Các hợp chất tự nhiên chống lại ung thư hắc tố
Y học thông thường đem lại rất ít hy vọng cho cuộc chiến chống lại khối u hắc tố chết người, nhưng nhiều loại thực phẩm, thực vật và vitamin có thể giúp cải thiện.
Ung thư hắc tố ở da, một trong những khối u nguy hiểm nhất, chiếm 75% số ca tử vong do ung thư, và tỷ lệ mắc bệnh này đang gia tăng trên toàn thế giới. Ở Bắc Mỹ, ung thư hắc tố đã trở thành dạng ung thư phổ biến nhất ở nhóm người từ 25 đến 29 tuổi. Khi được phát hiện sớm, phẫu thuật cắt bỏ vị trí [khối u] nguyên phát là phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khi ung thư hắc tố di căn (khi các tế bào khối u vượt ra khỏi nơi phát triển ban đầu và lan tràn đến các cơ quan ở xa) bệnh trở nên kháng với bức xạ, liệu pháp miễn dịch và hóa trị thông thường.
Ngay cả sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ, bệnh vẫn có thể tái phát và các phương pháp điều trị theo mô hình y sinh học có hiệu quả hạn chế. Các phương pháp điều trị thường được sử dụng bao gồm các tác nhân gây alkyl hóa DNA như hóa chất dacarbazine, với hiệu quả đáp ứng một phần và tỷ lệ đáp ứng từ 10% đến 26%, kèm theo các tác dụng phụ như thiếu máu, buồn nôn, hạ bạch cầu và giảm tiểu cầu. Các liệu pháp chọn lọc hơn như thuốc ức chế BRAF, hướng đến một tỷ lệ nhỏ các bệnh nhân u hắc tố giai đoạn tiến triển có đột biến gene BRAF V600, [đột biến gene] có liên quan đến tình trạng đa kháng thuốc và sự phát triển của các bệnh lý ung thư khác, bao gồm u quá sản sừng và ung thư biểu mô tế bào vảy.
Đối với ung thư hắc tố di căn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm rất thấp ở mức dưới 25%. Song, có những hợp chất tự nhiên với các bằng chứng dựa trên các tài liệu khoa học cho thấy tác dụng chống lại ung thư hắc tố, có thể được sử dụng như một phương pháp bổ trợ phối hợp các chiến lược đa mô thức khác.
1. Bồ công anh
Ở thời đại hiện nay, bồ công anh (Taraxacum officinale) thường được xem là một loại cỏ dại trong vườn, nhưng từ lâu đã là một loại thuốc chủ yếu trong y học cổ truyền của Trung Hoa, khu vực Trung Đông và người Mỹ bản địa. Trong y học cổ truyền, bồ công anh đã được sử dụng để điều trị các rối loạn tiêu hóa, thận, gan và lá lách, cũng như các khối u ở phổi, vú và tử cung. Bồ công anh nổi tiếng trong y học tổng thể như một chất khử độc, một chất chống viêm, chống oxy hóa, chống sinh mạch (ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu nuôi u), giảm đau và chống ung thư.
Các nghiên cứu đã chứng minh bồ công anh có thể biến đổi các tế bào hắc tố ác tính ở chuột từ dạng tăng sinh, điển hình cho sự phân chia tế bào trong phát triển ung thư, thành dạng biệt hóa thể hiện cho sự phục hồi chu kỳ tế bào bình thường. Lupeol-a – hợp chất triterpene trong bồ công anh được phát hiện có tác dụng này. Lupeol-a có tác dụng kìm hãm tế bào, ức chế sự phát triển và nhân lên của tế bào.
Taraxacum japonicum, một loài bồ công anh có nguồn gốc từ Nhật Bản, cũng đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn hai giai đoạn trong quá trình hình thành ung thư là khởi phát và phát triển khối u.
Theo các nhà nghiên cứu, các hợp chất khác nhau trong rễ bồ công anh, bao gồm triterpenes, sesquiterpenes, coumarin và các hợp chất phenolic, có khả năng phối hợp với nhau để tạo ra tác dụng chống ung thư. Tuy nhiên, đối với những người bị dị ứng với cỏ phấn hương, cần thận trọng vì bồ công anh có thể gây phản ứng chéo vì cả hai đều thuộc họ Cúc (Compositae).
