Bác sĩ Trung y chia sẻ cách trì hoãn và đảo ngược thoái hoá khớp gối
Cơ thể tuổi trung niên có thể nói lên muôn vàn điều thông qua các dấu hiệu như đau nhức. Cứng khớp, đau nhức, khó đi lại hoặc đứng lâu có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh thoái hóa khớp gối. Để giảm đau, một số bệnh nhân chọn thay khớp nhân tạo, tuy nhiên, họ vẫn có thể bị đau khớp lại sau một vài năm.
Bác sĩ Trịnh Thu Hà, trưởng Phòng khám Trung y Vĩnh Xương ở Đài Loan, đã chia sẻ những cách trì hoãn và đảo ngược quá trình thoái hóa khớp gối trong chương trình “Trung y cổ truyền: Quá khứ và hiện tại” của NTD Health, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times. Trong video, bà khuyên bạn nên sử dụng châm cứu, Trung y, tự bấm huyệt, các bài tập và liệu pháp ăn uống phù hợp để duy trì sức khỏe khớp gối lâu dài.
Nguyên nhân thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp xảy ra khi lớp sụn bảo vệ ở các đầu xương dần dần bị mài mòn, dẫn đến ma sát giữa xương với xương và gây đau.
Theo bác sĩ Trịnh, bên cạnh thoái hóa sụn, nhiều trường hợp lâm sàng liên quan đến tình trạng lỏng lẻo dây chằng trước khi xương mòn. Các cơ có thể co kéo quá mức để ổn định khớp, thu hẹp khoảng cách giữa các xương và tăng khả năng ma sát giữa xương với xương.
Bác sĩ Trịnh đã chia sẻ những phát hiện lâm sàng của bà, rằng việc thay khớp gối nhân tạo đơn thuần không thể bảo đảm sức khỏe lâu dài cho khớp. Một số người có thể bị đau lại 5 hoặc 10 năm sau khi thay khớp nhân tạo. Mặc dù xương không bị mòn nhưng gân và dây chằng vẫn có thể bị yếu và viêm.
Bác sĩ Trịnh nhấn mạnh rằng sự suy yếu gân và dây chằng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thoái hóa khớp, nên việc tăng sức mạnh trước khi chúng bị suy yếu hoàn toàn có thể làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược quá trình này. Cả việc tự rèn luyện và liệu pháp điều trị của các bác sĩ Trung y đều có thể giúp đạt được mục tiêu.
Năm phút mỗi ngày — Bấm ba huyệt để làm vững gân và dây chằng
Bác sĩ Trịnh khuyến nghị xoa bóp ba huyệt là Lương khâu (ST-34), Huyết hải (SP-10) và Phục thố (ST-32), mỗi huyệt 5 phút (hoặc lâu hơn nếu có thể). Điều này có thể giúp tăng sức mạnh gân và dây chằng, nhờ vậy duy trì được sức khỏe khớp gối.
Trung y xác định kinh mạch là con đường lưu thông của dòng năng lượng trong cơ thể. Có 12 kinh mạch tương ứng với 12 cơ quan nội tạng. Huyệt là những điểm cụ thể dọc theo kinh mạch có chức năng đặc biệt, và xoa bóp hoặc sử dụng châm cứu trên những điểm này có thể điều chỉnh và điều trị các bệnh lý của cơ quan có liên quan.
Bác sĩ Trịnh nói rằng các huyệt Lương khâu và Huyết hải nằm ở vị trí ba khoát ngón tay phía trên đầu gối, lần lượt từ mặt ngoài và mặt trong của đùi. Khi bấm nhẹ sẽ cảm thấy tức. Huyệt Phục thố nằm ở vị trí tám khoát ngón tay phía trên đầu gối, ở mặt trước của đùi. Có thể bấm nhẹ bằng các khớp ngón tay. Nếu phát hiện điểm căng tức, chứng tỏ có ứ trệ năng lượng.
Trong Trung y, khí được coi là một chất cần thiết để duy trì các hoạt động sống. Cơ thể khỏe mạnh khi khí lưu thông thông suốt. Nếu khí đình trệ sẽ có thể dẫn đến bệnh tật. Khí và huyết phụ thuộc lẫn nhau và nuôi dưỡng các cơ quan.
Bác sĩ Trịnh giải thích rằng trong Trung y, “sự ứ trệ gây ra đau đớn.” Bằng cách khai mở tại các điểm đau, lưu thông máu tăng lên sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn cho các cơ tại chỗ, làm mạnh gân và dây chằng của khớp.
Mười phút mỗi ngày — Hai bài tập không trọng lượng
Bác sĩ Trịnh cũng đề xuất hai bài tập làm khỏe cơ và gân, cả hai đều được thực hiện khi nằm trên một mặt phẳng. Đây là những bài tập không mang trọng lượng giúp tránh áp lực cho khớp gối.
1. Bài tập ôm đầu gối
Phương pháp:
- Nằm ngửa với đầu gối gập và bàn chân đặt trên mặt đất.
- Nâng một đùi vuông góc với mặt đất, dùng tay giữ ổn định đùi, sau đó nâng bắp chân lên cao hết mức có thể, duỗi thẳng đầu gối.
