Nghiên cứu: Vaccine HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh tự miễn
Trẻ em nữ được chích vaccine HPV 4 chủng có nguy cơ bị bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp 4.4 lần và nguy cơ bị bệnh nhiễm độc giáp cao gấp 2.9 lần.
Một nghiên cứu mới cho thấy vaccine 4 chủng virus u nhú ở người (qHPV) có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh tự miễn.
Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được công bố vào ngày 07/03 trên Tập san Vaccine cho thấy trẻ em nữ vị thành niên đã được chích ngừa có nguy cơ bị bệnh viêm khớp dạng thấp cao gấp 4.4 lần so với những người không được chích ngừa. Tương tự, phụ nữ vị thành niên được chích ngừa có nguy cơ bị bệnh viêm khớp vô căn ở trẻ vị thành niên cao hơn 2.76 lần.
Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ được chích vaccine qHPV có nguy cơ bị bệnh nhiễm độc giáp cao hơn 2.86 lần, và nguy cơ phát triển ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn (ITP) cao hơn 2.54 lần so với nhóm không được chích ngừa. Nhiễm độc giáp dẫn đến tăng nồng độ hormone tuyến giáp lưu hành trong máu và ITP là một rối loạn huyết học đặc trưng bởi số lượng tiểu cầu trong máu giảm thấp bất thường.
Chi tiết nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu đã sử dụng hồ sơ chích vaccine quốc gia ở Colombia và các dữ liệu chẩn đoán bệnh được quan tâm đặc biệt từ năm 2012 đến năm 2021 để đánh giá hồ sơ an toàn của vaccine HPV 4 chủng. Dữ liệu bao gồm 1,953,196 nữ thanh thiếu niên từ 9 đến 19 tuổi, vì đây là nhóm đối tượng mục tiêu được chích ngừa ngừa HPV.
Tất cả hồ sơ đều chứa ít nhất một bản ghi hoặc mã ICD-10 liên quan đến 33 bệnh tự miễn, thần kinh và huyết học bị nghi ngờ có liên quan đến vaccine qHPV và ba bệnh không liên quan đến vaccine.
Trong số 36 bệnh, các nhà nghiên cứu đã chọn 16 bệnh có liên quan thường xuyên hơn đến vaccine qHPV. Sau đó, họ so sánh các nhóm đã chích ngừa và chưa chích ngừa, đồng thời thiết lập khoảng thời gian theo dõi là 180 và 360 ngày sau khi chích ngừa dựa trên thời điểm một biến chứng cấp tính có thể liên quan một cách đáng tin cậy đến việc chích ngừa và các khoảng thời gian tương ứng được báo cáo trong tài liệu.
Để phân tích liều [vaccine] đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã so sánh mẫu 55,114 phụ nữ đã nhận ít nhất một liều vaccine qHPV trong thời gian nghiên cứu với 370,800 thanh thiếu niên chưa được chích ngừa và không có hồ sơ chích vaccine HPV.
Để phân tích liều thứ hai, các nhà nghiên cứu đã so sánh 35,801 phụ nữ đã nhận được ít nhất hai liều vaccine qHPV với 370,793 thanh thiếu niên chưa được chích ngừa.
Sau khi loại trừ sáu bệnh lý không có số ca bị bệnh tối thiểu trong mỗi đoàn hệ cần thiết để đánh giá tác động nhân quả, các nhà nghiên cứu còn lại 10 bệnh bao gồm viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vô căn ở trẻ vị thành niên, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, liệt Bell, ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, nhiễm độc giáp (hoặc bệnh Graves,) viêm tuyến giáp Hashimoto, các bệnh cường giáp khác, suy giáp và tiểu đường loại 1.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa 10 bệnh còn lại và phân tích dựa trên số liều nhận được và thời gian theo dõi. Đối với những người được chích ngừa nhiều hơn một liều, các nhà nghiên cứu đã sử dụng khoảng thời gian quan sát là 2,000 ngày để bảo đảm rằng họ thu thập được tất cả những người có lịch chích ngừa đầy đủ.
Kết quả cho thấy chích vaccine qHPV ảnh hưởng đến sự phát triển của 4 bệnh, bao gồm viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vô căn ở trẻ vị thành niên, ban xuất huyết giảm tiểu cầu và nhiễm độc giáp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết kết quả của họ nên được giải thích một cách thận trọng vì cần nghiên cứu thêm và những bệnh này có thể xảy ra trong cùng một quần thể mà không chích ngừa.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times