2. Cà phê
Nghiên cứu cho thấy caffeine có tác dụng ức chế các tổn thương bỏng nắng do tia cực tím, vốn là nguy cơ tiềm ẩn của ung thư hắc tố. Caffeine không chỉ ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư hắc tố hình thành do tiếp xúc với tia cực tím trong ống nghiệm và trong cơ thể sống mà còn điều chỉnh quá trình tự chết của tế bào, còn được gọi là chết theo chương trình. Điều này giúp gia tăng hiệu quả thanh lọc các tế bào tiền ung thư, khiếm khuyết.
Một nghiên cứu dịch tễ đã phát hiện thấy rằng lượng tiêu thụ caffeine cao (≥ 393 miligam mỗi ngày) có liên quan đến nguy cơ ung thư hắc tố ở da thấp hơn so với lượng tiêu thụ thấp (< 60 miligam mỗi ngày). Mối tương quan này đặc biệt nổi bật ở phụ nữ, nơi lượng caffeine tiêu thụ cao làm giảm 22% nguy cơ so với lượng tiêu thụ thấp.
Mối quan hệ nghịch biến giữa lượng caffeine tiêu thụ và nguy cơ ung thư hắc tố cũng rõ ràng hơn đối với các khối u ở vùng đầu, cổ và tứ chi, những nơi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hơn so với các vị trí trên thân mình.
3. Sâm Ấn Độ
Một loại thuốc chủ yếu trong hệ thống y học cổ truyền Ayurvedic và Unani, sâm Ấn Độ hay Withania somnifera là một loại thảo dược có khả năng thích ứng giúp tăng sức đề kháng đối với mọi loại tác nhân hóa học, sinh học và vật lý, gia tăng sức sống khi chịu căng thẳng và chống lại bệnh lý. Trong lịch sử, sâm Ấn Độ đã được sử dụng để bổ sung năng lượng và điều trị các bệnh về cơ xương khớp như viêm khớp và thấp khớp. Ngoài tác dụng chống căng thẳng, sâm Ấn Độ còn có hoạt tính chống oxy hóa, chống bệnh Parkinson, chống lão hóa, chống loét và chống khối u. Trên thực tế, sâm có tác dụng chống khối u ở vú, tuyến tiền liệt, thận, tuyến tụy, u xơ, bệnh bạch cầu và tế bào u tuyến ở phổi của chuột.
Đáng chú ý, chiết xuất nước thô của sâm Ấn Độ làm giảm khả năng tồn tại của các tế bào ung thư hắc tố ở người phụ thuộc theo liều lượng và thời gian. Khi điều trị bằng sâm Ấn Độ, các tế bào đã xuất hiện những thay đổi về hình thái, chẳng hạn như sự hình thành các thể gây chết tế bào, sự phân rã nhân tế bào và sự phân mảnh DNA. Điều này cho thấy khả năng gây chết tế bào theo chương trình của sâm Ấn Độ trong các dòng tế bào ung thư hắc tố.
4. Cây tầm gửi
Cây tầm gửi là loại cây bụi thường xanh, sống nửa kí sinh. Ngoài vai trò như một loại cây lễ hội dành cho những kỳ nghỉ lãng mạn, cây tầm gửi còn được sử dụng thường xuyên trong liệu pháp bổ trợ điều trị ung thư ở vùng Trung Âu. Từ xa xưa, tầm gửi đã được xem như một loại cây thần bí dùng để chữa các bệnh về lá lách và thận trong thời Trung Cổ. Cây tầm gửi cũng có tác dụng hạ huyết áp, chống thấp khớp, chống tiểu đường và chống oxy hóa, và kể từ đầu thế kỷ 20, loại cây này còn được ứng dụng như một liệu pháp điều trị ung thư.
