Từ năm 2000 đến năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng đã giảm gần phân nửa. Tuy nhiên tỷ lệ này lại đang gia tăng ở nhóm người dưới 50 tuổi.
Nhìn chung, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng đã giảm. Nhưng đáng ngạc nhiên là tỷ lệ này lại đang gia tăng ở người trẻ.
“Một số phơi nhiễm mới” mới nổi vào giữa thế kỷ 20 có thể là nguyên nhân gây ra bệnh này, bà Rebecca Siegel, giám đốc khoa học cấp cao về nghiên cứu giám sát tại Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times.
Theo số liệu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, từ năm 2000 đến năm 2020, tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng giảm gần một nửa. Tuy nhiên, ở những người dưới 50 tuổi, tỷ lệ này đã tăng từ 6 người trên 100,000 người lên hơn 8 người trên 100,000 người.
Ung thư đại trực tràng được chẩn đoán trước 50 tuổi được gọi là ung thư đại trực tràng khởi phát sớm. Theo báo cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ năm 2024, trong hai đến ba thập niên qua, tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng khởi phát sớm đã tăng với tốc độ từ 1% đến 2% mỗi năm, trong khi tỷ lệ tử vong cũng tăng 1% mỗi năm. Thời nay, ung thư đại trực tràng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nam giới dưới 50 tuổi và chỉ đứng thứ hai sau ung thư vú ở phụ nữ dưới 50 tuổi.
Ung thư tiến triển nhanh hơn
Các tế bào bất thường trong niêm mạc ruột có thể phát triển thành polyp và một số polyp có thể trở thành ung thư sau 10 đến 15 năm. Sau đó, khối u có thể di căn đến các hạch bạch huyết gần đó hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
Đại trực tràng là phần cuối cùng của hệ thống tiêu hóa – khoảng 1.5m đầu tiên được gọi là đại tràng và 15cm cuối cùng là trực tràng, nối với hậu môn. Ung thư đại tràng và ung thư trực tràng thường được nhóm lại vì có chung nhiều đặc điểm chung và được gọi chung là ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng khởi phát sớm “hơi khác một chút” so với các bệnh ung thư đại trực tràng khác. Loại này có nhiều khả năng xảy ra ở phần thấp nhất của đại tràng và trực tràng. Bệnh nhân có xu hướng xuất hiện các triệu chứng như chảy máu trực tràng và thay đổi thói quen đại tiện, theo bác sĩ Jeremy Kortmansky, phó giáo sư ung thư y khoa tại Trường Y khoa Yale và giám đốc lâm sàng của Khoa Ung thư Y khoa Tiêu hóa tại Trung tâm Ung thư Yale.
Tiến sĩ Kortmansky lưu ý rằng khi kiểm tra bằng kính hiển vi, các tế bào khối u ở bệnh nhân ung thư đại trực tràng khởi phát sớm “có xu hướng mô học ác tính hơn,” một đặc điểm dường như có liên quan phần nào đến việc ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
Trong số những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ung thư đại trực tràng ở độ tuổi từ 20 đến 49, người trẻ hơn có tỷ lệ di căn cao hơn và tốc độ tiến triển bệnh nhanh hơn so với người lớn tuổi với 47% ung thư xâm lấn tại chỗ và 27% ung thư di căn xa.
Hơn nữa, nhiều người trẻ tuổi bị chẩn đoán sai hoặc bỏ qua các triệu chứng.
Bà Siegel cho biết, “Các bác sĩ không nghĩ đến bệnh ung thư ở những người ở độ tuổi 20 và 30. Thời điểm chẩn đoán xác định ung thư thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. “
Một nghiên cứu thống kê được công bố vào năm 2019 cho thấy trong số những bệnh nhân ung thư đại trực tràng khởi phát sớm có triệu chứng chảy máu trực tràng, thời gian trung bình từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi được chẩn đoán là 271 ngày. Đến lúc đó, gần một nửa số bệnh nhân ung thư đã di căn.
