Bằng chứng về các tác dụng phụ trầm trọng của một trong những vaccine hiệu quả nhất
Sự Thật Về Vaccine HPV (Phần 1)
Sự suy giảm niềm tin của công chúng đối với vaccine COVID-19 ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ chích vaccine phòng các bệnh thông thường ở trẻ em. Loạt bài này khám phá các nghiên cứu quốc tế được thực hiện trong hai thập niên qua về vaccine phòng virus u nhú ở người (HPV) – được cho là một trong những loại vaccine hiệu quả nhất cho đến nay.
Tóm tắt các thông tin chính
- Loạt bài gồm nhiều phần này cung cấp một phân tích kỹ lưỡng về những lo ngại về việc chích vaccine HPV sau chiến dịch HPV toàn cầu, bắt đầu từ năm 2006.
- Tại Hoa Kỳ, vaccine HPV được báo cáo là có tỷ lệ tác dụng phụ như ngất xỉu và huyết khối tĩnh mạch cao hơn một cách không tương xứng [so với các vaccine khác]. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thừa nhận rằng ngất xỉu có thể xảy ra sau khi chích vaccine HPV và khuyên bạn nên ngồi hoặc nằm để chích, và đợi 15 phút.
- Các nhà khoa học quốc tế phát hiện ra rằng Hệ thống báo cáo các biến cố bất lợi của vaccine (VAERS) của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các báo cáo về suy buồng trứng sớm từ 1.4 mỗi năm trước năm 2006 lên 22.2 mỗi năm sau khi FDA chấp thuận vaccine HPV, dẫn đến tỷ suất báo cáo theo tỷ lệ (Proportional Reporting Ratio) là 46.1.
Vaccine HPV được xem là một trong những vaccine hiệu quả nhất được phát triển cho đến nay. Tuy nhiên, người ta đã đặt ra các vấn đề về an toàn sau khi vaccine này được chấp thuận. Để đáp lại, đã có nhiều nghiên cứu bổ sung được công bố và các vụ kiện tụng thay mặt cho những người bị tổn thương do vaccine.
Trong loạt bài viết về vaccine HPV này, Phần I và II sẽ giải thích cách thức hoạt động của vaccine và bằng chứng cho thấy có thể có những lo ngại hợp pháp về an toàn. Các phần còn lại trình bày các câu hỏi về hiệu quả của vaccine trên thực tế và xác định các thành phần cụ thể có thể gây hại.
Thông tin trình bày ở đây được rút ra từ các tài liệu khoa học đã được bình duyệt từ Hoa Kỳ, Úc, Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp và Nhật Bản, cũng như các số liệu thống kê do các cơ quan y tế công cộng ở mỗi quốc gia này công bố. Các nhà khoa học có kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm, virus học, thử nghiệm lâm sàng và dịch tễ học vaccine đã dành ra hơn 100 giờ nghiên cứu và bình duyệt nội bộ để đưa ra bản tóm tắt bằng chứng này.
Các nghiên cứu lớn từ dữ liệu đăng ký quốc gia đã xác định mối liên quan hợp lý giữa việc chích vaccine HPV và các tình trạng tự miễn dịch, bao gồm suy buồng trứng sớm (POI/POF), hội chứng Guillain-Barré (GBS), hội chứng nhịp tim nhanh do tư thế đứng (POTS) và hội chứng đau vùng kinh niên ( CRPS).
Mặc dù công nghệ vaccine dành cho người với những tiến bộ gần đây rất dễ đem lại sự hào hứng, nhưng chúng ta nên nhớ rằng việc đạt được sức khỏe tốt thực sự và lâu dài không chỉ đơn thuần là không có một loại virus nào đó.
Virus u nhú ở người (HPV) là gì?
Theo CDC, HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.
HPV là một loại virus DNA nhỏ lây nhiễm ở các tế bào biểu mô của niêm mạc và da người. Người ta đã xác định được hơn 150 chủng virus HPV.
