Được phát hiện ở một vùng đất bí ẩn, hợp chất rapamycin có thể làm chậm sự phát triển của mọi thứ từ nếp nhăn trên da mặt đến bệnh ung thư.
Các nhà khoa học vẫn đang khám phá bí mật của một hợp chất được phát hiện cách đây 50 năm trên đảo Phục sinh. Được sản xuất bởi vi khuẩn ở trên đảo, rapamycin dường như là một chất có tác dụng tốt giúp kéo dài tuổi thọ và có thể là một phương pháp điều trị mang tính thay đổi đối với các bệnh liên quan đến tuổi tác.
Năm 2009, Chương trình Thử nghiệm Can thiệp Lão hóa của Viện Quốc gia đã công bố một nghiên cứu mang tính đột phá cho thấy rằng, rapamycin đã kéo dài tuổi thọ của chuột từ 9% đến 14%. Các thí nghiệm được do tổ chức nghiên cứu khác nhau trên toàn thế giới thực hiện đã chứng thực thêm cho những phát hiện này và đã tìm thấy hợp chất này có tác dụng kéo dài tuổi thọ hơn đáng kể.
Thuốc này cũng có tác dụng làm trẻ hóa. Ví dụ, chỉ trong thời gian ngắn, rapamycin đã có thể kích thích tóc mọc và ngăn ngừa rụng tóc, làm giảm các protein liên quan đến lão hóa ở da và tăng collagen. Loại thuốc này thậm chí còn cho thấy tác dụng tích cực trong điều trị các bệnh liên quan đến tuổi tác như bệnh Alzheimer, tiểu đường, tim mạch và cơ.
Mặc dù thông tin trên nhãn thuốc của rapamycin hiện không khẳng định có tác dụng “kéo dài tuổi thọ của con người,” nhưng một số người có mong muốn sống thọ đã tìm đến loại thuốc này qua các bác sĩ của họ và dùng thường xuyên với liều lượng nhỏ.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2023 trên GeroScience (Tập san chính thức của Hiệp hội Lão hóa Hoa Kỳ) đã dùng một bảng câu hỏi để khảo sát 333 người lớn dùng rapamycin theo hình thức kê đơn không theo hướng dẫn trên nhãn, hầu hết đều được dùng dưới sự giám sát của bác sĩ. Đại đa số (95%) cho biết dùng rapamycin vì lý do “tuổi thọ khỏe mạnh/chống lão hóa,” gần 19% để ngăn ngừa chứng mất trí nhớ và một số ít vì “bệnh tim mạch” hoặc “ung thư,” không có ai dùng thuốc với mục đích ban đầu đã được phê chuẩn là để phòng ngừa thải ghép nội tạng.
Kho báu ẩn giấu trên đảo Phục sinh
“Rapamycin không được tạo ra trong phòng thí nghiệm, không phải là một phân tử tổng hợp mà rapamycin thực sự đến từ thiên nhiên,” Tiến sĩ Robert Lufkin, giáo sư lâm sàng tại Trường Đại học Y khoa Keck thuộc University of Southern California, nói với The Epoch Times.
Vào tháng 12/1964, khi nghe tin chính phủ Chile có kế hoạch xây dựng một sân bay quốc tế trên đảo Phục sinh, một nhóm gồm 40 người do các nhà khoa học Canada dẫn đầu đã đến đảo và ở lại trong 3 tháng. Mục tiêu của nhóm các khoa học gia này là khám phá dân số và môi trường tự nhiên của hòn đảo trước khi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Trong thời gian này, các nhà khoa học quan sát thấy người dân bản địa địa phương – những người đi chân trần – không bao giờ mắc bệnh uốn ván. Điều này khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ là có chất nào đó trong đất có tác dụng bảo vệ. Sau đó, các nhà khoa học đã tìm thấy chất này trong phòng thí nghiệm. Đây là chất chuyển hóa của Streptomyces hygroscopeus – có đặc tính kháng khuẩn.
Chất này làm cho nấm và những thứ xung quanh bị chết đói, đồng thời ngăn các sinh vật phát triển, ông Arlan Richardson, giáo sư hóa sinh và sinh lý học tại Trung tâm Khoa học Y tế University of Oklahoma nói với The Epoch Times.
Trong ngôn ngữ bản địa địa phương, đảo Phục sinh được gọi là Rapa Nui. Vì vậy, chất được phát hiện trong đất ở đảo được đặt tên là “rapamycin.”