Cả hai yếu tố là di truyền và béo phì đều có thể góp phần vào xu hướng ung thư khởi phát sớm đáng báo động.
Một nghiên cứu tiến cứu lớn trên 85,000 phụ nữ được công bố trên JAMA Oncology cho thấy thừa cân làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng khởi phát sớm lên 37%, trong khi béo phì làm tăng nguy cơ lên 93%, gần như tăng gấp đôi. Tiến sĩ Kortmansky giải thích rằng béo phì làm thay đổi nồng độ hormone, chẳng hạn như adiponectin và leptin, có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u. Điều này sẽ dẫn đến sự khởi phát sớm của các bệnh ung thư khác, như ung thư vú, ung thư tuyến tụy và ung thư nội mạc tử cung.
Bà Siegel lưu ý, “Tuy nhiên, yếu tố trọng lượng cơ thể dư thừa chỉ chiếm khoảng 5% tổng số ca ung thư đại trực tràng. Có lẽ béo phì không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến sự gia tăng này.” Bà lấy người Mỹ gốc Phi làm ví dụ; mặc dù có mức tăng trọng lượng cơ thể lớn nhất so với các nhóm dân số khác, nhưng họ lại có mức tăng tỷ lệ ung thư đại trực tràng ít nhất.
Tình hình phức tạp hơn thế.
Thời đại sau những năm 1950
Bà Siegel cho biết, “Mặc dù chúng ta đã biết về nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư đại trực tràng nói chung, nhưng đây là các yếu tố dựa vào thế hệ lớn tuổi hơn,” đồng thời cho thấy rằng có tác động đoàn hệ sinh sản mạnh mẽ đối với bệnh ung thư đại trực tràng khởi phát sớm ở những người sinh sau những năm 1950.
Bà nói, những người mới sinh càng gần thì nguy cơ càng cao, đồng thời lưu ý rằng điều này cho thấy “một số phơi nhiễm mới đây đang gây ra nguy cơ ung thư cao hơn.”
Cụ thể, tỷ lệ ung thư đại trực tràng khởi phát muộn ở Hoa Kỳ bắt đầu gia tăng vào những năm 1950. Trong khi đó, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng khởi phát sớm không bắt đầu tăng cho đến những năm 1990.
Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Journal of Clinical Oncology (Tập san Ung thư Lâm sàng) của các nhà khoa học từ một số tổ chức nghiên cứu ung thư có uy tín đã nhấn mạnh rằng các yếu tố nguy cơ mới gây ra ung thư đại trực tràng đã xuất hiện trong thời kỳ đó. Những người lớn tuổi có thể đã tích lũy những thay đổi tế bào bất lợi, cùng với những thay đổi về khẩu phần ăn uống và lối sống trong thời kỳ đó, đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, đối với những người sinh ra trong thời kỳ đó, việc tiếp xúc sớm với các yếu tố nguy cơ như vậy đòi hỏi một thời gian tương đối dài (vài thập niên) mới dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
Việc tiếp xúc sớm với các yếu tố nguy cơ được cho là có tác động đáng kể đến việc tăng tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng và các bệnh ung thư khác.
Bà Siegel nói, “Có rất nhiều thay đổi trong lối sống của chúng tôi. “Nguồn cung cấp thực phẩm rất khác nhau; nhiều thực phẩm chế biến hơn. Lối sống của người dân ít vận động hơn nhiều”.
