phận khác nhau của bộ não, trong số đó có nhiều bộ phận liên quan đến phần thưởng.
Bà nói thêm: “Các đường dẫn truyền thần kinh được sử dụng có ý nghĩa quan trọng đối với niềm vui, ghi nhớ và phần thưởng.”
Điều này có nghĩa là khi tham gia vào các hoạt động kích hoạt sản sinh dopamine, chúng ta sẽ trải nghiệm niềm vui, hình thành ký ức và mong muốn được thực hiện lại.
Ông Kenneth Blum, một nhà khoa học nổi tiếng có bằng tiến sĩ về thần kinh học, cho biết, “Trong bộ não, dopamine có những hoạt động rất đặc trưng và là phân tử quan trọng nhất đem lại niềm hạnh phúc.”
Ông Blum, cũng là giáo sư tại Khoa học Y sinh, thuộc Đại học Y Khoa Western (Western University of Health Sciences’ Graduate School of Biomedical Science), vừa là giáo sư tại Đại học Vermont và Đại học Wright, cho biết “Dopamine cũng có thể chống lại căng thẳng. Khi bạn bị căng thẳng, dopamine được sản sinh gấp 100 lần so với mức bình thường.” Chất này giúp ngăn chặn hoạt động của các hormone gây căng thẳng như adrenaline.
Tuy nhiên, ông Blum nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng của dopamine; nếu không, bộ não có thể phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực trầm trọng.
Nhiều người không biết rằng việc dùng quá nhiều đường dẫn đến những hậu quả chẳng khác gì lạm dụng ma túy.
Ông Blum giải thích, tiêu thụ quá nhiều đường có thể kích hoạt sản sinh dopamine ngắn hạn.
Ông nói: “Lạm dụng đường cũng giống như lạm dụng rượu hoặc các loại ma túy khác.”
Theo thời gian, điều này dẫn đến giảm lượng dopamine dài hạn. Do đó, người ta sẽ phải dùng nhiều đường hơn để có cùng một mức độ dễ chịu, cuối cùng dẫn đến trạng thái nghiện khiến họ tiêu thụ ngày càng nhiều.
Ông James DiNicolantonio, nhà khoa học nghiên cứu tim mạch và là dược sĩ tại Viện tim mạch Saint Luke’s Mid America ở thành phố Kansas, Missouri cho biết “khi tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện, não của bạn phát sáng như một chiếc máy bắn bi (pinball) do lượng dopamine lớn được sản sinh.”
So với ăn trái cây, ăn đường tinh luyện làm cho các thụ thể vị ngọt truyền tín hiệu đến hệ thống khen thưởng của bộ não hiệu quả hơn. Và bộ não sẽ tiết ra lượng dopamine vượt xa mức chúng ta có thể coi sóc.
Năm 2023, một nghiên cứu đăng trên tập san Nature tiết lộ rằng, khi một người uống nước hoặc được truyền nước muối, bộ não của họ vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, khi dùng dung dịch đường mía (sucrose) hoặc chích cocaine, nhiều vùng tế bào thần kinh của não sẽ được kích hoạt (điểm sáng trong hình). Nhiều vùng não phản hồi với tín hiệu đường cũng cho thấy những phản hồi với tín hiệu cocaine.
Anna Beroun, tác giả chính của nghiên cứu và là giám đốc Phòng thí nghiệm Độ dẻo dai của bộ não và Rối loạn bộ não tại Ba Lan (Laboratory of Neuronal Plasticity at the Nencki-EMBL Center of Excellence for Neural Plasticity and Brain Disorders (BRAINCITY) of the Nencki Institute of Experimental Biology of the Polish Academy of Sciences in Warsaw, Poland), cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cách bộ não phản ứng với phần thưởng [là chất] gây nghiện và không gây nghiện tương tự nhau như thế nào, từ cấp độ toàn bộ não đến cấp độ tế bào. Đường hay thức ăn sẽ gây nghiện nếu chúng ta coi trọng nó hơn những phần thưởng khác.”
Đường gây nghiện nhiều hơn ma túy?
Đường có sức hấp dẫn khó cưỡng. Nó không chỉ kích thích não sản sinh dopamine đem lại niềm vui, mà còn kích thích sản sinh opioid nội sinh, vốn dẫn đến chứng nghiện và lệ thuộc.