- Hạ chân xuống.
Lặp lại 100 lần trên mỗi chân trong khoảng 10 phút mỗi ngày. Bạn có thể bắt đầu với 10 hoặc 20 lần lặp lại và dần dần đạt được mục tiêu của mình.
Lợi ích: Làm mạnh cơ tứ đầu và hỗ trợ đầu gối.
2. Bài tập kéo giãn
Phương pháp:
- Nằm thẳng với đầu gối gập
- Đưa hai cẳng chân càng sát mông càng tốt
- Giữ mắt cá chân bằng tay và nâng cao hông. Thực hiện bài tập này trong khoảng 10 phút mỗi ngày.
Lợi ích: Kéo căng cơ tứ đầu đùi.
Lời khuyên cho người bệnh xương khớp
Bác sĩ Trịnh, 62 tuổi, đã chia sẻ kinh nghiệm phục hồi bệnh thoái hóa khớp của chính bà nhờ châm cứu, xoa bóp và tập thể dục thường xuyên.
Bà cho biết đã bắt đầu bị đau đầu gối trước khi bước sang tuổi 50, vì vậy bà đã tự châm cứu hàng ngày trong hơn 5 năm. Giờ đây, khớp gối của bà rất khỏe mạnh. Trong những năm qua, bà tiếp tục tập thể dục và thường xuyên tham gia các hoạt động như đi bộ đường dài, chơi cầu lông và bơi lội.
Bà đưa ra những lời khuyên sau đây cho bệnh nhân bị thoái hoá khớp:
- Duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng để giảm gánh nặng cho khớp.
- Giữ ấm và bảo đảm máu lưu thông tốt.
- Tránh ngồi, đứng hoặc đi bộ lâu.
- Tập luyện phù hợp. Đừng ngại cử động khớp khi cảm thấy đau. Đau có nghĩa là khớp của bạn yếu và cần được củng cố.
- Thực hiện các bài tập không mang trọng lượng và tránh các tư thế nửa ngồi xổm, ngồi xổm hoàn toàn hoặc quỳ, cũng như các bài tập bật nhảy quá mạnh.
- Tránh nâng vật nặng và hạn chế hoạt động chi dưới càng nhiều càng tốt. Sử dụng các thiết bị trợ giúp hoặc tư thế bảo vệ đầu gối, hạn chế tối đa việc lên xuống cầu thang, tránh đi giày cao gót.
Duy trì sức khỏe đầu gối bằng liệu pháp ăn uống dồi dào calcium
Khi xương thoái hóa sẽ xảy ra tình trạng mất calcium. Bác sĩ Trịnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung calcium để làm giảm và đẩy lùi quá trình thoái hóa khớp. Thực phẩm chứa rất nhiều calcium bao gồm sữa, phô mai, đậu hũ, đậu khô, rau bina và tảo bẹ.
Cá cơm là nguồn cung cấp calcium hiệu quả nhưng lại chứa hàm lượng cholesterol cao. Bác sĩ Trịnh đề nghị hạn chế lượng tiêu thụ hàng ngày, tối đa là hai muỗng canh. Sườn heo và trứng cũng cung cấp nhiều calcium, nhưng cũng có hàm lượng cholesterol cao hơn, vì vậy những người có lượng cholesterol hoặc mỡ trong máu cao nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải.
Bác sĩ Trịnh cho biết Trung y tin rằng ăn nhiều thực phẩm có tính acid sẽ thúc đẩy bệnh loãng xương, vì vậy, đặc biệt đối với những người bị thoái hóa khớp, cần hạn chế tối đa việc ăn phô mai, đồ uống có acid lactic và các thực phẩm có tính acid khác. Ngoài ra, cà phê ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ calcium và sắt, có thể làm tăng nguy cơ loãng xương. Thỉnh thoảng uống rượu cũng được, nhưng không uống quá nhiều để tránh tổn thương khớp.
Ngoài ra, những người có khớp nhạy cảm với lạnh hoặc gió nên tránh thực phẩm lạnh dưới nhiệt độ cơ thể. Bạn cũng nên ăn trái cây điều độ.
Bồi bổ và bảo vệ xương khớp bằng canh sườn heo với Cốt toái bổ
Bác sĩ Trịnh cũng đề nghị một liệu pháp ăn uống là canh heo với Cốt toái bổ để nuôi dưỡng và bảo vệ các khớp, ngăn ngừa loãng xương.
Thành phần:
- 300g (10.58 ounce) sườn heo đã làm sạch
- 20g (0.70 ounce) Cốt toái bổ
- Khoảng 1.200ml (40.57 fl ounce) nước
Hướng dẫn:
- Cho sườn heo và thảo dược vào nước.
- Đun sôi rồi hạ lửa nhỏ đun đến khi sườn chín mềm.
- Dùng một đến hai bát canh hàng ngày.
Bác sĩ Trịnh cho biết thảo dược Cốt toái bổ có thể củng cố thận và xương, tăng hấp thụ calcium, làm chậm quá trình thoái hóa khớp và ngăn ngừa loãng xương. Người ăn chay có thể dùng nấm đầu khỉ thay cho sườn heo.
Đại Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times