Chăm sóc dạ dày bằng liệu pháp bấm huyệt và ẩm thực của Trung Hoa cổ xưa
Các bác sĩ Trung y thường dùng liệu pháp bấm huyệt đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Hãy cùng tìm hiểu về cách Trung y có thể chữa lành vết loét dạ dày.
Rất nhiều người bị các vấn đề về dạ dày. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số phương pháp mà các bác sĩ Trung y sử dụng để phòng ngừa và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản và loét dạ dày.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một loại rối loạn tiêu hóa trong đó acid dạ dày hoặc thức ăn từ dạ dày chảy ngược vào thực quản, dẫn đến các triệu chứng như nóng rát, khó chịu ở cổ họng và buồn nôn.
Theo kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến trên khắp Hoa Kỳ năm 2018 trên 71,812 người từ 18 tuổi trở lên thì 30% người trưởng thành bị GERD mỗi tuần.
GERD có liên quan đến tuổi tác, giới tính, chủng tộc, giáo dục, thu nhập, hút thuốc, chỉ số khối cơ thể, trầm cảm và lo lắng, đồng thời cũng liên quan tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, năng suất làm việc và tiêu tốn nguồn lực chăm sóc sức khỏe.
Trị liệu bằng liệu pháp bấm huyệt của Trung y
Các bác sĩ Trung y thường áp dụng liệu pháp bấm huyệt để giảm bớt GERD. Ấn hoặc châm cứu vào 3 huyệt gồm Nội quan, Thần môn và Túc tam lý có thể giúp hết nấc, ức chế ói mửa và tăng cường lưu thông máu để giảm đau. Vị trí và chức năng của 3 huyệt này được liệt kê dưới đây:
Huyệt Nội quan nằm trên nếp lằn cổ tay 3 khoát ngón tay. Tính từ ngón út và đo lên 3 ngón tay, huyệt Nội quan ở giữa hai gân. Huyệt Nội quan có liên quan đến màng ngoài tim và vùng cơ tim gần tim. Bất cứ khi nào tim, vùng cơ tim hoặc vùng tim của dạ dày cảm thấy khó chịu, có thể xoa bóp và kích thích huyệt Nội quan để nhanh chóng thuyên giảm.
Huyệt Thần môn nằm trên đường lằn cổ tay. Bắt đầu từ ngón út và đo 1 ngón tay vào trong, huyệt Thần môn nằm ở giữa hai xương. Huyệt Thần môn là điểm khởi nguồn của kinh tim, có chức năng chính là làm dịu tâm trí. Xoa bóp bấm huyệt Thần môn có thể giúp những người đang lo lắng hoặc căng thẳng bình tĩnh lại.
Huyệt Túc tam lý nằm ở mặt bên của cẳng chân. Bắt đầu từ mắt ngoài của đầu gối và đo 4 khoát ngón tay trở xuống, huyệt Túc tam lý nằm ở phía bên của xương chày. Huyệt Túc tam lý là điểm khởi nguồn của kinh dạ dày, có tác dụng chính là chữa cảm lạnh dạ dày. Xoa bóp bấm huyệt Túc tam lý có thể giúp ích cho những người bị acid dạ dày quá nhiều hoặc đau dạ dày, có tác dụng làm ấm dạ dày và giảm acid dạ dày, thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Phương pháp thực hiện: Dùng ngón tay cái ấn vào mỗi huyệt 10 lần, xen kẽ 3 lần vào mỗi huyệt để ngăn ngừa và làm dịu cơn GERD. Nếu ngón tay chưa đủ khỏe, cũng có thể dùng tay gõ hoặc đập hoặc dùng gót chân ấn vào các huyệt Túc tam lý ở bàn chân còn lại, sẽ giúp giảm bớt vấn đề về acid dạ dày.
Bấm huyệt và châm cứu đã được nhiều nghiên cứu ủng hộ trong những năm gần đây và ngày càng được y học Tây phương chấp nhận.