Ông Blum cho biết, bộ não có các tế bào thụ thể glucose và khi được kích thích bởi đường, các thụ thể này sẽ kích hoạt một loạt đường truyền tín hiệu, dẫn đến việc sản sinh các chất gây nghiện. Đây là cơ chế tự nhiên “nên nếu bạn lạm dụng đường, bạn đang ra lệnh cho hệ thống phần thưởng của bộ não hoạt động theo hướng tiêu cực, giống như khi bạn sử dụng heroin.”
Một thí nghiệm cho thấy những con chuột được cho ăn một lượng đường lớn, khi bị chích một loại thuốc ngăn opioid thì thỉnh thoảng chúng xuất hiện các triệu chứng cai nghiện như: răng đánh lập cập, run chân trước và rung lắc đầu.
Ảnh hưởng của đường đối với bộ não không chỉ giống với ma túy mà trong một số trường hợp, thậm chí đường còn hấp dẫn hơn.
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu người Pháp đã tiến hành một loạt thí nghiệm trên động vật. Kết quả cho thấy khi được lựa chọn giữa cocaine và sucrose, các loài gặm nhấm luôn thích sucrose hơn cocaine. Ngay cả những con chuột trước đây đã nghiện cocaine cũng có sở thích này.
Ông DiNicolantonio tóm tắt cơ chế gây nghiện của đường như sau: “Khi chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường, bộ não sẽ sản sinh dopamine và opioid nội sinh khiến chúng ta có cảm giác ‘phấn khích’ nhưng sau đó chúng ta lại trở về trạng thái ‘trì trệ’. Tiêu thụ đường trong thời gian dài, có thể dẫn đến sự phụ thuộc vào đường, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương.”
Khi thiếu hụt dopamine và opioid nội sinh, người ta thường cảm thấy buồn bã, bối rối, uể oải và không thể tập trung, vì vậy [tình trạng đó] càng khiến họ muốn ăn nhiều đường hơn.
Ngoài ra, nhiều thí nghiệm trên người đã chứng minh mối liên hệ giữa đường và chứng nghiện.
Ví dụ, năm 2021, một tập san khoa học chuyên nghiên cứu về lạm dụng chất gây nghiện là Addiction Biology, đã công bố một nghiên cứu quan sát tiến cứu, tiết lộ rằng 40% người bị chứng rối loạn sử dụng rượu cảm thấy thèm đường nhiều hơn trong quá trình cai nghiện rượu tại trung tâm [cai nghiện].
Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trên tập san Nghiện (Addiction) cho thấy trẻ em sống trong gia đình có tiền sử nghiện rượu và trầm cảm thường thích vị ngọt đậm hơn. Trung bình, những đứa trẻ này chọn nước có nồng độ sucrose là 24%, tương đương với khoảng 14 muỗng coffee đường trong một ly nước – cao hơn gấp đôi nồng độ đường có trong nước soda thông thường.
Ngược lại, những đứa trẻ không có hoàn cảnh gia đình như vậy lại thích nước có nồng độ sucrose là 18%.
Biết rõ lượng đường của bạn: Chìa khóa để vượt qua cơn nghiện
Đường và bộ não có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thật không may, cách ăn uống thời nay toàn chứa đường tinh luyện vốn có sức quyến rũ giống như ma túy. Thực ra, vị ngọt mà chúng ta tiêu thụ ngày nay khác hẳn so với vị ngọt mà tổ tiên chúng ta từng dùng.
Bà Russo, thông qua một khung cảnh sống động, đã mô tả những góc nhìn trái chiều về đường của cơ thể và bộ não. Xin lưu ý là cơ thể chúng ta kháng lại một số loại đường, trong khi dễ dàng tiếp nhận những loại khác.
Bà cho biết: “Bộ não nói: ‘Chúng tôi cần đường; chúng tôi phải có đường; chúng tôi không thể tồn tại nếu không có nó.’ Mặt khác, cơ thể không đồng ý và nói: ‘Chúng tôi không thích tất cả các loại đường.’”
Người xưa có câu: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng.” Để bỏ đường, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ về nó. Tuy nhiên, sự thật là một số loại đường và chất ngọt tự nhiên thậm chí lại có lợi cho cơ thể.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times