Các yếu tố sau đây xuất hiện trong giai đoạn “bước ngoặt” này cho thấy mối tương quan với việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng:
- Lạm dụng kháng sinh, đặc biệt ở trẻ em
- Thói quen ăn kiêng hiện đại hóa
- Tiêu thụ nhiều đường bổ sung, bao gồm thức uống có đường và syrup bắp có hàm lượng đường fructose cao
- Sử dụng rộng rãi các chất phụ gia thực phẩm như bột ngọt, titan dioxide và thuốc nhuộm thực phẩm tổng hợp
- Tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào ban đêm và thay đổi thói quen đi ngủ
Những trải nghiệm và sự tiếp xúc khác thời thơ ấu trong giai đoạn này cũng có thể liên quan đến ung thư đại trực tràng khởi phát sớm, chẳng hạn như:
- Mổ lấy thai
- Sữa công thức cho trẻ sơ sinh thường thay thế sữa mẹ
- Tăng tuổi mẹ ở lần sinh con đầu tiên và cuối cùng
- Xạ trị vùng bụng (đặc biệt là các kỹ thuật ban đầu, do vấn đề về độ chính xác, có nhiều khả năng phá hủy các mô bình thường)
Thực phẩm có đường, như syrup bắp có hàm lượng fructose cao, có thể là thủ phạm chính, Ông Lewis Cantley, giáo sư tại Khoa Sinh học Tế bào của Trường Y khoa Harvard, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email với The Epoch Times. Ông giải thích rằng việc tiêu thụ syrup bắp có hàm lượng fructose cao tăng mạnh trong những năm 1960 và trong 20 năm tiếp theo, và tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng đã tăng lên tương đối ở người trẻ tuổi.
Những người trưởng thành này thường có mang gene đột biến KRAS. Gene KRAS là một gene gây ung thư có thể biến tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư khi bị đột biến.
Một nghiên cứu trên động vật mà ông Cantley thực hiện đã chứng minh rằng đường làm tăng tốc độ phát triển của khối u đường ruột. Ngay cả liều lượng đường bổ sung vừa phải, tương đương khoảng 0.71 ounce (hoặc gần 1.5 muỗng canh) mỗi người mỗi ngày, cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của khối u đường ruột.
Yếu tố sinh ung từ hệ vi sinh vật đường ruột
Những yếu tố nguy cơ mới này đang âm thầm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của chúng ta.
“Trong những năm gần đây, người ta mới bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của hệ vi sinh vật đường ruột, nhưng bằng chứng vẫn còn tương đối sơ bộ. Tuy nhiên, đối với các khối u đường tiêu hóa như ung thư đại trực tràng, có bằng chứng mạnh hơn cho thấy một số loài vi khuẩn thực sự có thể thúc đẩy sự hình thành khối u,” Mingyang Song, giáo sư dịch tễ học lâm sàng và dinh dưỡng tại Trường Y khoa cộng đồng Harvard T.H. Chan, trả lời phỏng vấn với The Epoch Times.
8 trong số 14 loại ung thư khởi phát sớm với tỷ lệ ngày càng tăng có liên quan đến hệ tiêu hóa, bao gồm ung thư đại trực tràng, thực quản, đường mật ngoài gan, túi mật, đầu cổ, gan, tuyến tụy và dạ dày.
Một số vi khuẩn đường ruột có thể tạo ra chất gây ung thư. Một nghiên cứu tổng quan được công bố trên Tập san Gut Microbes (Vi khuẩn Đường ruột) vào năm 2023 đã liệt kê một số vi khuẩn gây ung thư, bao gồm Enterococcus fecalis và Clostridioides difficile.
Vi khuẩn có hại không chỉ góp phần gây ung thư mà việc mất đi vi khuẩn có lợi còn ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ của chúng.
Tiến sĩ Sabine Hazan, người sáng lập và giám đốc điều hành của ProgenaBiome, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, nói với The Epoch Times, “Khả năng miễn dịch của chúng ta nằm ở ruột. Mọi thứ bạn ăn, bôi lên da, thở đều sẽ đi vào đại tràng.”
Tiến sĩ Hazan giải thích rằng, giống như thợ sửa ống nước, bác sĩ, luật sư và các chuyên gia khác có vai trò chuyên môn riêng biệt, mỗi loại vi khuẩn có lợi trong ruột đảm nhận một chức năng cụ thể. Mối liên kết giữa các vi khuẩn này tạo ra khả năng miễn dịch.