Nhiễm HPV phổ biến đến mức phần lớn những người có hoạt động tình dục sẽ bị bệnh này vào một thời điểm nào đó trong đời, ngay cả khi họ chỉ có một hoặc rất ít bạn tình. Virus HPV có thể lây lan qua quan hệ tình dục và quan hệ tình dục bằng miệng. Virus này cũng có thể truyền giữa người với người qua tiếp xúc da kề da, ngay cả với những người không có triệu chứng.
Nhiễm trùng HPV gây ra mụn cóc sinh dục, một số có thể biến thành ung thư. Tuy nhiên, đa số nhiễm trùng HPV là lành tính. Hơn 90% các trường hợp nhiễm virus HPV không có triệu chứng lâm sàng và tự giới hạn, nghĩa là cơ thể loại bỏ virus thông qua cơ chế phòng vệ miễn dịch tự nhiên.
Ung thư liên quan đến HPV
Các loại HPV nguy cơ cao (loại 16, 18 và các loại khác) có thể gây ra những bất thường ở tế bào cổ tử cung là tiền thân của bệnh ung thư.
Loại 16 có liên quan đến khoảng 50% bệnh ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới, trong khi loại 16 và 18 có liên quan đến 66% bệnh ung thư cổ tử cung.
Năm loại nguy cơ cao khác bao gồm 31, 33, 45, 52 và 58, có liên quan đến 15% bệnh ung thư cổ tử cung và 11% của tất cả các bệnh ung thư liên quan đến HPV.
Nhiễm loại HPV nguy cơ cao có liên quan đến khả năng phát triển ung thư cổ tử cung cao hơn, nhưng bản thân nhiễm HPV không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất gây ung thư. Có nhiều lý do khác, như đã thảo luận trong bài báo này.
Với tỷ lệ nhiễm HPV phổ biến, không có gì ngạc nhiên khi trên toàn cầu, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ. Năm 2018, ước tính có khoảng 570,000 phụ nữ được chẩn đoán bị bệnh ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới và hơn 300,000 người tử vong vì căn bệnh này. Tại Hoa Kỳ, có gần 50,000 ca ung thư mới liên quan đến HPV hàng năm, với tỷ lệ phụ nữ bị nhiễm bệnh cao hơn một chút so với nam giới.
Nhưng trong 9 trên 10 trường hợp, HPV sẽ biến mất trong vòng hai năm mà không gây ra các vấn đề về sức khỏe.
Chỉ những trường hợp nhiễm HPV dai dẳng mới có thể dẫn đến ung thư khi thoát khỏi hàng rào miễn dịch qua trung gian tế bào bẩm sinh.
Tỷ lệ bị ung thư cổ tử cung có thể được kiểm soát nhờ thực hiện các xét nghiệm và sàng lọc định kỳ, bao gồm xét nghiệm Pap và DNA.
Vaccine HPV
FDA đã cấp phép cho ba loại vaccine ngừa HPV: vaccine ngừa HPV hóa trị hai (Cervarix, 2vHPV), vaccine ngừa HPV hóa trị bốn (Gardasil, 4vHPV, và vaccine ngừa HPV hóa trị 9 (Gardasil 9, 9vHPV).Vaccine HPV sử dụng công nghệ tái tổ hợp để lắp ráp vỏ của virus – protein capsid L1. Những hạt giống như virus này không chứa bộ gene của virus và không lây nhiễm.
Cervarix của GlaxoSmithKline là vaccine hóa trị hai loại chống lại virus HPV loại 16 và 18, đã bị rút khỏi thị trường Hoa Kỳ vào năm 2016 do “nhu cầu thị trường rất thấp.”
Vaccine Gardasil đầu tiên của Merck được thiết kế để ngăn ngừa nhiễm trùng từ bốn chủng (loại 6, 11, 16, và 18).
