Căng thẳng thông qua hệ vi sinh vật gây hại cho cơ thể như thế nào? Cách quản lý căng thẳng
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột giúp ngăn ngừa bệnh tật (Phần 9)
Trong loạt bài “Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột giúp ngăn ngừa bệnh tật” này chúng tôi sẽ chia sẻ về cách mà những phát triển mới nhất trong lĩnh vực vi sinh y học đang thay đổi phương pháp chúng ta tiếp cận với bệnh tật và đưa ra các chiến lược mới trong điều trị và dự phòng như thế nào.
Phần 1: Khoa học mới về vi sinh vật: Diệt khuẩn bằng kháng sinh có thể là thiển cận
Phần 2: Ruột chữa bệnh và gây bệnh như thế nào
Phần 3: Tại sao các nhà khoa học ám ảnh về vi sinh vật trong phân của chúng ta
Phần 4: Giải mã chứng rối loạn hệ khuẩn đường ruột: Vi khuẩn đường ruột của bạn có bị hỏng không?
Phần 5: Vi khuẩn đường ruột tạo ra 3 chất chuyển hóa nhỏ bé nhưng đảm nhận công việc khổng lồ
Phần 6: Vi khuẩn đường ruột quyết định cơ thể bạn chống ung thư tốt như thế nào
Phần 7: Hệ vi sinh đường ruột bị hủy hoại bởi 3 yếu tố mà bạn hoàn toàn có thể kiểm soát
Phần 8: Cách khôi phục hệ vi sinh vật đường ruột bị tổn hại
Căng thẳng có liên quan từ 75% đến 90% số lần đi khám bác sĩ, theo một thống kê được trích dẫn rộng rãi. Căng thẳng ức chế hệ miễn dịch, gây ra số ngày làm việc bị mất nhiều nhất, gây ra các đợt bệnh từ hen suyễn đến rối loạn tiêu hóa và là nguyên nhân chính của các căn bệnh gây tử vong hàng đầu như ung thư và bệnh tim mạch.
Căng thẳng chịu ảnh hưởng từ hệ vi sinh vật đường ruột qua con đường truyền tín hiệu thần kinh giữa ruột và não. Mỗi đầu đều gửi và nhận các thông điệp có ảnh hưởng đến vô số quá trình trong cơ thể. Sự gián đoạn ở một trong hai đầu có thể gây ra vấn đề ở đầu kia, bao gồm rối loạn tâm lý và thần kinh.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột có liên quan đến nhiều căn bệnh như tự kỷ, rối loạn lo âu, béo phì, tâm thần phân liệt, bệnh Parkinson, trầm cảm và bệnh Alzheimer.
Căng thẳng gây hại cho cơ thể như thế nào?
Vi khuẩn đường ruột tạo ra nhiều hormone quan trọng và các chất dẫn truyền thần kinh.
Các chất dẫn truyền thần kinh và hormone, chẳng hạn như serotonin, norepinephrine, epinephrine và dopamine, đều hoạt động trong não cũng như trong ruột.
Những chất dẫn truyền thần kinh này có thể điều chỉnh và kiểm soát không chỉ lưu lượng máu mà còn ảnh hưởng đến nhu động ruột, sự hấp thụ chất dinh dưỡng, hệ miễn dịch bẩm sinh của đường tiêu hóa và hệ vi sinh vật.
Một trong những yếu tố then chốt của quá trình sinh hóa mà hệ vi sinh vật đường ruột thực hiện là tạo ra nguồn cung cấp acid béo chuỗi ngắn (SCFA) chính cho cơ thể.
SCFA là chất chuyển hóa được tạo ra khi vi khuẩn đường ruột tiêu hóa chất xơ trong đại tràng, đồng thời có ảnh hưởng đến trục ruột-não.
Một cách gián tiếp, SCFA tương tác với não bằng cách dẫn đến sự tiết ra các hormone trong ruột, bao gồm acid gamma-aminobutyric (GABA) và serotonin. GABA là một acid amin có vai trò thúc đẩy trạng thái bình tĩnh và serotonin là chất dẫn truyền thần kinh giúp ổn định tâm trạng với cảm giác hạnh phúc.