Các cách dùng ban đầu
Ngoài đặc tính kháng khuẩn, các nhà khoa học còn quan sát thấy rapamycin có thể ức chế sự phát triển của tế bào động vật. Mục tiêu cụ thể của rapamycin là một loại protein trong tế bào cần thiết cho các sinh vật sống được gọi là TOR, hoạt động như một “công tắc” cho sự phát triển của tế bào.
Tiến sĩ Lufkin cho biết, “[TOR] được cho là một trong những phân tử sinh học quan trọng nhất từng được biết đến vì có ảnh hưởng cơ bản đến quá trình trao đổi chất. Điều đáng nói là TOR lấy tên trực tiếp từ rapamycin. TOR là viết tắt của cụm từ “target of rapamycin (mục tiêu của rapamycin),” trong khi mTOR, được sử dụng trong nhiều nghiên cứu, là viết tắt của cụm từ “mechanistic target of rapamycin (mục tiêu cơ học của rapamycin).”
TOR đảm nhận thực hiện một việc quan trọng: Cảm nhận sự hiện diện của chất dinh dưỡng. Khi dinh dưỡng đầy đủ, TOR phát tín hiệu cho tế bào phát triển. Ngược lại, khi dinh dưỡng bị thiếu hụt, tế bào sẽ ngừng phát triển và chuyển sang quá trình tự sửa chữa. Tiến sĩ Lufkin nói, “Và cả hai con đường này đều lành mạnh và cần thiết cho cuộc sống.”
Rapamycin ban đầu được sử dụng như một chất ức chế miễn dịch. Liều rapamycin cao hơn (3 miligram mỗi ngày) được phát hiện là làm giảm hoạt động của các tế bào miễn dịch, do đó giúp hạn chế việc không tiếp nhận các cơ quan lạ. Năm 1999, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn rapamycin được sử dụng cho bệnh nhân ghép thận [nhằm mục đích ngăn thải ghép].
Do có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào nên rapamycin sau này được sử dụng làm thuốc chống ung thư. Năm 2007, hoạt chất temsirolimus – tương tự như rapamycin – lần đầu tiên được chấp thuận để điều trị ung thư thận. Tiến sĩ Lufkin lưu ý rằng rapamycin hiệu quả trong việc chống lại nhiều loại ung thư và FDA đã phê chuẩn rapamycin như một liệu pháp chính hoặc bổ trợ cho 8 loại ung thư.
Có mối liên quan giữa tác dụng ức chế miễn dịch và chống ung thư của rapamycin. Tiến sĩ Lufkin cho biết, “Rapamycin dường như có tác động tích cực đến việc kiểm soát ung thư ở những bệnh nhân được cấy ghép – ví dụ như ghép tim.” Do hệ thống miễn dịch bị ức chế nên “nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất sau khi cấy ghép không phải do bị đào thải nội tạng mà thực chất là do ung thư.”
Các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Mayo đã tiến hành một thử nghiệm có kiểm soát theo dõi hơn 500 người được ghép tim trong 10 năm và phát hiện ra rằng, những bệnh nhân sử dụng rapamycin để chống đào thải có nguy cơ phát triển khối u ác tính thấp hơn 66% so với những người sử dụng loại thuốc chống đào thải khác (thuốc ức chế calcineurin).
Tác dụng kéo dài tuổi thọ của rapamycin
Tác dụng chính của rapamycin là ức chế mTOR, chất có thể tạo ra trạng thái giống như nhịn ăn trong tế bào, gây ra hiện tượng tự thực bào. Cơ chế này có thể góp phần kéo dài tuổi thọ của tế bào.
Nói một cách đơn giản, quá trình tự thực bào là quá trình các tế bào tái chế, loại bỏ chất thải và vật liệu lạ của chính tế bào, bảo tồn năng lượng cho sự sống.
Ông Richardson giải thích rằng mTOR gửi tín hiệu tăng trưởng đến các tế bào, tín hiệu này rất quan trọng đối với trẻ em và động vật còn nhỏ, trợ giúp cho sự phát triển của xương, sự trưởng thành của não và các quá trình phát triển khác. Tuy nhiên, đường truyền tín hiệu này lại có thể ảnh hưởng xấu đến người lớn tuổi và động vật trưởng thành. Theo tuổi tác, mTOR có thể hoạt động quá mức do bệnh tật hoặc stress oxy hóa – tương tự như việc liên tục nhấn bàn đạp ga khi lái xe ô tô, làm cho các tế bào hoạt động quá mức, góp phần gây ra các bệnh liên quan đến tuổi tác và thậm chí là ung thư.