Vào ngày 08/06/2006, FDA sau quá trình xem xét nhanh chóng đã chấp thuận việc sử dụng vaccine Gardasil cho phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, và âm đạo.
Theo nhãn thuốc, các thành phần trong vaccine Gardasil đầu tiên của Merck là protein của virus HPV, nhôm hydroxyphosphate sulfat vô định hình, protein men, sodium chloride, L-histidine, polysorbate 80, sodium borate, và nước pha chích.
Vào ngày 16/10/2009, FDA đã chấp thuận việc dùng Gardasil (qHPV) cho các bé trai từ 9 đến 26 tuổi để ngăn ngừa mụn cóc sinh dục do HPV loại 6 và 11 gây ra, nhưng không phải để điều trị ung thư.
Năm 2010, FDA đã chấp thuận Gardasil để ngăn ngừa ung thư hậu môn ở nam và nữ từ 9 đến 26 tuổi.
Bốn năm sau, FDA đã chấp thuận một loại vaccine cập nhật, Merck’s Gardasil 9, để sử dụng cho các bé gái từ 9 đến 26 tuổi và các bé trai từ 9 đến 15 tuổi để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, âm đạo, và hậu môn.
Gardasil 9 chứa các thành phần tương tự như Gardasil, nhưng cung cấp khả năng bảo vệ chống lại chín chủng HPV, thêm năm loại bổ sung (loại HPV 31, 33, 45, 52 và 58).
Hiện tại, CDC khuyến nghị chích hai liều vaccine HPV cho cả bé trai và bé gái ở độ tuổi 11 hoặc 12. Tuy nhiên, vaccine này được chấp thuận cho trẻ em từ 9 tuổi. Liều thứ hai được chích sau liều đầu tiên từ 6 đến 12 tháng.
Đối với những người từ 15 tuổi trở lên, chích ba liều lần lượt trong khoảng thời gian từ một đến hai tháng và sáu tháng, mặc dù các nghiên cứu về mức độ kháng thể cho thấy rằng hai liều là đủ.
Vaccine kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể trung hòa chống lại virus HPV. Phản ứng kháng thể đạt mức cao nhất sau 7 tháng kể từ liều đầu tiên (hoặc một tháng sau liều thứ ba). Nồng độ kháng thể do vaccine tạo ra dường như cao hơn từ 10 đến 100 lần so với mức kháng thể sau khi nhiễm bệnh tự nhiên.
Vaccine có hiệu quả cao (90 đến 98%) trong việc chống lại các tế bào bất thường, phát triển nhanh có thể gây ra các tổn thương tiền ung thư ở những người từ 16 đến 26 tuổi. Điều này cho thấy rằng thời điểm tốt nhất để chích vaccine là trước khi bắt đầu hoạt động tình dục.
Báo cáo các biến cố bất lợi của vaccine HPV từ 2 quốc gia lớn
Tác dụng phụ của vaccine HPV ở Hoa Kỳ
Vào ngày 19/08/2009, Tập san Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) đã công bố một bài báo của các nhà khoa học từ FDA và CDC. Bài báo đã xem xét dữ liệu an toàn của Gardasil đối với các tác dụng phụ được báo cáo cho VAERS từ tháng 06/2006 đến tháng 12/2008.
Đã có 12,424 báo cáo về tác dụng phụ, trong đó 772 (6.2%) trường hợp là thuộc loại trầm trọng.
VAERS, viết tắt của Hệ thống báo cáo biến cố bất lợi của vaccine, là một hệ thống giám sát thụ động, chịu nhiều hạn chế, bao gồm báo cáo thiếu, chẩn đoán chưa được xác nhận, thiếu dữ liệu mẫu số, và không có nhóm so sánh khách quan.
Tuy nhiên, VAERS là một công cụ hữu ích và quan trọng để phát hiện các vấn đề an toàn vaccine sau khi đưa ra thị trường.