Mặc dù các thử nghiệm trên người còn mâu thuẫn, nhưng các nghiên cứu trong ống nghiệm và trên cơ thể người đã nêu bật tác dụng kháng u của cây tầm gửi đối với bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, các loại ung thư biểu mô và tế bào ung thư hắc tố. Ngoài ra, trên các nghiên cứu ở người, cây tầm gửi còn có thể kéo dài khả năng sống sót ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy cũng như ung thư vú – phụ khoa.
Một tổng quan khác cũng báo cáo rằng cây tầm gửi đã cải thiện chất lượng cuộc sống ở những bệnh nhân ung thư hắc tố. Cây tầm gửi cũng làm giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị hóa chất thông thường. Khi được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị thường quy, cây tầm gửi chắc chắn giúp cải thiện “khả năng ứng phó, mệt mỏi, giấc ngủ, kiệt sức, năng lượng, buồn nôn, nôn, thèm ăn, trầm cảm, lo lắng, khả năng làm việc, cảm xúc và sức khỏe nói chung.”
Trong ung thư, chiết xuất cây tầm gửi có tác dụng điều hòa miễn dịch vì khả năng nâng cao phản ứng miễn dịch dịch thể (qua trung gian kháng thể) và miễn dịch tế bào ở bệnh nhân ung thư, từ đó làm tăng khả năng loại bỏ ung thư của hệ miễn dịch.
Người ta đưa ra giả thuyết rằng lectin tan trong nước là thành phần chống ung thư tích cực trong cây tầm gửi, cùng với các polysaccharide, hợp chất phenolic và viscotoxin. Đặc biệt, lectin gây ra hiện tượng chết tế bào theo chương trình, trong các dòng tế bào ung thư và thể hiện hoạt tính gây độc tế bào trực tiếp (tiêu diệt tế bào ung thư). Các phương pháp thương mại thanh lọc cây tầm gửi bằng nước không thể chiết xuất được chất triterpenoids (có tác dụng kháng ung thư hắc tố) không tan trong nước.
5. Bông cải xanh
Sulforaphane là một hợp chất isothiocyanate có trong tất cả các loại rau họ cải, như cải lông, bông cải xanh, mầm brussel, bắp cải, súp lơ, cải cầu vồng, cải rổ, củ cải, củ cải Thụy Điển, củ cải turnip, wasabi và cải xoong. Tuy nhiên, sulforaphane tập trung lượng lớn ở mầm bông cải xanh, với hàm lượng cao gấp 10 đến 100 lần glucoraphanin (một glucosinolate của sulforaphane trong thực vật trưởng thành).
Sulforaphane gây ra quá trình tự chết tế bào theo chương trình trong các tế bào ung thư hắc tố, được thể hiện bởi những thay đổi hình thái tế bào như sự ngưng tụ và phân mảnh vật chất di truyền và phân giải màng tế bào.
6. Vitamin C
Gonzalez và cộng sự (2012) đã đề nghị lý thuyết năng lượng sinh học về chất gây ung thư mang tính cách mạng, lý thuyết này ủng hộ [nguyên lý] ung thư xuất hiện khi các tế bào quay trở lại hình thái tế bào gốc hơn là sự tăng sinh mất kiểm soát và tế bào trở nên bất tử. Đó là một phản ứng thích nghi giúp tế bào sống sót trong môi trường khắc nghiệt và độc hại. Lý thuyết này khác rất xa những gì chúng ta đã biết.
Các tế bào ung thư sử dụng đường phân trong bào tương để cung cấp năng lượng thay vì quá trình phosphoryl hóa oxy hóa phụ thuộc oxy trong ty thể (bào quan cung cấp năng lượng chính cho cơ thể). Một lý do các tế bào ác tính chuyển sang quá trình lên men, hoặc các phản ứng kỵ khí (không phụ thuộc oxy), để sản xuất năng lượng có thể là do khiếm khuyết màng ty thể. Vấn đề này có thể được điều chỉnh bằng vitamin C.