Đặc biệt, vi khuẩn Bifidobacteria rất quan trọng. Bà nói rằng nó giống như “một dấu hiệu của khả năng miễn dịch.” Tuy nhiên, mặc dù là một trong những vi khuẩn đầu tiên cư trú trong ruột trẻ sơ sinh và chiếm ưu thế về số lượng, Bifidobacteria giảm dần hoặc thậm chí biến mất khi con người già đi.
Đáng chú ý, Tiến sĩ Hazan phát hiện ra rằng bệnh nhân COVID-19 có biểu hiện mất Bifidobacteria trong phân của họ. Bà và các đồng nghiệp của mình đã công bố một nghiên cứu trên British Medical Journal Open Gastroenterology (Tập san Y khoa Tiêu hóa Anh quốc) số ra tháng 09/2022, báo cáo điều này, đồng thời gợi ý rằng những người đã phơi nhiễm nhưng chưa bao giờ bị nhiễm virus có một lượng lớn Bifidobacteria. Bà nói rằng có “sự mất hoàn toàn Bifidobacteria ở những bệnh nhân COVID nặng, ở những người phải điều trị lâu dài và bị thương do vaccine.”
Sự mất đi vi khuẩn Bifidobacteria cũng đã được quan sát thấy trong các trường hợp ung thư xâm lấn. Bà nói, “Theo quan điểm của tôi, việc mất đi vi khuẩn Bifidobacteria chắc chắn khiến những người trẻ tuổi mắc phải bệnh ung thư đại tràng.”
Thật không may, một khi một chủng vi khuẩn cụ thể biến mất thì rất khó để phục hồi. Tiến sĩ Hazan giải thích rằng trong hầu hết các trường hợp, men vi sinh uống vào không đến được ruột mà bị acid dạ dày tiêu diệt. Hơn nữa, một số hợp chất trong men vi sinh có thể tiêu diệt Bifidobacteria.
Tiến sĩ Hazan nói, “Tôi hay so sánh rằng việc mất đi Bifidobacteria giống như một khu vườn không có cây ăn trái. Bạn đã phá hủy cả một khu vườn và bây giờ bạn đang cố gắng trồng lại. Thật không may, nếu gặp bão, hạt giống bạn gieo sẽ không nảy mầm.” Vì vậy, hãy bảo tồn đường ruột ngay từ đầu và ngăn chặn mọi yếu tố tiềm ẩn có thể giết chết men vi sinh là tốt nhất.
Tiến sĩ Nathan Goodyear, giám đốc y tế của trung tâm điều trị ung thư tích hợp Brio-Medical tiểu bang Arizona nói với The Epoch Times, “Nếu chúng ta có một môi trường độc hại bên ngoài, thì điều đó thường dẫn đến môi trường độc hại bên trong.” Ông giải thích rằng hệ vi sinh vật đường ruột đứng đầu trong việc tiếp xúc với các chất độc hại, nêu bật tầm quan trọng của hệ vi sinh này.
Tiến sĩ Goodyear nói thêm, lối sống ít vận động, thực phẩm chế biến và thực phẩm nhiều đường cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng cách — “về cơ bản, tất cả những thứ này đang trở thành một cái phễu và trở thành một gánh nặng đối với những người ở độ tuổi ngày càng trẻ hơn.”
‘Một di sản bệnh tật’
Gần 1/3 bệnh nhân ung thư đại trực tràng khởi phát sớm có tiền sử gia đình hoặc yếu tố di truyền. Tiến sĩ Kortmansky cho biết, “Bệnh nhân càng trẻ thì càng có nhiều khả năng có tiền sử gia đình.”
Tuy nhiên, có một yếu tố khác quan trọng hơn di truyền, chính là di truyền học biểu sinh.