Tỷ lệ các báo cáo của Gardasil VAERS về ngất (ngất xỉu) và thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (cục máu đông trong tĩnh mạch) cao một cách không tương xứng so với các loại vaccine khác. Có 8.2 biến cố ngất trên 100,000 liều HPV và 0.2 biến cố thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) trên 100,000 liều HPV được báo cáo.
Tờ hướng dẫn sử dụng của Gardasil bao gồm cảnh báo về ngất xỉu, sốt, chóng mặt, buồn nôn và nhức đầu (trang 1) và ghi chú ít nhất các phản ứng bất lợi sau được báo cáo trong quá trình giám sát sau khi đưa ra thị trường (phần 6.2): Hội chứng Guillain-Barré, viêm tủy cắt ngang, bệnh thần kinh vận động , biến cố thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, viêm tụy và rối loạn tự miễn dịch.
Tác dụng phụ của vaccine HPV ở Úc
Năm 2007, Úc báo cáo tỷ lệ tác dụng phụ của thuốc hàng năm là 7.3/100,000, cao nhất kể từ năm 2003, tăng 85% so với năm 2006.
Theo phân tích cơ sở dữ liệu Hệ thống phản ứng bất lợi của thuốc (ADRS) của Bộ Y tế và Người cao tuổi Úc, sự gia tăng này “gần như hoàn toàn là do” các báo cáo sau khi khai triển toàn quốc chương trình chích vaccine HPV ba liều cho phụ nữ trẻ vào tháng 04/2007; 705 trong số 1,538 phản ứng bất lợi của thuốc trong năm đó là do vaccine Gardasil.
Hơn nữa, mặc dù mọi người có thể sử dụng các loại vaccine khác ngoài HPV, nhưng vaccine HPV là vaccine duy nhất bị nghi ngờ gây ra phản ứng bất lợi trong 96% hồ sơ. 29% có mối quan hệ nhân quả là “chắc chắn” hoặc “có thể xảy ra” và 6% được xác định là “trầm trọng.”
Nhật Bản rút lại khuyến nghị, việc chấp nhận vaccine giảm mạnh
Vào năm 2013, người Nhật đã nêu lên mối lo ngại về một loạt các phản ứng phụ trầm trọng sau chích ngừa được báo cáo rộng rãi. Điều này khiến chính phủ đình chỉ đề xuất vaccine HPV trong sáu năm. Tỷ lệ chấp nhận vaccine HPV ở Nhật Bản đã giảm đáng kể sau năm 2013, từ 42.9% xuống 14.3%, hoặc từ 65.4% xuống 3.9%.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới cũng bắt đầu điều tra sự an toàn của [vaccine] HPV. Một tài liệu về quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (pdf) phát hành vào ngày 14/07/2017, đã kết luận rằng vaccine HPV “vô cùng an toàn.” Báo cáo tương tự ước tính có khoảng 1.7 trường hợp sốc phản vệ trên một triệu liều HPV, không tìm thấy mối liên quan nào với hội chứng Guillain-Barré và ngất (ngất xỉu) được “xác định là một phản ứng phổ biến liên quan đến lo lắng hoặc căng thẳng khi chích ngừa.”
Vào mùa xuân năm 2022, Nhật Bản thông báo sẽ khởi động lại đợt chích vaccine HPV. Các hãng tin chính thống đưa tin rằng đối với hàng nghìn phụ nữ, sự thận trọng có thể dẫn đến ung thư do HPV vốn có thể phòng ngừa được và ước tính có khoảng 5,000 đến 5,700 ca tử vong.
Tuy nhiên, một phân tích rủi ro-lợi ích thực sự cũng sẽ xem xét số lượng các biến cố bất lợi trầm trọng được ngăn chặn bằng cách tạm dừng chương trình [chích vaccine]. Câu hỏi vẫn còn đó: Nhật Bản nên thận trọng hay tiếp tục chương trình chích ngừa quốc gia?
Suy buồng trứng
Những lo ngại rằng vaccine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản đã được trình bày chi tiết trong tài liệu khoa học.