Ascorbate, vitamin C tan trong nước, có thể giúp ích bằng cách tăng dòng electron lưu chuyển qua ty thể, khôi phục khả năng sản sinh năng lượng cung cấp cho quá trình tự chết của các tế bào ung thư, vốn là một quá trình tiêu thụ nhiều năng lượng. Vitamin C cũng tối ưu sự biệt hóa tế bào và tương tác giữa các tế bào, cả hai hiện tượng đều biến mất ở trạng thái ung thư và duy trì sự phát triển của khối u.
Hơn nữa, vitamin C điều chỉnh sự tăng sinh và hoạt động của tế bào lympho, tế bào bạch cầu, và ngăn ngừa tổn thương oxy hóa gây ra rối loạn chức năng ty thể. Ngoài ra, vitamin C làm tăng tác dụng chống ung thư của lysosome. Đây là bào quan trong bạch cầu chuyên xử lý các chất dư thừa, kiểm soát sự sống và chết của tế bào, khiến các tế bào ung thư chết theo chương trình.
Tương tự như vậy, vitamin C kích thích sự hình thành collagen, cô lập khối u, ức chế sự phát triển và ngăn ngừa di căn khối u. Một tác dụng tương đồng khác, vitamin C can thiệp vào hoạt động của enzyme hyaluronidase, một loại enzyme làm suy yếu mô liên kết tạo điều kiện cho khối u lan tràn, để ngăn cách khối u với chất nền.
Đáng chú ý, nồng độ vitamin C cao chủ yếu gây độc cho khối u nhưng không xảy ra ở các mô bình thường. Cụ thể, vitamin C có tác dụng chống ung thư bằng cách tạo điều kiện cho sự hình thành hydroperoxide (gốc tự do) trong môi trường ngoại bào, và các gốc tự do khác như aldehyd và các gốc hydroxyl, từ đó giảm khả năng sống sót tế bào. Hydrogen peroxide không chỉ phá vỡ DNA sợi đôi, gây ra sự chết tế bào ung thư, mà còn thu hút các tế bào miễn dịch vào vị trí của khối u để loại bỏ các tế bào ung thư. Trong khi các tế bào bình thường có hoạt độ catalase đầy đủ (enzyme thải độc hydro peroxide ngăn ngừa tổn thương tế bào) thì các tế bào ác tính bị thiếu enzyme chống oxy hóa này, với hàm lượng ít hơn 10 đến 100 lần so với các tế bào khỏe mạnh.
Vào những năm 1970, người đạt giải Nobel ông Linus Pauling đã tiến hành các thí nghiệm chứng minh rằng liệu pháp vitamin C liều cao đã kéo dài sự sống sót của bệnh nhân ung thư 4 lần so với đối chứng.
Các nhà nghiên cứu tuyên bố, “Chỉ dùng [acid ascorbic] có thể không đủ cho việc điều trị các bệnh ung thư đang hoạt động, nhưng vitamin C dường như giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống, do đó vitamin C nên được xem là một phần của công thức điều trị cho tất cả các bệnh nhân ung thư.” Dùng vitamin C theo đường tĩnh mạch là tốt nhất, vì bổ sung qua đường miệng không tạo đủ nồng độ cần thiết trong huyết tương để tiêu diệt các tế bào khối u. Sự kết hợp của vitamin C với các trợ giúp ti thể khác như vitamin B, magnesium, coenzyme Q10 (CoQ10), acetyl L-carnitine, alpha lipoic acid, pyrroloquinoline quinone (PQQ) D-ribose, creatine và phospholipids, là lý tưởng để đảo ngược các rối loạn chuyển hóa trong ung thư.
7. Polyphenol
Polyphenol, đại diện cho các chất chuyển hóa thứ cấp của thực vật, có tác dụng bảo vệ chống lại các yếu tố gây hại và tia cực tím, bảo vệ khỏi bệnh tim mạch, tiểu đường, loãng xương, rối loạn thoái hóa thần kinh và ung thư. Catechin, một polyphenol trong trà xanh, đã được chứng minh làm tăng sự đề kháng của collagen với enzyme thủy phân ở động vật có vú. Do đó, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm các loại polyphenols để xem hiệu quả ngăn ngừa di căn phổi trong ung thư hắc tố qua cơ chế làm vững bền màng đáy.