Cách thức ăn uống và lối sống hiện đại đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt quá mức mTOR. Với cuộc cách mạng nông nghiệp, thực phẩm ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn. Tiếp theo là việc sử dụng rộng rãi tủ lạnh, sự phổ biến của thực phẩm chế biến sẵn và siêu chế biến trong những thập niên gần đây đã làm cho những thực phẩm này trở thành thành phần chính của khẩu phần ăn uống hiện đại. Tiến sĩ Lufkin nói, “Điều này khiến người ta ăn uống liên tục. Và mTOR được chuyển hoàn toàn sang hình thức tăng trưởng này.”
Ông Richardson khẳng định, “Nếu chúng ta ức chế nó, về cơ bản chúng ta sẽ làm chậm sự phát triển của những thứ mà chúng ta không muốn,” từ đó trì hoãn quá trình lão hóa và ngăn ngừa nhiều bệnh liên quan đến tuổi già. Kết quả này đã được chứng minh trên mô hình động vật.
Một nghiên cứu được công bố trên Journal Science (Tập san Khoa học) cho thấy rapamycin đã kéo dài tuổi thọ của chuột, vốn đã bị rút ngắn do bệnh tật. Trong một nghiên cứu khác, một số con chuột trung niên đã được chích rapamycin trong ba tháng. Thông thường, những con chuột này sẽ chết khi được khoảng 30 tháng tuổi, nhưng sau khi sử dụng rapamycin, tuổi thọ của chuột đã được kéo dài thêm 60%.
Rapamycin có tác dụng chống viêm và có ảnh hưởng tích cực đến hệ thống tim mạch, theo Tiến sĩ Andrea Maier, giáo sư y khoa, nghiên cứu về lão hóa khỏe mạnh và chứng mất trí nhớ tại Đại học Quốc gia Singapore và là giáo sư danh dự về y học tổng hợp và chăm sóc người lớn tuổi tại Đại học Melbourne.
Một loại thần dược cho con người?
Rapamycin đã được chứng minh là có tác dụng kéo dài tuổi thọ ở động vật, vậy, liệu con người có thể sớm được sử dụng rapamycin cho mục đích tương tự không?
Ông Richardson nói, “Tôi không muốn ra ngoài và nói, ‘Chà, bạn nên dùng rapamycin,’” đồng thời ông cũng lưu ý rằng, nghiên cứu về khả năng cải thiện hoặc tăng tuổi thọ của con người của rapamycin “còn rất xa.” Nghiên cứu cần thiết bao gồm những thử nghiệm về các tác dụng phụ tiềm ẩn trong các thử nghiệm lâm sàng và đánh giá tác dụng điều trị của hợp chất đối với các bệnh cụ thể liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như bệnh Alzheimer và ung thư.
Tuy nhiên, ông Richardson tin rằng, đối với những bệnh nhân mắc bệnh không thể chữa khỏi như bệnh Alzheimer thì việc điều trị bằng rapamycin dưới sự theo dõi sát sao của bác sĩ có thể là một lựa chọn khả thi.
Ông Alessandro Bitto, giáo sư tại khoa y học và bệnh lý trong phòng thí nghiệm tại Đại học Washington, lưu ý rằng, trong khi nhiều loại thuốc có hiệu quả ở chuột nhưng cuối cùng lại thất bại ở người, một số nghiên cứu quy mô nhỏ ở người cho thấy rapamycin có cải thiện được một số dấu hiệu cụ thể liên quan đến tuổi tác.
Tiến sĩ Lufkin nói, “Tôi nghĩ có thể có nhiều lợi ích to lớn từ (rapamycin) mà hiện giờ chúng ta thậm chí còn chưa hiểu được.” Mặc dù được ghi nhận là tương đối an toàn, nhưng rapamycin mới được chấp thuận sử dụng cho người trong hơn 20 năm và các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng về tuổi thọ của con người với rapamycin chỉ mới bắt đầu từ năm 2016.
Các khoa học gia cũng đang thử nghiệm rapamycin trên chó, loài chủ yếu sống với chủ và tiếp xúc với môi trường gần với điều kiện sống của con người hơn. Cách tiếp cận này được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả thuyết phục hơn.