Vào năm 2014, Tạp chí Y học Điều tra đã công bố một loạt các ca bệnh được bình duyệt về suy buồng trứng sớm ở phụ nữ Úc sau khi chích vaccine HPV. Điều này đã khiến các nhà nghiên cứu khác kiểm tra dữ liệu VAERS một cách có hệ thống để xem liệu có mối liên quan nào giữa suy buồng trứng sớm và vaccine Gardasil hay không. Nghiên cứu của họ đã tìm thấy một “tín hiệu an toàn tiềm ẩn” và kết luận rằng “cần phải điều tra thêm.”
Phân tích VAERS về suy buồng trứng
Hai ấn phẩm gần đây dựa trên các báo cáo của VAERS (nghiên cứu thứ nhất, nghiên cứu thứ hai) cho thấy các biến cố có khả năng liên quan đến tự miễn dịch xảy ra thường xuyên hơn đáng kể sau khi chích vaccine HPV so với các loại vaccine khác.
Nhóm các nhà khoa học quốc tế thực hiện nghiên cứu thứ hai đã đánh giá các báo cáo từ năm 1990 đến 2018. Họ phát hiện ra rằng trong số 228,341 báo cáo suy buồng trứng sớm, 0.1% là có liên quan đến việc chích vaccine HPV với độ tuổi trung bình là 15 và thời gian khởi phát là 20.5 ngày sau chích ngừa. Các triệu chứng chính là vô kinh (80.4%) và mãn kinh sớm (15.3%).
Đáng chú ý nhất, số ca bị suy buồng trứng sớm trung bình tăng đáng kể từ 1.4 mỗi năm trước năm 2006 lên 22.2 mỗi năm sau khi FDA chấp thuận vaccine HPV, với tỷ suất báo cáo theo tỷ lệ là 46.
Các nhà điều tra lưu ý rằng WHO và CDC đã tuyên bố vaccine HPV an toàn mặc dù thiếu nghiên cứu đầy đủ về các vấn đề an toàn.
Ví dụ: Các tác giả lưu ý rằng trong một nghiên cứu VAERS do CDC tài trợ, 17 trường hợp suy buồng trứng sớm đã được xác định nhưng 15 trường hợp bị loại trừ do không đủ thông tin để xác nhận chẩn đoán. Một nghiên cứu quan sát riêng biệt sử dụng Vaccine Safety Datalink không tìm thấy nguy cơ gia tăng. Nhưng nghiên cứu này quá yếu để phát hiện tín hiệu [an toàn]. Ngoài ra, một nghiên cứu khảo sát cắt ngang sử dụng dữ liệu của National Health and Nutrition Examination Survey (NHANES) dựa trên chẩn đoán suy buồng trứng sớm và việc tự báo cáo chích vaccine HPV không chính xác.
Tóm lại, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một tín hiệu an toàn mạnh mẽ ngay cả sau khi tính đến khả năng gia tăng tiềm ẩn trong các báo cáo do phương tiện truyền thông đưa tin sau khi ra mắt sản phẩm (họ gọi đây là “sự thiên vị tai tiếng”).
Bởi vì VAERS là một báo cáo thụ động, dữ liệu có thể không đầy đủ và thường chưa được bác sĩ xác nhận. Do đó, nghiên cứu này không thể cung cấp mối liên quan chắc chắn giữa việc chích vaccine HPV và suy buồng trứng sớm nhưng đã tạo ra mối liên quan giả định.
Các tác giả của nghiên cứu thứ hai đưa ra kết luận khi nhấn mạnh rằng “…cần có nghiên cứu dịch tễ học phù hợp và được thiết kế tốt cho tín hiệu an toàn vaccine.” Họ lưu ý rằng “nếu có thể xác nhận tín hiệu [an toàn], rủi ro sẽ là nhỏ hơn so với nguy cơ ung thư cổ tử cung suốt đời”.