Để di căn xảy ra, các tế bào khối u cần di chuyển từ vị trí nguyên phát vào trong tuần hoàn, bám dính vào chất nền ngoại bào và xâm nhiễm một vị trí thứ phát qua sự phân hủy protein màng đáy hoặc lớp sợi mô liên kết ngăn cách giữa biểu mô với lớp đệm. Cuối cùng, các tế bào ác tính gắn vào vị trí thứ phát và tăng trưởng thành khối u. Tuy nhiên, di căn có thể bị dừng lại nếu bất kỳ một khâu nào trong quá trình này bị ngăn chặn.
Trong thí nghiệm này, curcumin từ bột nghệ và acid ellagic có nhiều trong nho đỏ, gây độc trực tiếp cho các tế bào ung thư hắc tố ngay ở nồng độ thấp, cho thấy tiềm năng kháng u. Hơn nữa, nhiều polyphenol như curcumin, catechin, rutin (từ trái sung, táo và trà), epicatechin (từ socola đen) và naringin, naringenin (từ nho) làm giảm di căn phổi trong ung thư hắc tố lần lượt là 89.28%, 82.2%, 71.2%, 61%, 27.2% và 26.1%. Các polyphenol này đã gia tăng tuổi thọ của động vật lên tương ứng lần lượt là 142.85%, 80.81%, 63.59%, 55.29%, 26.6% và 27.18%.
Như vậy phương pháp tốt nhất là tập hợp các polyphenolic từ các nguồn thực phẩm khác nhau để có được các tác động hiệp đồng. Nguyên tắc chung là trái cây và rau càng sậm màu hàm lượng polyphenolic càng cao. Polyphenol ức chế ung thư thông qua cơ chế pleiotropic, bao gồm hoạt tính estrogen, chống đông máu, cảm ứng dừng chu kỳ tế bào hoặc chết tế bào, ngăn ngừa quá trình oxy hóa, cảm ứng enzyme thải độc, điều hòa miễn dịch, chống viêm và thay đổi tín hiệu tế bào.
8. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Về vấn đề phòng ngừa trên những người có tiền sử gia đình bị ung thư hắc tố, phơi nắng là một chủ đề gây tranh cãi. Theo các nhà nghiên cứu, “Vai trò của ánh sáng mặt trời đối với ung thư hắc tố khác nhau tùy theo vị trí giải phẫu. Điều này ủng hộ cho giả thuyết ung thư hắc tố có thể phát sinh qua các con đường khác nhau.”
Mặc dù sự xuất hiện bỏng nắng do tia cực tím (UV) gây ra là một trong những yếu tố nguy cơ chính đối với ung thư hắc tố, nhưng vẫn có mối quan hệ phức tạp giữa tắm nắng và nguy cơ ung thư hắc tố. Một nghiên cứu theo dõi dọc trên 38,000 phụ nữ trong 15 năm đã phát hiện ra rằng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài là yếu tố bảo vệ khỏi ung thư hắc tố, trong khi phơi nắng không liên tục lại làm tăng nguy cơ. Trái với quan niệm phổ biến, tắm nắng được xem như yếu tố bảo vệ, vì có sự tương quan với việc giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do tim mạch và mọi nguyên nhân. Do đó, chống nắng theo thói quen rõ ràng là có hại, nhưng vẫn nên thực hành các giải pháp an toàn để tránh bị bỏng nắng và nguy cơ tiềm ẩn.
Mặc dù thiếu các thử nghiệm trên người, nhưng những bệnh nhân ung thư không thể chờ đợi các nghiên cứu được mang ra áp dụng lâm sàng và được chấp nhận như là tiêu chuẩn chăm sóc. Do tính chất không gây hại đã nói ở trên, các phương pháp can thiệp này có thể bổ sung vào kho tàng các giải pháp đảo ngược căn bệnh ung thư như một cách tiếp cận đa diện nhằm giải quyết vấn đề ăn uống, tập thể dục, giấc ngủ, căng thẳng, trợ giúp xã hội, nguy cơ nhiễm khuẩn, cân bằng nội tiết tố, thải độc và rối loạn chức năng ty thể.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times