Các yếu tố di truyền học biểu sinh hoạt động trên bề mặt gene giống như chìa khóa mở rương kho báu, kích hoạt gene hoặc làm gene im lặng. Ví dụ, khi một gene ức chế ung thư bị tắt, các khối u có thể phát triển không kiểm soát được.
Một khẩu phần ăn uống lành mạnh và thói quen sinh hoạt tốt có thể kích hoạt các gene ức chế ung thư và ngừng hoạt động các gene thúc đẩy ung thư, trong khi những thói quen không lành mạnh có thể có tác dụng ngược lại.
Di truyền học biểu sinh cũng có thể tác động đến con cái của chúng ta vì đãtích lũy trước khi đứa trẻ được sinh ra. Khẩu phần ăn uống của người mẹ, việc tiêu thụ thuốc lá, rượu, ma túy và căng thẳng đều có thể đánh dấu lên DNA của thai nhi. Tương tự, lối sống và khẩu phần ăn uống của người cha cũng ảnh hưởng đến thông tin biểu sinh trong tinh trùng của ông.
Tiến sĩ Goodyear cho biết, “Chúng ta sẽ để lại di sản bệnh tật cho con cái, cháu chắt của chúng ta.” Nếu chúng ta không nhận ra vấn đề và thực hiện các điều chỉnh, thì “di sản bệnh tật đó sẽ tạo ra di sản nợ nần khổng lồ.”
Các xét nghiệm sàng lọc ung thư đại trực tràng
Bà Siegel cho biết, “Sàng lọc ung thư đại trực tràng là một trong hai xét nghiệm sàng lọc ung thư thực sự có thể ngăn ngừa bệnh tật,” đồng thời lưu ý rằng việc cắt bỏ polyp [trực tràng] có thể ngăn ngừa ung thư.
Năm 2018, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị giảm độ tuổi sàng lọc ung thư đại trực tràng từ 50 xuống 45.
Bà Siegel lưu ý rằng trong số những bệnh ung thư đại trực tràng khởi phát sớm, khoảng 44% bệnh nhân nằm trong độ tuổi từ 45 đến 49. Việc tăng tỷ lệ sàng lọc có thể giúp giảm bớt gánh nặng của căn bệnh này. Bà cũng đề cập rằng những người có tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng hoặc u tuyến nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn, tùy thuộc vào thời điểm người thân được chẩn đoán. Ví dụ: nếu anh chị em của một người bị bệnh u tuyến ở tuổi 45, họ có thể nên bắt đầu sàng lọc ở tuổi 35, nhưng điều quan trọng là phải thảo luận vấn đề này với bác sĩ.
Điều đáng chú ý là dù tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng nhưng nguy cơ tuyệt đối ở những người trẻ tuổi mắc căn bệnh này vẫn rất thấp. Vì vậy, bà Siegel gợi ý rằng những người không có tiền sử gia đình hoặc chẩn đoán polyp trước đó có thể bắt đầu bằng xét nghiệm phân, phương pháp này thuận tiện, tiết kiệm chi phí và có tác dụng phụ tối thiểu.
Mặc dù hiếm gặp nhưng nội soi có một số rủi ro nhất định, bao gồm nhiễm trùng, chảy máu nặng hoặc thủng ruột. Ngoài ra, độ chính xác của thủ thuật nội soi còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ và chất lượng của thiết bị.
Xét nghiệm phân có thể được tiến hành hàng năm và những người có kết quả dương tính nên được nội soi càng sớm càng tốt. Nếu nội soi cho thấy ruột “trông hoàn toàn rõ ràng”, việc sàng lọc có thể được thực hiện sau mỗi 5 đến 10 năm.
Nội soi đại tràng sigma ít xâm lấn hơn nội soi đại tràng và tương đối đơn giản nhưng không thể kiểm tra toàn bộ đại tràng.
