Cách chữa trị lòng ghen tị, cay đắng, và ham muốn vô tận: Bài học về lòng biết ơn
Người ta thường nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh của lòng biết ơn, thế nhưng chúng ta có thể đang bỏ qua bản chất thực sự của lòng cảm ân. Tuy vậy, nghiên cứu cũng đã giúp một số người trong chúng ta nhận ra tầm quan trọng và tiềm năng của đức tính này.
Tiến sĩ Gregory Jantz, người sáng lập và giám đốc phòng khám sức khỏe tâm thần ở Edmonds, Wash, viết, “Trong vài thập niên qua, các nhà khoa học xã hội đã tích lũy nhiều nghiên cứu chứng minh lòng biết ơn giúp nâng cao giá trị của hạnh phúc như thế nào: lòng tự trọng được cải thiện, giấc ngủ ngon hơn, tăng khả năng miễn dịch, giảm trầm cảm, giảm lo lắng, các mối quan hệ bền chặt hơn, v.v…”
Bài học về lòng biết ơn luôn gắn liền với niềm hạnh phúc to lớn hơn và những kết nối tốt hơn với những người chúng ta quan tâm.
Các nhà nghiên cứu tại đại học Harvard cũng cho rằng, “Lòng biết ơn giúp mọi người có những cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, đối phó với nghịch cảnh và xây dựng các mối quan hệ bền chặt.”
Ngoài ra còn có những tác động về thể chất, bao gồm giảm dấu ấn sinh học của tình trạng viêm và cải thiện biến thiên nhịp tim, một chỉ dấu của sức khỏe tim mạch và hệ thần kinh.
Nghiên cứu cho thấy những người biết ơn nhiều hơn cũng sẽ đồng cảm và hào phóng hơn. Họ thậm chí còn tập thể dục nhiều hơn.
Như vậy thật đáng để xem xét tại sao bài học về lòng biết ơn lại mang đến những lợi ích như vậy.
Biết ơn là vui mừng với những gì ta có hoặc trải nghiệm. Điều ngược lại là thất vọng về những gì ta không có, hoặc ghen tị với những người có điều chúng ta muốn. Lòng biết ơn có tác dụng đối phó với sự ghen tị và cay đắng, để thay thế những cảm xúc này. Một trái tim không thể nắm giữ hai trạng thái cùng một lúc.
Lòng biết ơn không liên quan nhiều đến hoàn cảnh thực tế của chúng ta mà liên quan nhiều hơn đến cách chúng ta nhìn nhận. Lòng biết ơn không phải là điều xảy ra với chúng ta mà là điều chúng ta làm – và cũng có thể học để trau dồi thêm. Điều này bắt đầu từ sự nhận thức về bản thân. Hãy cùng đọc những bài học về lòng biết ơn mà bạn có thể thực hiện.
1. Tạm dừng và xem xét lại
Đối với những người thường xuyên trải nghiệm sức mạnh của lòng biết ơn, chúng ta biết rằng trong những khoảnh khắc tuyệt vọng, khó chịu và tức giận, chúng ta có thể dừng lại, xem xét lại hoàn cảnh bản thân, nhờ vậy sẽ cảm thấy rất nhẹ nhõm.
Ví dụ, tôi đã phạm phải một số lỗi rất tốn kém trong quá trình cải tạo ngôi nhà gần đây. Điều này có thể ám ảnh tâm trí tôi vào những thời điểm kỳ lạ. Nhưng sau đó tôi xem xét những bài học mình học được từ đó cũng như các kỹ năng tôi thu được, cuối cùng sự hối tiếc và tự trách móc đó đã tan biến.
2. Từ bỏ sự hài lòng đến từ bên ngoài
Việc theo đuổi ham muốn sẽ không bao giờ kết thúc. Việc thoả mãn những mong muốn của chúng ta chỉ đơn giản là mang lại sự hài lòng nhất thời nếu bạn không thực hành lòng biết ơn. Chiếc xe mới đó nhanh chóng trở thành mẫu xe của năm ngoái. Đôi giày mới đó trở nên quen thuộc và nhàm chán so với những gì vẫy gọi từ cửa sổ cửa hàng. Nếu chúng ta tập trung vào những gì chúng ta muốn từ thế giới xung quanh, thay vì trân trọng những gì chúng ta đã có, chúng ta sẽ mãi mãi muốn nhiều hơn nữa – và đau khổ vì mong muốn đó.
3. Nhận ra điều kỳ diệu của cuộc sống
Chân lý thần thánh luôn bắt nguồn từ lòng biết ơn. Đó là sự thanh thản xoa dịu tâm hồn khi bạn tin tưởng rằng có sức mạnh nhân từ nơi lòng tốt trong quyền năng tối thượng của vũ trụ. Tôi nghĩ đây là một trong những lý do khiến thiên nhiên có tác dụng chữa lành vết thương cho con người. Thiên nhiên kết nối con người với vẻ đẹp của tạo hoá. Thiên nhiên nhắc nhở con người rằng có điều gì đó kỳ diệu trong chính cuộc sống này. Cho những ai có đức tin, hiểu được rằng có sự thông thái và lòng nhân ái trong các phân tử của tạo hoá, thì đó là suối nguồn vĩnh cửu của lòng biết ơn.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times