Trong bài tổng hợp kết quả nghiên cứu được công bố trên Oxford Academic (Tập san Học thuật Oxford) năm 2019, các nhà nghiên cứu đã xem xét, đánh giá những dữ liệu trước đây về việc sử dụng châm cứu để điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa.
Châm cứu được cho là có tác dụng “tăng nhu động thực quản và đường tiêu hóa, … kích thích làm rỗng dạ dày, … điều hòa các chất trung gian thần kinh nội tiết tố, … và điều chỉnh các vùng khác nhau của trục não-ruột-hệ vi sinh vật.”
Trong khi giải thích các nguyên tắc điều trị của châm cứu cũng như các lý thuyết và khái niệm cơ bản từ góc độ Trung y, các nhà nghiên cứu cũng thảo luận về các phương pháp kết hợp tiềm năng giữa Trung y và Tây y trong điều trị rối loạn tiêu hóa.
Loét dạ dày là gì?
Loét dạ dày là vết thương mạn tính hình thành do niêm mạc dạ dày bị acid hoặc vi khuẩn Helicobacter pylori bào mòn, thường gây ra các triệu chứng như đau dạ dày, trào ngược, buồn nôn. Trong trường hợp nặng, có thể xảy ra chảy máu hoặc thủng dạ dày, đe dọa tính mạng.
Để điều trị bệnh loét dạ dày, Trung y thường sử dụng liệu pháp ăn uống, trong đó bí ngô là thực phẩm hiệu quả nhất. Bí ngô rất hữu ích cho những bệnh nhân bị loét dạ dày nhẹ bằng cách đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương, bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa và thúc đẩy bài tiết mật để giúp tiêu hóa thức ăn.
Một nghiên cứu do Food Production, Processing and Nutrition (Tập san Sản xuất, Chế biến và Dinh dưỡng Thực phẩm) công bố đã nhấn mạnh, bí ngô là một loại thực phẩm chữa bệnh có nhiều thành phần dinh dưỡng, đóng vai trò đa chức năng trong cơ thể con người. Các protein, polysaccharides, lutein, dầu, vitamin, khoáng chất và các hợp chất phenolic trong bí ngô có tác dụng điều hòa miễn dịch, chống viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng virus.
Cách chế biến bí ngô
1. Latte bí ngô
Đây là thức uống giống như cà phê, có thể uống trước bữa sáng để giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và ngăn ngừa chứng tăng tiết acid.
Thành phần:
- 0.35 ounce (10 gram) bí ngô xay nhuyễn.
- 3/4 ly sữa tươi.
- 1 muỗng xi-rô phong.
- 1/4 ly cà phê đen.
- Một nhúm quế.
Cho bí ngô, sữa, xi-rô phong và cà phê đen xay nhuyễn trong khoảng 20 giây cho đều. Sau đó đổ latte bí ngô vào cốc và rắc bột quế.
Nếu dành cho trẻ em, có thể không dùng cà phê đen, chỉ dùng bí ngô xay nhuyễn, sữa và xi-rô phong.
2. Cháo bí ngô
Đây là món cháo đơn giản của Trung Hoa, có thể ăn trước hoặc sau bữa tối, giúp làm ấm dạ dày, giảm độ acid, đẩy nhanh quá trình chữa lành vết loét dạ dày.
Thành phần:
- 7 ounce (200 gram) bí ngô xay nhuyễn.
- 1.75 ounce (50 gram) kê.
- Nước.
Cắt bí ngô thành từng miếng nhỏ, rửa sạch hạt kê, cho vào nồi, thêm nước, đun sôi rồi giảm nhiệt, nấu trong khoảng 30 phút. Thỉnh thoảng khuấy đều để hỗn hợp không bị dính vào nồi. Khi bí ngô và kê chín là có thể ăn được.
Thói quen không tốt làm tổn thương lá lách và dạ dày
Nên tránh những thói quen này để bảo vệ lá lách và dạ dày.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times