Hãy chọn đúng nhiên liệu
Tiến sĩ Kortmansky cho biết, xét trên mọi khía cạnh, “lối sống có thể là yếu tố có thể thay đổi được nhiều nhất” trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Tiến sĩ Goodyear cho biết, “Nếu lối sống đang góp phần đẩy nhanh quá trình này (ung thư đại trực tràng khởi phát sớm), thì lối sống lại là phương tiện để đảo ngược xu hướng đó”. Ông giải thích rằng chúng ta không sinh ra để ăn thực phẩm chế biến sẵn; hầu hết các vấn đề về sức khỏe đường ruột của mọi người đều bắt nguồn từ việc không ăn thực phẩm thực sự. Đầu tiên, chúng ta phải quay trở lại lối sống truyền thống và lành mạnh, ăn thực phẩm nguyên chất, tự nhiên, không hóa chất và không chất phụ gia.
Tiêu thụ thực phẩm đã qua chế biến cũng giống như đổ dầu diesel vào xe hơi chạy xăng – một điều tương tự mà Tiến sĩ Goodyear hoàn toàn đồng ý. Mặt khác, trong khi nghiên cứu ngày càng ủng hộ lợi ích của men vi sinh, ông nhấn mạnh rằng thực phẩm tự nhiên, bao gồm rau và thực phẩm lên men, cũng đóng vai trò là men vi sinh và prebiotic.
Một phân tích gộp cho thấy rằng khẩu phần ăn uống lành mạnh đặc trưng bao gồm nhiều trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt hoặc đậu, cá hoặc hải sản và các sản phẩm từ sữa ít béo giúp giảm 19% nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Ngược lại, bữa ăn phương Tây đặc trưng với nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, thức uống có đường, ngũ cốc tinh chế, món tráng miệng và khoai tây làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên 25%. Tuy nhiên, điều đáng nói là đã có nhiều tranh cãi xung quanh mối quan hệ giữa thịt đỏ và ung thư đại trực tràng, thường là do một số nghiên cứu không phân biệt giữa thịt đỏ và thịt đã qua chế biến.
Một số chất dinh dưỡng đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
1.Chất xơ
Chất xơ giúp rút ngắn thời gian phân lưu lại trong ruột, giảm sự tiếp xúc giữa thành ruột kết và các chất gây ung thư. Chất xơ cũng đóng vai trò là thức ăn cho men vi sinh, phân hủy thành acid béo chuỗi ngắn có tác dụng chống viêm và chống ung thư. Hơn nữa, bữa ăn nhiều chất xơ có thể giúp ngăn chặn vi khuẩn có hại.
Tuy nhiên, nguồn chất xơ là rất quan trọng. Chất xơ tự nhiên từ trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có lợi hơn so với chất xơ từ thực phẩm chức năng. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng cũ hơn cho thấy việc bổ sung chất xơ từ cám lúa mì không có tác dụng bảo vệ đáng kể chống lại sự tái phát của u tuyến đại trực tràng.
2. Calcium
Calcium có nhiều cách để chống lại khối u đại trực tràng. Calcium giúp làm giảm tác dụng gây ung thư của chất độc trên niêm mạc ruột kết. Ngoài ra, calcium ức chế sự tăng sinh tế bào bất thường. Một phân tích gộp cho thấy việc bổ sung calcium hàng ngày từ 1,200 đến 2,000mg trong 3 đến 5 năm giúp giảm 12% tỷ lệ tái phát của u tuyến đại trực tràng.
3.Vitamin D
Vitamin D có thể tăng chức năng miễn dịch của ruột. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu ủng hộ tác dụng chống ung thư của vitamin D. Một phân tích gộp cho thấy những người có nồng độ vitamin D trong huyết thanh nhỏ hơn hoặc bằng 30 nanomol/lít (nmol/L) hoặc 12 nanogram/ml (ng/mL), có nguy cơ cao hơn 50% phát triển ung thư đại trực tràng so với những người có nồng độ 82.5nmol/L (33 ng/mL) trở lên.
4.Vitamin C