Nhìn chung, ảnh hưởng của SCFA lên não có thể tác động đến cảm xúc, nhận thức và những thay đổi liên quan đến bệnh tật và chấn thương.
Và căng thẳng có thể làm suy giảm khả năng sáng tạo.
Cách quản lý căng thẳng
Tiến sĩ William Li đưa ra những lời khuyên sau trong cuốn sách “Eat to Beat Your Diet: Burn Fat, Heal Your Metabolism, and Live Longer.” (Ăn để Đánh Bại Thực Đơn Ăn Kiêng của Bạn: Đốt Cháy Chất Béo, Chữa Lành Quá Trình Trao Đổi Chất và Sống Lâu Hơn) để giảm căng thẳng.
Nhận sự giúp đỡ: Nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy về những khó khăn của bạn và cân nhắc nói chuyện với một nhà trị liệu được đào tạo nếu bạn cần thêm trợ giúp.
Thiền định: Các phương pháp thực hành chánh niệm như thiền định giúp não tập trung vào hiện tại thay vì nghĩ về quá khứ và tương lai, vốn là điều có thể gây ra nỗi sợ hãi, trầm cảm và lo lắng.
Uống trà: Một số loại trà như trà xanh và trà hoa cúc có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
Cải thiện giấc ngủ: Chất lượng giấc ngủ có liên quan đến trạng thái của hệ vi sinh vật.
Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, cải thiện cơn đau kinh niên và điều chỉnh hệ vi sinh vật.
Ủy thác: Hãy bỏ qua một số việc không cần bạn thực hiện—ưu tiên các nhiệm vụ hoặc giao việc cho người khác.
Hít thở: Các bài tập thở có thể làm giảm cortisol, một hormone liên quan đến căng thẳng có thể ức chế hệ miễn dịch.
Quản lý cơn nóng giận: Tránh những điều gây ra sự tức giận nếu bạn có thể. Giải quyết cơn giận bằng sự hài hước, tập thể dục hoặc sự trợ giúp chuyên nghiệp.
Thực hành tự chăm sóc bản thân đều đặn: Làm những điều bạn biết sẽ giúp giảm căng thẳng và ưu tiên dành một vài phút mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của bản thân.
Hồ sơ của một vi khuẩn quan trọng
Bifidobacteria dường như đóng một vai trò trong trục ruột-não. Một số chủng Bifidobacteria nhất định — hơn 250 phân nhóm đã được xác định — có vẻ có tác động có lợi đối với chứng trầm cảm và lo âu. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc dùng Bifidobacteria như một chế phẩm sinh học có thể làm giảm tình trạng viêm ở bệnh tiểu đường, bệnh celiac, bệnh viêm ruột, bệnh đa xơ cứng và bệnh vẩy nến.
Bifidobacteria là một trong năm loài đầu tiên xâm chiếm ruột của trẻ sơ sinh, có thể chiếm tới 90% hoặc nhiều hơn trong hệ vi sinh vật của trẻ nhưng giảm dần khi trẻ được 3 tuổi và bắt đầu giống với hệ vi sinh vật của người trưởng thành hơn, chỉ còn khoảng 5%.
Bifidobacteria đóng vai trò lớn trong sự phát triển hệ miễn dịch sớm, bảo vệ cơ thể chống lại mầm bệnh, giúp tổng hợp vitamin B và chất chống oxy hóa. Bifidobacteria cũng giúp duy trì tính thấm của ruột khỏe mạnh và giảm mức độ viêm, một phần là bằng cách sản xuất các acid béo chuỗi ngắn acetate và lactate.
Thông tin phỏng theo Giao thức T.I.G.E.R. của tiến sĩ y khoa Akil Palanisamy. Bản quyền 2023 của Akil Palanisamy, M.D. Với sự cho phép của Balance, một chi nhánh của Nhà xuất bản Grand Central. Đã đăng ký Bản quyền.