Tuy nhiên, hồ sơ lợi ích-rủi ro ở cấp độ cá nhân không đồng nhất.
Do tác động sức khỏe của suy buồng trứng sớm (một số trường hợp có thể sẽ không hồi phục) và tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đang giảm ngay cả trong thời kỳ tiền vaccine, hồ sơ lợi ích-nguy cơ của việc chích vaccine HPV vẫn chưa rõ ràng.
3 trường hợp báo cáo về suy buồng trứng
Trong cuộc điều tra năm 2014 được đề cập ở trên, một bác sĩ đa khoa ở Úc đã phát hiện thấy ba cô gái bị suy buồng trứng sớm sau khi chích vaccine HPV4. Kết quả của việc chích ngừa là ba cô gái (16 tuổi, 16 tuổi và 18 tuổi) đều đã được kê toa uống thuốc tránh thai để điều trị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường, phụ nữ có biểu hiện vô kinh (không có kinh) hoặc thiểu kinh (kinh không đều) là triệu chứng ban đầu của suy buồng trứng sớm.
Một cô gái có kinh nguyệt không đều sau [chích] ba liều vaccine HPV. Sau đó, cô bị vô kinh và được chẩn đoán bị suy buồng trứng sớm.
Một cô gái khác có kinh nguyệt đều đặn cho đến sau khi chích liều HPV thứ ba ở tuổi 15. Chu kỳ đầu tiên của cô sau khi chích lần thứ ba bị muộn hai tuần và chu kỳ tiếp theo trễ hai tháng. Chu kỳ cuối cùng là chín tháng sau đó. Bệnh nhân không có tiền sử gia đình mãn kinh sớm. Cô được chẩn đoán bị chứng suy buồng trứng sớm ở tuổi 16. Xét nghiệm cho thấy nồng độ hormone phù hợp với phụ nữ sau mãn kinh, nhưng mật độ khoáng xương của cô vẫn bình thường.
Các tác giả của loạt trường hợp này lưu ý rằng trong các nghiên cứu tiền lâm sàng về HPV4, những con chuột 5 tuần tuổi chỉ thụ thai một lứa và tất cả các nghiên cứu độc tính có sẵn dường như là trên hệ thống sinh sản của loài gặm nhấm đực. Tuy nhiên, chỉ có hai trong số ba liều được chích trước khi giao phối và khả năng sinh sản tổng thể là 95%, thấp hơn một chút so với chuột đối chứng (98%) không được chích ngừa trước khi giao phối. Các khuyến nghị về dung nạp liều dựa trên cân nặng trung bình là 50kg đối với một bé gái vị thành niên nhưng không tính đến việc chích HPV4 cho các bé gái từ 9 đến 13 tuổi, có cân nặng từ 28 đến 46 kg.
Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu của Đan Mạch không tìm thấy mối liên quan nào
Một nghiên cứu năm 2021 cũng đánh giá suy buồng trứng sớm trên gần 1 triệu phụ nữ Đan Mạch từ 11 đến 34 tuổi.
Tỷ lệ rủi ro đối với suy buồng trứng sớm (đã chích so với không chích HPV4) là 0.96.
Một hạn chế là không có dữ liệu về tuổi bắt đầu có kinh (lần hành kinh đầu tiên) và việc dùng thuốc tránh thai.
Tất nhiên, những cô gái chưa đến kỳ kinh nguyệt sẽ không có nguy cơ bị suy buồng trứng sớm.
Các tác giả đã loại trừ các bé gái dưới 15 tuổi trong một phân tích độ nhạy nhưng vẫn không tìm thấy tín hiệu nào, từ đó kết luận rằng không tìm thấy mối liên quan nào giữa việc chích HPV4 và suy buồng trứng sớm.
Phần 2 của loạt bài này đưa ra bằng chứng từ các nghiên cứu lớn và mối lo ngại về các biến cố thần kinh và tự miễn dịch gia tăng sau khi chích vaccine HPV.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times