Tiến sĩ Maier nói với The Epoch Times, “Các kết quả nên được công bố một cách thận trọng vì càng về sau sẽ càng có thêm nhiều nghiên cứu thử nghiệm về rapamycin. Đồng thời, cũng sẽ có những nghiên cứu khác giúp ngăn ngừa được quá trình lão hóa.”
Mặt khác, Tiến sĩ Lufkin lại có quan điểm tương đối tích cực về vai trò của rapamycin trong việc cải thiện quá trình trao đổi chất và kéo dài tuổi thọ. Trên thực tế, ông đã dùng rapamycin cho chính mình, nhưng ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vừa bổ sung rapamycin vừa thay đổi lối sống.
Ông nhấn mạnh, “Chúng ta không thể chỉ uống một viên thuốc và khỏe mạnh mãi mãi. Chúng ta nên cố gắng tránh đồ ăn vặt và rút ngắn thời gian ăn uống trong ngày.” Kết hợp rapamycin với thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm lượng carbohydrate, tránh sử dụng dầu thực vật đã qua chế biến quá nhiều lần, ngủ đều đặn và duy trì hoạt động, có thể mang lại kết quả tốt hơn. Ông cũng đề cập rằng, nhịn ăn gián đoạn là cách hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ.
Hiểu biết về các dụng phụ còn hạn chế
Đối với những ai đang muốn dùng rapamycin để có sức khỏe lâu dài thì việc tìm hiểu các tác dụng phụ của rapamycin là điều rất cần thiết.
Tiến sĩ Maier cho biết, rapamycin có thể có những tác dụng phụ nghiêm trọng. FDA lưu ý rằng dùng rapamycin ở liều điều trị để ngăn ngừa thải ghép nội tạng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và một số bệnh ung thư liên quan đến ức chế miễn dịch. Ngoài ra, một nghiên cứu tổng quan được công bố trên Nature Aging (Tập san Lão hóa Tự nhiên) vào năm 2023 cho thấy rằng, tác dụng phụ của rapamycin liều cao hơn ở bệnh nhân ghép tạng và ung thư gồm loét miệng, khó chịu ở đường tiêu hóa, cholesterol cao, lượng đường trong máu cao và vết thương chậm lành.
Một số thí nghiệm trên người sử dụng rapamycin liều thấp (0.1 đến 0.5 miligram/ngày) cho thấy, rapamycin có thể có lợi cho hệ thống miễn dịch ở một khía cạnh nào đó, vì rapamycin có thể điều chỉnh giúp tăng sức đề kháng. Ví dụ, một loạt các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng do Tiến sĩ Joan Mannick, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và y học lão hóa chủ trì, đã chứng minh rằng, con người dung nạp tốt rapamycin ở liều thấp. So với nhóm giả dược, rapamycin làm tăng phản ứng vaccine cúm ở người lớn trên 65 tuổi lên 20%. Rapamycin cũng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở những người lớn tuổi này theo năm.
Dịch ảnh:
Một nghiên cứu tổng quan được công bố vào tháng Hai trên The Lancet: Health Longevity (Tập san The Lancet: Tuổi thọ Khỏe mạnh) đã báo cáo rằng, không thấy có tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến rapamycin xảy ra trong bất kỳ nghiên cứu nào liên quan đến những người khỏe mạnh. Các tác dụng phụ thường ở mức độ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục sau khi ngừng điều trị. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là nhiễm trùng và bệnh lý ở miệng, môi. Ngoài ra, cholesterol và lipid máu có thể tăng nhẹ và triệu chứng này sẽ hết khi ngừng điều trị.
Một số chuyên gia khác cũng lưu ý rằng, tác dụng phụ của rapamycin dường như tương đối nhẹ ở giai đoạn này. Tiến sĩ Lufkin đã đề cập đến một trường hợp, trong đó một người trưởng thành dùng một liều rapamycin cao gấp 10 lần (103 miligram) so với bình thường, nhưng không gặp bất kỳ biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nào. Do mối liên quan trực tiếp giữa liều lượng và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ nên các nhà nghiên cứu cũng đang khám phá cách dùng thuốc để tối ưu hóa lợi ích tổng thể.
Triển vọng lạc quan
Các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến rapamycin đang nhanh chóng được mở rộng, với gần 100 thử nghiệm đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực.